8. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Các loại hình nhân vật
2.2.1.1. Nhân vật - con người
Nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi nói chung và trong truyện viết vê thiếu nhi của Ma Văn Kháng nói riêng không phải chỉ có trẻ em mà còn có cả người lớn. Nhưng rõ ràng tần số xuất hiện của nhân vật người lớn ở đây không nhiều như nhân vật trẻ em. Nhân vật người lớn không phải là đối tượng trực tiếp để nhà văn khám phá và thể hiện trong tác phẩm. Nhân vật người lớn chỉ xuất hiện khi nhà văn phản ánh những mối quan hệ của trẻ em và người lớn hoặc khi cần thể hiện tính cách của trẻ em trong môi trường rộng lớn.
* Nhân vật trẻ em
Do yêu cầu của lịch sử, văn học Việt Nam nói chung cũng như truyện viết cho thiếu nhi nói riêng tất yếu thể hiện những nhân vật đầy khát vọng, ý chí, sức mạnh và phẩm chất tiêu biểu cho cả cộng đồng. Các tác phẩm không chỉ giống nhau ở giọng điệu ngợi ca mà còn giống ở cả quy trình xây dựng nhân vật: từ xấu đến tốt, từ cá nhân ích kỷ chậm tiến đến tinh thần trách nhiệm cao, vì người khác vì tập thể. Từ mô hình chung này dẫn đến tình trạng các nhân vật đều nhạt nhòa, hao hao giống nhau, thiếu hẳn bản sắc riêng - một cá tính riêng có thể gây ấn tượng. Vậy nên, đôi lúc gây cho người
đọc cảm giác nhàm chán khi đọc những tác phẩm kiểu như vậy. Tình trạng này được dần khắc phục trong truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975, đặc biệt từ thời kì đổi mới. Nhà văn nói chung và nhà văn viết cho thiếu nhi nói riêng thức tỉnh một điều tưởng như hết sức hiển nhiên đó là mỗi con người là một sự sống, mỗi sự sống là một thế giới riêng không lặp lại. Nhìn trẻ em như một nhân cách, một cá tính riêng biệt, nhà văn hướng tới những số phận, chú ý đến quá trình hình thành nhân cách nhân vật. Đó không phải là những tính cách có trước mà là những tính cách hình thành trong điều kiện và môi trường sống, được vận động theo nhiều chiều hướng, gắn với số phận con người phức tạp, có khi vòng vo gấp khúc chứ không bằng phẳng xuôi chiều. Những tính cách này được cuộc sống đa dạng soi sáng và củng cố, tuy vậy đôi khi do hoàn cảnh nó cũng dễ bị tổn thương, dễ đổ vỡ.
Truyện viết về thiếu nhi của Ma Văn Kháng qua hai tiểu thuyết tiêu
biểu là Chó Bi đời lưu lạc và Côi cút giữa cảnh đời đã xây dựng nên những
nhân vật trẻ em với những cá tính rất riêng, rất ấn tượng. Chưa rõ rệt như ở thế giới của người lớn nhưng ở lứa tuổi thiếu nhi các em cũng đã bắt đầu bộc lộ những mặt tốt - xấu, chân thật - xảo trá, bao dung - hẹp hòi… báo hiệu những con người trưởng thành với những tính cách tương ứng trong tương lai không xa. Giữa những cá tính đối lập nhau đó đã bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn thậm chí là những xung đột khá gay gắt tất nhiên nó là những xung đột mang màu sắc trẻ con. Nhưng qua những xung đột đó mỗi nhân vật trẻ em đã tự bộc lộ những nét tính cách riêng biệt trong con người mình.
Đại diện cho lớp nhân vật trẻ em chăm ngoan, giàu tình cảm, có ý chí vượt lên trên hoàn cảnh là Duy, Toản, bé Thảm. Mỗi em một cá tính, một hoàn cảnh, một ao ước, một nghĩ suy riêng nhưng nhìn chung đều gặp nhau ở một tuổi thơ nhiều khó khăn, vất vả thậm chí thiếu thốn tình cảm nhưng tất cả đều nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để sống tốt, học tốt với khát vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.
Duy là cậu bé đã từng được sống trong một gia đình rất hạnh phúc có người bà hiền hậu như bà tiên trong cổ tích, có bố và mẹ đều là những người thợ giỏi rất thương yêu nhau và rất mực thương con. Thế nhưng, quãng thời gian đó chẳng kéo dài được bao lâu thì lần lượt bao biến động không tốt đã ập đến gia đình và tuổi thơ của cậu bé. Bố đi bộ đội không có một dòng tin tức. Mẹ ở nhà sau một thời gian mòn mỏi đợi chờ, thấp thỏm lo âu cuối cùng do yếu đuối và bồng bột đã bỏ Duy và bà nội ra đi theo một gã lái xe đường dài nhiều tiền, trơ tráo. Vậy là từ một tuổi thơ ăm ắp hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười Duy đã trở thành một đứa trẻ côi cút, thiếu vắng sự chăm sóc, quan tâm của cả cha và mẹ, chỉ có bà nội là chỗ dựa duy nhất.
