Căn cứ quyết định hình phạt tù có thời hạn

Một phần của tài liệu [ Bản Full ] Quyết định hình phạt tù có thời hạn theo Luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn của địa bàn thành phố Hà nội) (Trang 28)

Căn cứ quyết định hình phạt là những đòi hỏi cơ bản, do Bộ luật hình sự quy định mà Hội đồng xét xử bắt buộc phải tuân theo để không chỉ đảm bảo cho hình phạt được quyết định một cách khách quan, đúng pháp luật mà còn nhằm đạt được các mục đích của hình khi áp dụng đối với người phạm tội bị kết án.

Dựa trên tinh thần quy định tại Điều 45 BLHS, khi quyết định hình tù có thời hạn, Tòa án phải tuân theo những đòi hỏi quan trọng có tính chất nguyên tắc là: Các quy định của BLHS; Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; Nhân thân người phạm tội; Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS.

Các quy định của Bộ luật hình sự

Khi quyết định hình phạt tù có thời hạn, Tòa án phải tuân theo các quy định của BLHS để xác định khung và mức hình phạt đối với người phạm tội về hành vi mà họ đã thực hiện. Tức là phải căn cứ vào các quy định của cả Phần chung và Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự có liên quan đến tội phạm mà người bị kết án đã phạm.

Đây là một căn cứ có tính bao trùm, căn cứ này bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động xét xử của Tòa án. Vì vậy, chỉ quyết định hình phạt khi đã có đủ căn cứ xác định một người đã

23

phạm vào một tội mà Bộ luật hình sự quy định, tức là phải định tội trước rồi mới quyết định hình phạt sau. Khi quyết định hình phạt tù có thời hạn, Toà án phải áp dụng đúng khung hình phạt, đúng loại hình phạt và không được phạt cao hơn mức cao nhất của khung hình phạt đã quy định. Việc áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt phải tuân theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự.

Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự là một căn cứ quan trọng nhất, thể hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa khi quyết định hình phạt, quyết định hình phạt mà không căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự sẽ làm cho bản chất của hình phạt thay đổi, mục đích của hình phạt không đạt được, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; bản án mà Toà án tuyên chẳng những không đúng pháp luật mà còn không được dư luận đồng tình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.

Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội

Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là một trong những căn cứ quan trọng của việc quyết định hình phạt nói chung và quyết định hình phạt tù có thời hạn nói riêng. Tính chất nguy hiểm cho xã hội là đặc tính về mặt chất của tội phạm là thuộc tính khách quan của một loại tội phạm nhất định được xác định bởi tổng thể các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Mức độ nguy hiểm cho xã hội là đặc tính về lượng của tội phạm, cũng là thuộc tính khách quan của một tội phạm. Có nhiều tình tiết, dấu hiệu ảnh hưởng đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện. Bởi vậy, tòa án phải cân nhắc tổng thể các tình tiết, dấu hiệu đó mới bảo đảm cho việc quyết định một hình phạt công bằng, hợp lý đối với bị cáo. Như vậy, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng có thể khái quát lại ta thấy các yếu tố ảnh hưởng đến tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội bao gồm:

24

Trước hết, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm, bởi vì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu hành vi đó tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm (khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự). Căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhà làm luật chia tội phạm ra làm bốn loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ngay trong một loại tội phạm, do tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng khác nhau, nên mức hình phạt trong một khung hình phạt cũng khác nhau.

Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tính chất quan trọng của khách thể bị xâm phạm, tính chất và mức độ lỗi của hành vi phạm tội do người phạm tội thực hiện. Cùng là lỗi cố ý, nhưng nếu là lỗi cố ý trực tiếp thì nguy hiểm hơn lỗi cố ý gián tiếp; cùng là lỗi cố ý trực tiếp, nhưng sự quyết tâm phạm tội của người phạm tội cao nguy hiểm hơn người không có ý thức quyết tâm phạm tội đến cùng; cùng là vô ý thì vô ý vì quá tự tin nguy hiểm hơn lỗi vô ý vì cẩu thả.

Nhân thân người phạm tội

Nhân thân người phạm tội là toàn bộ các yếu tố về tự nhiên và xã hội có liên quan đến người phạm tội bao gồm: tuổi đời, tình trạng sức khoẻ, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn, quá trình công tác, thành tích, kỷ luật, lịch sử bản thân, hoàn cảnh gia đình...

Nhân thân người phạm tội là một khái niệm rộng, đa dạng. Thực tiễn xét xử thường xem xét các đặc điểm nhân thân sau đây khi quyết định hình phạt tù có thời hạn: những đặc điểm nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; những đặc điểm về nhân thân người phạm tội phản ánh khả năng giáo dục, cải tạo người phạm

25

tội; những đặc điểm về nhân thân người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội mà Tòa án phải xem xét khi quyết định hình phạt. Những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội có thể được chỉ rõ trong luật (mang tính pháp lý) hoặc là những đặc điểm, đặc tính không được chỉ rõ trong luật nhưng được pháp luật cho phép Tòa án cân nhắc khi chúng có ý nghĩa đối với việc quyết định hình phạt (không mang tính pháp lý).

Mỗi đặc điểm nhân thân người phạm tội có ý nghĩa và mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với từng trường hợp phạm tội, trong từng vụ án cụ thể. Các đặc điểm, đặc tính nhân thân người phạm tội cụ thể bao giờ cũng có nội dung cụ thể. Nhân thân người phạm tội là một căn cứ độc lập phải xem xét khi quyết định hình phạt.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự, thì khi quyết định hình phạt, Toà án không chỉ căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Như vậy, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng là một trong những căn cứ quyết định hình phạt.

Nếu các yếu tố nào làm thay đổi mức độ của hành vi phạm tội theo hướng ít nghiêm trọng hơn, thì gọi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, còn những yếu tố nào làm thay đổi mức độ của hành vi phạm tội theo hướng nghiêm trọng hơn, thì gọi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một vụ án cụ thể và đối với người phạm tội cụ thể chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong vụ án đó và cũng chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong phạm vi một cấu thành chứ không làm thay đổi tích chất của tội phạm ấy.

26

Mỗi tình tiết chỉ có ý nghĩa áp dụng đối với một hoặc một số hành vi phạm tội; hoặc đối với một số người phạm tội chứ không thể áp dụng đối với tất cả các tội phạm hoặc đối với tất cả người phạm tội. Đối với tình tiết tăng nặng, người phạm tội phải thấy trước hoặc có thể thấy trước, thì mới được áp dụng đối với họ. Nếu có lý do họ không thấy được trước hoặc không thể thấy được trước thì dù tình tiết đó có xảy ra họ cũng không thể chịu trách nhiệm.

Như vậy, các căn cứ quyết định hình phạt là những cơ sở pháp lý được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành mà tòa án phái tuân thủ khi quyết định hình phạt cho người phạm tội, bao gồm: các quy định của Bộ luật hình sự, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Một phần của tài liệu [ Bản Full ] Quyết định hình phạt tù có thời hạn theo Luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn của địa bàn thành phố Hà nội) (Trang 28)