Lúc dồn binh ở Tam Ðiệp, Vua Quang Trung đã nói cùng chư tướng:
- Trung Quốc lớn gấp mười nước ta, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm nhục mà báo thù. Ðến lúc ấy chỉ có người khéo đường từ lệnh mới dập tắt được lửa chiến tranh. Ngoài Ngô Thời
Nhậm không ai làm nổi.
Ðến khi thắng được quân Mãn Thanh rồi, xem trong giấy tờ Tôn Sĩ Nghị bỏ lại có tờ mật dụ của Vua Càn Long đại khái nói rằng: Việc quân nên từ từ mà lo liệu chớ nên hấp tấp. Hãy đưa hịch truyền thanh thế đi trước. Cho cựu thần nhà Lê về nước tập hợp nghĩa binh và tìm Tự Quân nhà Lê đem ra cầm đầu để đối địch cùng Nguyễn Huệ, thử xem sự thể thế nào. Nếu lòng người nước Nam còn nhớ nhà Lê mà có quân ta kéo đến, thì ai mà chẳng gắng sức. Nguyễn Huệ tất phải tháo lui. Ta sai Tự Quân đuổi theo trước đại binh ta kéo theo sau. Như thế không khó nhọc mấy mà thành công to. Ðó là thượng sách. Ví bằng người trong nước, nửa theo bên nọ nửa theo bên kia, thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui quân. Ta sẽ đưa thư vạch rõ đường họa phước xem Huệ đáp ứng thế nào. Ðợi thủy quân ở Mãn, Quảng đi đường bể vào đánh dẹp Thuận Hóa, Quảng Nam xong, bộ binh sẽ tiến lên sau. Nguyễn Huệ hai đầu thọ địch, tất phải quy phục. Chừng đó ta làm ơn cho cả hai bên: từ Thuận Hóa trở vào Nam thì cho Nguyễn Huệ. Từ Châu Hoan Châu Ái trở ra thì phong cho Tự Quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm chế cả hai bên, sau xử trí.
Vua Quang Trung bảo Ngô Thời Nhậm:
- Mưu đồ của Vua Càn Long, ta đã biết trước rồi. Nay bị thua chắc không nhịn nhục. Hai nước đánh nhau chỉ làm khổ dân. Nếu dùng lời nói khéo để tránh việc binh đao việc ấy nhờ khanh chủ trương cho mới được.
Ngô Thời Nhậm vâng mệnh thảo thư, đại khái nói rằng: Nước Nam vốn không dám chống cự với đại quốc. Chỉ vì Tôn Sĩ Nghị làm lỡ việc nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng hòa. Vua Quang Trung sai sứ mang thư sang Tàu, và truyền đem những quân nhà Thanh đã bắt được, để ở một nơi, cấp cho lương thực, đợi ngày cho về nước. Xong xuôi mọi việc, tháng 2 năm Kỷ Dậu, nhà vua đem quân về Phú Xuân, lưu Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở lại Thăng Long thống lĩnh việc quân quốc. Còn việc giao thiệp với Trung Hoa thì ủy thác cho Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích. Cho tất cả tùy nghi xử sự, hễ không có việc quan trọng thì không phải tâu.
Vua nhà Thanh hay tin Tôn Sĩ Nghị bại binh, đùng đùng nổi giận, lập tức giáng chỉ sai quan nội các là Phúc Khang An ra thay Tôn Sĩ Nghị là Tổng Ðốc Lưỡng Quảng, đem binh mã 9 tỉnh sang chinh phạt Việt Nam.
Nhưng nhờ Ngô Thời Nhậm có chính sách xã giao khôn khéo đối với Phúc Khang An ở bên ngoài và các cận thần là Hòa Thân ở bên trong, và lời trần tấu mềm dẻo dịu dàng đối với Vua Mãn Thanh, cho nên Vua Mãn Thanh là Càn Long thuận cho giảng hòa và sai sứ sang phong Vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương.
Vua Càn Long lại tặng cho Vua Quang Trung một chuỗi trân châu và truyền sang năm Canh Tuất (1790) sang chầu.