Bất hạnh không chỉ dừng lại ở đó. Những éo le, gấp khúc trong cuộc sống vốn rất phức tạp liên tiếp ập xuống đầu cậu bé. Bắt đầu là những buổi đi học đầu tiên đầy nước mắt vì sự bất công, phân biệt giàu nghèo của cô giáo dạy thay kém năng lực, kém lòng bao dung, nhân hậu. Cùng với đó là sự đàn áp, bắt nạt theo kiểu trẻ con nhưng đã chất chứa đầy ác ý của bọn bạn nhà giàu trong lớp. Đâu chỉ có vậy, những lời xỉa xói, cạnh khóe của chị em Vàng Anh, Vành Khuyên con cô Đại Bàng trong xóm về sự ra đi của mẹ cũng làm tâm hồn non dại của Duy bị tổn thương ghê gớm. Tai họa nọ tiếp nối tai họa kia. Căn nhà từng là tổ ấm êm đềm ngày xưa của gia đình Duy bị lão Hứng - trưởng phòng hành chính xí nghiệp mẹ Duy ngày trước thông đồng với lão Luông - tổ trưởng tổ dân phố chiếm đoạt phần lớn. Hai bà cháu phải ở trong cảnh chật chội, chèn ép và đặc biệt phải hàng ngày chứng kiến những hành động thô bỉ, vô văn hóa của lão Hứng và những lời vu khống, chụp mũ, đặt điều của tên Luông.
Cuộc đời là cuốn sách lớn với những ẩn số bí hiểm mà không ai biết trang tiếp theo và trang kết của nó là gì. Số phận nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha hai bà cháu nghèo khổ, chơ vơ. Giữa lúc thiếu thốn, cùng cực thì cô Quỳnh - em bố Duy lại mang bé Thảm - kết quả của mối tình lầm lỡ về nhờ bà cưu mang. Hai bà cháu bắt đầu quãng thời gian phải tằn tiện, chắt bóp
hơn để nuôi một sinh linh bé nhỏ phải đêm ngày giành giật sự sống với bệnh tật. Ngoài thời gian đi học, Duy lo đỡ đần bà trông em. Duy đã thật sự trưởng thành hơn lứa tuổi khi phải cùng bà chắt chiu, tằn tiện nuôi nấng em Thảm qua những quãng ngày khó khăn vì không được cấp giấy khai sinh, không được chu cấp đường sữa, không được hưởng một chế độ nào như những công dân bình thường.
Duy là cậu bé có đời sống nội tâm phong phú, giàu tình cảm, nhậy cảm và rất dễ bị tổn thương. Cậu bé sớm biết yêu thương, sớm biết hi sinh vì người khác, sớm hiểu được vị trí và lòng tự trọng của một người con trai trước những biến động bất thường của cuộc sống. Duy sống lặng lẽ, trầm tư, thiên về suy nghĩ nội tâm hơn những biểu hiện trực tiếp bề ngoài. Cậu lặng lẽ yêu thương bà, lặng lẽ chăm sóc em, lặng lẽ chờ đợi ngày trở về của người cha với niềm tin bất diệt là cha còn sống. Cùng với những va vấp, những phải sớm trải qua càng ngày Duy càng tỏ ra là một chàng trai bản lĩnh, cứng cỏi xứng đáng với những gì người bà đáng kính của cậu mong chờ.
Có thể nói, tuổi thơ của Duy là một tuổi thơ đầy rẫy những bất hạnh, những ngang trái. Bằng sức mạnh tình thương và sự che chở của bà, bằng sự giúp đỡ, động viên của rất nhiều người tốt đặc biệt bằng tinh thần tự chủ và sự cố gắng cao đã giúp cậu vượt qua được những ngày tháng nhọc nhằn, oan nghiệt để có ngày được gặp lại bố và mẹ trong phút hạnh phúc đoàn tụ muộn mằn sau này.
