8. Cấu trúc luận văn
1.3. Quan niệm của Ma Văn Kháng về văn học nói chung và văn học
thiếu nhi nói riêng
Nhà văn Ma Văn Kháng tham gia quân đội từ tuổi thiếu niên. Năm 1955, ông tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm (Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc), lên dạy học ở tỉnh Lào Cai, sống và gắn bó với đồng bào dân tộc miền núi hơn 20 năm. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1974, ông là hội viên hội nhà văn Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1976 đến nay, ông công tác tại Hà Nội, từng làm Tổng biên tập, Phó Giám đốc nhà xuất bản Lao Động. Từ tháng 3 năm 1995 là Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Đảng Đoàn Hội nhà văn khoa V, Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài thuộc Hội nhà văn Việt Nam.
Nhắc đến Ma Văn Kháng người đọc từng biết đến ông là nhà văn của đồng bào các dân tộc miền núi. Ông được đánh giá là cây bút góp phần khuấy động văn đàn Việt Nam hiện đại, với những tác phẩm làm nên tên tuổi
ông từ đầu những năm 80 thời kỳ trước như: Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng
trong vườn,… Mỗi trang văn ông viết, dù bình thản hay dữ dội, dường như
đều mang theo một bài học sâu sắc, nhắc chúng ta về tình yêu đời, yêu người
và yêu cuộc sống…
Ma văn Kháng là nhà văn viết khỏe, viết đều. Từ truyện ngắn đầu tay
-“Phố cụt” đăng trên báo Văn nghệ năm 1961, cho đến nay, Ma Văn Kháng
đã có đến 20 tập truyện ngắn, 15 cuốn tiểu thuyết và 4 truyện viết cho thiếu
nhi. Những tập truyện ngắn viết về đề tài miền núi như: Xa Phủ ( 1969),
Bài ca trăng sáng (1972) , Góc rừng xinh xắn (1972), Người con trai họ hạng (1972), Mùa mận hậu ( 1972), Cái móng ngựa (1973) đã khẳng định
tài năng, tâm huyết của nhà văn và góp phần làm cho bức tranh hiện thực cuộc sống được phản ánh trong nền văn học hiện đại Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng.
Không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn, Ma Văn Kháng còn rất
thành công ở thể loại tiểu thuyết. Từ Gió rừng (1976), Đồng bạc trắng hoa
xòe (1978), Mùa lá rụng trong vườn (1982), Vùng biên ải (1983) đến Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Côi cút giữa cảnh đời (1989)..., tên tuổi
của Ma Văn Kháng càng được đông đảo bạn đọc biết đến bởi không chỉ ở vốn hiểu biết dồi dào mà còn ở một cách thể hiện mới mẻ.
Trong văn nghiệp của Ma Văn Kháng, truyện ngắn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Truyện ngắn đã đem đến vinh quang cho nhà văn ngay
từ buổi đầu khởi nghiệp: Truyện ngắn Xa Phủ được giải Nhì (không có giải
nhất) trong cuộc thi viết truyện ngắn 1967 - 1968 của tuần báo Văn nghệ; tập
truyện Trăng soi sân nhỏ được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 và giải thưởng Đông Nam Á năm 1998; truyện San Cha Chải được giải Cây
bút vàng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam 1996-1998.
Không chỉ thành công ở đề tài miền núi, Ma Văn Kháng còn
thành công ở đề tài thành thị. Các tập truyện Ngày đẹp trời (1986), Trái chín
mùa thu (1988), Heo may gió lộng (1990), Trăng soi sân nhỏ (1995)... đã
thể hiện những giá trị nhân sinh sâu sắc và những trăn trở đầy trách nhiệm của nhà văn về cuộc đời và con người.
