đình Việt Nam truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay
1.2.2.1. Sự cần thiết phát huy giá trị gia đình Việt Nam truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay
Một là: Phát huy giá trị gia đình Việt Nam truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
Đối với xã hội, gia đình là một tế bào, là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách con người. Đối với mỗi cá nhân, mỗi con người, gia đình là tổ ấm, là nơi trở về sau một ngày học tập và lao động. Trong những năm qua, những thành tựu bước đầu của sự nghiệp CNH, HĐH đã đem lại một diện mạo khá mới mẻ cho đất nước. Tuy nhiên, quá trình chuyển biến của nền kinh tế, đặc biệt là dưới tác động của cơ chế thị trường đã và đang tạo ra những biến đổi sâu sắc cho cả xã hội và gia đình.
Sự phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần quan trọng nâng cao mức sống cho các gia đình từ khu vực nông thôn đến thành thị, đồng thời cũng đặt gia đình trước những yêu cầu mới. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, gia đình càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đất nước. Thực tiễn phát triển của đất nước đã khẳng định rằng, cùng với nhà trường và xã hội, gia đình có trách nhiệm quan trọng trong việc tạo ra lực lượng lao động tương lai cho đất nước. Bởi lẽ, mỗi con người, trước khi trở thành công dân của xã hội, cũng đều được sinh ra, được nuôi dưỡng và giáo dục trong chính mỗi gia đình. Vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa mới ở Việt Nam hiện nay, phải trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị của gia đình truyền thống để gia đình thực sự là cái nôi tái sản xuất ra lực lượng lao động có chất lượng cho toàn xã hội.
Hiện nay, trước những thay đổi của các giá trị truyền thống dân tộc, trong đó có giá trị truyền thống gia đình thì mỗi gia đình còn có vai trò to lớn trong việc giữ gìn, lưu truyền và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy. Xây dựng gia đình văn hóa hiện nay phải trở thành một trong những nội dung cơ bản, làm nền tảng để hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Với những chức năng xã hội đặc thù của mình, gia đình đã góp phần vào việc duy trì sự tồn tại của đời sống xã hội, phát triển kinh tế, ổn định xã
dân tộc. Gia đình cũng là một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, con người với làng xóm, cộng đồng, đất nước. Chính vì vậy, việc củng cố gia đình, xây dựng các quan hệ gia đình lành mạnh sẽ là cơ sở đầu tiên cho việc củng cố xã hội và là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Hai là: Những biến đổi của giá trị truyền thống gia đình hiện nay đặt ra yêu cầu khách quan cần phát huy giá trị của gia đình Việt Nam truyền thống
Hiện nay, dưới sự tác động của kinh tế thị trường, nhiều giá trị đạo đức truyền thống và những giá trị văn hóa gia đình đã và đang vận động, biến đổi khá phức tạp. Bên cạnh những giá trị đạo đức mới, nếp sống văn hóa mới, đã có không ít những giá trị đạo đức truyền thống, nếp sống văn hóa của gia đình truyền thống bị băng hoại và mai một. Trên thực tế, không chỉ ở các đô thị lớn, mà ngay cả ở khu vực nông thôn, gia đình cũng có những dấu hiệu của sự khủng hoảng.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm đến công tác gia đình và xây dựng gia đình văn hóa. Kết quả là đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về ổn định đời sống gia đình, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế, trong đó nhiều giá trị truyền thống của gia đình đang có biểu hiện suy thoái gây lo ngại trong dư luận xã hội.
Trước đây, gia đình Việt Nam thường là không gian quần tụ của nhiều thế hệ. Hình ảnh những gia đình "tam, tứ đại đồng đường" đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống gia đình người Việt. Nhưng hiện nay, trước những thay đổi của cuộc sống, cấu trúc, quy mô của gia đình Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Số gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà ở nước ta hiện nay ngày càng ít đi, thay vào đó là những gia đình hạt nhân, gia đình hai thế hệ. Trong gia đình Việt Nam trước đây, giữa các thế hệ luôn có những sợi dây tình cảm gắn bó, bền chặt, thì hiện nay quan hệ giữa các thành
viên đang có biểu hiện lỏng lẻo, đặt nặng lợi ích cá nhân mà giảm đi thời gian dành cho nhau và cho gia đình. Ngay cả trong những quan hệ gắn bó nhất, quan hệ vợ - chồng, quan hệ cha mẹ - con cái, sự thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu cũng đang có những biểu hiện khá rõ nét. Những chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất trong gia đình Việt Nam truyền thống như "từ", "hiếu" trong không ít gia đình cũng trở nên xa lạ.
