Về các vấn đề chung trên bệnh nhân

Một phần của tài liệu Khảo sát tình hình sử dụng thuốc kháng sinh ở bệnh viện mắt trung ương năm 2014 (Trang 53)

Sự phân bố về tuổi bệnh nhân khá đồng đều, tuy nhiên sự phân bố về giới tính lại khá chênh lệch, tỷ lệ nam là 76,92%. Sự chênh lệch này có thể do sai số ngẫu nhiên, vì cỡ mẫu của chúng tôi không lớn (65 bệnh án).

Tỷ lệ được làm xét nghiệm vi khuẩn học trên các bệnh nhân khá thấp, chỉ 33,85%. Các xét nghiệm được thực hiện trên bệnh nhân là soi tươi, soi trực tiếp nhuộm soi và định danh vi khuẩn bằng phương pháp thông thường. Kết quả xét nghiệm vi sinh cho thấy tỷ lệ âm tính với nấm cao (94,45%), vi khuẩn dương tính chủ yếu là nhóm cầu khuẩn Gram dương và trực khuẩn Gram âm. Tuy nhiên, phương pháp định danh vi khuẩn tại bệnh viện chưa hiệu quả, trong 16 trường hợp được thực hiện xét nghiệm này, có tới 15 trường hợp không xác định được vi khuẩn

gây bệnh, chỉ 1 trường hợp cho kết quả Streptococcus viridans. Tuy không xác định cụ thể được vi khuẩn gây bệnh, nhưng kết quả nhuộm soi cho thấy nhóm vi khuẩn gây nhiễm khuẩn nhãn khoa ở bệnh viện khá giống với các nghiên cứu trên thế giới. 76% vi khuẩn Gram dương và 15% vi khuẩn Gram âm là kết quả phân lập được từ bệnh phẩm nội nhãn được thực hiện tại Tây Ban Nha từ năm 1996 – 2008 [9]. Một nghiên cứu của hiệp hội nhãn khoa Mỹ trong vòng 25 năm xác định phổ tác dụng và sự nhạy cảm của kháng sinh trong viêm mủ nội nhãn, cho thấy: 85,1% phân lập được là vi khuẩn Gram dương, 10,3% là vi khuẩn Gram âm, còn 4,6% là nấm .Trong đó, các tác nhân phổ biến là: S. epidermidis ( 30,3%), S.viridans (12,1%);

S.aureus (11,1%) [17]. Kết quả tương tự trong 1 nghiên cứu khác tại Mỹ: Vi khuẩn Gram dương chiếm 72,9% (chủ yếu là các cầu khuẩn), vi khuẩn Gram âm chiếm 10,7%, nấm là 15,8% và 0,4% là virus [20].

Do hầu như bệnh viện không xác định được vi khuẩn gây bệnh, không trường hợp nào được làm kháng sinh đồ. Do vậy, tất cả các bệnh nhân đều được lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm. Tuy chưa tìm được lí do chính xác về thực trạng xét nghiệm vi khuẩn học tại bệnh viện, chất lượng của phòng xét nghiệm vi sinh cần được kiểm tra và rà soát lại để đảm bảo cung cấp thông tin về vi khuẩn học chính xác và kịp thời nhất cho các bác sĩ và dược sĩ lâm sàng.

Về đặc điểm chức năng thận của bệnh nhân, tất cả các bệnh nhân tại 5 khoa phòng khảo sát đều không được thực hiện xét nghiệm creatinin máu, do đó không được đánh giá chức năng thận. Qua số liệu về chỉ số ure, có khoảng 23,08% bệnh nhân có chỉ số ure >7,5mmol, tiềm ẩn nguy cơ các bệnh về thận. Tuy nhiên các bệnh nhân này vẫn không được đánh giá về chức năng thận cũng như chỉnh liều ceftazidim.

Một phần của tài liệu Khảo sát tình hình sử dụng thuốc kháng sinh ở bệnh viện mắt trung ương năm 2014 (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)