Trong đời văn của mình, Ma Văn Kháng theo đuổi hai mảng đề tài
lớn, là miền núi và thành thị, cụ thể hơn là người trí thức thành thị. Mùa lá
rụng trong vườn là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông về đề tài gia đình trí
thức. Trong những tháng năm tuổi trẻ, ông đã gối đầu giường cuốn sách này, và tự hỏi, làm một người trí thức sao mà phức tạp đến thế. Câu chuyện về một gia đình với những mất mát, biến thái của từng thành viên trong bối cảnh cuộc sống mới đã không ngừng làm ta day dứt, nhói đau.
Bên cạnh những người trí thức chân chính, Ma Văn Kháng rất giỏi khi viết về những người trí thức rởm, trí thức lưu manh mà hình như đang tồn tại không ít trong xã hội hôm nay. Nhiều nhà lý luận phê bình đồng ý rằng, Ma
Văn Kháng là nhà văn viết về bi kịch của người trí thức nước ta hay và thấu tình đạt lý bậc nhất. Thái độ của ông là không khoan nhượng với cái xấu, cái giả, cái ác, cho dù có những lúc, ở đâu đó, nó đang lấn át cái Tốt, cái Thiện. Viết văn, trước tiên là câu chuyện của tình yêu, của đam mê và tài năng, là dồn nén những ưu tư cá nhân, song, với Ma Văn Kháng, viết còn là thái độ, là trách nhiệm công dân của một người yêu dân tộc mình. Thấp thoáng trong các trang sách, người đọc có thể nhìn ra nỗi buồn, nỗi đau đời riêng ông, nhưng trên tất cả, đó là những ưu tư của ông trước nhân tình thế thái. Ông thực sự muốn dùng sức mạnh ngòi bút của mình để mang tới những giá trị nhân văn cho con người và vì con người ở nghĩa rộng lớn nhất.
Ông quan niệm: “Con người sống không chỉ là để làm đẹp cho cuộc sống, không chỉ để ra nụ ra hoa mà sống còn là để chịu thương tích nữa - đó là quy luật của xã hội. Sống là đấu tranh, tranh đấu sẽ có thương tích. Tôi không muốn một cái đẹp dễ dãi. Cái đẹp ấy phải mang màu sắc bi tráng. Cái đẹp ấy đều trải qua những mất mát, thiệt thòi, thậm chí hi sinh, bị vùi dập đến mức không còn chỗ đứng. Thế nhưng họ vẫn vươn lên khẳng định nhân cách chính mình. Đó chính là cái đẹp rất cơ bản”.
Với quan niệm viết văn là việc “đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn”, Ma Văn Kháng đã tạo cho mình một tiếng nói, một phong cách nghệ thuật riêng. Các sáng tác của ông không chỉ đặt ra và lý giải những vấn đề có ý nghĩa dân tộc mà còn mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc như: vấn đề hôn nhân gia đình, tình yêu, tâm linh, những vấn đề về nghệ thuật, vai trò sứ mệnh của văn chương ... Trên hành trình hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn Ma Văn Kháng đã chứng kiến bao vật đổi sao dời thời cuộc, nhà văn thấu thị mọi lẽ đời, vì mỗi phút giây, ông đã sống tận cùng với chính mình. Sống Thật chỉ để tìm kiếm cái Đẹp trong ý nghĩa khởi nguyên nhất, dù cái giá của nó có khi là cay đắng. Nhưng ông vẫn tâm niệm: “Có vẻ đẹp nào mà không cần được thử
thách! Nhân cách chỉ tỏa sáng trong những cảnh huống tưởng như không thể chịu được”. Trên con đường khắc nghiệt của văn chương, Ma Văn Kháng đã thực sự “một mình một ngựa”, trong nỗi cô đơn dằng dặc, không ngừng tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của đời sống, mà nếu không có nó, con người không có điểm tựa để đi về phía trước…
Với những cống hiến to lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, năm
2012 nhà văn Ma Văn Kháng vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh (đợt 4) cho cụm tác phẩm: Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn…
CHƯƠNG 2
NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN VIẾT VỀ THIẾU NHI CỦA MA VĂN KHÁNG