0
Tải bản đầy đủ (.doc) (60 trang)

Kết thúc kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ TỐT NGHIỆP QUY TRÌNH KIỂM TOÁN KHOẢN MỤC NỢ PHẢI THU KHÁCH HÀNG DO CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN DCPA THỰC HIỆN (Trang 47 -47 )

Trong giai đoạn này kiểm toán viên sẽ thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung. Các thủ tục kiểm toán này thường được thực hiện với những tài khoản trọng yếu mà rủi ro thấp. Ngoài ra các thủ tục kiểm toán bổ trợ còn được thực hiện để đáp ứng các yêu cầu chuyên môn và các quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các quy định của các cơ quan chức năng khác.

Sau khi các KTV hoàn thiện giấy tờ làm việc, chủ nhiệm kiểm toán thực hiện rà soát hồ sơ kiểm toán để đảm bảo tính chính xác của thông tin đã được kiểm toán. Đồng thời, các bút toán điều chỉnh được tập hợp để thảo luận kiến nghị với khách hàng. Buổi thảo luận cũng bao gồm các khoản mục chưa được hoàn tất với lý do từ phía khách hàng. Nội dung của cuộc họp này sẽ được ghi chép lại trong Biên bản cuộc họp và lưu vào hồ sơ kiểm toán như là một bằng chứng cần thiết cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC của công ty khách hàng.

Trong quá trình họp tổng kết, ABC đã nhất trí sửa chữa những sai lệch và những thiếu sót trong quá trình lập cũng như phát hành BCTC theo ý kiến của KTV.

Cuối cùng, các KTV tiến hành phát hành báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán bao gồm bốn bản, trong đó có hai bản tiếng anh và hai bản bằng tiếng việt. tại DCPA báo cáo kiểm toán bao gồm cả Báo cáo của Ban Giám đốc công ty khách hàng và BCTC đã được kiểm toán. Ngoài ra, DCPA còn phát hành thư quản lý kèm theo cho Ban Giám đốc khách hàng nếu như khách hàng yêu cầu. sau đây là mẫu báo cáo kiểm toán do DCPA lập:

BÁO CÁO CỦA KIỂM TOÁN VIÊN

Kính gửi: Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc

Công ty ABC

Chúng tôi đã tiến hành kiểm toán Bảng Cân đối kế toán tại ngày 31 tháng 12 năm 2009 cùng với các báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh và Lưu chuyển tiền tệ của Công ty ABC (gọi tắt là “Công ty”) được lập cho năm tài chính kết thúc cùng ngày. Báo cáo tài chính kèm theo được lập phù hợp với các Chuẩn mực kế toán Việt Nam, Hệ thống kế toán Việt Nam và các quy định hiện hành khác về kế toán tại Việt Nam.

Trách nhiệm của Ban Giám đốc và Kiểm toán viên

Như đã trình bày trong Báo cáo của Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc tại trang 1 và 2, Ban Giám đốc Công ty có trách nhiệm lập Báo cáo tài chính. Trách nhiệm của chúng tôi là đưa ra ý kiến về Báo cáo tài chính này dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán.

Cơ sở của ý kiến

Chúng tôi đã thực hiện công việc kiểm toán theo các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam. Các Chuẩn mực này yêu cầu chúng tôi phải lập kế hoạch và thực hiện công việc kiểm toán để đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng Báo cáo tài chính không có các sai sót trọng yếu. Công việc kiểm toán bao gồm việc kiểm tra, trên cơ sở chọn mẫu, các bằng chứng xác minh cho các số liệu và thuyết minh trên Báo cáo tài chính hợp nhất. Chúng tôi cũng đồng thời tiến hành đánh giá các nguyên tắc kế toán được áp dụng và những ước tính quan trọng của Ban Giám đốc cũng như đánh giá về việc trình bày các thông tin trên Báo cáo tài chính hợp nhất. Chúng tôi tin tưởng rằng công việc kiểm toán đã cung cấp những cơ sở hợp lý cho ý kiến của chúng tôi.

