Lòng dân dối với nhà Tây Sơn

Một phần của tài liệu Tài liệu Lịch sử nhà Tây Sơn (Trang 115)

Danh người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ, người đã hai phen thảo quân xâm lược do Duy Kỳ thỉnh về, Nguyễn Phúc Ánh rước tới, cứu nhân dân Việt Nam thoát vòng nô lệ của ngoại quốc, cùng mặt trăng mặt trời rạng rỡ trên sông núi Việt Nam.

Và nghĩ rằng nếu không có Vua Thái Ðức mở đường, Ðông Ðịnh Vương giúp sức thì chắc gì đã có những chiến công oanh liệt của Vua Quang Trung, nên người Bình Ðịnh, nhất là người Bình Khê, ghi nhớ cả ba người anh hùng áo vải

Bởi vậy, sau khi ngôi từ đường của nhà Tây Sơn ở Kiên Mỹ bị nhà Nguyễn phá hủy thì ngôi đình làng thay thế vào.

Ðình làng dựng lên để thờ thần. Nhưng nhân dân địa phương đem sắc thần để một ngôi miếu khác, còn đình thì bí mật thờ ba Vua Tây Sơn. Xuân kỳ thu tế, nhưng chỉ vái thầm chớ không đọc văn.

Ngoài xuân kỳ thu tế, còn ngày kỵ của ba vua vào tháng 11 âm lịch. Ðể che mắt vua quan nhà Nguyễn, ngày kỵ gọi trại là ngày cúng cơm mới.

Lâu ngày chánh quyền địa phương biết được, nhưng một mặt sợ thần linh bẻ họng, một mặt sợ thất nhân tâm, nên bóp bụng làm lơ.

Lòng kính yêu nhớ tiếc ba Vua Tây Sơn thấm thía và bền bỉ, chẳng những ở trên tầng lớp sĩ phu mà cả dưới mọi tầng lớp nhân dân. Bất kỳ trẻ già trai gái, hễ đi qua đình Kiên Mỹ, là lấy nón cúi đầu. Khách đi ngựa đi võng đều phải xuống ngựa xuống võng.

Và ca dao địa phương có câu:

Ðá Hàng cữ nước không sâu

Có đua sông trước thì đua

Sông sau mắc miễu thờ Vua xin đừng[103].

Lòng kính yêu nhớ tiếc nhà Tây Sơn chẳng những ở thời trước, mà cho đến năm 1945 vẫn nồng nàn như cũ. Xuân kỳ thu tế, ngày kỵ cúng cơm mới trong năm 1945 vẫn cử hành theo thường lệ. Ðến năm 1947 có lệnh tiêu thổ kháng chiến, đình miễu bị phá hủy, việc cúng tế mới thôi.

Năm 1960, nhân dân Bình Khê chung tiền chung sức lập lại đền thờ Tây Sơn nơi đình cũ. Ðền không lấy gì làm rộng lớn, song trang nghiêm. Ðối với sự nghiệp anh hùng thật không xứng. Nhưng đối với hoàn cảnh thiếu thốn của nhân dân địa phương lúc bấy giờ, thì chừng ấy cũng là một cố gắng vượt mức.

Ðền có ba gian.

Gian giữa thờ vua Quang Trung.

Hai bên thờ vua Thái Ðức và Ðông Ðịnh Vương.

Trước sân có tượng bán thân của Vua Quang Trung và có bi đình khắc bài ký tán tụng công đức nhà vua:

Ðức Vũ Hoàng, Họ Nguyễn, húy Huệ.

Ứng hùng năm Quý Dậu (1753), Thừa long năm Nhâm Tý (1792) Thọ 40 tuổi, ở ngôi 5 năm. Niên hiệu Quang Trung.

Miếu hiệu Thái Tổ Vũ Hoàng Ðế.

