Hai huyện Mê Linh và Sóc Sơn là hai huyện nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội- địa phương đi đầu trong công tác quản lý sinh vật ngoại lai. Do vậy, hai huyện đều được tuyên truyền một cách cẩn thận các vấn đề liên quan đến sinh vật ngoại lai thông qua các văn bản pháp luật, thông qua các buổi tập huấn về tác hại của thủy SVNLXH của Chi cục Thủy sản. Đồng thời, người dân của hai huyện còn được phát tờ rơi để nhận dạng được các loài thủy SVNLXH có mặt trên địa bàn. Mặt khác, tại địa bàn hai huyện, các cán bộ của Chi cục Thủy sản còn tiến hành hướng dẫn người dân khoanh vùng lưu giữ các loài thủy sinh chưa qua khảo nghiệm, khuyến khích người dân phát triển các loài có giá trị kinh tế và phổ biến các biện pháp loại trừ các loài thủy SVNLXH.
Qua quá trình điều tra nhận thấy:
- Các cán bộ cấp huyện nắm chắc và hiểu biết các văn bản pháp luật liên quan đến sinh vật ngoại lai.
- Cán bộ cấp xã và hợp tác xã bước đầu đã được tiếp cận các văn bản pháp luật, biết rõ sự phát tán của các loài cá ngoại lai, những khu vực nhiều loài cá ngoại
lai. Nhưng do thiếu hiểu biết về sinh vật ngoại lai nói chung và các loài cá ngoại lai nói riêng, nên không có các biện pháp quản lý các loài cá ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại, mà họ thường thụ động chờ chỉ đạo của cấp trên.
- Người dân ít quan tâm đến các văn bản pháp luật này, do một số người dân chưa biết chữ, và do các buổi tập huấn, tuyên truyền còn ít. Tuy nhiên, họ nắm khá rõ các loài cá ngoại lai nào có trên địa bàn, đồng thời có biện pháp diệt trừ cụ thể vì các loài ngoại lai có ảnh hưởng trực tiếp tới chính công việc của họ. Ví dụ: Cá tỳ bà có mặt rất nhiều trên các đồng ruộng của huyện Sóc Sơn, người dân thường bắt để trên bờ ruộng.