Ý kiến

Theo ý kiến của chúng tôi, Báo cáo tài chính kèm theo đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của Công ty tại ngày 31 tháng 12 năm 2009 cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, phù hợp với các Chuẩn mực kế toán Việt Nam, Hệ thống kế toán Việt Nam và các quy định hiện hành khác về kế toán tại Việt Nam.

Nguyễn Tuấn Anh Giám đốc

Chứng chỉ Kiểm toán viên số 0xx/KTV

Thay mặt và đại diện cho

Nguyễn Cảnh Dương Kiểm toán viên

Chứng chỉ Kiểm toán viên số 8xx/TV

CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN DCPA

Hà Nội, Ngày 25 tháng 03 năm 20010

Sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, ban kiểm toán tiến hành họp và đúc rút kinh nghiệm. Đây là công việc rất cần thiết cho các KTV còn ít kinh nghiệm. Các vấn đề lưu ý sẽ được ban giám đốc thảo luận và lưu vào hồ sơ kiểm toán. Và hồ sơ kiểm toán của công ty là nơi lưu trữ tất cả các giấy tờ trong quá trình làm việc của các KTV. Sau đó hồ sơ kiểm toán của công ty được cất giữ và bảo quản rất cẩn thận.

Sau cuộc kiểm toán, ban giám đốc cũng như các nhân viên trong công ty phải có trách nhiệm liên lạc thường xuyên với công ty ABC, đảm bảo mọi vấn đề phát sinh sau cuộc kiểm toán đều được các KTV của DCPA có phương hướng giải quyết.

CHƯƠNG 2

NHẬN XÉT VÀ CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN KIỂM

TOÁN KHOẢN MỤC NỢ PHẢI THU KHÁCH HÀNG

TRONG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH DO CÔNG TY

TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN DCPA THỰC HIỆN

2.1 Nhận xét về quy trình kiểm toán khoản mục nợ phải thu khách hàng trong kiểm toán báo cáo tài chính do công ty TNHH kiểm toán và tư vấn DCPA thực hiện

2.1.1 Ưu điểm trong thực hiện kiểm toán khoản mục nợ phải thu khách hàng

Thứ nhất, về chương trình kiểm toán mẫu

Đây là chương trình kiểm toán theo mẫu sẵn, áp dụng chung cho mọi loại hình doanh nghiệp, mọi khách hàng. Chương trình kiểm toán được xây dựng khá hợp lý và chi tiết đến từng khoản mục, được đánh giá có nhiều ưu việt và phù hợp với đặc điểm của các doanh nghiệp Việt Nam. Chương trình kiểm toán này bao gồm những dự kiến chi tiết về các công việc kiểm toán cần được thực hiện, sự phân công lao động giữa các kiểm toán viên cũng như dự kiến về những tư liệu, thông tin liên quan cần sử dụng và thu thập. Tại DCPA chương trình kiểm toán mẫu được cập nhật Chương trình kiểm toán của công ty được cập nhật hàng năm dựa trên những kinh nghiệm thu thập được của KTV trong mùa kiểm toán và những thay đổi về các chính sách kế toán, kiểm toán trong năm của Bộ tài chính. Do đó chương trình kiểm toán càng ngày càng phù hợp, hiệu quả hơn. Quy trình kiểm toán của DCPA được xây dựng dựa trên cơ sở tuân thủ những chuẩn mực kiểm toán độc lập và chế độ kế toán hiện hành của Việt Nam, đồng thời lựa chọn và vận dụng những chuẩn mực, thông lệ chung của quốc tế trên cơ sở phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý tại Việt Nam.

Chương trình kiểm toán mẫu của DCPA có thể coi như là một văn bản hướng dẫn cho các kiểm toán viên trong thực hiện công tác kiểm toán.

