Những năm qua, phong trào "Xây dựng gia đình văn hóa" ở tỉnh Bắc Giang đã được triển khai sâu rộng tới từng quận huyện, xã phường, thôn xóm. Từ phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương cảm động về tình cảm gia đình và nhiều gia đình trở thành gương sáng trong phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền". Những điển hình tiên tiến đó đã góp phần tích cực trong việc xây dựng những hình mẫu gia đình Việt Nam giai đoạn mới.
Phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai rộng khắp, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam. Trên cơ sở các tiêu chí gia đình văn hóa theo Quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo và tiến hành tốt việc tuyên truyền, phổ biến tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, có điều chỉnh nội dung tiêu chí phù hợp với điều kiện từng vùng, miền. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Mặt trận Tổ Quốc các cấp đã chỉ đạo bình xét công nhận gia đình văn hóa công khai, dân chủ, bảo đảm nội dung, tiêu chí đã được quy định nên chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng nâng lên cả về số lượng và chất lượng.
Ngày 21/02/2005, Ban Bí thư Trung Ương Đảng (Khóa IX) đã ban hành Chỉ thị số 49/CT-TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên tinh thần Chỉ thị, Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đã ban hành Chương trình hành động số 74 - CTr/TU chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân tổ chức thực hiện Chỉ thị nói trên. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 2677/KH - UBND ngày 21 tháng 11 năm 2006 về thực hiện chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam (gia đình tỉnh Bắc Giang) giai đoạn 2006 - 2010. Sau 5 năm thực hiện, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi
người, đối với xã hội và nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở các địa phương trong tỉnh đã phát triển rộng khắp và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần lành mạnh trong nhân dân. Số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa từ năm 2005 đến năm 2010 hàng năm đều tăng. Năm 2005 toàn tỉnh có 266.755 hộ gia đình văn hóa, đến năm 2010 con số này tăng lên 321.903 hộ gia đình văn hóa, tăng 55.148 hộ. (Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2010). Để có được những kết quả như trên, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện gắn kết chặt chẽ phong trào xây dựng gia đình văn hóa với phong trào xây dựng khu dân cư, làng văn hóa, thực sự coi việc xây dựng gia đình văn hóa là nền tảng, là nội dung cơ bản của phong trào. Đồng thời, để phong trào phát triển sâu rộng và có chất lượng, từ cơ sở định hướng chung, căn cứ vào điều kiện cụ thể, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng những tiêu chí chi tiết, mang những nét đặc thù phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Một mặt, tăng cường công tác phối hợp với các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… nhằm phát huy tình đoàn kết cộng đồng, giúp nhau xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Mặt khác, vận động và tạo điều kiện cho từng gia đình phát huy khả năng và thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Toàn bộ những phần việc này được đặt dưới sự giám sát của chính cộng đồng.
Đi liền với sự lớn mạnh của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đời sống xã hội ở các địa phương, từ thành thị đến nông thôn đều có nhiều thay đổi. Ở nhiều vùng quê của Bắc Giang, nhiều gia đình cùng hăng hái giúp nhau phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, từ đó đời sống của đại bộ phận các gia đình không ngừng được cải thiện. Chính nhờ những phong trào như thế mà tỉ lệ hộ nghèo trong tỉnh những năm gần đây ngày càng được thu hẹp đáng kể. Tính đến năm 2010, trong toàn tỉnh còn 54.284 hộ nghèo chiếm 13,6% [35].
Cùng với sự ổn định và phát triển về kinh tế, nhiều giá trị của gia đình truyền thống nói riêng và giá trị truyền thống dân tộc nói chung cũng được các gia đình giữ gìn, phát huy; các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Bắc Giang những năm qua vẫn còn những tồn tại nhất định. Dưới tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều giá trị đạo đức truyền thống và nếp sống văn hóa gia đình đã bị ảnh hưởng và có những diễn biến phức tạp. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống như: hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới, coi trọng tình nghĩa… bị xâm hại và có nguy cơ mai một. Các mối quan hệ gia đình truyền thống tốt đẹp đang bị lấn át bởi những quan hệ hàng hóa, thị trường, lợi nhuận, bởi lối sống lai căng, kệch cỡm, xa lạ, thiếu văn hóa.
Các cấp chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo công tác xây dựng gia đình văn hóa, biểu hiện rõ nét là không chú ý đến việc bố trí đội ngũ cán bộ có khả năng làm công tác gia đình từ cơ sở đến huyện, thành phố; công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi người, đối với xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã tạo được nhiều gia đình đạt danh hiệu văn hóa nhưng ít chú ý đến việc tuyên truyền giáo dục các giá trị đạo đức, các chuẩn mực trong quan hệ gia đình. Vì vậy, nhiều lúc, nhiều nơi việc bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa chỉ mang tính hình thức mà chưa đi vào chiều sâu. Đồng thời, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình, kiến thức làm cha, làm mẹ, cách ứng xử trong gia đình cho các đôi vợ chồng trẻ ít được chú ý. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của các gia đình đối với việc phát huy những nét đẹp của gia đình truyền thống đặc biệt là trong công tác xây dựng gia đình văn hóa hiện nay.
Hiện nay, dù đời sống kinh tế - xã hội có nhiều biến động, nhưng gia đình vẫn là nơi giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của mỗi dòng họ, của mỗi vùng miền. Vấn đề đang đặt ra hiện nay là sự thách thức của quá trình hội nhập dẫn đến sự pha trộn, biến dạng các giá trị văn hóa của dân tộc, trong đó có giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Đứng trước thực tế này vấn đề bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa gia đình cần đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Bắc Giang hiện nay cần phải dựa trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta xây dựng mô hình gia đình Việt Nam mới hiện đại và bền vững.