Tác động của hệ thống pháp luật kinh doanh

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ lịch sử tiến trình quan hệ kinh tế hoa kỳ việt nam giai đoạn 2015 (Trang 49)

7. Kết cấu của luận án

1.3.1.2. Tác động của hệ thống pháp luật kinh doanh

Thương mại ở Hoa Kỳ diễn ra trong một hành lang mà giới hạn của nó được ấn định bởi luật lệ về thương mại cùng các quy định về kinh doanh do chính quyền tiểu bang hay liên bang công bố. Việc kinh doanh một mặt bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo vệ công dân, bảo đảm sự đối xử công bằng và bình đẳng, nhưng mặt khác lại được thúc đẩy bởi một nền tảng xã hội dựa trên niềm tin và uy tín.

Hệ thống luật pháp Mỹ nói chung và luật pháp kinh tế, thương mại nói riêng rất dày đặc, chi tiết, cụ thể, phản ánh đúng thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội Mỹ. Đồng thời trong quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, có thể nhận thấy nhiều quy định phổ biến của WTO thường là tương tự với các quy định của luật pháp kinh tế - thương mại Mỹ. Vì vậy, nắm vững luật pháp kinh tế, thương mại Mỹ sẽ tạo thuận lợi rất cơ bản để tiếp cận WTO, đồng thời, giúp phía Việt Nam (kể cả cấp độ quốc gia và doanh nghiệp) nhận thức và vận dụng phù hợp, tránh bị thua thiệt trong các vụ kiện nảy sinh trong quan hệ kinh tế song phương của phía Hoa Kỳ. Trong hoạch định chính sách kinh tế thương mại của Hoa Kỳ với bên ngoài (trong đó có Việt Nam) có thể khái quát một số luật quan trọng sau:

- Đạo luật về các Hiệp định Thương mại năm 1934: Đây là “một trong những đạo luật quan trọng có tác động đến hệ thống kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế của Mỹ” [96, tr. 30]. Đạo luật này cho phép Tổng thống Mỹ thay mặt Quốc hội đàm phán với các nước khác về các loại biểu thuế có mức đánh thuế thấp hơn biểu thuế có sẵn khoảng 50%, tức là đạo luật này đã trao cho người đứng đầu nhánh hành pháp Mỹ sử dụng nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) trong đàm phán các Hiệp định thương mại, “về nguyên tắc, Đạo luật đã chuyển chức năng hoạch định chính sách kinh tế - thương

mại từ Quốc hội sang Tổng thống” [124, tr. 157]. Sau nhiều lần điều chỉnh, đạo luật năm 1934 đã được thay thế bởi Đạo luật Thương mại năm 1962 nhằm phù hợp hơn với sự phát triển thương mại quốc tế, nhất là với châu Âu. Đạo luật năm 1962 cho phép Tổng thống Mỹ giảm biểu thuế hơn nữa so với trước, đồng thời giảm thuế thu nhập, cho vay lãi suất thấp, trợ giúp kỹ thuật… cho người lao động và các công ty Mỹ bị tổn hại do việc thực hiện chương trình tự do hóa thương mại gây nên.

- Luật về Thuế quan năm 1930: Luật này được hình thành năm 1930 ở Mỹ và có trong điều 1 của GATT năm 1947, liên quan đến quy chế MFN - không phân biệt đối xử, từ năm 1998 đổi thành Quan hệ Thương mại bình thường (NTR) “Nguyên tắc cơ bản của MFN (hay NTR) là khi hai bên dành cho nước thứ ba quy chế gì tốt nhất, thì cũng phải dành cho bên kia như vậy” [97, tr. 3].

- Luật về Nguồn gốc xuất xứ hàng hóa: mục đích của luật này là nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng Mỹ, giúp họ chọn lựa giữa hàng hóa của Mỹ với nước ngoài hay giữa các nước với nhau. Luật Thuế quan năm 1930 ghi rõ: “tất cả các hàng hóa có xuất xứ nước ngoài (trừ một số trường hợp ngoại lệ) phải ghi rõ nước xuất xứ bằng tiếng Anh một cách rõ ràng, dễ đọc, ở một chỗ dễ thấy và không thể tẩy xóa được để có thể tồn tại cho đến khi hàng hóa đến tay người mua cuối cùng” [96, tr. 30].

- Đạo luật Cải cách thương mại năm 1974: Với đạo luật này cho phép Tổng thống Mỹ có quyền đàm phán giảm biểu thuế khoảng 60% và bãi bỏ mức thuế khoảng 5% hoặc thấp hơn, đàm phán giảm các hàng rào phi thuế quan trong thương mại.

