Chương 4 BÀN LUẬN
4.1.2. Phân bố theo giới.
Chúng tôi nghiên cứu trên tổng số 1024 BN có HCTDNDAD tới khám, trong đó có 703 BN nam, chiếm 68.7% và 321 BN nữ chiếm 31.3%. Tỷ lệ này có sự khác biệt tương đối lớn với thực tế khi tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh dục ở nữ giới là rất cao, khoảng 90% phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục theo Trung tâm Giải phẫu Tế bào học – Bệnh viện Bạch Mai đưa ra sau khi khám trên 70.000 bà mẹ ở hơn 300 cộng đồng dân cư sinh sống tại cả ba miền đất nước, thậm chí tỷ lệ này cũng lên đến 70% đối với nhóm phụ nữ có thu nhập cao, có trình độ văn hóa và hiểu biết. Hay theo một nghiên cứu gần đây của Lê Thị Oanh (Bộ môn Vi sinh - Trường Đại học Y Hà Nội), tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh sản năm 2001 lên tới 42% -
64% [25]. Hàng năm có tới hàng chục nghìn lượt chị em phụ nữ đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong đó 80% có dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa. Sự khác biệt này có thể do tâm lý e ngại của phụ nữ khi đi khám các vấn đề phụ khoa, viêm nhiễm gặp khá thường xuyên và những trường hợp bệnh chưa trầm trọng, chị em còn chủ quan, tự mua thuốc tại các hiệu thuốc về điều trị tại nhà, cấu trúc cơ quan sinh dục nữ dễ dàng cho các thuốc điều trị mua tự do như viên đặt phụ khoa hay các thuốc bôi ngoài da.
Về tỷ lệ nhiễm theo giới, có sự khác biệt tương đối lớn về tỷ lệ nhiễm giữa BN nam và BN nữ. Trong đó, tỷ lệ nhiễm E. coli trên nữ là 7.5%, và nam là 1.3%. Chúng tôi cho rằng, có sự khác biệt này do cấu tạo khác nhau của cơ quan sinh dục nam và nữ. Cấu trúc cơ quan sinh dục ngoài của nữ mở rộng, nhiều nếp gấp, lỗ âm đạo gần hậu môn và lỗ tiểu nên dễ lây nhiễm các vi khuẩn thuộc vi hệ đường ruột, trong đó có E. coli. Ngoài ra, chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, cơ quan sinh dục ngoài của nam khá dài, dễ quan sát và vệ sinh, quy đầu khá xa hậu môn và được bảo vệ bởi bao quy đầu nên tỷ lệ viêm nhiễm ở nam thấp hơn so với nữ. Bên cạnh đó còn có thể theo thói quen và vệ sinh cơ quan sinh dục không đúng cách, kết hợp với cấu trúc cơ quan sinh dục ngoài dễ viêm nhiễm, đặc biệt là các vi khuẩn họ Enterobacteriace.
4.1.3. Theo nhóm tuổi.
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu trên 1024 BN có HCTDNDAD đến khám tại bệnh viện Da Liễu Trung và chia tổng số BN thành 4 nhóm tuổi. Trong đó, có sự khác biệt tương đối lớn về tỷ lệ BN trong các nhóm tuổi tới khám. Nhóm tuổi <19 có 38 BN tới khám chiếm 3.8%, nhóm tuổi trên 49 có 87 BN tới khám chiếm 8.5%, trong khi nhóm tuổi 30 – 49 có 550 BN tới khám chiếm 53.7% và nhóm tuổi 20 – 29 có 348 BN tới khám chiếm 34%. Chúng tôi cho rằng, số bệnh nhân trong nhóm tuổi 30 – 49 tới khám nhiều
nhất do đây là độ tuổi có nhiều vấn đề về sinh dục và các bệnh LTQDTD. Những BN này có tần suất quan hệ tình dục cao, số bạn tình nhiều hơn. Nhóm tuổi 20 – 29 có số BN tới khám khá cao do đây là độ tuổi bắt đầu hoạt động tình dục nhiều, bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề về sinh dục và các bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục. Các BN <19 tuổi có số lượng đến khám ít nhất do độ tuổi này chưa có quan hệ tình dục hoặc tần suất quan hệ tình dục thấp, đôi khi còn do tâm lý e ngại của lứa tuổi khi tới khám các vấn đề phụ khoa. Nhóm tuổi trên 49 bắt đầu bước vào thời kỳ giảm dần đến dừng hẳn sinh hoạt tình dục, tâm lý tuổi già, ngại khám các vấn đề viêm nhiễm phụ khoa.
Về tỷ lệ nhiễm theo nhóm tuổi, tỷ lệ nhiễm E. coli cao nhất ở nhóm tuổi 30 – 49 với 3.5%. Tỷ lệ nhiễm thấp hơn không đáng kể ở nhóm tuổi 20 – 29 với 3.2%. Nhóm tuổi ≤ 19 và nhóm tuổi >49 có tỷ lệ nhiễm thấp hơn lần lượt là 2.6% và 2.3%. Tỷ lệ nhiễm của các nhóm tuổi tương đối phù hợp với tỷ lệ số lượng BN các nhóm tuổi tương ứng tới khám. Sự tương quan này cho thấy mối liên quan giữa tuổi tác, thói quen sinh hoạt tình dục cũng như tâm lý và sự phù hợp giữa số lượng ca nhiễm trên tổng số BN đến khám theo từng nhóm tuổi tới khám.