Tổ tiên vốn người Châu Hoan, dời vào ấp Tây Sơn được bốn đời. Trước ở Phú Lạc, sau xuống Kiên Thành buổi tiềm long, chính nơi đây là Tây Kỳ cơ chỉ.

Vũ Hoàng có ba anh em.

Anh là Vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc, thiệp thế đa mưu. Em là Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ, thành tín nhân hậu.

Còn Vũ Hoàng: Sức mạnh cử đảnh, tài dụng binh như thần, lại sùng thượng kinh văn, quý trọng đạo lý. Kẻ cao tài đại đức được tôn kính vào bậc thầy. Văn võ dưới cờ đều những trang khai quốc tuấn kiệt.

Thân bố y, tay trường kiếm, Vũ Hoàng gồm cả khí tượng họ Hạng họ Lưu. Quả là cái thế anh hùng vậy.

Năm Tân Mão (1771), thống tâm vì cảnh đất chia nước loạn, trăm họ hết chỗ đặt tay chân, ba anh em Vũ Hoàng chiêu tập nghĩa binh, chịu gian nan mà dấy nghiệp. Lấy thành Quy Nhơn làm căn cứ. Rồi đánh vào Nam, tiến ra Bắc. Lòng xa gần đều theo. Trăm trận trăm thắng. Thanh thế nhà Tây Sơn lẫy lừng.

Riêng Vũ Hoàng. Bốn lần bạt thành Gia Ðịnh, ba lần vào thành Thăng Long. Thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh. Thu non sông về một mối, dựng nên cơ nghiệp Võ Thang.

Lại hai phen thảo quân xâm lược:

Năm Giáp Thìn (1784) quét sạch 300 chiến thuyền Xiêm La do Phúc Ánh lưu vong rước tới. Năm Kỷ Dậu (1789), đánh tan 20 vạn hùng binh Mãn Thanh do Duy Kỳ khất lân lĩnh về. Nhờ vậy mà dân tộc thoát ách vong nô.

Nhờ vậy mà tổ quốc vững nền độc lập. Công thật cao như Trường Sơn.

Ân thật sâu như Nam Hải.

Non sông đãng định, Vũ Hoàng chăm lo việc trị bình.

Ðắp quốc cơ theo tôn chỉ phú cường. Sửa chính sự cho kỷ cương nghiêm túc. Dùng chữ Nôm làm quốc gia văn tự. Lập Sùng Chính viện để đào tạo nhân tài.

Và cái nhục cống người vàng cho Trung Hoa rửa xong, Vũ Hoàng luyện tướng nuôi binh, quyết khôi phục phần đất Lưỡng Quảng.

Nhưng than ôi!

Năm sắc đá rèn gan, trời chưa kịp vá, Chín tầng mây lấp núi, rồng thoát bay xa. Khiến nhà Tây Sơn lâm vào bước suy vong! Khiến nước Việt Nam lỡ mất cơ cường thịnh! Tuy nhiên,

Danh Vũ Hoàng vẫn cùng mặt trăng mặt trời mà sáng. Ân Vũ Hoàng vẫn cùng núi Trưng núi Tượng mà cao. Và nhân dân Việt Nam vẫn ca rằng:

Non Tây áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình. Tiết Trọng Xuân năm Tân Sửu (1961) Nhân dân Bình Khê cẩn ký.

Sau khi đền lạc thành, cứ mỗi năm, đến ngày lễ Ðống Ða, nhân dân toàn tỉnh Bình Ðịnh hợp nhau tại đền làm lễ kỷ niệm. Lễ kỷ niệm cử hành theo cổ lễ, nhưng những cuộc vui thì có mới có xưa. Người đến dự lễ vô cùng đông đúc. Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Và riêng nhân dân Bình Khê, rằm tháng 11 âm lịch, lại tổ chức ngày kỵ ba Vua theo thường lệ.

Một phần của tài liệu Tài liệu Lịch sử nhà Tây Sơn (Trang 115)