Pháp luật nên quy định rõ ràng các tranh chấp phát sinh từ quan hệ thuộc phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại thì dù là quan hệ hợp đồng hay không phải là quan hệ hợp đồng vẫn có thể được giải quyết bằng trọng tài. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật trọng tài quốc tế. Ví dụ tại Điều 7 Khoản Luật Mẫu quy định: "Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận mà các bên đưa ra Trọng tài mọi tranh chấp nhất định phát sinh hoặc có thể phát sinh giữa các bên về quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không phải là quan hệ hợp đồng …" [17], hay Điều II Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài cũng quy định:
Mỗi quốc gia thành viên sẽ công nhận một thỏa thuận bằng văn bản, theo đó các bên cam kết đưa ra trọng tài xét xử mọi tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh giữa các bên từ một quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không, liên quan đến một đối tượng có khả năng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài [7].
Luật Trọng tài của hầu hết các nước trên thế giới như Luật Trọng tài Anh, Luật Trọng tài Đức, Luật Trọng tài Hàn Quốc, Luật Trọng tài Nga, Luật Trọng tài Nhật Bản v.v… đều quy định các tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng đều được giải quyết bằng Trọng tài.
Tại Việt Nam Luật Trọng tài thương mại ra đời đã khắc phục những tồn tại của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, khắc phục việc phân
định không rõ ràng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài đối với các tranh chấp thương mại, trên cơ sở đó bảo đảm sự tương thích giữa các văn bản pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác với Luật Trọng tài thương mại (Luật Trọng tài Thương mại). Luật Trọng tài Thương mại đã dỡ bỏ hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại của Trọng tài thông qua việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài tới nhiều loại tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên theo Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại "Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên nhằm giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh giữa các bên" [25]. Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật Trọng tài Thương mại so với Pháp lệnh Trọng tài Thương mại và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn sử dụng Trọng tài của các nước trên thế giới.