Ủy thác mua bán hàng hóa

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng đại lý Luận văn ThS. Luật (Trang 38)

Trong những năm gần đây, hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa chủ yếu phát triển ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu. Hoạt động này theo quy định của pháp luật Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với luật các nước theo truyền thống Châu Âu lục địa (civil law), theo đó ủy thác mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại mà bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác (Điều 155 Luật thương mại 2005).

36

Ủy thác mua bán hàng hóa có nhiều đặc điểm pháp lý giống với đại lý thương mại, đặc biệt là đại lý mua bán hàng hóa (ví dụ như bên đại lý và bên nhận ủy thác đều là thương nhân thực hiện hoạt động trung gian để nhận thù lao, khi thực hiện công việc họ nhân danh chính mình…) tuy nhiên giữa hai loại hình hoạt động này có những điểm khác biệt trên một số phương diện sau:

- Về phạm vi hoạt động, đại lý thương mại có phạm vi hoạt động rộng hơn, bao gồm các hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trong khi ủy thác mua bán hàng hóa giới hạn ở hoạt động mua hoặc bán hàng hóa. Đây cũng là điểm khác biệt trong quy định của pháp luật Việt Nam và các nước civil law về hoạt động ủy thác thương mại.

- Về chủ thể tham gia quan hệ, trong khi bên giao đại lý và bên đại lý bắt buộc phải là thương nhân thì trong quan hệ ủy thác, bên ủy thác không nhất thiết phải là thương nhân. Tuy nhiên, bên nhận ủy thác phải là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa được ủy thác và thực hiện mua hoặc bán hàng hóa theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác. Bên nhận ủy thác có thể nhận ủy thác mua bán hàng hóa cho nhiều bên ủy thác khác nhau nhưng bên đại lý bị hạn chế chỉ được giao kết hợp đồng đại lý (theo đây viết tắt là HĐĐL) với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định nếu pháp luật có quy định. (Điều 175 Luật thương mại 2005).

- Bên đại lý được tự do hơn bên nhận ủy thác trong việc lựa chọn bên thứ ba để giao kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng [24, tr.118].

- Nhiều nghiên cứu cho rằng khác biệt lớn nhất giữa quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa và quan hệ đại lý thương mại là ở chỗ quan hệ đại lý mua bán hàng hóa thường không mang tính vụ việc đơn lẻ như quan hệ ủy thác mà thường mang tính chất là một quá trình hợp tác lâu dài, trong đó bên đại lý có sự gắn bó phụ thuộc vào bên giao đại lý, đồng thời bên đại lý chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và có nghĩa vụ báo cáo tình hình hoạt động

37

đại lý đối với bên giao đại lý (Điều 172 – Điều 175 Luật thương mại 2005). Chính sự phụ thuộc về vốn, công nghệ, chiến lược kinh doanh của các bên trong quan hệ đại lý thương mại khác so với bên nhận ủy thác có ít sự ràng buộc, gắn bó vào bên ủy thác mà đây được cho là nguyên nhân hoạt động đại lý được quy định riêng so với quy định về ủy thác mua bán hàng hóa của pháp luật Châu Âu lục địa [19, tr.550, tr.557].

Tiểu kết

Đại lý thương mại và các hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa đều là các hoạt động trung gian thương mại sử dụng dịch vụ trung gian và cũng vì vậy chúng mang một số đặc trưng pháp lý giống nhau. Việc phân loại giữa hệ thống pháp luật Anh – Mỹ (common law) và Châu Âu lục địa (Civil law) là không giống nhau, và đại lý thương mại được quy định khá đặc thù tại Luật thương mại và các luật chuyên ngành của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa đại lý thương mại có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có những yêu cầu đặc thù so với đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại và ủy thác mua bán hàng hóa. Trong thực tế thương mại có thể xảy ra sự đan xen giữa các loại hình trung gian thương mại này, người đại diện thương mại có thể thực hiện đồng thời vai trò của người đại diện và các vai trò khác như người nhận ủy thác hoặc môi giới hoặc đại lý…Vấn đề quan trọng là họ phải thỏa thuận cụ thể khi thực hiện các công việc trung gian và nhận thức được tư cách pháp lý của người trung gian cũng như hậu quả pháp lý từ giao dịch mà người trung gian thực hiện đối với bên thứ ba sẽ phát sinh như thế nào. Tại Chương tiếp theo của Luận văn chúng tôi sẽ đi sâu hơn về quan hệ pháp lý phát sinh theo HĐĐL giữa các chủ thể tham gia.

38

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng đại lý Luận văn ThS. Luật (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)