Chọn kinh đô.
Vua Quang Trung đã có ý đóng đô tại Nghệ An từ lúc còn làm Bắc Bình Vương. Nhà vua đã nhờ La Sơn Phu Tử chọn đất để lập đô. Ban đầu nhà vua định chọn Phù Thạch trên sông Lam, gần núi Nghĩa Liệt, sau đổi ra Yên Trường (Vinh), cuối cùng chọn Dũng Quyết tức vùng núi Phượng Hoàng.
Ðịa thế hùng hiểm.
Phía Nam có sông Cồn Mộc và Sông Lam, phía đông bắc có núi Phượng Hoàng. Ðều là hào và thành thiên nhiên che chở cho kinh thành.
Thành không rộng mấy. Bắc Nam chỉ dài chừng 300 mét. Ðông Tây dài chừng 450 mét. Ðó là nội thành. Ngoại thành chưa xây.
Cải thành Thăng Long là Bắc Thành.
Vì Phượng Hoàng thành chưa xây xong, nên Vua Quang Trung về ngự tại núi Phú Xuân suốt thời gian trị vì.
Tổ chức chánh quyền trung ương.
Vua Quang Trung có ba bà vợ chính thức:
- Bà họ Phạm[73] ở thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn (Bình Khê), phủ Quy Nhơn, mất sớm, sanh hạ được hai trai là Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Bàn.
Bà họ Phạm mất rồi, nhà vua kết duyên cùng bà họ Bùi ở thôn Xuân Hòa (Bình Khê). Bà họ Bùi là mẹ của Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh và hai người con gái.
- Ngọc Hân công chúa mới có một con.
Quang Thùy và Quang Bàn lúc bấy giờ đã 17, 18 tuổi. Quang Toản mới 9, 10 tuổi.
Con Ngọc Hân mới 2 tuổi.
Vua Quang Trung phong bà họ Bùi làm Chánh Cung Hoàng Hậu, bà Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng Hậu và lập Nguyễn Quang Toản làm Thái tử.
Bà họ Phạm được truy phong là Nhân Cung Ðoan Tĩnh Trinh Thục Như Thuần Vũ Hoàng Chánh Hậu, phong cho Quang Thùy làm Khanh Công Lĩnh Bắc Thành, Tiết Chế Thủ Bộ Chư Quân, phong cho Nguyễn Quang Bàn làm Tuyên Công Lĩnh Thanh Hóa Ðốc Trấn, Tổng Lý Quân Dân Sự Vụ.
Nguyễn Quang Thùy đã được Vua Càn Long phong là An Nam Quốc Vương Thế Tử. Vua Quang Trung sai sứ đem biểu sang tâu rằng Thùy là con dòng thứ. Càn Long nghe theo, phong Toản làm An Nam Quốc Vương Thế Tử thay Thùy. Có người bất bình, ngỏ ý cùng Nguyễn Quang Thùy, Thùy nói:
- Em tôi hay tôi làm Thái tử cũng thế thôi. Ðiều cốt yếu là làm thế nào cho nước Ðại Nam được mỗi ngày mỗi thêm giàu mạnh, nhà Tây Sơn mỗi ngày mỗi thêm vững bền, là tốt. Hàng trí thức đương thời khen là đại nhân.
Quan chế vẫn tương tợ như cũ. Ðại khái trên thì có Tam công là Thái Sư, Thái phó, Thái bảo; Tam cô là Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo, Ðại chủng tể, Ðại tư đồ, Ðại tư mã, Ðại tư không; Ðại đô đốc, Ðại đô hộ. Lại có Trung thư sảnh, Trung thư lệnh, Lục bộ Thượng thư... Thị lang, Tư vụ...
Tổ chức hành chính địa phương.
Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam.
Ðời Quang Trung, trấn Quảng Nam thuộc về Vua Thái Ðức, Vua Quang Trung chia Sơn Nam ra làm hai thành Sơn Nam Hạ và Sơn Nam Thượng.
Trấn chia làm nhiều phủ; Phủ chia làm nhiều huyện; Huyện chia làm nhiều tổng; Tổng chia làm nhiều xã; Xã chia làm nhiều thôn.
Trấn thì có Trấn Thủ (võ) và Hiệp Trấn (Văn) điều khiển. Phủ, Huyện thì có Tri phủ, Tri huyện cùng chức Phân tri coi việc kiện cáo, chức Phân xuất coi việc binh lương. Tổng thì có Chánh tổng, Phó tổng. Xã thôn thì có Xã trưởng, Thôn trưởng.
2. QUÂN SỰ
Tổ chức quân đội.
Theo các triều đại trước, quân đội gồm có 5 quân. Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu. Vua Quang Trung tổ chức thêm những đội quân đặc biệt, gọi Tả Bật, Hữu Bật, Ngũ Chế, Càn Thanh, Thiên Cán, Thiên Trường, Hổ Ðôn, Hổ Hầu, Thị Lân, Thị Loan.
Mỗi quân gồm 5 bậc là Sư, Lữ, Tốt, Lượng, Ngũ như xưa. Ở các phủ, huyện, quân đội lại chia ra từng đạo, cơ và đội. Ðạo thống cơ, cơ thống đội.
Tất cả đều ở dưới quyền viên võ Phân xuất. Triều Vua Thái Ðức thì lính mộ chớ không bắt. Vua Quang Trung dùng chính sách cưỡng bách.
Ðể tiện việc kiểm soát trong khi bắt lính, nhà vua đặt ra tín bài.
Tín bài là một chiếc thẻ, một phía thì ghi tánh danh, quản chỉ và dấu lăn tay hay chữ ký của chủ nhân chiếc thẻ, một phía có đóng dấu ấn có bốn chữ Quốc gia đại tín. Người nào không có tín bài thì bị bắt sung vào phòng dịch.
Nhà vua còn đặt ra hộ tịch, chia dân ra làm bốn hạng: từ 9 đến 17 tuổi gọi là Vị Cập cách hạng; từ 18 đến 55 tuổi gọi là Tráng hạng; từ 56 đến 60 tuổi gọi là Lão hạng; từ 61 tuổi trở lên gọi là Lão nhiêu. Bốn hạng người đó phải ghi tên vào hộ tịch. Những người từ 18 đến 55 tuổi phải đi lính. Nhưng không phải tất cả những người trong tuổi ấy đều phải đi lính. Những gia đình độc đinh thì được miễn. Trong gia đình đông con thì cứ ba tráng đin phải đi nhập ngũ một người. Những khi cần thiết lắm mới phải nhập ngũ hai người. Nhờ có ghi rõ tên tuổi trong hộ tịch nên tránh bớt sự bất công.