Còn Lê Chiêu Thống và các quan tòng vong đều bị Vua nhà Thanh truyền đem an trí mỗi người mỗi ngã.
Thế là Vua Quang Trung được chính thức công nhận là Vua nước Việt Nam. Vua Quang Trung làm biểu tạ ơn, trong có câu:
Quân vi sư vi phụ, sanh thành thượng kỷ ư long ân Nghĩa là:
- Tôi có cha có mẹ, báo đáp ngửa nhờ đức cả; Vua vừa nuôi vừa dạy, sanh thành mãi nhớ ơn sâu Vua Càn Long khen:
- Lời nói có hậu, trẫm phải coi Huệ như con.
Xuân năm Canh Tuất (1790), Phúc Khang An giục Vua Quang Trung sang chầu Vua Càn Long. Nhà vua bèn chọn người dung mạo phảng phất mình, trá làm quốc vương. Phạm Văn Trị[67] được chọn. Tháp tùng giả vương có hoàng tử Nguyễn Quang Thùy cùng các quan văn võ Ngô Văn Sở, Ðặng Văn Châu, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Ðỗ Văn Công. Cống phẩm, ngoài những bảo vật thường lệ, còn có hai thớt voi đực ngà dài hơn sải và một ban nhạc công vũ nữ với mười bài từ khúc chúc thọ do Phan Huy Ích soạn[68].
Sứ bộ khởi trình tại Nghệ An ngày 29 tháng 3 năm Canh Tuất (12-5-1790) và qua khỏi ải Nam Quan ngày rằm tháng 4 (28-5-1970). Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An và Tuần Phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh đưa Sứ bộ đến Yên Kinh. Lúc ấy Càn Long đi tuần thú, sứ bộ phải đến hành cung sông Nhiệt Hà kệ kiến.
Vua Càn Long tưởng Nguyễn Huệ thiệt, cho vào làm lễ bảo tất[69]. Nhà vua vui nhận cống phẩm, và tặng cho Quang Trung bốn chữ Cùng cực quy thành và câu đối tự tay Vua viết:
Chúc hạ hiệu tôn thân, vĩnh cửu đơn thầm tri phất thế; Quán quan ưng sủng tích, tái kê thanh sử vị tiền văn
Cụ Bùi Văn Lang dịch:
Trước sau vẹn chữ tôn thân, lòng đó nghìn sau không dễ lạt; Ði lại nhờ ơn sủng tử, sử xanh từ trước thật chưa nghe.
Nhà vua lại sắc phong Nguyễn Quang Thùy làm An Nam Quốc Vương Thế tử, rồi truyền mở tiệc đãi sứ bộ.
Trong bữa tiệc nhà vua ngự chế ban cho Quang Trung một bài thơ:
Doanh phiên nhập chúc trị thời tuần Sơ kiến hồn như cựu thức thân Y cổ vị văn lai tượng quốc
Thắng triều vãn sự bỉ kim nhân[70] Cửu kinh nhu viễn kỳ trùng dịch Gia hội ư kim miễn thể nhân Võ yển văn tu thuận thiên đạo Ðại Thanh vĩnh tộ vạn niên xuân. Cụ Bùi Văn Lang dịch:
Dâng lời chúc tụng gặp thời tuần Mới thấy mà in trước đã thân
Lễ cống khá khen lòng tượng quốc Triều xưa nghĩ thẹn chuyện kim nhân Phương xa từng gội ơn nhu viễn Hội tốt càng khuyên nghĩa thể nhân Dẹp võ dồi văn là thuận đạo
Nghiệp Thanh bền vững ức muôn xuân
Trong lúc sứ bộ đang ở Yên Kinh thì bọn giặc biển đánh phá miền duyên hải Trung Quốc giáp giới nước ta. Tuớng Trung Hoa là Trần Diệu Cầu nhờ viên biên tướng Việt Nam là Phạm Quang Chương giúp sức, tiêu diệt được bọn giặc biển. Vua Càn Long ban thưởng cho Quang Chương rất hậu và ngỏ lời tin tưởng lòng thành thật của Vua Quang Trung.