- Giữa luật pháp kinh tế thương mại Mỹ và GATT/WTO có nhiều điều khoản tương đồng:

+ Đối xử quốc gia (NT): Đây là nguyên tắc cơ bản trong quy tắc và chính sách thương mại quốc tế, quy chế này cho phép đối xử không phân biệt đối với khách hàng nước ngoài, ngăn cấm phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu với hàng nội địa trên phương diện thuế hay các điều chỉnh khác của chính phủ.

+ MFN: Đây là chính sách quan trọng trong quan hệ thương mại quốc tế: Các đối tác thương mại đều phải có quy chế hải quan và thuế quan như nhau và không

phân biệt đối xử. Đến tháng 6 năm 1998, Quốc hội Mỹ đã đổi cách gọi MFN thành NTR.

+ Hệ thống ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP): Đây là hệ thống mà các nước phát triển (trong đó có Mỹ) dành cho các nước đang phát triển những ưu đãi tạm thời, không có đi có lại, và về lâu dài nó đưa lại lợi ích cho cả hai bên. Tại Mỹ, “khoảng trên 4000 hạng mục trong biểu thuế quan đã được xác định là đủ điều kiện miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ theo chương trình của GSP” [96, tr. 33].

Trong hoạt động thương mại (nhập khẩu) của Mỹ, một số loại hàng hóa như: sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, nghư nghiệp và hàng dệt may bị hạn chế về định lượng hạn ngạch nhập khẩu, đây là những biện pháp phi thuế quan để tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho quá trình hoạt động thương mại với nước ngoài, nếu hàng hóa nhập khẩu vượt quá quy định sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.

- Luật Cấm vận kinh tế, Luật này được ban bố nhằm để cấm vận những nước mà Mỹ thấy gây hại cho lợi ích của Mỹ.

- Luật Chống bán phá giá (AD) và chống trợ giá (countervailing). Theo đạo luật này, “một sản phẩm không được bán với một giá công bằng trên thị trường (fair market value) thì đó là bán phá giá” [7, tr. 81]. Đồng thời, “nếu một mặt hàng khi xuất khẩu sang Mỹ mà được chính quyền địa phương dành cho một khoản trợ cấp để giúp mặt hàng ấy không phải cạnh tranh ở bên Mỹ thì sau khi xác định việc ấy nếu có thì chính quyền Mỹ sẽ đánh vào mặt hàng đó một khoản thu gọi là chống trợ cấp (countervailing duties, hay CVD)” [7, tr. 81]. Trong luật cũng quy định rõ, bán phá giá là bán một món hàng xuất ra nước ngoài mà: (1) thấp hơn giá đang thịnh hành ở thị trường nội địa (gọi là sự kỳ thị về giá cả trên thị trường quốc tế). và (2) thấp hơn giá cần thiết để thu hồi chi phí sản xuất (hay bán dưới giá thành).

- Luật Kiểm soát kinh doanh ma túy: Đây là đạo luật được ban hành năm 1986 nhằm để đối phó với thực trạng nguy hiểm của việc buôn lậu ma túy vào Mỹ cũng như nguy cơ sản xuất ma túy từ các nước khác.

- Luật Chống khủng bố: Luật này ra đời năm 1985, nhằm cấm xuất, nhập khẩu hàng hóa từ các nước ủng hộ khủng bố quốc tế. Kể từ sự kiện khủng bố 11/9/2001,

Mỹ tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh luật này đồng thời thành lập nhiều cơ quan mới để thực thi luật pháp.

- Cùng với các đạo luật nêu trên, hệ thống luật pháp Mỹ còn nhiều quy định hết sức nghiêm ngặt như: các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế, Trả đũa thương mại, Bảo vệ môi trường, Đạo luật về buôn bán với các nước thù địch, Luật nhập khẩu từ một nước cộng sản làm rối loạn thị trường..v.v. Vì vậy, cần phải nghiên cứu một cách cụ thể để trong quan hệ kinh tế tránh bị vi phạm (nhất là đối với Việt Nam – nước đang bước đầu hội nhập quốc tế).

Đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, hệ thống luật pháp là “trọng tài” để điều hành “đấu trường” trên một sân phẳng với triết lý: phần thắng thuộc về kẻ mạnh và phải tuân thủ luật chơi. Mặt khác, luật pháp cũng là “vệ sĩ” trung thành cho các nhà sản xuất kinh doanh Mỹ và lợi ích của nước Mỹ. Do đó, mọi chuyển động của kinh tế Mỹ và kinh tế đối ngoại của quốc gia này gắn liền với luật pháp. Nghiên cứu quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Việt Nam không tách rời vấn đề này, bởi vì: “Muốn buôn bán với ai, ta cần biết giữa họ với nhau họ làm ăn như thế nào” [7, tr. 5] và đương nhiên không thể không tìm hiểu cách buôn bán của họ với đối tác bên ngoài.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ lịch sử tiến trình quan hệ kinh tế hoa kỳ việt nam giai đoạn 2015 (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)