Biện pháp phát huy tính tích cực

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học dự án về ứng dụng kĩ thuật chương dòng điện xoay chiều vật lí 12 THPT (Trang 34)

8. Cấu trúc đề tài

1.2.3.2.Biện pháp phát huy tính tích cực

Các biện pháp nhằm góp phần phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh rất đa dạng, theo Thái Duy Tuyên, các biện pháp có thể được tóm tắt như sau [34]:

*/ Nhóm biện pháp cho các thầy giáo đứng lớp

Nhóm biện pháp này rất quan trọng vì nó tác động trực tiếp đến học sinh và về thời gian thì dạy học chiếm hơn 80% hoạt động của nhà trường. Nó rất phong phú, đa dạng bao gồm một số vấn đề sau:

- Giác ngộ ý thức học tập, kích thích tinh thần trách nhiệm và hứng thú

học tập của các em bằng cách nói lên ý nghĩa lý thuyết và thực tiễn ,tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu.

- Kích thích hứng thú qua nội dung. Đây là biện pháp mà các thầy giáo hay sử dụng nhất. Tùy thế mạnh của từng môn học mà cách kích thích hứng thú sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, muốn kích thích được hứng thú của học

sinh thì nội dung phải mới, nhưng cái mới ở đây không phải là một cái gì quá xa lạ với các em, mà cái mới phải liên hệ và phát triển cái cũ, phát triển những kiến thức và kinh nghiệm mà các em đã có, phải gắn liền với cuộc sống hiện tại và sự phát triển tương lai của các em. Ngoài ra, kiến thức phải có tính thực tiễn, gần gũi với sinh hoạt và suy nghĩ hàng ngày, phải thoả mãn nhu cầu nhận thức và thực tiễn của các em.

- Kích thích hứng thú qua PPDH. Cùng một nội dung như nhau nhưng bài học diễn ra có hứng thú không, có để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn các em không thì phụ thuộc rất lớn vào phương pháp dạy học, sự nhạy cảm, và tài năng sáng tạo của người thầy.

Để tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh phải dùng nhiều phương pháp trong dạng phối hợp với nhau, nhưng những phương pháp có tác dụng tốt nhất trong việc tích cực hoá hoạt động nhận thức là: DHDA, dạy học nêu vấn đề, thí nghiệm, thực hành, sử dụng các phương tiện hiện đại, thảo luận, tự học, trò chơi học tập...

- Sử dụng các phương tiện dạy học, đặc biệt là những phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại. Đây là biện pháp hết sức quan trọng nhằm THPT tính tích cực của học sinh và giúp nhà trường đưa chất lượng dạy học lên một tầm cao mới.

- Sử dụng các hình thức tổ chức dạy học khác nhau: cá nhân, nhóm, tập thể lớp...; làm việc trong vườn trường, xưởng trường, phòng thí nghiệm,... tổ chức tham quan, các hoạt động nội khoá, ngoại khoá đa dạng.

Việc tổ chức cho các em xâm nhập thực tế, tham gia các hoạt động xã hội là hết sức quan trọng, có tác dụng rất tốt trong việc tạo nên những động lực học tập lành mạnh và tính tích cực học tập.

Ngoài ra, có thể phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh qua nhiều biện khác như:

• Thầy giáo, bạn bè động viên, khen thưởng khi có thành tích học tập tốt;

• Luyện tập dưới các hình thức khác nhau, vận dụng kiến thức vào thực tiễn các tính huống mới;

• Kích thích tính tích cực qua thái độ, cách ứng xử giữa thầy giáo và học sinh;

• Phát triển kinh nghiệm sống của học sinh trong học tập;

• Kiểm tra, đánh giá chính xác và công bằng có tác dụng rất quan trọng đến việc phát huy tính tích cực của học sinh.

*/ Nhóm biện pháp phát huy tính tích cực thông qua các hoạt động giáo dục

Nhóm biện pháp này thường được triển khai qua các sinh hoạt tập thể lớp, sinh hoạt đoàn, đội, qua các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường như tham quan, cắm trại, tổ chức sinh hoạt văn nghệ hay các buổi giao lưu, tổ chức tham gia các đội thanh niên tình nguyện.

Trong các tập thể tốt các buổi sinh hoạt này nếu được tổ chức khéo léo sẽ là dịp tốt để tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thân ái giữa các em, là dịp để củng cố tình đoàn kết và niềm tự hào đối với nhà trường, là cơ sở xã hội để động viên tinh thần học tập và xây dựng động lực học tập lành mạnh trong học sinh vì danh dự nhà trường vì lợi ích của đất nước, xã hội.

*/ Nhóm biện pháp thông qua tác động của gia đình

Ngoài tình máu mủ, cha mẹ, anh chị cũng là những người thầy, người bạn gần gũi nhất đã nuôi dạy các em từ thủa mới lọt lòng nên được các em thương yêu, tin cậy. Vì vậy, lời khuyên của cha mẹ, anh chị có ảnh hưởng rất lớn đến con cái.

Ngoài ra, lớn lên trong gia đình, văn hoá gia đình, bầu không khí đạo đức gia đình đã thấm vào trong ý thức cũng như sinh hoạt, lối sống của các em. Có những em khi bị điểm kém đã có cảm giác buốt tận sống lưng. Cái

cảm giác ấy thường chỉ nẩy sinh ở những em có tinh thần trách nhiệm học tập rất cao và xuất thân trong những gia đình coi trọng sự học.

Ngoài gia đình nhỏ còn có gia đình lớn: ông, bà, chú, bác, cô, gì... bà con nội ngoại và họ tộc cũng có tác dụng to lớn đến tinh thần và ý thức học tập.

Gia đình cũng là nơi bồi dưỡng, tạo điều kiện để các phẩm chất nhân cách của các em được phát toàn diện: trí tuệ, tâm hồn, ý chí, xúc cảm, thể lực... làm nền cho tính tích cực nhận thức phát triển ở mức độ cao và bền vững.

*/ Nhóm biện pháp do xã hội tác động

Xã hội có tác động rất to lớn đến tinh thần, ý thức học tập của các em. Ở tầm vĩ mô, xã hội xác định mục đích dạy học đó là mô hình nhân cách mà toàn bộ hoạt động của nhà trường phải hướng tới. Trong xã hội hiện đại, trong điều kiện toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế thế giới hiện nay "đào tạo con người tích cực, năng động, sáng tạo" là yêu cầu, là nhiệm vụ chính trị mà xã hội đặt ra trước nhà trường.

Ở cấp độ vi mô: ở các địa phương, trong các nhà trường với các tổ chức, các tế bào của nó, "đào tạo con người tích cực, chủ động, sáng tạo" là tư tưởng chủ đạo, bao trùm mọi hoạt động của nhà trường. Đó là cơ sở xã hội cho việc tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh.

Theo chúng tôi những biện pháp trên không phải có giá trị như nhau. Tùy từng trường hợp, từng điều kiện cụ thể mà xác định những biện pháp nào là quan trọng nhất. Thí dụ, trong nhà trường thì những biện pháp do các thầy giáo đứng lớp tác động là trực tiếp, nhanh chóng và có hiệu quả nhất. Đồng thời người thầy cần phối hợp chặt chẽ với các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường, với gia đình và xã hội để việc giáo dục tính tích cực được hoàn thiện và bền vững. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học dự án về ứng dụng kĩ thuật chương dòng điện xoay chiều vật lí 12 THPT (Trang 34)