1.2.4.1. Đường xâm nhập.
Đường hô hấp: Đây là con đường hấp thu chủ yếu do hít phải bụi và hơi chì. Sự xâm nhập qua đường hô hấp của chì phụ thuộc vào kích thước hạt bụi chì, vị trí được giữ lại trên đường hô hấp và tính tan của các hợp chất trong bụi chì.
Đường tiêu hóa: Sự hấp thu của chì qua đường tiêu hóa khác nhau giữa các cá thể, phụ thuộc vào tuổi, thể chất, tình trạng dinh dưỡng của cơ thể, tình trạng đường tiêu hóa.
Đường da: Chì thấm qua da và đi vào máu. Các muối vô cơ của chì không dễ thấm qua da lành nhưng các muối hữu cơ thâm nhập một cách đáng kể. Khi nhiệt độ và độ ẩm da tăng chì cũng thấm qua nhiều và nhanh hơn. Đây cũng là con đường xâm nhập chủ yếu của chì vào cơ thể khi sử dụng kem dưỡng da.
1.2.4.2. Dược động học .
Chì lắng đọng nhiều nhất tại xương, khoảng 90-95% và dưới dạng muối triphosphat không tan. Ở dạng này chì không gây độc. Tuy nhiên, trong tình trạng cơ thể nhất định, chì trong kho dự trữ từ xương sẽ chuyển vào máu dưới dạng phân ly có độ hòa tan cao gấp hàng trăm lần chì phosphat và gây độc .
Trong các mô mềm, chì có nhiều ở não, thận và tủy xương. Khi xâm nhập vào cơ thể, chì gắn với albumin của máu tạo thành albuminat chì. Trong máu, chì đặc biệt gắn nhiều nhất ở hồng cầu, phần còn lại gắn vào huyết tương, hoặc khuếch tán và đi đến các nơi trong cơ thể .
Đặc tính của chì là sau khi xâm nhập vào cơ thể, nó rất ít bị đào thải ra ngoài. Con đường đào thải chính là qua đường tiết niệu và tiêu hóa. Lượng đào thải qua nước tiểu đặc biệt quan trọng và phụ thuộc nhiều vào tình trạng chức năng thận. Ngoài ra còn đường tóc, móng, kinh nguyệt và sữa .
1.2.4.3. Tác hại đối với con người .
Chì và các hợp chất của chì tích lũy và gia tăng trong cơ thể đến một mức nào đó sẽ gây ảnh hưởng đến các quá trình trong sinh học và các cơ quan trong cơ thể con người. Tính nguy hiểm đặc biệt của nó là ở chỗ khó có phương tiện cứu chữa nếu bị nhiễm độc lâu dài. Trẻ em chịu ảnh hưởng của chì nặng nề hơn người lớn. Những tác hại chì gây ra cho cơ thể là:
Trên hệ tạo máu:
Ức chế tổng hợp HEM, rối loạn tổng hợp globulin, sản sinh tế bào hồng cầu hạt kiềm, giảm tuổi thọ hồng cầu, gây thiếu máu .
Trên thận:
Làm tổn thương nhu mô thận, xơ hóa kẽ, tắc nghẽn cầu thận, co động mạch thận; phì đại tuyến thượng thận; suy thận tiến triển chậm. Ngoài ra còn những tổn thương khác nhau trên những mao mạch nhỏ và mao mạch thận. Do tổn thương như vậy nên nhiễm độc chì thường có biểu hiện đái máu vi thể, protein niệu và cao huyết áp.
Trên hệ enzyme:
Làm rối loạn hệ thống enzyme, nhất là những enzyme có nhóm hoạt động chứa hydro .
Trên hệ thần kinh trung ương và ngoại biên:
Trên hệ thần kinh trung ương: tùy thuộc vào thời gian, mức độ tiếp xúc với chì và có sự khác biệt giữa người lớn và trẻ em. Tiếp xúc lâu dài có thể bị giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và chậm phản ứng . Nặng hơn có thể mắc phải bệnh não do chì, phù não, tổn thương tuần hoàn mạch dẫn đến tử vong.
Trên thần kinh ngoại vi: chì làm tổn thương thần kinh ngoại vi gây rối loạn dẫn truyền, viêm dây thần kinh và gây giảm trương lực cơ hoặc liệt, biểu hiện ở nhóm cơ co duỗi, cơ delta, cơ ngửa dài .
Ngoài ra thần kinh vận mạch cũng bị tổn thương: co thắt mao mạch đầu ngón tay, rối loạn cảm giác đầu chi và đau dọc các dây thần kinh .
Trên hệ tiêu hóa:
Biểu hiện bằng cơn đau bụng chì và hội chứng viêm dạ dày, ruột mãn tính. Khoảng 71-90% bệnh nhân có biểu hiện viêm loét dạ dày tá tràng và viêm đại tràng co thắt mãn tính .
Trên tim mạch:
Viêm nội mạc động mạch, tăng huyết áp ngoại tâm thu. Biểu hiện khi nhiễm độc thể lâm sàng đã rõ ràng .
Những ảnh hưởng khác :
Gia tăng các gốc tự do độc hại, xúc tác cho sự hình thành các gốc tự do O2- , OH- ....
Cường giáp trạng, suy giảm chức năng tuyến thượng thận.
Thoái hóa buồng trứng, tổn thương tinh hoàn, vô sinh, liệt dương. Tổn thương thần kinh thị giác, xuất hiện những chấm đen trong võng mạc từ sớm.
Đau khớp, vôi hóa loang lổ trên hình ảnh chụp cắt lớp xương ở người lớn.