1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

SKKN hướng dẫn học sinh thcs rèn kĩ năng đọc diễn cảm văn bản văn học

17 18 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Cấu trúc

  • Trường THCS Lý Tự Trọng Nguyễn Thị Trang

  • 17

  • 17

  • Sáng kiến kinh nghiệm Năm học 2018– 2019

  • I. PHẦN MỞ ĐẦU

  • 1.Lý do chọn đề tài

  • Trong mấy chục năm qua chúng ra đã được chứng kiến sự ra đời của một số thành tựu nghiên cứu có liên quan và thúc đẩy việc đổi mới phương pháp giảng dạy văn học như: Lý luận về dạy và học văn, về tâm lý tiếp nhận, về quy trình phân tích một số tác phẩm, về cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ…

  • Ngay việc dạy văn ở THCS từ thập kỷ 80 đã có một số tiến bộ nhất định trong đó đã khẳng định tư tưởng chiến lược đúng đắn: “Mục đích cao nhất là làm sao cho học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy tự cảm nhận đánh giá, tự khám phá, tự chiếm lĩnh tác phẩm. Từ đó tạo được sự phát triển toàn diện về trí tuệ, tâm hồn và năng lực”

  • Ngày nay, khi đất nước ngày càng đổi mới, với nhiều phương tiện hiện đại khiến cho học sinh không còn hứng thú với môn Văn. Học sinh thường có những quan niệm rất sai lệch trong việc học môn văn. Có những học sinh cho rằng môn văn là môn học thuộc chỉ cần học những gì thầy cô giáo cho ghi trên lớp là đạt yêu cầu. Khi là bài kiểm tra chỉ cần tái hiện lại y hệt những kiến thức đó là đạt yêu cầu. Hoặc học văn chỉ cần chăm chú ghi chép là được chứ không cần tư duy sáng tạo. Đó là những quan niệm sai, lệch lạc. Học văn không phải chỉ thụ động đọc chép mà là cả một quá trình cảm thụ nghệ thuật đầy sáng tạo.

  • Nhận thức được sự nguy hại của việc suy thoái chất lượng dạy và học môn Ngữ Văn, các cấp quản lí giáo dục cũng như bản thân các thầy, cô dạy môn Văn đã tiến hành nhiều biện pháp đổi mới – sáng tạo trong cách thức dạy và học Văn nhằm kéo các em học sinh trở lại với niềm say mê, hứng thú khi học Văn, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học về bộ môn. Nhưng có rất nhiều khâu cần sự đổi mới, cần được chú trọng khi dạy và học môn học được gọi là “Nhân học” này. Theo quan điểm của tôi, người giáo viên không thể cùng một lúc tiến hành tất cả mà chỉ nên chọn một khâu mang tính đột phá để thử nghiệm về sự thành - bại. Sau đó, hãy đúc rút kinh nghiệm cho bản thân cộng với việc trao đổi với các đồng nghiệp để nhân rộng thành công trong khâu ấy ra rồi hãy tiến hành đổi mới ở một khâu khác để rồi cuối cùng, sẽ có một sự nhìn nhận tổng thể mà chọn ra các khâu cơ bản mà đúc rút thành phương pháp chung trong dạy và học Ngữ Văn.

  • Từ thực tiễn giảng dạy môn Văn trong gần những năm qua ở bậc học THCS, tôi đã nhìn nhận và chọn khâu: Hướng dẫn học sinh THCS rèn luyện kĩ năng đọc diễn cảm văn bản văn học làm khâu đầu tiên để tạo bước đột phá trong hành trình thay đổi phương pháp dạy và học môn Văn của bản thân.

