Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, vai trò giới của người phụ nữ trong gia đình đã dần cải thiện tích cực hơn so với trước. Tuy nhiều quan niệm đạo đức Nho giáo qua quá trình xã hội hóa trong gia đình từ nhiều thế hệ đến nay vẫn còn trong tư tưởng người dân nông thôn Việt Nam, người vợ vẫn giữ vai trò chính trong công việc tái sản xuất, người chồng giữ vai trò trụ cột kinh tế, quyết định chính trong gia đình, nhưng so với hiện nay thì mối quan hệ vợ chồng lẫn vai trò của người phụ nữ trong gia đình đã trở nên bình đẳng hơn. Đô thị hóa, hiện đại hóa giúp người phụ nữ nông thôn tham gia tích cực hơn vào thị trường lao động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề không còn bó buộc trong sản xuất nông nghiệp hay nội trợ. Vì vậy, phụ nữ nông thôn đã phần nào thể hiện được vai trò kinh tế của mình trong gia đình thay thế vai trò độc quyền của người chồng. Cùng với vai trò kinh tế, người phụ nữ có quyền quyết định các vấn đề trong gia đình mặc dù là các vấn đề nhỏ, có sự tôn trọng bàn bạc thống nhất từ người chồng ở các vấn đề quan trọng. Nhìn chung với tác động của quá trình đô thị hóa xu hướng biến đổi vai trò giới của người phụ nữ đang diễn ra theo hướng tích cực. Người phụ nữ có cơ hội tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội ngoài gia đình bên cạnh việc chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái. Tuy nhiên người phụ nữ cần cân đối thời gian cho vai trò sản xuất và tái sản xuất một cách hợp lý để không phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm dẫn đến xung đột vai trò.