Quan điểm vận dụng BSC tại Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG BẢNG ĐIỂM CÂN BẰNG (BALANCED SCORECARD) TRONG ĐÁNH GIÁ THÀNH QUẢ HOẠT ĐỘNG TẠI HỌC VIỆN NGÂN HÀNG - PHÂN VIỆN PHÚ YÊN.PDF (Trang 71)

BSC là mô hình quản lý nhằm kết nối các mục tiêu với chiến lược thực hiện và có tính chất tự hoàn thiện vì mục tiêu phát triển của tổ chức. Ngoài ra nó còn cung cấp những thông tin cập nhật liên quan đến tình hình hoạt động hiện nay và tương lai khá chính xác. Do vậy, tính ứng dụng của nó trong việc đo lường thành quả hoạt động của nhà trường là điều có thể thực hiện được và có độ tin cậy cao. Nếu được áp dụng triệt để thì BSC không chỉ tạo ra những kết quả cụ thể mà còn tạo ra một sự cân đối lâu dài cho nhà trường bởi vì nó cân đối những mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, cân đối giữa các quyền lợi nội bộ và quyền lợi của HSSV.

Hiện tại, cách đánh giá thành quả hoạt động trong công tác quản lý, đào tạo của Phân viện chưa thực sự hiệu quả vì thiếu các thước đo phù hợp. Chính vì vậy, Phân viện cần xây dựng hệ thống đo lường thành quả hoạt động phù hợp hơn để có thể đánh giá thành quả hoạt động của mình chính xác hơn, đồng thời có các biện pháp khắc phục những mặt tồn tại. Việc xây dựng hệ thống đo lường càng có ý nghĩa hơn khi nhà trường mở rộng qui mô hoạt động.

Mặc dù được thiết kế cho lĩnh vực kinh doanh, có thể khẳng định BSC cũng là mô hình hữu hiệu nhằm quản lý trường đại học một cách có hiệu quả cao trong thời đại toàn cầu hóa. Xuất phát từ tính thiết thực cũng như sự vận dụng BSC đã mang đến thành công cho nhiều tổ chức trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, tác giả nghĩ rằng đó sẽ là giải pháp tốt nhất giúp Phân viện Phú Yên biến chiến lược thành hành động để thực hiện thành công chiến lược, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu của trường đối với người học, với thị trường lao động và xã hội.

Trên thực tế, BSC là một công cụ rất khó áp dụng vì nó đòi hỏi sự đồng tâm của toàn tổ chức và rất tốn kém thời gian trong việc triển khai. Thêm nữa là công cụ này còn khá mới đối với các tổ chức ở Việt Nam. Tài liệu trong nước viết về BSC chưa nhiều, nhất là về lĩnh vực giáo dục, nên việc nghiên cứu vận dụng BSC để đo lường thành quả hoạt động của Phân viện cũng gặp phải nhiều trở ngại. Tác giả đã cố gắng vận dụng lý thuyết này để Phân viện Phú Yên đánh giá thành quả hoạt động của mình năm 2013.

Thế nhưng, BSC không phải là mô hình có thể áp dụng chung cho tất cả mọi cơ sở giáo dục, vì vậy việc vận dụng nó phải tùy thuộc vào đặc điểm cơ sở vật chất, nguồn lực, tài chính, tôn chỉ và mục đích hoạt động của từng trường.

Với những điểm yếu hiện có của Phân viện như đã đề cập ở phần mở đầu, việc vận dụng BSC nhất thiết phải được triển khai với các yêu cầu sau:

 Phù hợp với đặc điểm hoạt động của Phân viện, đặc biệt cần chú ý đến mức độ và khả năng tự chủ của Phân viện trong quản lý và tổ chức đào tạo, mức độ ứng dụng công nghệ và ảnh hưởng xã hội.  Có lộ trình xây dựng và triển khai vận dụng BSC từ đơn giản đến

phức tạp, từ chưa đầy đủ đến đầy đủ.

 Đảm bảo sự cân đối giữa lợi ích nhận được và chi phí bỏ ra khi vận dụng BSC tại Phân viện.

Trong nghiên cứu này, tác giả chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện các chỉ tiêu đo lường thành quả hoạt động được xây dựng dựa trên đặc điểm hoạt động cụ thể của Phân viện với những ưu điểm và nhược điểm đã phân tích trong chương 2. Tuy nhiên, sự thay đổi của môi trường hoạt động có thể dẫn đến sự thay đổi một số mục tiêu và thước đo trong BSC. Sự thay đổi này là cần thiết và cũng là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo.

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG BẢNG ĐIỂM CÂN BẰNG (BALANCED SCORECARD) TRONG ĐÁNH GIÁ THÀNH QUẢ HOẠT ĐỘNG TẠI HỌC VIỆN NGÂN HÀNG - PHÂN VIỆN PHÚ YÊN.PDF (Trang 71)