Những biến đổi của giá trị đạo đức truyền thống gia đình buộc chúng ta phải nhìn nhận lại và phải có những chính sách củng cố và phát triển những mối quan hệ lành mạnh, trong sáng trong gia đình. Trên phương diện này, vai trò của các giá trị gia đình truyền thống Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Ba là: Phát huy giá trị gia đình Việt Nam truyền thống là cơ sở phát huy truyền thống dân tộc, làm cho sự phát triển gia đình không đứt đoạn với truyền thống
Gia đình Việt Nam được hình thành trong cái nôi của một nền văn hóa phương Đông đa dạng và phong phú, trầm tích từ mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước. Từ xưa, gia đình là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, đồng thời là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hiện nay, đất nước đang từng bước mở cửa, giao lưu và hội nhập với thế giới trên nguyên tắc giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn thực hiện được những nguyên tắc, những mục tiêu ấy xét đến cùng phải bắt đầu từ ý thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Trong cấu trúc cơ bản của xã hội: cá nhân - gia đình - xã hội, gia đình có vị trí và vai trò thật đặc biệt, là điểm trung gian vừa chuẩn bị hành trang cho mỗi cá nhân bước vào xã hội, vừa đón nhận từ xã hội những trọng trách to lớn trong việc duy trì sự ổn định và phát triển chung. Gia đình là cơ sở, nền tảng định hướng nhân cách cho thế hệ trẻ, đồng thời là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống dân tộc, là nhịp cầu nối để mỗi cá nhân trong xã hội vừa
giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc vừa tiếp thu những giá trị của thời đại.
Trong giai đoạn hiện nay, xu thế toàn cầu hóa cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề xử lý như thế nào mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Trước hết, có thể khẳng định rằng, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống có vai trò vô cùng quan trọng đối với tiến trình phát triển của dân tộc nói chung, đối với mỗi thế hệ nói riêng. Lịch sử dân tộc không phải là sự lắp ghép ngẫu nhiên và rời rạc mà là một quá trình liên tục được tiếp nối từ đời này qua đời khác. Trong đó, truyền thống là một điều kiện thiết yếu của quá trình duy trì và phát triển đời sống xã hội.
Hiện nay, gia đình đang trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của toàn bộ nhân loại tiến bộ. Sự tồn tại của gia đình Việt Nam qua nhiều thế hệ đã không chỉ góp phần vào việc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước mà còn tạo dựng nên những giá trị văn hóa gia đình Việt Nam đầy bản sắc. Trong kho tàng phong phú của văn hóa gia đình Việt Nam có rất nhiều mặt tích cực cũng như hạn chế cần phải được chọn lọc để kế thừa trong những điều kiện phát triển mới của đất nước. Những giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam truyền thống không chỉ tồn tại trên sách vở, gia huấn mà ở ngay trong những phong tục tập quán, nếp sống, thói quen ứng xử hàng ngày trong các gia đình.
Vậy phát huy các giá trị gia đình Việt Nam truyền thống trong điều kiện hiện nay là phát huy những nội dung cơ bản nào?
Trong thời gian qua, CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường đã tác động và ít nhiều làm ảnh hưởng đến tính thuần nhất của cấu trúc gia đình truyền thống. Những biến đổi đó khiến cho những giá trị, chuẩn mực của gia đình truyền thống cũng biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên chúng ta không thể chấp nhận một sự tăng trưởng đơn thuần về kinh tế,
tăng trưởng bằng mọi giá mà để cho bản sắc văn hóa dân tộc bị suy thoái, môi trường xã hội bị ô nhiễm. Chính vì vậy, lưu giữ, kế thừa những giá trị của gia đình truyền thống và phát triển chúng phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại là một vấn đề đặt ra đối với đất nước ta hiện nay.
