Thành phần chiều dài

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học chủng quần và biến động nguồn lợi cá sòng nhật (trachurus japonicus temminck schlegel, 1844) ở vùng đánh cá chung vịnh bắc bộ (Trang 26)

Thành phần kích thước của cá đặc trưng cho từng chủng quần và loài, sự biến động của nó phản ánh sự biến đổi điều kiện sống của chúng. Xác định thành phần kích thước của đàn cá rất cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề lý thuyết về quy luật biến đổi chủng quần từ đó có những giải pháp cho việc đánh bắt hợp lý đảm bảo cho sự phát triển ổn định của chủng quần.

Thành phần chiều dài cá sòng Nhật bắt gặp năm 2013 được thể hiện ở Bảng 3.1.

Bảng 3.1. Thành phần chiều dài bắt gặp qua các chuyến khảo sát năm 2013

Chuyến điều tra

Chiều dài đến chẽ vây đuôi FL (mm) Nhóm ưu thế Tổng số cá thể

(con) Min Max Trung bình SE Nhóm

(mm) Tỷ lệ (%) Tháng 1 105 237 153 34,5 110 - 130 36 352 130 - 150 23 Tháng 4 103 228 163 25,5 130 - 150 41 70 150 - 170 27 Tháng 7 94 223 144 15,6 130 - 150 33 670 150 - 170 24 Tháng 10 107 237 168 14,7 150 - 170 71 296

Thành phần chiều dài của cá sòng Nhật trong năm 2013 dao động từ 94– 237mm. Chiều dài trung bình cao nhất ở tháng 10 đạt 168mm và thấp nhất ở tháng 7, chỉ đạt 144mm. Các nhóm chiều dài ưu thế trong quần đàn cũng được thể hiện rõ trong các chuyến điều tra. Chuyến tháng 1, nhóm ưu thế tập trung chính vào nhóm cá nhỏ 110-130 và 130-150mm. Riêng 2 nhóm này chiếm gần 60% trong quần đàn cá sòng Nhật tháng 1. Tới tháng 4, nhóm ưu thế đã tập trung ở nhóm 130-150mm và 150- 170mm; 2 nhóm này chiếm tới gần 70% quần đàn cá sòng Nhật. Chuyến tháng 7 bắt

gặp số lượng lớn cá sòng Nhật và nhóm ưu thế tương tự ở tháng 4, tỷ lệ 2 nhóm này là 57% quần đàn. Chuyến tháng 10 bắt gặp quần đàn cá sòng Nhật lớn nhất với chiều dài trung bình đạt 168mm và nhóm ưu thế 150-170mm chiếm tới 71% quần đàn cá.

Qua bảng 3.1 ta thấy chiều dài của các nhóm ưu thế trong từng chuyến điều tra đều nằm trong các nhóm cá có kích thước nhỏ. Tuy nhiên tỷ lệ các nhóm ưu thế này không quá lớn. Bên cạnh đó tuy các nhóm cá lớn (>170mm) không chiếm ưu thế về tỷ lệ song chúng cũng chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu nhóm chiều dài của cá sòng Nhật bắt gặp (Phụ lục 4). Như vậy có thể thấy cá sòng Nhật bắt gặp ở vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ bao gồm cả các nhóm cá bé và các nhóm cá lớn. Trong cơ cấu quần đàn, nhóm cá bé có số lượng lớn hơn ở cả 4 thời điểm điều tra trong năm. Hầu hết các loài bắt gặp đều tập trung ở một vài nhóm chiều dài ưu thế nhất định. Nhóm chiều dài ưu thế đều chiếm tỷ lệ cao trong cấu trúc chiều dài của loài. Điều này được giải thích bởi loài cá có chu kỳ sinh sản ổn định vào khoảng thời gian ngắn nhất định trong năm. Từ đó trong cấu trúc quần đàn sẽ có một số lượng lớn những cá thể có cùng nhóm chiều dài như nhau do sinh sản cùng một thời điểm như nhau. Nhóm chiều dài ưu thế còn thể hiện sự phân bố giai đoạn sinh trưởng của loài ở từng khu vực nhất định. Qua Bảng 3.1 ta cũng nhận thấy sự thay đổi nhóm chiều dài ưu thế lần lượt qua chu kỳ thời gian theo chiều tăng dần. Bắt đầu từ tháng 1 nhóm ưu thế rõ nét là nhóm 110-130mm; sang tháng 4 và tháng 7 nhóm ưu thế đã lớn hơn đó là nhóm 130-150mm; tới tháng 10 nhóm 150-170mm là nhóm ưu thế rõ rệt nhất trong quần đàn bắt gặp.

So sánh chiều dài trung bình của cá sòng Nhật từ năm 2006 tới 2013 qua các chuyến điều tra ta thấy sự phân bố chiều dài trung bình không theo qui luật nào (Hình 3.1).

Hình 3.1. Biến động chiều dài trung bình cá sòng Nhật qua các chuyến điều tra từ năm 2006 - 2013

Sự biến động chiều dài trung bình qua các năm không theo qui luật nào được giải thích bởi đặc điểm sinh học của cá sòng Nhật. Đây là loài cá nổi di cư và vùng biển đánh cá chung vịnh Bắc Bộ không phải là một vùng biển kín. Mặt khác, chiều dài cá bắt gặp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp đánh bắt, thời gian đánh bắt và cả yếu tố về môi trường. Do vậy qui luật phân bố về chiều dài trung bình bắt gặp trong năm đối với cá sòng Nhật là không tồn tại. Qua Hình 3.1 ta thấy có một điểm rất đáng quan tâm đó chính là chiều dài trung bình cá sòng Nhật từ năm 2011 tới nay cao hơn so với các năm về trước. Cụ thể từ năm 2010 trở về trước, chiều dài trung bình chỉ dao động quanh mốc 140mm và có nhiều thời điểm là nhỏ hơn 140mm. Còn từ năm 2011 tới nay, chiều dài trung bình bắt gặp luôn lớn hơn 140mm và các giá trị lớn bắt gặp càng nhiều hơn. Đây chưa hẳn là một vấn đề đáng mừng khi tỷ lệ cá lớn bắt gặp nhiều hơn trong sản lượng bời vì nguyên nhân của vấn đề này có thể còn liên qua chặt chẽ tới năng suất khai thác cá sòng Nhật. Vấn đề này sẽ được đề cập ở phần sau của luận văn khi kết hợp với kết quả so sánh về năng suất khai thác cá sòng Nhật tương ứng với các mốc thời gian trên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học chủng quần và biến động nguồn lợi cá sòng nhật (trachurus japonicus temminck schlegel, 1844) ở vùng đánh cá chung vịnh bắc bộ (Trang 26)