Biến chứng của ĐTĐ là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Tăng glucose máu sau ăn được cho là yếu tố quan trọng trong sinh bệnh học của các biến chứng do đái tháo đường. Tăng glucose máu sau ăn là biểu hiện thường gặp ở ĐTĐ type 1 và type 2 [42]. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh tăng glucose máu sau ăn là yếu tố nguy cơ bệnh mạch máu lớn, bệnh lý võng mạc, gây các stress oxy hóa dẫn đến tăng viêm, gây rối loạn chức năng nội mô [62]. Chính vì thế việc kiểm soát tốt hạn chế mức tăng glucose máu sau ăn giúp phòng chống cả bệnh ĐTĐ và các
biến chứng do ĐTĐ gây ra. Để quản lý glucose máu sau ăn ngoài chế độ ăn bằng các thực phẩm có chỉ số glucose máu thấp và luyện tập còn có các thuốc ức chế men α-glucosidase. Ức chế men α-glucosidase làm chậm quá trình tiêu hóa đường đôi và kéo dài thời gian tiêu hóa đường đôi dẫn đến giảm thu hấp glucose và do đó làm hạn chế gia tăng glucose máu sau ăn. Đối với bệnh nhân ĐTĐ, trong khoảng 30 phút sau ăn mức glucose máu tăng vượt quá 8,0 mmol/l và có thể đạt giá trị trên 11,1 mmol/l sau 2 giờ kết hợp với sự xuất hiện của đường niệu glucose máu giảm rất chậm và chỉ trở lại bình thường sau 3-4 giờ hoặc lâu hơn nữa [70], [131].
Nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm để đánh giá hiệu quả kiểm soát glucose máu sau ăn của viên VOSCAP trên 40 bệnh nhân ĐTĐ type 2 tại Hà Nội với tuổi trung bình của các bệnh nhân là 59,5. Huyết áp tối đa là 129,8mmHg và huyết áp tối thiểu là 79,3 mmHg. Nồng độ glucose máu trung bình lúc đói của các đối tượng là 7,75 mmol/l, chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23,5 (Bảng 3.3)
Bệnh nhân ĐTĐ type 2 đã được tiến hành thử nghiệm trong 2 ngày, một ngày chứng và một ngày uống VOSCAP, thử nghiệm cách nhau 7 ngày. Sử dụng 52 gam gạo tẻ và thịt nạc băm, với tổng năng lượng là 250 Kcalo cho 1 bữa ăn thử nghiệm (dựa trên nghiên cứu thử nghiệm glucose máu sau ăn của tác giả Wolever) [135]. Nghiên cứu sử dụng lượng calories khẩu phần trung bình mà hàng ngày các đối tượng bệnh nhân đái tháo đường type 2 nên dùng trong 5 bữa ăn/ ngày. Điều này, cũng giúp cho kết quả trong nghiên cứu cũng sẽ gần với thực tế ăn uống hàng ngày của bệnh nhân đái tháo đường. Tổng lượng calo dùng trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự nghiên cứu của tác giả Stanley H và cộng sự, sử dụng 242 kcalo trong đó 41g bột đường, 4,1g chất béo và 10,2g đạm để thử nghiệm glucose máu sau ăn của sản phẩm Pancreas Tonic (phối hợp dịch
chiết của 10 thảo dược) trên các bệnh nhân ĐTĐ type 2 ở Mỹ [120] và tương tự nghiên cứu trên trà nụ vối của Trương Tuyết Mai với năng lượng là 250 kcalo [19].
