Khái niệm về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Một phần của tài liệu Các Tội Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ Trong Pháp Luật Hình Sự Việt Nam (Trang 29)

Không giống như những tội phạm khác được quy định trong Bộ luật hình sự như các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe hay các tội xâm phạm quyền sở hữu… , các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhóm tội phạm phát sinh từ pháp luật dân sự. Nếu Luật Sở hữu trí tuệ quy định các biện pháp bảo vệ quyền này gồm hình sự, hành chính và dân sự thì Bộ luật hình sự chính là quy định cụ thể để áp dụng chế tài hình sự đối với hành vi vi phạm. Các đối tượng xâm phạm muốn xác định có thuộc đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, có đang được bảo hộ hay không…đều phải dẫn chiếu đến những quy định của pháp luật dân sự về lĩnh vực này. Do đó, nhóm tội phạm này có những đặc thù nhất định so với các tội phạm còn lại trong Bộ luật hình sự. Sau quá trình nghiên cứu các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, tác giả nhận thấy có ba tội phạm được xem là các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: tội vi phạm các quy định của pháp luật về cấp văn bằng bảo hộ (Điều 170); tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170a) và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều

171). Từ việc xác định phạm vi của các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành, tác giả xin trình bày khái quát về nhóm tội phạm này như sau:

Các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc vi phạm những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, có lỗi, gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Qua khái niệm trên, chúng ta có thể đưa ra những đặc điểm của các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

Thứ nhất, khách thể của các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là quyền được bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền này. Hành vi phạm tội đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đối với những đối tượng thuộc quyền đang được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến trật tự quản lý quản lý nền kinh tế của Nhà nước bởi lẽ những quy định về sở hữu trí tuệ cũng nhằm góp phần đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Theo nội hàm của quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Luật Sở hữu trí tuệ, ngoài những đối tượng vừa nêu trên còn có quyền đối với giống cây trồng. Thế nhưng Bộ luật hình sự không quy định hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng là tội phạm.

Thứ hai, mặt khách quan của các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều quy định gồm hành vi khách quan và hậu quả phát sinh từ hành vi vi phạm đó. Hay nói cách khác, mặt khách quan của các tội phạm này được thỏa mãn khi thực hiện hành vi và có hậu quả xảy ra theo quy định trong từng điều luật cụ thể.

Thứ ba, lỗi của nhóm tội phạm này đều là lỗi cố ý bởi lẽ hành vi phạm tội là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, các quy định của pháp luật mang tính chất bắt buộc chung dành cho toàn xã hội và ai cũng phải tuân theo những quy định này. Vì lẽ đó việc vi phạm không thể là vô ý mà

hoàn toàn xuất phát từ ý chí và quyết định của người thực hiện hành vi phạm tội. Nói cách khác, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó gây ra dù có mong muốn hay không.

Thứ tư, chủ thể của các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể là chủ thể thường hoặc chủ thể đặc biệt. Tùy từng tội phạm cụ thể mà nhà làm luật quy định chủ thể của tội phạm đó là chủ thể thường hay chủ thể đặc biệt.

Các tội phạm cụ thể thuộc nhóm các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được tác giả phân tích chi tiết trong mục 2.1 của Chương 2.

1.4.Lịch sử các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Thuật ngữ về sở hữu trí tuệ xuất hiện khá muộn tại Việt Nam do đó hầu như các quy định trong pháp luật hình sự về các tội xâm phạm quyền này cũng không nằm ngoài quy luật khách quan đó. Ở Việt Nam, bảo hộ sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực còn khá mới mẻ một mặt còn là do xuất phát điểm của một nước đang phát triển và lịch sử chiến tranh từng trải qua. Song, ý tưởng về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà trước tiên là quyền tác giả đã được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 (Điều 10, Điều 12 và Điều 13). Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của công dân, quyền nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và bảo đảm quyền tư hữu tài sản cùng quyền lợi của trí thức. Trong thời kì bao cấp thì hẳn là nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của các quyền về sở hữu trí tuệ bởi lẽ nền kinh tế khi ấy vẫn chưa hoạt động theo cơ chế thị trường. Năm 1957, Miền Nam Việt Nam có Luật thương hiệu và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành Thể lệ thương phẩm và thương hiệu năm 1958. Cũng dễ hiểu khi trong giai đoạn này nước ta đang trong công cuộc đấu tranh giành độc lập ở miền Nam và xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Vì thế do nhiệm vụ bức thiết của lịch sử mà những quy định về sở hữu trí tuệ vẫn chưa thể phát huy cũng như chưa thật sự cần thiết. Mãi đến năm 1976, Việt Nam mới gia nhập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế

giới (WIPO). Ngày 14/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 197/HĐBT “Điều lệ về nhãn hiệu hàng hóa”. Đây là văn bản đầu tiên chính thức nhắc đến vấn đề bảo hộ độc quyền trong sở hữu công nghiệp. Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đánh dấu một mốc mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng: Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị định 142/CP , đây là văn bản riêng biệt đầu tiên để điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả và cụ thể hóa trong quy định tại Điều 60 Hiến pháp 1992. Đồng thời trong những giai đoạn về sau, rất nhiều các văn bản liên quan đến sở hữu trí tuệ ra đời thể hiện một bước tiến đáng kể trong hoạt động lập pháp về lĩnh vực bảo hộ quyền này. Trong lộ trình để được là thành viên WTO thì Việt Nam cũng đã cho ra đời Luật sở hữu trí tuệ 2005 và dần dần trong Bộ luật hình sự cũng xuất hiện nhiều hơn các quy định về loại tội phạm này.

1.4.1.Bộ luật hình sự 1985

Lời nói đầu của Bộ luật hình sự năm 1985 nêu rõ: “Luật hình sự của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám đến thời điểm ấy, tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm ở nước ta trong mấy chục năm qua và có dự kiến tình hình diễn biễn của tội phạm trong thời gian tới. Hội đồng Nhà nước đã xác định rằng Bộ luật hình sự thấu suốt quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta do giai cấp công nhân lãnh đạo, thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiến quyết đấu tranh chống tội phạm; thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta là xử phạt người phạm tội không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội; thể hiện tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa và lòng tin vào khả năng cải tạo con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.”

Với 280 điều luật được phân chia thành 12 chương, Bộ luật hình sự 1985 đã bước đầu thể hiện được vai trò của mình trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 126 chương III Các tội xâm phạm những quyền tự do dân chủ của công dân với tên gọi “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền sáng chế, phát minh”. Vậy là trong Bộ luật hình sự 1985 đã bắt đầu có sự xuất

hiện của tội phạm về sở hữu trí tuệ dù chỉ mới dừng lại ở số lượng một tội phạm. Trong tên gọi của Điều 126 nhà làm luật đã xác định cụ thể phạm vi của hành vi xâm phạm là đối với quyền tác giả, quyền sáng chế và phát minh. “Người nào chiếm đoạt hoặc có hành vi khác xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm khoa học, văn hoá, nghệ thuật hoặc đối với các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất, sáng chế, phát minh, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền đến một trăm nghìn đồng (100.000 đồng), cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.”

Thời gian này chưa có sự xuất hiện của Luật sở hữu trí tuệ do đó phạm trù về quyền sở hữu trí tuệ trong Bộ luật hình sự chỉ bao gồm 3 loại quyền kể trên là hợp lý. Ngoài ra, việc đặt quy định này trong chương về tội xâm phạm những quyền tự do dân chủ của công dân cũng là một bước ngoặc xác định cho việc quyền sở hữu trí tuệ đã được xem như một quyền của công dân. Theo quy định tại Điều 72 Chương V Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Hiến pháp 1980 thì công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, sáng tác văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác; đồng thời cũng khẳng định quyền lợi của tác giả và người sáng chế, phát minh được bảo đảm. Khi lựa chọn và sắp xếp các tội phạm vào cùng một chương tức là phải xác định khách thể mà chúng xâm phạm là giống nhau. Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội mà Nhà nước muốn bảo vệ thông qua pháp luật hình sự và bị tội phạm xâm hại. Hay nói cách khác, hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ thời gian này được nhà làm luật xem là vi phạm quyền công dân vì đã ngăn cản quyền được tự do sáng tạo, tự do phát minh và sáng chế ra những gì mình muốn. Do đó, việc tội phạm về sở hữu trí tuệ trong giai đoạn này được đặt trong Chương Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ là hợp lý. Hành vi khách quan được mô tả tại Điều 126 gồm chiếm đoạt hoặc hành vi khác xâm phạm tức là phải viện dẫn đến những văn bản pháp luật khác mà không quy định theo dạng liệt kê. Đối tượng thuộc quyền bao gồm tác phẩm khoa học, văn hoá, nghệ thuật hoặc đối với các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất, sáng chế, phát minh. Rõ ràng so với pháp luật hiện hành thì số lượng đối tượng tác động của tội phạm này là ít hơn và lại không quy định theo nhóm mà liệt kê từng đối tượng cụ thể. Ngoài ra, khi xác định tội phạm tại điều này vẫn chưa có một ranh

