Điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã trên địa bàn tỉnh hưng yên trong giai đoạn hiện nay (Trang 59)

Hưng Yên là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, diện tích tự nhiên 932 km2, dân số trung bình năm 2004 là khoảng 1,1 triệu người (nữ 51,89%) 10,45% dân số ở thị xã, thị trấn; công nhân lao động là 43 ngàn người, lao động nông nghiệp 447 ngàn người, đội ngũ trí thức trên 12 ngàn người, thanh niên 435 ngàn người. Có 160 xã, phường, thị trấn, 846 thôn, khu phố, 445 cơ quan hành chính sự nghiệp trong đó: cấp tỉnh 48, cấp huyện 407, 38 doanh nghiệp nhà nước. Đảng bộ có gần 50 nghìn đảng viên, 517 chi, đảng bộ cơ sở. Hưng Yên là một địa bàn dân cư chủ yếu là người kinh nằm ở vùng trung tâm của châu thổ sông Hồng, có nền văn hóa khá cổ lâu đời với đặc trưng nổi bật là nông nghiệp lúa nước. Đặc biệt, có Phố Hiến nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ với “thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến”. Với đặc điểm là một nền văn hoá khá cổ lâu đời như vậy đã hình thành nên một nét văn minh mà người dân Hưng Yên vẫn tự hào ca ngợi là văn minh Phố Hiến - văn minh sông Hồng. Tuy có những phong tục, tập quán, giá trị văn hoá tốt đẹp lâu đời nhưng Hưng Yên cũng còn giữ lại khá nhiều thói quen, tập tục lạc hậu đang cần được quan tâm loại bỏ. Hưng Yên còn là một tỉnh có truyền thống cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã có nhiều gương sáng anh hùng hy sinh vì đất nước như: Nữ anh hùng Bùi Thị Cúc, phong trào Bãi Sậy, nữ du kích Hoàng Ngân...

Về mặt địa lý: Hưng Yên giáp danh với các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, đi qua địa bàn tỉnh có đường 5A nối liền Hà Nội - Hải Phòng là hai thành phố lớn. Hưng Yên có đường sắt, đường bộ, đường sông. Chính từ địa lý hành chính đã tạo ra những mảng khác nhau như: Trung tâm hành chính thị xã Hưng Yên ở cuối tỉnh, khu công nghiệp mới đang phát triển Phố Nối, Như Quỳnh ở đầu tỉnh. Tuy là tỉnh nông nghiệp, nhưng tiếp giáp, giao lưu với nhiều khu công nghiệp lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương. Vì thế, Hưng Yên đã có quy hoạch khẩn trương phát triển Phố Nối thành thị xã công nghiệp trong tương lai.

Tóm lại về mặt bằng dân trí có thể kết luận:

- Có truyền thống văn hóa, hiểu biết sâu sắc về nông nghiệp trồng lúa.

- Trình độ học vấn khá đồng đều.

Vì đặc điểm thuần nông lâu năm, nên khoảng 90% dân cư làm nghề nông nghiệp, còn công nghiệp hiện mới đang trên đà khởi sắc. Dấu ấn và thói quen của phong tục, tập quán nông thôn cũng khá đậm đặc, trình độ văn hoá chung so với các tỉnh thành lân cận trừ Hà Nội thì cũng không phải là thấp, tuy nhiên trình độ văn hoá pháp lý còn nhiều mặt hạn chế, chưa cao.

Về trình độ văn hoá pháp lý thì người nông dân Hưng Yên ít được tiếp xúc với thông tin, tri thức pháp luật mới, nhất là ở vùng nông thôn xa thị xã, thị trấn. Đây là đặc điểm nổi bật về dân trí pháp lý cần được khắc phục. Từ sau tái lập tỉnh đến nay (1997) một số khu công nghiệp mới đang bắt đầu khởi sắc và chưa được ổn định nên việc hình thành thói quen công nghiệp phù hợp với những đòi hỏi hiện tại và nhu cầu của pháp luật trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa còn khoảng cách xa. Một bộ phận dân cư ở các khu công nghiệp vẫn chưa quen với việc chuyển hoá từ nông dân thành công nhân...nên rất khó cho các cấp chính quyền tuyên truyền về tri thức pháp luật, về Quy chế dân chủ.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã trên địa bàn tỉnh hưng yên trong giai đoạn hiện nay (Trang 59)