Kết quả thử nghiệm glucose máu sau ăn trên bệnh nhân ĐTĐ đã cho thấy, nồng độ glucose máu của ngày uống VOSCAP tăng không nhiều so với ngày chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê tại thời điểm sau ăn 15 phút và 30 phút (p<0,05), khi so sánh cũng thời điểm giữa ngày uống VOSCAP và ngày chứng. Tại thời điểm sau ăn 60 và 90 phút, mặc dù nồng độ glucose máu của ngày uống VOSCAP cũng đã thấp hơn so với ngày không uống, nhưng sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê. Như vậy, chỉ sau 15 phút và sau 30 phút sau ăn, thì khả năng hạn chế tăng glucose máu của VOSCAP mới được thể hiện rõ nhất. Chỉ số diện tích dưới đường cong (Bảng 3.4) cho thấy, ngày uống VOSCAP có trị số thấp hơn rõ rệt so với ngày đối chứng (ngày uống VOSCAP là 489,8 và ngày đối chứng là 605,0 sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, p<0,001). Kết quả này tương tự kết quả nghiên cứu của Ishibashi và cộng sự trên 20 bệnh nhân nội trú đái tháo đường type 2. Thử nghiệm nhằm so sánh hiệu quả hạn chế tăng glucose máu sau ăn của 200ml trà lá ổi với nhóm uống Voglibose 3mg trước bữa ăn và nhóm uống nước. Mức glucose máu sau ăn ở nhóm uống trà lá ổi và uống Voglibose giảm có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng là 143mg/dl và 133mg/dl (p<0,001). Mức glucose máu sau ăn giảm nhẹ hơn nhưng có ý nghĩa ở nhóm lá ổi so với nhóm uống thuốc Viglibose (p<0,01). Ishibashi còn chỉ ra rằng hoạt tính tìm thấy từ trà lá ổi nhẹ hơn thuốc Voglibose có thể hạn chế tác dụng phụ khi kết hợp thuốc điều trị ĐTĐ khác với thuốc ức chế men anpha glucosidase [71]. Kết quả nghiên cứu cũng tương tự kết quả nghiên cứu của Trương Tuyết Mai và cộng sự đánh giá hiệu quả kiểm soát glucose máu sau ăn của trà nụ vối
trên người ĐTĐ, sau 15 và sau 30 phút hiệu quả hạn chế glucose máu sau ăn ở nhóm uống nụ vối khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (p<0,05). Khi tính giá trị diện tích dưới đường cong, giá trị này thấp hơn ở ngày uống nụ vối so với ngày không uống nụ vối (23,89 so với 25,70), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05 [19].
Trong nghiên cứu trên chuột đái tháo đường, Trương Tuyết Mai và cs. đã chỉ ra hiệu quả kiểm soát glucose máu của VOSCAP trên chuột đái tháo đường khi sử dụng 400 mg bột chiết tách từ lá vối lá ổi, lá sen [16]. Theo nghiên cứu của Deguchi và cộng sự [56], lá ổi có khả năng ức chế hoạt động men tiêu hóa đường như alpha-glucosidase. Lá ổi cũng đã được thử nghiệm trên chuột đái tháo đường với liều lượng là 500 mg bột khô/kg thể trọng cũng đã chỉ ra hiệu quả hạn chế tăng glucose máu sau ăn. Nghiên cứu tại Trung Quốc (2009) của Taoying Zhou và cộng sự đánh giá hiệu quả kiểm soát glucose máu của dịch chiết từ lá sen trên chuột ĐTĐ với liều 200mg/kg cân nặng; Kết quả cho thấy flavonoids chiết xuất từ lá sen có khả năng kiểm soát glucose máu và mỡ máu, ngoài ra không tìm thấy biểu hiện độc tính của lá sen [122]. Cũng nghiên cứu về cây sen trong phòng thí nghiệm của tác giả Naoyoshi và cs. tại Nhật Bản (2012) cho thấy nước chiết xuất từ củ sen có hoạt tính dược học tác dụng ức chế anpha- glucosidase kiểm soát glucose máu sau ăn [99]. Ngoài ra sử dụng lượng VOSCAP 4 viên/ ngày, tương đương với lượng bột chiết tách từ lá vối, lá ổi, lá sen là 1,8 gam một lần uống cho thấy có hiệu quả hạn chế tăng glucose máu sau ăn trên 82,5% bệnh nhân đái tháo đường, thấy rõ 33/ 40 bệnh nhân tham gia đạt hiệu quả hạn chế tăng glucose máu (số liệu không trình bày). Hiệu quả hạn chế glucose máu sau ăn trong nghiên cứu này càng làm rõ thêm cơ chế hạn chế tăng glucose máu sau ăn của VOSCAP đã được chứng minh cả trong phòng thí
nghiệm, trên chuột, trên người khỏe mạnh và trên người bị đái tháo đường type 2 [16],[17].