Sau những phấn khích ban đầu khi trở thành thành viên WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự gặp phải những thách thức ngày càng gia tăng của các rủi ro kinh doanh. Khi tiến hành khảo sát gần 250 doanh nghiệp và các định chế tài chính xem họ nhận thức vấn đề này thế nào, và họ đã làm gì?
- Kết quả khảo sát cho thấy lãi suất và tỷ giá là hai loại rủi ro mà doanh nghiệp lo ngại nhất. Đáng ngạc nhiên là họ hầu như chưa thực sự làm gì để đối phó với các rủi ro này. Một số rất ít doanh nghiệp có dử dụngsản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhưng cũng chỉ biết sử dụng đến hợp đồng kỳ hạn. Đây cũng là sản phẩm mà doanh nghiệp am hiểu sâu sắc nhất. Các hợp đồng
phái sinh phức tạp hơn, chẳng hạn như quyền chọn (option) tiền tệ hầu như ít có doanh nghiệp nào sử dụng.
- Điều đáng ngạc nhiên là mức độ am hiểu về các sản phẩm phái sinh chính là rào cản lớn nhất cho việc sử dụng các sản phẩm này. Kế tiếp là khung pháp lý. Khung pháp lý bao gồm những yếu tố:
(1) Nhà nước chưa có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm phái sinh
(2) Chưa có quy định về hạch toán kế toán đối với các giao dịch và phí phải trả cho việc sử dụng sản phẩm phái sinh
(3) Tâm lý lời thì không ai khen nhưng lỗ thì Hội đồng quản trị hoặc chủ doanh nghiệp kỷ luật.
-Ngoài ra, cũng còn một số lý do khác đáng quan tâm, có thể liệt kê ra sau đây: + Thiếu đào tạo thực tế về sản phẩm phái sinh. Đây là thực trạng ở Việt Nam. Các chuyên gia đào tạo về sản phẩm phái sinh hiện nay còn quá ít, hơn nữa số đơn vị cung cấp và tham gia giao dịch không bao nhiêu. Chính vì vậy, số
chuyên gia có cơ hội tiếp cận với thực tiễn ứng dụng sản phẩm phái sinh ở Việt Nam là rất hạn chế.
+ Phí thực hiện sản phẩm phái sinh cao. Chính rào cản này đã hạn chế doanh nghiệp đến với sản phẩm phái sinh. Tuy các hợp đồng kỳ hạn và giao sau không phải trả phí trực tiếp, nhưng quyền chọn hiện tại có phí “ khá cao” (theo đánh giá của nhiều cá nhân và doanh nghiệp sử dụng sản phẩm phái sinh).
+ Còn nhập nhằng giữa phòng ngừa rủi ro và đầu cơ. Doanh nghiệp không nghĩ rằng sử dụng sản phẩm phái sinh là trả một khoản tiền để mua một giấc ngủ ngon cho mình, đồng thời chủ động trong các kế hoạch kinh doanh và kiểm soát được chi phí của mình trong tương lai. Thay vào đó, họ chỉ mong muốn kiếm đuợc lợi nhuận và không muốn lỗ.
+ Khi mục tiêu chỉ nhằm vào đánh cuộc với biến động giá, thì khi biến động giá này không đúng như kỳ vọng, các doanh nghiệp lập tức không sử dụng tiếp các sản phẩm phái sinh nữa (như trường hợp của hợp đồng giao sau cà phê và
quyền chọn vàng, ngoại tệ). Có trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng mua kỳ hạn xong, thấy biến động bất lợi thì đòi hủy hợp đồng. Như vậy doanh nghiệp hiện mới chỉ nhìn vào lợi nhuận của sản phẩm phái sinh, chứ không thấy được lợi ích phòng ngừa rủi ro mang lại.
+ Thiếu nhân sự có năng lực về sản phẩm phái sinh. Đây là một trở ngại khá lớn làm cho các doanh nghiệp tuy thấy những rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất sắp tới tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của mình, thậm chí nhiều doanh nghiệp nhập khẩu còn thấy rõ rằng nguy cơ phá sản do tỷ giá tăng nhưng họ không biết tìm đâu ra nhân sự ở cơ quan mình để thực hiện các chương trình quản trị rủi ro bài bản.
+ Thông tin về sản phẩm phái sinh khó tiếp cận. Điều này liên quan đến mức độ “khó hiểu” và không đầy đủ của các hướng dẫn về sản phẩm phái sinh của tổ chức cung cấp sản phẩm phái sinh và của các tài liệu đào tạo. Sở dĩ như vậy là vì sản phẩm phái sinh là một chủ đề khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn đáng kể. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn thiếu chuyên gia am hiểu sâu về sản phẩm phái sinh có thể giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu vấn đề này cho doanh nghiệp.
+ Tâm ý ỷ lại. Chính sách bảo hộ ngầm của Nhà nước như việc để cho tỷ giá đô la Mỹ/ đồng Việt Nam và lãi suất cơ bản của tiền đồng Việt Nam liên tục ổn định trong nhiều năm đã khiến cho các doanh nghiệp hoàn toàn không chú ý đến phòng ngừa rủi ro giá và lãi suất.
KẾT LUẬN
Theo cam kết đa phương khi gia nhập WTO, đến 31/12/2018 nền kinh tế Việt Nam phải hoàn toàn hoạt động trên cơ chế thị trường. Xu thế tất yếu là Việt Nam đang dần mở cửa thị trường, áp dụng các luật chơi chung với quốc tế, lãi suất được tự do hóa, các luồng vốn được tự do chảy vào và chảy ra khỏi Viêt Nam… Khi đó các biến số của thị trường như lãi suất, tỷ giá sẽ liên tục biến động gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy cần phải phát triển các sản phẩm phái sinh như là một công cụ hữu hiệu để phòng ngừa rủi roc ho các doanh nghiệp và cho chính ngân hàng.
Trên đây là một đôi nét về các công cụ tài chính phái sinh và thực tiễn phát triển tại Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những rủi ro rất lớn, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh các thị trường tài chính luôn dao động mạnh. Sẽ đến lúc nhu cầu tự thân của doanh nghiệp là phải dùng công cụ tài chính phái sinh để phòng ngừa rủi ro và bảo hiểm hoạt động sản xuất-kinh doanh. Để làm được điều đó đòi hỏi sự phối hợp của Chính phủ, các Ngân hàng và các doanh nghiệp để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng các công cụ này tại Việt Nam.