Nghiên cứu về các loại vật liệu che phủ cho chè

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số vật liệu che phủ đến sinh trưởng, phát triển của giống chè PH10 tại phú thọ (Trang 25)

4. Ý nghĩa thực tiễn

1.2.2. Nghiên cứu về các loại vật liệu che phủ cho chè

Cây trồng hút chất dinh dưỡng từ đất để sinh trưởng và phát triển. Một trong những yếu tố quan trọng có khả năng duy trì và cải thiện độ phì nhiêu của đất là nâng cao hàm lượng mùn trong đất thông qua việc bổ sung các chất hữu cơ cho đất (Robert, 1992) [34]. Tàn dư thực vật sau thu hoạch nếu được vùi trả lại đất trở thành nguồn dinh dưỡng đạm và chất hữu cơ quan trọng cho các cây trồng vụ sau (Nguyễn Kim Vũ, 1995) [26]. Việc sử dụng biện pháp che tủ đối với các cây trồng nhiệt đới như chè, cà phê đã được khuyến cáo từ lâu với rất nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do quan trọng nhất là bảo toàn đất và nguồn nước. Mặt khác che tủ cũng dẫn đến việc làm tăng hay giảm nhiệt độ đất và ngăn chặn cỏ dại. Che tủ trên bề mặt giúp duy trì độ ẩm đất bằng cách làm chậm quá trình bốc hơi nước và làm giảm tỷ lệ hấp thụ nhiệt của đất. Nhiệt độ cao thường tăng quá trình bốc hơi nước, đồng thời làm giảm tỷ lệ di chuyển hơi nước từ đất. Các vật liệu che tủ hữu cơ cũng có thể làm tăng khả năng cung cấp nước của đất bằng cách tăng tính thấm của những loại đất có cấu trúc bề mặt kém (Othieno, 1994) [33].

Thông thường dòng chảy bề mặt là nguyên nhân quan trọng nhất gây xói mòn và thoái hoá đất. Song với cách nhìn mới thì chính năng lượng va đập của hạt mưa với mặt đất trống mới là nguyên nhân quan trọng nhất, vì nó tách các hạt đất khỏi nền đất. Sau đó các hạt đất này mới bị dòng chảy bề mặt cuốn trôi đi (Theo Nye P.H. and Green Land D. J,1960) [30].

Độ ẩm đất và hàm lượng nước của cây chè vô tính bị tác động khác nhau khi che phủ bằng 5 loại vật liệu tủ: mảnh nhựa đen, mảnh đá vụn, cỏ Eragrostic Curvula, cỏ Napier và cỏ Guatemala. Trong điều kiện khô hạn kéo dài, độ ẩm đất nhìn chung đạt cao nhất ở diện tích che tủ bằng cỏ Napier và mảnh nhựa đen. Tất cả các công thức nói chung đều tốt hơn so với công thức không được che phủ khi đánh giá độ ẩm đất ở độ sâu 90 cm. Vào thời điểm bắt đầu mưa sau một mùa khô hạn kéo dài bất thường, tính thấm nước của đất nhanh hơn khi che tủ bằng các loại cỏ. Sau 4 năm liên tục áp dụng biện pháp che tủ bằng cỏ cho thấy hầu hết đều có tác dụng về khả năng giữ nước (Othieno, 1988) [38].

Trong điều kiện che tủ, 2 năm đầu quan sát thấy có sự khác nhau về nhiệt độ đất giữa các công thức che tủ trên chè trồng bằng bầu nhân giống vô tính. Nhưng sự khác biệt này không còn nữa khi tán cây chè phát triển đạt độ che phủ > 40% bề mặt mặt đất. Đường kính thân, năng suất và tổng lượng chất khô có mối tương quan rõ ràng đến nhiệt độ đất (Othieno, 1979) [31].

Trong công trình nghiên cứu “Nông nghiệp nhiệt đới” Angladette khuyến cáo nông dân trồng chè nên tận dụng nguồn phân xanh tại chỗ để sản xuất phân hữu cơ bón cho chè, làm tăng trữ lượng mùn trong đất, tăng độ xốp, tăng khả năng hút nước, tăng khả năng đệm cho đất và số lượng vi sinh vật đất (dẫn theo Hà Đình Tuấn, Lê Quốc Doanh, 2005) [24].

Tủ gốc cho chè 20 tấn/ha bằng cây tế (guột) và cỏ TD58 (cỏ Ghi nê), với chu kỳ 3 - 4 năm, làm tăng năng suất chè 20,54% (không tưới), 37,87% (có tưới). Tủ gốc làm tăng ẩm độ đất, tăng hàm lượng chất hữu cơ, giảm cỏ dại và tăng hiệu quả sản xuất [70]. Viện lân và kali của Canada (1995) xác nhận 80% tổng số kali cây lấy đi nằm trong xác bã cây. Nếu các xác bã thực vật này được hoàn lại cho đất đã canh tác thì chúng sẽ cung cấp một lượng kali đáng kể cho các cây trồng vụ sau (Nguyễn Văn Toàn, 2007) [22].

Thành phần hóa học trong lá chè xanh thuộc hai giống chè Nhật được tổng hợp ở các mức che tủ khác nhau. Điều đáng chú ý là tỷ lệ L-theanine/catechin, được xem là một thông số chất lượng chè đã tăng lên khi tăng độ che phủ cùng với sự tăng mức L- theanine và giảm hàm lượng các catechin. Điều này cho thấy ảnh hưởng tích cực của che phủ đến chất lượng lá chè về mặt cân bằng các thành phần hóa học (Nguyễn Đặng Dung, Lê Như Bích, 2006) [9].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số vật liệu che phủ đến sinh trưởng, phát triển của giống chè PH10 tại phú thọ (Trang 25)