Số phận éo le và có phần buồn tủi hơn cả Duy là tuổi thơ của bé Thảm. Bé Thảm là kết quả của “cái sự chưa thăm ván đã bán thuyền” mà cô Quỳnh đã lỡ lầm mắc phải. Sinh ra không được bao lâu thì mẹ Quỳnh mang Thảm về gửi gắm cho bà. Thảm chỉ được ít ngày bú mẹ còn những ngày về sau em được nuôi nấng hoàn toàn nhờ vào sữa đi bú chực của các cô, các chị có con nhỏ trong phường và bằng những thìa nước đường, nước cơm nặng tình bà. Những tháng đầu tiên Thảm khóc liên miên. Có lẽ em không chỉ khóc vì nỗi buồn khổ từ bên ngoài do đói sữa, thèm hơi mẹ mà vì cả những
nỗi buồn khổ từ bên trong do tủi thân, mặc cảm cho cái số phận hẩm hiu của mình. Sau sáu tháng tuổi, hình như toàn bộ sức lực dự trữ thừa hưởng từ mẹ của Thảm đã đều kiệt quệ. Cái mầm non ra đời trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, trớ trêu ấy liên tục bị các chứng bệnh hành hạ. Hết sốt xuất huyết đến viêm họng, sốt mọc răng, sốt mọc tóc, đau mắt đỏ… và đặc biệt nguy hiểm là bệnh sởi chạy hậu gây ra viêm ruột, làm lở loét, đau rát khắp cả người em. May mà trong những giờ phút căng thẳng và nguy kịch đó Thảm luôn luôn có bà bên cạnh chở che, giúp đỡ, giành giật lại sự sống cho em. Và cuối cùng thì sự sống đã chiến thắng. Bé Thảm đã sống nhờ nội lực tiềm tàng, nhờ nghị lực chống trả phi thường của bản thân và nhất là nhờ nữ thần hộ mệnh là người bà với tấm lòng bao dung đã quả cảm bảo vệ đến cùng sự sống cho đứa cháu không may rơi vào cảnh hẩm hiu, khốn cùng.
Thảm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất ở thuở ấu nhi. Vào tuổi thứ ba của cuộc đời em mới tập đi và tập bập bẹ những tiếng nói đầu tiên. Em lớn nhanh, dễ nuôi, khác với những đứa trẻ khác không hề biết vòi vĩnh gì hết. Thảm nhanh nhẹn, thông minh, hay nói, hay chuyện, rất đáo để. Nó không chịu khuất phục trước một sức mạnh nào từ trò ma cũ bắt nạt ma mới của mấy bạn trong lớp đến những lời nói không mấy thiện cảm của cô Thìn trong ngày đầu tiên vào lớp. Bé Thảm sống dồi dào và phong phú hơn Duy. Nếu như nhiều lúc Duy cảm thấy chơ vơ, mặc cảm giữa một tập thể gồm những cá nhân tí hon nhìn thì vui mắt nhưng cũng có đủ mọi chuyện phức tạp, rắc rối thì bé Thảm hoàn toàn khác. Em ngây thơ, thẳng thắn, tin yêu và bạo dạn. Em không hề có mặc cảm kém cỏi để câm lặng và cam phận phần thua thiệt. Thảm lăn mình vào để đòi phần công bằng. Thảm đã chinh phục cả những người có thành kiến với em.
Cũng giống anh, Thảm sống giàu tình cảm. Em gắn bó với bà bằng một chiều sâu hiếm có không phải chỉ là tình bà cháu thông thường mà còn là mối quan hệ hai phần của một cơ thể. Với bà, nó không chỉ có lòng kính yêu mến mộ mà bà còn là một từ mẫu tinh thần, là linh hồn sống động tỏa
sáng trong tâm hồn em. Với mẹ, tuy phải xa cách từ nhỏ nhưng hình như vẫn có một sợi dây liên hệ vô hình không thể hình dung nổi giữa Thảm và người mẹ yêu dấu bất chấp cả không gian xa cách, thời gian đằng đẵng và sự hạn chế của các phương tiện thông tin. Trong thẳm sâu tâm hồn nó vẫn có những giây phút nhớ và mong ngóng mẹ đến nao lòng.
Sinh ra trong điều kiện khó khăn nên Thảm có tinh thần tự lập từ rất sớm. Khi bà ốm, Thảm cùng anh Duy tự bảo nhau trông nom vườn rau, nuôi gà. Thảm giống như một người chủ quán xuyến gia đình thật sự khi có thể thay bà lo cơm nước, chợ búa rất chu toàn. Thảm còn biết an ủi, động viên, chăm sóc bà chu đáo.
