2.6.1. Nhiệm vụ và yêu cầu kỹ thuật
2.6.1.1. Nhiệm vụ
Máy trộn thức ăn có nhiệm vụ khuấy trộn các thành phần thức ăn đã được định mức thành một hỗn hợp đồng đều, bảo đảm cho vật nuôi ăn đủ tỷ lệ các thành phần đó trong hỗn hợp. Thức ăn tổng hợp được trộn đều, bổ sung chất lượng, mùi vị cho nhau giữa các thành phần, tạo điều kiện cho súc vật ăn nhiều và đủ, tăng hệ số tiêu hóa, nhờ đó tăng được sản lượng chăn nuôi, giảm mức tiêu thụ thức ăn cho mỗi kg thịt tăng trọng.
Ngoài ra, máy trộn còn có nhiệm vụ tăng cường phản ứng hóa học hay sinh học khi chế biến thức ăn (ví dụ, trộn nước vôi với rơm thái để kiềm hóa, trộn men với thức ăn để ủ men…); nhiệm vụ tăng cường quá trình trao đổi nhiệt khi đun nóng hay làm lạnh; nhiệm vụ hòa tan các chất (hòa tan muối, đường với chất khác).
2.6.1.2. Yêu cầu kỹ thuật
a/ Bảo đảm chất lượng trộn cao (độ trộn đều), nhất là khi trong hỗn hợp có những thành phần với tỷ lệ rất ít.
b/ Có thể trộn những dạng hỗn hợp khô, ẩm.
c/ Có năng suất cao và mức tiêu thụ năng lượng riêng thấp (yêu cầu hiện nay về năng suất tới 1 ÷ 2 t/h; nhưng mức tiêu thụ điện năng riêng còn cao, trên 1,5 kWh/t).
d/ Sử dụng, chăm sóc thuận tiện
2.6.2. Nguyên lý làm việc và nguyên lý cấu tạo
Máy trộn thức ăn chăn nuôi hiện nay đều theo nguyên lý khuấy trộn hỗn hợp thức ăn bằng các cơ cấu quay, với những nguyên lý cấu tạo như sau:
a/ Máy có bộ phận trộn quay, thùng chứa cố định, phổ biến nhất trong nông nghiệp. Bộ phân khuấy trộn của máy có thể là:
- Một vít đứng quay trong thùng chứa thường có dạng nón cụt (hoặc phần trên hình trụ, phần dưới hình nón cụt). Ngoài ra có phễu cấp liệu, ống xả liệu. Bộ phận động lực và truyền động thường bố trí trên nóc máy. Hỗn hợp thức ăn đổ vào máy qua phễu cấp liệu được vít chuyền lên trên, rơi xuống, rồi lại tiếp tục được xáo trộn lên. Sau vài phút trộn xong, hỗn hợp được thoát ra qua ống xả. Máy trộn kiểu này chỉ làm việc gián đoạn, trộn từng mẻ, điều chỉnh độ trộn đều bằng cách thay đổi thời gian trộn lâu hay mau trong giới hạn quy định. Chất lượng trộn tốt đối với thức ăn bột khô, kém đối với thức ăn ẩm. Máy có hệ số chứa cao (80 ÷ 90% dung tích thùng chứa), mức tiêu thụ điện năng riêng thấp, cấu tạo gọn.
- Một (hay hai) vít ngang quay trong thùng chứa để trộn được liên tục, phải có chiều dài đủ để vít chuyền và xáo trộn hỗn hợp từ cửa nạp liệu tới cửa xả, bảo đảm độ trộn đều. Máy trộn vít ngang có thể làm việc liên tục, trộn hỗn hợp khô hoặc ẩm, nhưng hệ số chứa hạn chế hơn (40 ÷ 50% dung tích thùng chứa). Dạng vít trộn còn có loại dải xoắn hẹp, loại vít khuyết.
b/ Máy trộn có thùng quay
- Một (hay hai) trục cánh gạt gồm nhiều cánh gạt lắp trên trục máy (thường bố trí sole dạng xoắn), có thể là trục ngang hoặc trục đứng, làm việc tương tự như bộ phận vít ngang. Chất lượng trộn tốt đối với hỗn hợp ẩm hoặc nhão.
- Đôi khi bộ phận trộn có cấu tạo phối hợp cả vít và cánh.
- Cánh quạt chủ yếu dùng để trộn thức ăn lỏng hay hòa tan (đường với sữa…). Cánh quạt lắp vào đầu trục đứng quay trong thùng chứa. Trình bày nguyên lý cấu tạo của máy trộn có thùng quay gồm trống ngang quay với vận tốc chậm (10 ÷ 15 vg/ph) để xáo trộn. Thức ăn đổ vào trống qua cửa nạp. Máy còn có thể bố trí một vít để xả hỗn hợp qua cửa thoát. Máy trộn này có thể trộn các hỗn hợp thức ăn khô hoặc ẩm, làm việc gián đoạn.
Ngoài ra, còn có nguyên lý trộn "rải lớp" (do Bộ môn Máy Nông nghiệp Trường ĐHNN1 thiết kế) cho phép kết hợp định mức và trộn.
2.6.3. Phân loại
a/ Theo nguyên lý cấu tạo
- Máy có bộ phận trộn quay: máy trộn (kiểu) vít; (kiểu) cánh gạt; (kiểu) hành tinh; (kiểu) cánh quạt.
- Máy trộn có thùng quay: máy trộn kiểu trống - Máy trộn – định mức phối hợp.
b/ Theo cách bố trí bộ phận trộn
- Máy trộn (kiểu) vít (hay cánh gạt) đứng. - Máy trộn (kiểu) vít (hay cánh gạt) ngang. - Máy trộn (kiểu) vít nghiêng.
c/ Theo số bộ phận trộn
- Máy trộn (vít, cánh) đơn, kép
- Máy trộn kiểu thùng (trống) đơn, kép.
d/ Theo cách làm việc
- Liên tục, gián đoạn
e/ Theo tính chất thức ăn
- Máy trộn khô, máy trộn ẩm