7. Kết cấu của luận án
1.2.2. Bối cảnh Hoa Kỳ và ViệtNam
1.2.2.1. Về phía Hoa Kỳ
Nếu như vào thập niên cuối thế kỷ XX, sự sụp đổ của Liên Xô và sự kết thúc Chiến tranh lạnh tạo nên một cục diện thế giới mới có lợi cho Mỹ thì bước sang thế kỷ XXI, quốc gia này phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Khởi đầu cho quá trình này là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ (2000) gây nhiều tranh cãi (điều ít thấy trong lịch sử bầu cử Mỹ), “cuộc tranh cãi kéo dài suốt một tháng trời đã kết thúc với phần thắng nghiêng về ứng viên George W. Bush với số phiếu chênh lệch chỉ là 537 phiếu” [3, tr. 65].
Sau khi Tổng thống G.W. Bush bước vào Nhà Trắng chưa lâu thì vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 diễn ra. Các cuộc tấn công khủng bố đã định nghĩa lại khái niệm chính trị toàn cầu và khiến người Mỹ phải đặt câu hỏi về vấn đề an ninh vốn được xem là thứ mà họ hầu như không phải lo lắng. Đồng thời “sự kiện 11/9 đã làm chính quyền phải nhìn nhận một cách toàn diện hơn các vấn đề của Trung Đông” [67, tr. 577] cũng như vấn đề an ninh năng lượng của nền kinh tế Mỹ.
Sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Ba ngày sau vụ khủng bố, một nghị quyết của Thượng viện cho phép Tổng thống Hoa Kỳ sử dụng vũ lực để trừng phạt những kẻ gây ra khủng bố. Vào lúc 0 giờ ngày 8 tháng 10 năm 2001, Mỹ cùng đồng minh tấn công Afghanistan, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ “Mỹ cùng đồng minh sẽ tiếp tục không kích cho tơi khi những kẻ khủng bố tại đây cùng chính quyền Taliban sụp đổ hoàn toàn” [3, tr. 65]. Tuy nhiên, dù Hoa Kỳ và đồng minh đã đạt được mục tiêu lật đổ Taliban nhưng cho đến nay chưa thể rút hết quân khỏi chiến trường này, hơn 10 năm trôi qua nhưng cuộc chiến này vẫn là một bài toán khó giải với quân đội Mỹ. Cũng từ hệ lụy của sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, ngày 20 thang 3 năm 2003, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, Tổng thống Mỹ đơn phương tuyên bố bắt đầu cuộc chiến tranh chống Iraq. Dù đạt được mục đích nhưng đến năm 2010, khi Tổng thống Obama tuyên bố chấm dứt cuộc chiến Iraq, Mỹ đã
chịu tổn thất nặng nề, cụ thể là đã chi 900 tỷ USD và 115.000 quân vào chiến trường Iraq, trong đó 32.000 lính bị thương và 5000 lính tử trận [3, tr. 66].
Qua hai cuộc chiến với danh nghĩa chống khủng bố mà Mỹ phát động, dù đã tạo được thắng lợi trên chiến trường nhưng trên thực tế, khủng bố đang lan rộng và ngày càng tinh vi hơn, đây vẫn là mối đe dọa tiềm tàng với lợi ích và an ninh của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
Nếu có thể nói mối nguy khủng bố là bất lợi về “nhân hòa” thì cơn bão Katrina tàn phá miền Đông đất nước năm 2005 là bất lợi về “thiên thời” đối với Mỹ. Cơn bão mạnh kinh khủng và gây tổn thất nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ trận động đất tại San Francisco năm 1906. Cơn bão cũng đã đặt câu hỏi lớn về khả năng ứng phó và cứu trợ thiên tai của Nhà nước Mỹ, cũng như bộc lộ sự bất bình đẳng và thực trạng dễ tổn thương của thành phần có thu nhập thấp trong xã hội Mỹ.
Cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế vào cuối năm 2008 đã phản ánh nước Mỹ không còn “địa lợi” về kinh tế nữa. Điều này có thể thấy từ chỗ, “thu nhập trung bình của mỗi hộ dân Mỹ năm 2000 là 52.500 USD, đến năm 2008 con số chỉ là 50.303 USD. Năm 2000, 11,3% dân Mỹ sống dưới mức đói nghèo, đến năm 2008 con số là 13,2%”, đồng thời trong 10 năm đầu thế kỷ này “tỷ trọng của nền kinh tế Mỹ trong tổng thể nền kinh tế thế giới xét về khối lượng đã giảm từ 32,6% xuống còn 24,61%, ngược lại Trung Quốc tăng tỷ trọng của mình từ 3,7% lên 8,47%” [3, tr. 67]. Khủng hoảng tài chính – kinh tế đã kéo theo khủng hoảng việc làm, tính đến năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên đến 10%.
Những nhân tố phức tạp trên của nước Mỹ tác động đến cuộc bầu cử năm 2008. Tiếp theo cuộc bầu cử đầy tranh cãi năm 2000, cuộc bầu cử năm 2008 cũng là cuộc bầu cử mà lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một người da đen trở thành ông chủ Nhà Trắng. Việc Barack Obama lên nắm quyền, đã phần nào phản ánh tâm lý bất mãn của cử tri Mỹ đối với sự bế tắc của các chính quyền tiền nhiệm.
Nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi những bế tắc trong vấn đề an ninh, chính trị và kinh tế, xã hội cùng nguy cơ đánh mất vị thế siêu cường của mình, Tổng thống B. Obama đã đưa ra những nỗ lực mới về chính sách đối nội và đối ngoại, trong đó có chính sách đối ngoại “khôn ngoan” hay khái niệm “sức mạnh mềm” mà học giả Mỹ
Joseph Nye đã từng nêu ra. Theo đó Mỹ cần sự ảnh hưởng trên toàn cầu bằng sự hấp dẫn và hợp tác chứ không chỉ bằng tiền bạc hay vũ lực. Quan điểm này cũng đã tác động sâu sắc đến hệ thống chính sách của Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống B. Obama.
Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, có lịch sử hàng trăm năm thực hiện tự do hóa thương mại, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên Hoa Kỳ có vai trò quyết định xu thế vận động của quan hệ kinh tế song phương. Các chuyển động của nền kinh tế này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tuy nhiên, do nền kinh tế Hoa Kỳ có quy mô lớn hơn nền kinh tế Việt Nam rất nhiều lần, nên trong những năm qua, kinh tế Hoa Kỳ dù bị suy thoái nhưng quan hệ kinh tế song phương vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Trong những năm tới, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể phục hồi trở lại “suy giảm của nền kinh tế Mỹ từ năm 2000 đến nay cũng chỉ là một trong những chu kỳ trong tiến trình phát triển kinh tế Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai” [124, tr. 129]. Mặt khác, dù nền kinh tế đang bị suy thoái nhưng trong thập niên này (và có thể thập niên thiếp theo), tương quan vị thế kinh tế Hoa Kỳ trên thế giới vẫn chưa có sự giảm sút nghiêm trọng, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế duy nhất thế giới. Quan hệ kinh tế với quốc gia này vẫn là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và hội nhập sâu hơn với thế giới.
Tóm lại, từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, mặc dù vẫn giữ vị thế đứng đầu thế giới nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ đang giảm dần tốc độ tăng trưởng. Về cơ cấu kinh tế, Hoa Kỳ đang gặp một số vấn đề khá nghiêm trọng như: khả năng cạnh tranh của các ngành chế tạo giảm, thâm hụt ngân sách, nợ nhà nước cũng như nợ nước ngoài ngày càng lớn...Tình hình đó đòi hỏi các chính quyền Hoa Kỳ phải tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đưa kinh tế Hoa Kỳ có thể lấy lại sức mạnh của mình:
trong đó cần phải đẩy mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại.
1.2.2.2. Về phía Việt Nam
(1991) đã tác động một cách sâu sắc và toàn diện đối với Việt Nam. Trước hết, Việt Nam đã mất đi sự hậu thuẫn về chính trị và về kinh tế thương mại cũng mất đi một bạn hàng xuất, nhập khẩu truyền thống chủ lực, bởi vì “trong nhiều năm, các hoạt động thương mại chính của Việt Nam là trong khối COMECON” [74, tr. 23]. Bối cảnh mới đặt ra cho Việt Nam những thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, tái cấu trúc lại nền kinh tế để nhanh chóng hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa.
Những năm đầu thế kỷ XXI, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cùng với những quyết sách đúng đắn của Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá, thị trường xuất khẩu hàng hóa được mở rộng, nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Việt Nam đã bắt đầu quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng với việc gia nhập các tổ chức quốc tế - khu vực như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), WTO…Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới năm 2008 (bắt nguồn từ Hoa Kỳ) đã tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam, đồng thời qua đây cũng bộc lộ rất rõ những khiếm khuyết trong quản lý Nhà nước về kinh tế, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước, mà tiêu biểu là sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin, Vinalines...
Việt Nam có nền kinh tế nhỏ yếu hơn Hoa Kỳ nhiều lần, nên khả năng tác động đến mối quan hệ song phương không lớn. Nhưng sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam lại đặt ra điều kiện cần thiết của mối quan hệ. Nền kinh tế Việt Nam không những nhỏ yếu hơn Hoa Kỳ, mà vấn đề quan trọng là nền kinh tế ấy đang trong thời kỳ chuyến đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chỉ khi nào quá trình chuyển đổi này hoàn tất thì mới tạo ra tiềm lực của một nền kinh tế thị trường, có khả năng hội nhập quốc tế một cách chủ động. Mặt khác, sự thành công của quá trình chuyển đổi này mới có thể khẳng định vị thế chính trị, pháp lý vững vàng của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp Việt Nam có tiếng nói nhất định trên mọi diễn đàn song phương, khu vực và thế giới, tạo bệ đỡ và sự “bảo lãnh” cho hàng hóa và dòng vốn của Việt Nam đi ra thế giới một cách an toàn.
1.3. Tác động từ cơ chế chính sách và luật pháp kinh doanh của Hoa Kỳ và Việt Nam