Bé Thảm đã bù đắp cho những gì còn thiếu hụt trong tính cách của Duy. Em đã cùng Duy - hai đứa trẻ tội nghiệp lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà, cùng bà vượt qua những quãng ngày khó khăn, thiếu thốn và khắc nghiệt nhất. Hai em chính là hiện thân của “tuổi thơ dữ dội” nhưng rất tự chủ, năng động và tràn trề năng lượng sống. Hai em đã biến những buồn đau, mất mát trong cuộc sống thành những niềm vui nho nhỏ, những kỷ niệm ấm áp bên người bà có tấm lòng nhân hậu . Với những gì đã thể hiện, Thảm và Duy thực sự là những mầm cây khỏe mạnh vươn lên từ mảnh đất khô cằn, khốc liệt bất chấp những rào cản, những bão giông, nắng lửa của cuộc đời.
Luôn luôn gần gũi, thân thiết với Duy và Thảm là Việt. Không phải sống trong sự khốn khó, bĩ cực như Thảm và Duy, Việt được sống trong một gia đình rất hạnh phúc, yên ấm, có bố mẹ làm cán bộ cấp Sở. Thế nhưng,
Việt hoàn toàn khác những đứa con nhà giàu khác trong tác phẩm Côi cút
giữa cảnh đời, cậu bé sống giàu tình nhân ái, lòng trắc ẩn với người khó
khăn. Cậu sở hữu một tinh thần nghĩa hiệp cao cả, yêu công lí, một tấm lòng sẵn sàng sẻ chia. Bởi vậy, vượt lên trên bức tường phân biệt giàu nghèo, Việt đã trở thành người bạn thân, người đồng hành với mọi éo le của Duy trong cuộc sống. Việt dám bênh vực Duy, dám tố cáo những lời vu cáo Duy của bọn con nhà giàu hư đốn trong lớp với cô giáo đòi công bằng, lẽ phải cho
Duy. Ở nhà, Việt cùng Duy đọc sách, học bài, bàn chuyện, chơi bi, chơi cờ, cùng làm việc giúp bà nội. Từ ngày có em Thảm, Việt lại cùng Duy trông em. Những lúc em Thảm hay hờn dỗi, Việt tìm đủ mọi cách dỗ dành em. Việt nặn đồ chơi, làm mặt lạ Tôn Ngộ Không, làm trò cười cho em Thảm vui. Việt chính là một nốt nhạc thanh thoát trong bản hòa ca của cuộc sống, một hình ảnh trong lành và thánh thiện tạo nên những niềm vui nho nhỏ cho thời thơ ấu nhiều nỗi buồn đau của Duy và Thảm.
Cũng có một tuổi thơ cay cực, dữ dội tương tự như Duy và Thảm là
nhân vật Toản trong tác phẩm Chó Bi đời lưu lạc. Giống như Duy, Toản
cùng đã từng có một gia đình hạnh phúc gồm bốn người: bố mẹ, anh trai và Toản. Bố Toản là giám đốc công ty đóng tàu có tiếng trong tỉnh. Mẹ Toản là giáo viên rất xinh đẹp, giàu tình cảm, làm cô giáo dạy Tiếng Việt ở trường trung học gần nhà. Anh Cần là một học sinh tài năng đặc biệt được đi thi học sinh giỏi cấp thành phố. Còn Toản, cậu bé cũng là một học sinh giỏi, có tầm hồn rất đa cảm. Gia đình Toản ở trong một căn hộ ba mươi mét vuông trong khu tập thể mới xây dựng. Nơi đó từng là tổ ấm của bốn thành viên trong gia đình yên ấm với khung cảnh quen thuộc mà thân thương. Chiều chiều bố đi làm về gánh nước, mẹ nấu cơm. Tối tối gia đình quây quần quanh mâm cơm xum họp với những tiếng cười vui vẻ, những lời nói tràn ngập yêu thương và sự quan tâm mà mọi người dành cho nhau. Nơi đó có mảnh vườn trồng đủ các loại hoa ở ở góc sân, mảnh vườn thường được gọi là An Lạc Viên được bố Toản trồng và chăm sóc rất cẩn thận để lấy lại yên vui, thăng bằng từ hoa giữa cuộc sống bộn bề và nhiều trắc trở.
Thế rồi, thời gian đã kéo theo nó những vòng xoáy dữ dội của cuộc sống. Cái ngày hôm qua tươi đẹp có thể đến ngày hôm nay chỉ còn là kí ức. Do bị những người kém tài ganh ghét, đố kị về tài năng, bố Toản đã bị vu oan và phải ngồi tù. Anh Cần do thương bố, bất bình trước những bất công của xã hội, uất hận trước bọn người ném đá giấu tay hãm hại, nhục mạ bố nên đã đánh Xuân Chương, gây gổ với công an. Vì thế, anh bị kết án hai năm