1.2.2.2. Những nội dung cơ bản phát huy giá trị gia đình Việt Nam truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, tôn trọng, giữ gìn và phát huy những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp trong gia đình Việt Nam truyền thống
Trong hệ giá trị của gia đình Việt Nam truyền thống, có rất nhiều những giá trị tốt đẹp mà trong giai đoạn hiện nay cần được bảo tồn và phát huy. Đó là lối sống lành mạnh, là cách ứng xử mang đậm tính nhân văn giữa các thành viên trong gia đình. Đó là tình nghĩa thủy chung giữa vợ và chồng; là tình thương và trách nhiệm của cha mẹ với con cái; là lòng biết ơn, tôn kính ông bà, tổ tiên… Tất cả những giá trị đó đã được chắt lọc và thẩm định qua hàng nghìn năm lịch sử để đến hôm nay, nó trở thành những giá trị truyền thống của mỗi gia đình và của cả dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, cần coi việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị gia đình truyền thống là một đòi hỏi cấp thiết đối với sự tồn tại, sự sống còn của không chỉ gia đình mà của cả quốc gia dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mặc dù vậy, không có nghĩa là đề cao các giá trị truyền thống để rơi vào bảo thủ, cực đoan, không chịu thay đổi, bổ sung, phát triển những giá trị truyền thống; đồng thời ngại tiếp thu những giá trị mới của thời đại.
Thứ hai, cần loại bỏ những hủ tục, quan niệm lạc hậu, những khía cạnh tiêu cực của gia đình truyền thống.
Kế thừa và phát huy những giá trị gia đình Việt Nam truyền thống là một yêu cầu khách quan và hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, phát huy không phải là bê nguyên xi tất cả những
giá trị truyền thống đã có để đặt vào một hoàn cảnh mới đã rất khác xưa, mà phát huy phải luôn gắn với lọc bỏ, đổi mới và phát triển.
Với những quan niệm có phần cực đoan về các giá trị gia đình truyền thống, cùng với việc đề cao những giá trị tốt đẹp, ở nhiều nơi, nhiều lúc, chúng ta lại vô tình làm hồi sinh cả những hủ tục lạc hậu, thậm chí kể cả những cái mà nhân dân ta đã tốn bao nhiêu xương máu để làm thay đổi. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải có các biện pháp để ngăn chặn tàn dư của những tập tục, thói quen trong các chuẩn mực cũ không còn phù hợp với sự phát triển của gia đình mới, chẳng hạn như: nếp sống gia trưởng, thói "vinh thân phì gia", sự coi thường phụ nữ…
Như vậy, không phải mọi yếu tố của truyền thống đều mang tính tích cực và đều tồn tại mãi mãi với thời gian, ngược lại chúng luôn mang tính lịch sử cụ thể. Chúng ta không phủ nhận những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, nhưng không phải giá trị nào của gia đình truyền thống cũng tốt đẹp và phải phát huy. Trong quá trình phát huy những giá trị gia đình truyền thống cần chắt lọc những giá trị phù hợp và loại bỏ những khía cạnh tiêu cực, hạn chế không còn phù hợp với gia đình văn hóa mới hiện nay.
Tóm lại, trong suốt quá trình lịch sử, gia đình Việt Nam đã hình thành nên một hệ thống các giá trị chuẩn mực trong cách ứng xử, trong nếp sống thể hiện được quan niệm và cách lựa chọn riêng mang bản sắc của người Việt. Chính những giá trị đó đã tạo nên những nét đặc thù riêng của văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, những xung đột giá trị trong quá trình chuyển đổi lại là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên sự xáo trộn và không ổn định của gia đình. Chính vì vậy, làm thế nào để gia đình Việt Nam vừa tiếp thu được những giá trị tiên tiến của nền văn minh công nghiệp, vừa phát huy được những giá trị, bản sắc tốt đẹp của gia đình truyền thống là một trong những vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
KẾT LUẬN CHƢƠNG 1
Từ những quan niệm chung về gia đình và gia đình truyền thống, chúng ta thấy được sự cần thiết phải phát huy những giá trị gia đình Việt Nam truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta hiện nay. Trước những thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội, những giá trị truyền thống của gia đình cũng đã có những biến đổi nhất định theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Cùng với đó, không ít những giá trị tốt đẹp của gia đình đang có những dấu hiệu đi xuống và dần mai một. Thực tiễn đó đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta hiện nay, mà một trong những yêu cầu cấp bách nhất là quay trở lại với những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Đây sẽ là tiền đề làm cơ sở cho việc xây dựng gia đình văn hóa mới phát triển và bền vững ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, việc phát huy những giá trị của gia đình Việt Nam truyền thống hiện nay cũng đặt ra những vấn đề cần được xem xét lại. Phát huy giá trị gia đình Việt Nam truyền thống là phát huy những giá trị gì, lọc bỏ cái gì, tiếp thu cái gì… đó là những vấn đề đang được đặt ra. Vì vậy, trong quá trình phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa hiện nay, chúng ta cần xác định những nội dung cho phù hợp với thời đại mới.
Chƣơng 2
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
TRONG VIỆC PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA
Ở TỈNH BẮC GIANG HIỆN NAY