Thứ hai, về quy trình kiểm toán Nợ phải thu khách hàng của Công ty

Quy trình kiểm toán Nợ phải thu của Công ty là khá phù hợp. Trong giai đoạn lập kế hoạch, KTV phải thực hiện các bước công việc như tìm hiểu hoạt động của khách hàng, tìm hiểu hệ thống kế toán và các chính sách kế toán, đánh giá trọng yếu rủi ro. Từ đó, KTV tiến hành thiết kế chương trình kiểm toán. Quy trình này đảm bảo cho KTV hiểu rõ bản chất hoạt động kinh doanh của khách hàng, có quan điểm đúng đắn khi xác định rủi ro, từ đó có thái độ hoài nghi hợp lý khi thực hiện kiểm toán. Các bước công việc trong giai đoạn lập kế hoạch đều tuân theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 500. Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, KTV thực hiện lần lượt từ thử nghiệm kiểm soát đến thủ tục phân tích và thủ tục kiểm tra chi tiết. Khi hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng được đánh giá tốt thì KTV tiến hành thực hiện thử nghiệm kiểm soát. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với lý luận kiểm toán. Trong thủ tục phân tích và kiểm tra chi tiết, KTV đã sử dụng các kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán hợp lý, đảm bảo thu thập được các bằng chứng kiểm toán hữu hiện làm cơ sở hình thành nên ý kiển kiểm toán.

Dù Công ty đã xâydựng được quy trình kiểm toán chuẩn nhưng Ban Giám đốc công ty cũng đã rất sáng tạo và nhạy bén trong vận dụng quy trình kiểm toán đó cho các khách hàng khác nhau. Đối với khoản mục Nợ phải thu khách hàng, quy trình kiểm toán được xây dựng cụ thể, chi tiết để thuận tiện cho các nhân viên có thể tham khảo và thực hiện tuy nhiên cũng được chọn lọc để thực hiện phù hợp với quy mô của Công ty. Đặc biệt quy trình kiểm toán này rất hiện đại do được cập nhật hàng năm, từ đó đảm bảo hiệu quả làm việc và chất lượng của cuộc kiểm toán luôn ở mức cao nhất. Với những cố gắng như vậy, Công ty đang cùng Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

(VACPA) xây dựng các tài liệu về hồ sơ kiểm toán, quy trình kiểm toán mẫu với kỳ vọng những tài liệu này sẽ được áp dụng đối với các doanh nghiệp kiểm toán có quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Thứ ba, về vấn đề kiểm soát chất lượng kiểm toán

Tại DCPA, Hệ thống kiểm soát chất lượng luôn được ban giám đốc công ty coi trọng. Hệ thống kiểm soát chất lượng của công ty được thiết lập ở nhiều mặt như: nhân sự, tổ chức quản lý, kiểm soát chất lượng báo cáo kiểm toán. Công ty luôn có chính sách kiểm soát chặt chẽ trong từng khâu của cuộc kiểm toán. Vì vậy, chất lượng của cuộc kiểm toán do công ty thực hiện luôn có độ chính xác cao.

Thứ tư: Cách thức tổ chức và lưu trữ hồ sơ kiểm toán

Hồ sơ kiểm toán của DCPA được sắp xếp, bố trí khoa học. Các phần hành đều được quy định rõ ràng, cụ thể. Đồng thời đều được đánh tham chiếu, rất thuận tiện cho kiểm tra rà soát. Các giấy làm việc được trình bày rõ ràng, quản lý chặt chẽ giúp cho KTV cũng như những người không tham gia kiểm toán trực tiếp có thể dễ dàng kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ làm việc trên hồ sơ kiểm toán.

2.1.2 Những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện kiểm toán khoản mục nợ phải thu khách hàng

Thứ nhất, về chương trình kiểm toán mẫu

Các chương trình kiểm toán nói chung và chương trình kiểm toán các khoản phải thu khách hàng nói riêng của DCPA được thiết kế sẵn, áp dụng chung cho mọi loại hình doanh nghiệp, mọi khách hàng mà không xây dựng riêng cho từng khách hàng cụ thể, vấn đề này phần nào gây khó khăn cho việc kiểm toán các loại hình khách hàng khác nhau.

Thứ hai, phương pháp đánh giá HTKSNB

Tại DCPA công việc đánh giá HTKSNB của khách hàng chỉ thông qua bảng câu hỏi về HTKSNB được công ty xây dựng chung cho mọi khách hàng.

