5. KẾT LUẬN
5.1 Tóm tắt kết quả nghiên cứu chính
Bằng cách quan sát dữ liệu 30 quốc gia đang phát triển tại Châu Á trong khoảng thời gian 18 năm từ 1994 đến 2011, áp dụng các phương pháp hồi quy Pooled OLS thông thường và phương pháp hồi quy FEM và REM của dữ liệu bảng,
tác giả tìm thấy mối quan hệ nghịch biến (mặc dù tỷ lệ nghịch biến không cao) giữa tăng trưởng kinh tế và chiều sâu tài chính. Tỷ lệ tăng trưởng GDP thực bình quân đầu người không nhận được ảnh hưởng tích cực từ việc gia tăng tỷ lệ cung tiền mở rộng M2, tiền (M2-M1) hay tỷ lệ tín dụng khu vực tư nhân. Hệ số của các biến tài chính trong tất cả các mô hình và phương pháp ước lượng đều cho giá trị âm. Kết quả này trái ngược với kỳ vọng ban đầu của tác giả khi đặt vấn đề nghiên cứu.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này phù hợp với trường phái nghi ngờ về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chiều sâu tài chính đã được chứng minh thực nghiệm qua nhiều bài nghiên cứu trước đây như Lucas (1988) , Demetriades và Hussein (1996), Rousseau và Wachtel (2005, 2007), Loayza và Ranciere (2006), Hasan, Koetter, Lensink và Meesters (2009), Dabos và Gantman (2010)… Trong nghiên cứu của Shan và Morris (2002) cũng kết luận rằng phát triển tài chính tự bản thân nó không nhất thiết tạo ra tăng trưởng kinh tế, ngoại trừ khả dĩ rằng khi mức phát triển tài chính vượt quá một ngưỡng như tại nhiều quốc gia phương tây. Các nghiên cứu trước đó của Arestis và Demetriades (1997), và Demetriades và Hussein (1996) đã cho rằng tương quan thuận giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế tùy vào từng quốc gia cụ thể và có khả năng bị ảnh hưởng bởi những khác biệt trong cơ cấu kinh tế và các đặc trưng thể chế.