giới nào cụ thể để phân định giữa hành vi phạm tội với các hành vi vi phạm khác. Vẫn biết tính nguy hiểm của hành vi là một trong những điểm phân định giữa tội phạm với những hành vi khác thế nhưng nếu không có những tiêu chí đưa ra thì khó có thể xác định được tính nguy hiểm đó. Vì những lý do trên mà khả năng áp dụng vào thực tế để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Điều 126 Bộ luật hình sự 1985 là không cao.

1.4.2.Bộ luật hình sự 1999

Ngày 21 tháng 12 năm 1999, Bộ luật hình sự năm 1999 đã được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua. Với tất cả 344 điều luật được chia thành 24 chương, Bộ luật hình sự 1999 đã gia tăng cả về số lượng điều luật và cả các lĩnh vực điều chỉnh. Trong đó, có một số tội phạm mới xuất hiện và một số tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự 1985 đã bị bãi bỏ. Điều này thể hiện sự thích nghi của các quy định pháp luật hình sự với sự thay đổi của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và một phần cũng bởi sự ra đời của hiến pháp 1992.

Tại Điều 60 Chương Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Hiến pháp 1992 quy định công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác. Ta thấy rằng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có phần được mở rộng hơn so với quy định trong Hiến pháp 1980 và đồng thời cũng xác định sự bảo hộ của Nhà nước đối với quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.

Bộ luật hình sự 1999 vẫn có mặt của tội phạm về sở hữu trí tuệ nhưng có một số thay đổi so với Bộ luật hình sự 1985. Bộ luật hình sự năm 1999 bắt đầu có sự tách biệt giữa các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và có 3 tội phạm được quy định.

Tội xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 131 và vẫn thuộc Chương Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Nếu Điều 126 Bộ luật hình sự 1985 quy định Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền sáng chế, phát minh thì đến năm 1999 tội xâm phạm quyền tác giả đã được tách riêng ra thành một điều luật. Đây là sự khẳng định của các nhà làm luật về việc xác định quyền được sáng tác những tác phẩm

văn học, nghệ thuật và khoa học là quyền tự do, dân chủ của công dân được Nhà nước bảo hộ. Việc vẫn quy định tội xâm phạm quyền tác giả thuộc Chương Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân là phù hợp với cách quy định trong Bộ luật hình sự trước đây. Tuy nhiên về hành vi khách quan của tội phạm này đã có sự thay đổi bằng cách liệt kê những hành vi cụ thể. Ngoài hành vi chiếm đoạt còn có những hành vi khác như mạo danh, sửa đổi bất hợp pháp nội dung, công bố, phổ biến bất hợp pháp. Có thể thấy rằng hành vi khách quan đã được cụ thể hóa hơn so với quy định năm 1985. Đồng thời các đối tượng thuộc quyền tác giả là đối tượng tác động của tội phạm này bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình. Trong giai đoạn vẫn chưa có một văn bản chuyên ngành về sở hữu trí tuệ nhưng các đối tượng thuộc quyền tác giả được Điều 131 quy định là rất tiến bộ và phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Cần lưu ý, trong quy định năm 1999 đã có xác định cụ thể những ranh giới để phân định giữa hành vi phạm tội với hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 170 Chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Đây là một tội

Một phần của tài liệu Các Tội Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ Trong Pháp Luật Hình Sự Việt Nam (Trang 29)