Các câu hỏi đều giống nhau khi áp dụng cho các khách hàng. Việc sử dụng bảng câu hỏi này tuy giúp công ty tiết kiệm được thời gian và chi phí kiểm toán nhưng nó lại bộc lộ những hạn chế rất rõ rệt như: nó không linh hoạt trong việc áp dụng chung cho nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đặc biệt, trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều khách hàng hơn ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau tìm đến DCPA. Điều này đòi hỏi ban lãnh đạo công ty phải có những chính sách hợp lý để có thể ngày càng nâng cao chất lượng kiểm toán.

Mặt khác, việc thiết kế bảng câu hỏi đòi hỏi nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn do các câu hỏi đưa ra phải mang tính logic, phù hợp để có thể ngăn chặn được các câu trả lời không trung thực.

Thứ ba,trong thực hiện thủ tục phân tích

Trong mọi cuộc kiểm toán, thủ tục phân tích đóng vai trò rất quan trọng, nó giúp KTV nắm bắt được tình hình tài chính và tình hình kinh doanh của công ty. Mặt khác,thủ tục phân tích còn giúp KTV trong việc lựa chọn quy mô mẫu chọn, nhận biết được các sai phạm dễ xảy ra,... tuy nhiên, tại DCPA quá trình vận dụng thủ tục phân tích vào kiểm toán dường như chưa được đầu tư đúng mức. Thay vào đó, các KTV tại DCPA lại sử dụng khá nhiều thời gian vào các thủ tục kiểm tra chi tiết.

Thứ tư, về thủ tục kiểm tra chi tiết

DCPA tiến hành chọn mẫu dựa trên việc phân bổ mức trọng yếu tổng thể và phân bổ mức trọng yếu chi tiết cho các khoản mục, nghiệp vụ. Tuy nhiên việc chọn mẫu đôi khi phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của KTV. KTV thường chọn những nghiệp vụ có giá trị lớn, có khả năng chứa đựng sai sót. Công việc này phụ thuộc vào kinh nghiệm và năng lực phân tích của KTV. Điều này cần phải hạn chế khi thực hiện kiểm toán, nhất là khi Công ty có những khách hàng lớn, việc chọn mẫu theo phương pháp này sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.

2.2 Giải pháp hoàn thiện quy trình kiểm toán khoản mục nợ phải

thu khách hàng trong kiểm toán báo cáo tài chính do công ty TNHH kiểm toán và tư vấn DCPA thực hiện

2.2.1 Hoàn thiện việc đánh giá HTKSNB của công ty

Việc đánh giá HTKSNB là rất quan trọng trong quá trình thực hiện kiểm toán. Nó giúp KTV có những nhận xét ban đầu về công ty khách hàng. Do đó, việc xây dựng một quy trình đánh giá HTKSNB chính xác là một yêu cầu rất thiết thực đối với mọi công ty kiểm toán. Như đã trình bày ở trên tại DCPA việc đánh giá HTKSNB chỉ dựa vào mình bảng câu hỏi để kiểm tra sự tồn tại của HTKSNB. Để công việc này được thực hiện một cách tốt hơn, em xin đưa ra một số ý kiến như sau:

+ Bên cạnh việc đánh giá HTKSNB của khách hàng bằng bảng câu hỏi, DCPA nên thực hiện kết hợp với phương pháp lưu đồ và Bảng tường thuật.

Việc kết hợp hai phương pháp như trên sẽ giúp KTV hiểu biết chính xác hơn về HTKSNB của khách hàng.

+ Trong quá trình tìm hiểu các thủ tục kiểm soát phải thu khách hàng, các KTV của DCPA nên chọn một số mẫu đại diện để đối chiếu phân tích sự hợp lý và chính xác của các số liệu được trình bày trên đó. Qua đó để khẳng định tính hiệu lực trong HTKSNB của công ty khách hàng.

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ TỐT NGHIỆP QUY TRÌNH KIỂM TOÁN KHOẢN MỤC NỢ PHẢI THU KHÁCH HÀNG DO CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN DCPA THỰC HIỆN (Trang 47 -47 )

×