Ngày 20 tháng 8 (28-9-1790) Vua Thanh hạ chỉ cho sứ bộ về nước. Lúc bấy giờ là mùa thu, gió sương lạnh lẽo, Càn Long ban cho Quang Trung một tấm áo cầu để mặc ấm và một đồng tiền vàng chạm chữ Phúc to lớn để làm của truyền thế. Lại đòi lại gần long tháp, vỗ vai, ôn tồn ủy dụ, rồi cho người vẽ chân dung Quang Trung làm kỷ niệm.
Sứ bộ được tướng Trung Hoa là Trần Dụng Phu hộ tống suốt dọc đường. Và ngày 29 thágn 11 (3-1-1791) thì đến ải Nam Quan.
Qua năm Nhâm Tý (1792), Vua Quang Trung sai Võ Kỉnh Thành, Trần Ngọc Thụy sang triều đình nhà Thanh hiến thiệp, xin mở cửa ải Bình Thủy ở Cao Bằng và cửa ải Du Thôn ở Lạng Sơn để cho Bắc Nam qua lại buôn bán với nhau được miễn thuế. Lại xin lập nha hàng [71] ở phủ Nam Ninh tỉnh Quảng Tây để người Nam qua đó sinh sống, Vua Càn Long đều chấp thuận.
Lại trước kia 6 châu thuộc Hưng Hóa và 3 động thuộc Tuyên Quang, bị bọn thổ ty nhà Thanh xâm chiếm đem sáp nhập vào lãnh thổ Lưỡng Quảng. Vua Quang Trung viết biểu nhờ Phúc Khang An chuyển lên Thanh triều, thỉnh cầu phân định lại cương giới. Khang An lấy cớ cương giới đã định mà bác khước. Nhà vua có ý bất bình, nên lo dưỡng uy sức nhuệ để rồi đòi lại đất đai của tổ tiên.
Ðối với Trung Hoa như thế là tạm yên.
Và Quang Trung còn phải đối phó với Xiêm La, Ai Lao và Miến Ðiện.
Khi Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, Lê Duy Chỉ ở lại Tuyên Quang, nương nhờ thổ tù Nùng Phúc Tân và Huỳnh Văn Ðồng. Chỉ liên kết với thổ dân ở Vạn Tượng, Trấn Ninh, Trịnh Cao, Quy Hợp, Xiêm La chuẩn bị đánh lấy thành Nghệ An.
Vua Quang Trung hay tin, sai Trần Quang Diệu làm Ðại Tổng Trấn, Lê Trung làm Ðại Tư Lệ, phát binh đi tảo trừ[72].
Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), lấy được Trấn Ninh, Tù trưởng là Cheo Nam, Cheo Kiêu bị bắt.
Tháng 8 bình được Trịnh Cao và Quy Hiệp.
Tháng 10, thủ lãnh Vạn Tượng bỏ thành chạy, quân Tây Sơn lấy được vô số chiêng, trống và vài chục thớt voi.
Thừa thắng đánh thẳng đến biên giới Xiêm La, chém được Tả súy là Phan Dung và Hữu súy là Phan Siêu. Binh Xiêm thua chạy tán loạn.
Trần Quang Diệu và Lê Trung dẹp yên biên giới, kéo binh về Tuyên Quang đánh Nùng Phúc Tấn và Huỳnh Văn Ðồng. Nùng, Huỳnh chống không nổi bị giết, Lê Duy Chỉ chạy không kịp cũng bị giết luôn.
Mùa xuân năm Tân Hợi (1791) Vua Ai Lao là Chiêu An không chịu triều cống, Vua Quang Trung lại sai Trần Quang Diệu đem quân sang vấn tội. Quân Ai Lao sợ hãi xin hàng. Từ ấy hết lòng thuần phục.
Vua Miến Ðiện hay tin liền sai sứ sang Việt Nam thông hiếu. Từ ấy bờ cõi phía Tây cũng như phía Bắc được yên ổn.