Thảo luận kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU MỐI QUAN HỆ GIỮA CHIỀU SÂU TÀI CHÍNH VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA CÁC QUỐC GIA ĐANG PHÁT TRIỂN Ở CHÂU Á.PDF (Trang 46)

5. KẾT LUẬN

5.2 Thảo luận kết quả nghiên cứu

Một lần nữa phải nhắc lại rằng, Châu Á là khu vực có nền kinh tế đang trên đà phát triển sôi động nhất trên thế giới. Phần lớn các quốc gia ở khu vực này là các quốc gia đang phát triển, với có tốc độ gia nhập, thay đổi và phát triển thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung rất mạnh mẽ trong 2 thập kỷ gần đây. Vậy tại sao kết quả nghiên cứu lại chỉ ra rằng chiều sâu tài chính không (hoặc chưa) tác động tích cực và rõ nét đến tăng trưởng kinh tế theo như lý luận tăng trưởng và một số thực nghiệm trước đây. Bỏ qua các hạn chế về số liệu, mô hình và phương pháp nghiên cứu, tác giả cho rằng có thể tìm những lý do giải thích như sau:

 Giai đoạn đầu của thập niên 1990, phần lớn các quốc gia đang phát triển tại Châu Á ở xuất phát điểm khá thấp do những bất ổn về chính trị (nội chiến,

các nước vùng Trung Á tách khỏi Liên bang Xô viết, một số nước thuộc địa tách ra hình thành chính phủ độc lập), cơ chế chính sách bao cấp và đóng cửa thị trường (tại Việt Nam, Trung Quốc…), tỷ lệ lạm phát phi mã và nền kinh tế chưa kịp hồi phục sau các cuộc khủng hoảng đầu thập kỷ 90, mức thu nhập bình quân đầu người rất thấp, sản xuất công nghiệp và dịch vụ lạc hậu, hệ thống quản lý và độ mở cửa thị trường còn yếu kém. Ngay cả các quốc gia lớn như Trung Quốc, Ấn Độ trong thời gian này cũng mới thực hiện các cải cách kinh tế, khuyến khích kinh tế tư nhân, mở cửa thị trường nói chung và từng bước xây dựng, củng cố hệ thống tài chính. Với nền tảng như vậy, khả năng đạt được một hệ thống tài chính bền vững, chất lượng trong thời gian ngắn là rất khó khăn.

 Dù bức tranh phát triển chung của nền kinh tế Châu Á trong các năm qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, ngoại trừ một số ít những quốc gia đã ổn định và trở thành trung tâm tài chính quốc tế như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc, thì đa phần các quốc gia vẫn đang tiếp tục trong quá trình hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường tài chính bao gồm các hệ thống pháp luật quản lý, cơ quan quản lý giám sát, hình thức chế tài, phòng ngừa rủi ro, gia tăng chất lượng đầu tư và dịch vụ…. Những yếu tố chất lượng này không được phản ánh nhiều trong chỉ số cung tiền hay tiền quasi. Hơn nữa, tỷ lệ tín dụng phân bổ cho khu vực tư nhân đều có xu hướng tăng trưởng cao, thậm chí là tăng trưởng nóng qua các năm nhưng nợ xấu cũng luôn làm đau đầu hầu hết các ngân hàng Châu Á. Xuất khẩu chững lại, các ngân hàng trung ương mở van bơm tiền, khiến nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng vọt. Trung Quốc là ví dụ điển hình nhất cho việc dựa vào nợ để thúc đẩy tăng trưởng, và mô hình này đã được tái sử dụng khắp Châu Á. Bùng nổ tín dụng lên tới 2.700 tỷ USD cách đây hai năm ở hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã đẩy lãi suất huy động lên cao, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và châm ngòi cho các vụ vỡ nợ.

 Quá trình mở cửa, tự do hóa tài chính của các quốc gia Châu Á trong những năm vừa qua cũng không thể tránh được những mặt trái như gia tăng rủi ro và tính bất ổn của nền kinh tế, hình thành những bong bóng tài sản ví dụ như bong bóng chứng khoán, bong bóng bất động sản, bong bóng tài chính. Hơn nữa trong 2 thập kỷ gần đây, các quốc gia Châu Á đều trực tiếp chịu ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 bắt nguồn từ Thái Lan, cuộc khủng hoảng ngân hàng và nợ công bắt nguồn từ châu Âu năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, kéo theo rất nhiều hậu quả về lạm phát, nợ xấu và làm suy thoái nền kinh tế qua nhiều năm. Trong rất nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khi các quốc gia trải qua khủng hoảng hoặc biến động kinh tế thì không quan sát được ảnh hưởng của chiều sâu tài chính lên tăng trưởng kinh tế.

 Ở nhiều quốc gia đang phát triển tại Châu Á, cung tiền mở rộng nhằm thực hiện chính sách điều tiết của chính phủ như là các gói nới lỏng định lượng dưới dạng các khoản cho vay nhằm kích thích, phục hồi nền sản xuất sau suy thoái. Do đó, cung tiền trong trường hợp này thể hiện như một công cụ vĩ mô hơn là phản ánh chiều sâu thực của hệ thống tài chính. Mặc dù M2 tính theo phần trăm GDP tăng đều đặn ở Việt Nam, nó không thể hiện xu thế nào ở Thái Lan hay Indonesia. Điều này phản ánh chính sách tiền tệ bảo thủ hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á ở những nước này hơn là phát triển tài chính. Hoặc các khoản vay cho khu vực tư nhân theo phần trăm GDP là thước đo độ sâu tài chính tốt hơn, nhưng mối quan hệ cũng không hoàn hảo. Mức tín dụng cao cho khu vực tư nhân có thể đơn giản chỉ phản ánh bong bóng tài sản, các cuộc bùng nổ tín dụng nóng hay hệ thống các chế tài qui định không đầy đủ, như ở Việt Nam giai đoạn 2007-2008, Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ….

Tất cả những nguyên nhân ở trên có thể khiến cho chiều sâu tài chính của các quốc gia đang phát triển tại Châu Á trong những năm vừa qua chưa thực sự mang lại hiệu quả như lý thuyết tăng trưởng. Ở một số quốc gia, chiều sâu tài chính vẫn

còn thấp (tỷ lệ M2 trên GDP hiện chỉ đạt hơn 30% ở một số quốc gia như Armenia, Campuchia, Lào, Myanmar, Kazakhstan…). Sự yếu kém trong cơ chế quản lý, rủi ro khi gia nhập nền kinh tế thế giới, tác động của khủng hoảng tài chính, gia tăng các chỉ số chiều sâu tài chính nhằm phục vụ cho chính sách quản lý vĩ mô và đồng thời kéo theo các rủi ro ở những lĩnh vực khác … đã khiến cho chiều sâu tài chính không phản ánh được sức khỏe đầy đủ của một nền tài chính tốt. Sự khác biệt giữa chiều sâu tài chính và bền vững tài chính thực sự vẫn đang ở khoảng cách khá xa.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU MỐI QUAN HỆ GIỮA CHIỀU SÂU TÀI CHÍNH VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA CÁC QUỐC GIA ĐANG PHÁT TRIỂN Ở CHÂU Á.PDF (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)