Là tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Giang một vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Với diện tích tự nhiên là 3.841,5 km2, lại có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Bắc Giang nằm cách thủ đô Hà Nội 50km về phía Bắc; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lặng Sơn; phía Tây và Tây Bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên; phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.
Vị trí địa lý đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế liên vùng, giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Đông Bắc và với các tỉnh thành khác trong cả nước. Nhờ vị trí như vậy, Bắc Giang có thể phát huy lợi thế sẵn có của một tỉnh nhiều tiềm năng, đưa lãnh thổ này thành một đầu mối kinh tế quan trọng.
Với diện tích chủ yếu dành cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang có ưu thế về các loại sản phẩm nông nghiệp như hoa quả, động vật nuôi, các loại gỗ quý. Đường giao thông đi lại thuận lợi, có thể giao lưu buôn bán các sản phẩm nông nghiệp với các tỉnh bạn, đặc biệt là thông qua đường biên giới tỉnh Lạng Sơn có thể xuất khẩu sản phẩm nông sản chế biến sang Trung Quốc - một thị trường rộng lớn đang được khai thác trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch, dịch vụ của tỉnh cũng rất lớn, do địa hình miền núi trung du, khí hậu ôn hòa, nhiều phong cảnh đẹp, đồng thời có vị trí gần với các tỉnh bạn thuận lợi cho việc giao lưu giữa các vùng khác dễ dàng. Tuy Bắc Giang không có thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên, nhưng lại tương đối phong phú về tài nguyên du lịch nhân văn. Đây là tiền đề thuận lợi để địa phương phát triển ngành du lịch trong tương lai.
Liền kề với các đô thị lớn và tỉnh phát triển của vùng (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn), tận dụng các lợi thế về vị trí địa lý để không những phát triển kinh tế - xã hội mà còn là điều kiện và cơ sở cho sự học hỏi, trao đổi, giao lưu về văn hóa, qua đó, nâng cao trình độ dân trí và mở rộng tầm nhìn cho mọi tầng lớp dân cư, đã là một yếu tố có tính nền tảng tác động đến sự phát triển của các gia đình tỉnh Bắc Giang trong tương lai.
Từ khi tỉnh Bắc Giang được tái lập (1997) đến nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, phát huy những mặt thuận lợi, khắc phục khó khăn, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những bước khởi sắc. Cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt trên nhiều mặt; các hoạt động văn hóa, giáo dục và một số lĩnh vực xã hội có bước tiến bộ. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn được củng cố và giữ vững. Trong nhiều năm trở lại đây, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, bình quân đạt gần 9% năm (giai đoạn 2006 - 2010); GDP bình quân đầu người tăng hơn 2,7 lần (năm 2010 đạt 650 USD/người/năm).
Có thể thấy, trong những năm vừa qua, nền kinh tế của tỉnh đã có bước tăng trưởng, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, sự nghiệp văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh những thành tựu đó, vẫn còn những tồn tại nhất định như chưa khai thác tốt mọi tiềm năng để phát triển kinh tế; tốc độ tăng trưởng
kinh tế còn chậm so với mức bình quân chung của cả nước. Nền kinh tế của tỉnh về cơ bản vẫn là thuần nông, cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng còn thiếu và thấp kém. Chính những điều kiện kinh tế - xã hội trên đây đã tác động không nhỏ tới việc kế thừa và phát huy các giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang những năm qua.
Từ buổi bình minh dựng nước, Bắc Giang đã là một khu vực quần cư đông đúc, một tế bào quan trọng trong cơ thể của nhà nước Văn Lang. Trong quá trình hình thành và phát triển, Bắc Giang là vùng đất văn hiến, nằm một phần trong những “tứ trấn” (trấn Kinh Bắc); là mảnh đất có truyền thống hiếu học, khoa bảng; giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, với tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất. Là nơi sinh sống, hội tụ của nhiều tộc người với những sắc thái văn hóa khác nhau, Bắc Giang có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tiêu biểu và độc đáo.
Trước hết, nét đặc trưng của nền văn hóa Bắc Giang là tính chất đan xen đa văn hóa. Thông qua sinh hoạt văn hóa dân gian cho thấy, mỗi vùng miền tập tục về lễ hội, cưới xin, ma chay, ăn ở, tín ngưỡng có những khác nhau nhưng cùng tụ hội sinh sống trên một vùng đất. Sự đan xen của nhiều nét văn hóa đã tạo nên sự phong phú, sinh động của văn hóa Bắc Giang. Bên cạnh đó, tính chất tụ hội văn hóa người Việt cũng là một đặc trưng của văn hóa Bắc Giang. Trong lịch sử phát triển lâu dài của đất nước, người dân từ nhiều nơi như Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên… đã lên đây sinh sống. Họ mang theo tập tục của mình và có những biến đổi theo người dân bản xứ trên đất Bắc Giang và ngược lại người dân bản xứ cũng bị những tác động của cư dân mới đến. Con người Bắc Giang vốn là những cư dân đồng cam cộng khổ, cưu mang nhau vượt qua thiên tai địch họa, khai phá rừng hoang lập làng, lập bản. Tính chất hào hùng còn dễ nhận thấy hơn qua các cuộc bảo vệ đất nước của bao nhiêu dòng họ như: họ Giáp, họ Thân… cùng với những cuộc khởi nghĩa đã đi vào lịch sử. Văn hóa Bắc
Giang còn là sự giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt cổ (Bắc Ninh) và văn hóa Tày Nùng (Lạng Sơn). Từ vùng rừng thiêng nước độc, cộng đồng dân cư Bắc Giang trong quá trình sinh sống đã tạo nên những vẻ đẹp riêng. Bắc Giang được coi là quê hương của các lễ hội, với hơn 500 lễ hội lớn nhỏ mang những sắc màu văn hóa khác nhau. Người dân Bắc Giang ai cũng tự hào về quê hương mình là cái nôi của quan họ cổ, với 6 làng ven sông Cầu, tồn tại như một sự kết duyên song hành với quan họ Bắc Ninh.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện di chỉ khảo cổ từ thời Lý thế kỷ XIII ở khu vực Đền Cầu Tự, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn. Theo báo cáo sơ bộ của các nhà chuyên môn, di chỉ này cùng thời với di chỉ tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long tại Hà Nội. Đó là những kiến trúc về lăng tẩm để lại từ thời Lý - Trần. Phát hiện này càng khẳng định văn hóa Bắc Giang có từ lâu đời, sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người trên mảnh đất Bắc Giang đã tồn tại từ xa xưa và cho đến nay những nét văn hóa đó vẫn đang được người dân nơi đây kế tục và phát huy.
Như vậy, với một nền văn hóa giàu truyền thống, một nền kinh tế - xã hội đang lên với nhiều khởi sắc, đây là những nhân tố tác động rất lớn đến công tác xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Bắc Giang hiện nay. Kinh tế - xã hội phát triển làm cho cuộc sống của các gia đình nơi đây cũng được nâng cao hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời, với vị trí thuận lợi, nằm cạnh nhiều trung tâm kinh tế - văn hóa lớn, nên các gia đình nơi đây có nhiều điều kiện và cơ hội để tiếp thu các giá trị tiến bộ của thời đại trong lĩnh vực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực đó, sự biến đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội đã tác động không nhỏ làm mai một dần những giá trị truyền thống. Tất cả những vấn đề trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của các gia đình, nhất là việc phát huy những giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Bắc Giang hiện nay.