Một trong những nguyên nhân gây tử vong mẹ là do nạo phá thai không an toàn nhất là các nước đang phát triển. Tỷ lệ chết do nạo hút thai hợp pháp ở Mỹ là 1,4/100.000 trường hợp, còn đối với các nước đang phát triển là 50-100/100.000 [15]. Tai biến do nạo hút thai bất hợp pháp là nguy cơ chủ yếu và đáng quan tâm đối với sức khoẻ phụ nữ, vì 4-7% tử vong mẹ do nguyên nhân này. Hàng năm ở các nước đang phát triển có 30-55 triệu trường hợp nạo hút thai, với gần một nửa là bất hợp pháp [10]. Một nghiên cứu ở cộng đồng còn cho thấy số người chết do nạo hut thai có biến chứng chiếm tới 17% tổng số tử vong mẹ ở Cordoba (Argentina), 18% ở Bangladesh, 29% ở Addis Abeba (Ethiopia) và 7% ở Indonesia [15]
Trong 352 trường hợp nạo hút thai ở Canada (1975-1980) có khoảng 3% số trường hợp nạo hút thai hợp pháp có hơn một tai biến sớm. Nguy cơ tai biến sớm tăng lên theo thời gian mang thai, nạo hút thai từ 13 tuần trở lên có nguy cơ 10 lần lớn hơn so với dưới 13 tuần [11]. Trong 805 trường hợp nạo hút thai hợp pháp ở Mỹ (1/1972-6/1979), có 159 trường hợp (20%) bị các tai biến tâm thần và thể trạng nghiêm trọng [9]. Theo tài liệu của WHO (1991), một trong nguyên nhân gây tai biến nạo hút thai là do thiếu các dịch vụ chăm sóc thai nghén, các dịch vụ chăm sóc SKSS. Thảm hoạ tử vong mẹ là sự thật nhưng vẫn có thể phòng chống được nếu có sự quản lý và chăm sóc thai nghén đúng đắn (WHO, 2005) [14].
Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 đã quy định “ Phụ nữ được quyền nạo phá thai theo nguyện vọng”. Người có nhu cầu nạo thai, hút điều
hòa kinh nguyệt không cần phải có các thủ tục bắt buộc như trước đây và được tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng. Chính sách không khuyến khích nạo phá thai mà tập trung vào tuyên truyền và tư vấn để ngăn chặn có thai ngoài ý muốn.
Nguyên nhân dẫn tới nạo phá thai xuất phát là chưa hiểu biết kỹ càng các biện pháp tránh thai, không được tư vấn kỹ trước khi sử dụng. Nạo hút thai là một biện pháp để giải quyết có thai ngoài ý muốn chứ nó không được coi là một phương tiện để giảm mức sinh trong các chương trình về kế hoạch hóa gia đình. Vấn đề nạo hút thai liên quan nhiều tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ, chẳng hạn các hậu quả có thể dẫn đến như vô sinh, băng huyết, viêm nhiễm và tai biến khi nạo, hút thai.
Hội nghị quốc tế về dân số tại Cairo cho rằng: nạo hút thai không được coi là biện pháp kế hoạch hóa gia đình trong bất kỳ trường hợp nào. Hội nghị cũng đã kêu gọi chính phủ của tất cả các nước xử lý vấn đề nạo thai không an toàn như là một vấn đề lớn của y tế cộng đồng và giảm nguồn lực cho nạo thai.
Ở Việt Nam, vấn đề này đã được các nhà kế hoạch hóa gia đình thực hiện. Gần đây, dịch vụ nạo hút thai không còn được miễn phí . Song tỷ lệ nạo hút thai vẫn không giảm mà luôn luôn có số lượng cao hơn số sinh.
Một nguyên nhân của nạo, hút thai ngoài ý muốn là do rủi ro của các biện pháp tránh thai. Bên cạnh đó, những trường hợp nạo, hút thai khác đang phản ánh một thực trạng là phụ nữ là nạn nhân bị lợi dụng về tình dục nhất là những cô con gái trẻ thiếu những kiến thức về các biện pháp tránh thai cũng như kinh nghiệm trong cuộc sống. Xu hướng tình dục hóa tình yêu đã xuất hiện. Nó thể hiện một áp lực vô hình trong quan hệ tình cảm của người nam đối với nữ. Nam giới đã thể hiện quyền quyết định của họ trong quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Một trong những nguyên nhân nữa là do lối sống truyền thống của người Á Đông và do nhận thức chưa được đầy đủ về quy mô gia đình nhỏ, đồng thời cũng do chưa tuyên truyền, phổ biến rộng khắp về tác dụng, tính ưu việt của các biện pháp tránh thai như là một phương pháp kế hoạch hóa gia đình, cho nên hiện nay Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nạo, hút thai cao nhất châu Á và là một trong 10 quốc gia có số phụ nữ nạo hút thai cao nhất thế giới.
Trong 5 năm trở lại đây, theo con số thống kê của Trung tâm y tế các huyện tại tỉnh Vĩnh Phúc thì số ca đến Trung tâm thực hiện nạo, hút thai không nhiều nhưng có chiều hướng giảm hơn những năm trước đây.
Đồng thời, qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ phá thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hầu hết là ở giai đoạn sớm của thai nhi (< 7 tuần) (77,9% - 88,7%). Tỷ lệ phá thai từ 12 tuần trở lên chiếm tỷ lệ khá thấp (0,5 – 1,4%). Khi phân tích từ năm 2008-2010, kết quả cho thấy tỷ lệ phá thai tăng cao hơn ở năm 2010 (14,5%) và có xu hướng giảm dần từ năm 2011, 2012. Điều này cho thấy, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai đã mang lại hiệu quả rõ rệt.