Về hình thức của thỏa thuận trọng tà

Một phần của tài liệu Pháp luật về thỏa thuận trọng tài thương mại Luận văn ThS. Luật (Trang 80)

Mặc dù tại Khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 đã xác định tiêu chí hình thức bắt buộc đó là thỏa thuận trọng tài phải được lập bằng văn bản, nhưng nội hàm của khái niệm "văn bản" vẫn còn hẹp so với thực tiễn đa dạng của các hình thức ký kết hợp động hiện đại và hẹp hơn so với Khoản 2, Điều 7, Luật mẫu UNCITRAL quy định:

Thỏa thuận trọng tài phải được lập thành văn bản. Thỏa thuận là văn bản nếu nó nằm trong một văn bản được các bên ký kết hoặc bằng sự trao đổi qua thư từ, Telex, telegrams hoặc các hình thức trao đổi viễn thông khác mà ghi nhận thỏa thuận đó hoặc qua trao đổi về đơn kiện và bản biện hộ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận. Việc dẫn chiếu trong hợp đồng tới một văn bản ghi nhận điều khoản trọng tài lập nên thỏa thuận trọng tài với điều kiện hợp đồng này phải là văn bản và sự dẫn chiếu đó là một bộ phận của hợp đồng này [17].

Quy định như trên của luật Mẫu UNCITRAL là hoàn toàn hợp lý, không phải trong mọi trường hợp một văn bản chứa đựng thỏa thuận trọng tài được hợp đồng giữa các bên dẫn chiếu tới cũng được coi là một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Chỉ khi nào hợp đồng này bằng văn bản và sự dẫn chiếu từ hợp đồng làm cho thỏa thuận trọng tài trở thành một bộ phận của hợp đồng (tất nhiên, bộ phận này vẫn độc lập với hợp đồng) thì nó mới được coi là một thỏa thuận trọng tài đáp ứng về mặt hình thức.

Chính vì vậy, tại Điều 16 - Luật Trọng tài ra đời đã khắc phục những điểm hạn chế quy định tại Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003, mở rộng hình thức thỏa thuận trọng tài, khắc phục được sự khác biệt về các dạng tồn tại của thỏa thuận trọng tài trong pháp luật trọng tài của Việt Nam và pháp luật Trọng tài thương mại quốc tế cũng như các nước trên thế giới, cụ thể như sau:

Điều 16. Hình thức thỏa thuận trọng tài

1. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.

2. Thỏa thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

a) Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Một phần của tài liệu Pháp luật về thỏa thuận trọng tài thương mại Luận văn ThS. Luật (Trang 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)