  • 1. Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài

  • Môn Ngữ văn mặc dù là một môn quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh nhưng nhìn một cách bao quát, việc dạy văn ở THCS dường như về căn bản vẫn bị cô lập khỏi những thành tựu khoa học, vẫn theo lối truyền thống. Vì sao lại có tình trạng ấy? Theo tôi có nhiều nguyên nhân cản trở việc đổi mới phương pháp, nhưng nguyên nhân cơ bản là do trình độ yếu kém và tinh thần học tập chưa cao ở phần đông học sinh. Muốn giảng dạy văn theo phương pháp mới thì yêu cầu học sinh phải chuẩn bị bài ở nhà thật kỹ phải đọc tác phẩm phải soạn bài phải chọn mình một cách cảm nhận tác phẩm và đến lớp dưới sự hướng dẫn của thầy, trò phải làm việc một cách tích cực chủ động sáng tạo.

  • Trước thực tế môn dạy và yêu cầu chung của bộ môn, là một giáo viên với tuổi đời còn trẻ, tôi tự nhận thấy không có một môn học nào là khô khan nếu người giáo viên biết tự tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cùng với lòng yêu nghề và yêu trẻ. Chính vì thế tôi đã nghiên cứu và thực hành áp dụng vào các lớp mình dạy từ năm học 2011 - 2012 đến nay nhằm mục đích giúp học sinh học bài, hiểu bài dễ dàng và biến môn Ngữ văn trở thành một "niềm vui" với trẻ nhỏ, giúp các em yêu thích môn học hơn.

  • 3. Đối tượng nghiên cứu

  • Đề tài được áp dụng nghiên cứu cho các em học sinh THCS trong giờ dạy môn Ngữ văn.

  • 4. Giới hạn nghiên cứu

  • Phạm vi nghiên cứu đề tài tại Trường THCS Lý Tự Trọng

  • 5. Phương pháp nghiên cứu

  • Trong đề tài sử dụng các biện pháp phát huy tính tích cực tự giác sáng tạo của học sinh và một số kinh nghiệm tích lũy của bản thân qua khoảng thời gian giảng dạy môn Ngữ văn tại trường Trung học cơ sở Phan Đình Phùng, trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nguyên Khuyến.

  • II. PHẦN NỘI DUNG

  • 1.Cơ sở lí luận

  • Hiện nay, toàn ngành giáo dục đang tích cực đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương pháp dạy học nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học. Phương pháp giáo dục mới khẳng định và nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của học sinh trong khám phá, tiếp thu tri thức. Trong bối cảnh đó, việc đặt ra vấn đề rèn luyện khả năng đọc diễn cảm cho học sinh trong quá trình học Văn rõ ràng là vẫn phù hợp với tiêu chí đổi mới mà không lo bị phê là sẽ quay lại với phương pháp dạy Văn theo kiểu cũ. Có chăng, cần nhấn mạnh ở đây một điều: muốn học sinh đọc diễn cảm được để rồi biết vận dụng thích hợp vào việc học Văn của mình thì những người thầy, người cô phải ý thức rèn luyện cho mình cách đọc sao cho diễn cảm tác phẩm văn học cái đã. Đây là điều không dễ dàng thành công, không thể tự nhiên mà có, mà thành cũng không thể tùy tiện, tùy hứng mà là một việc làm có ý thức rõ ràng, thường xuyên vận dụng, khổ luyện mà thành. Cả hai thái độ: coi thường, làm qua loa cho có hoặc quá coi trọng, tuyệt đối hóa khâu đọc đều nên tránh trong quá trình dạy và học môn Ngữ Văn.

  • Nhiệm vụ của bộ môn Văn ở trường phổ thông là cung cấp những hiểu biết về thế giới bên ngoài, về xã hội về con người từ đó góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Với đặc trưng là xây dựng bằng chất liệu ngôn từ, tác phẩm văn học sẽ tác động rất mạnh mẽ vào tâm hồn, tình cảm người đọc thông qua việc họ trực tiếp xem hay nghe người khác đọc tác phẩm. Trong giờ học Văn trên lớp, học sinh thường được nghe thầy, cô hay bạn bè đọc tác phẩm trước khi đi vào tìm hiểu nội dung cũng như hình thức nghệ thuật. Nếu người đọc có chất giọng hay cộng với việc thể hiện tốt nội dung tác phẩm qua khâu đọc thì người nghe sẽ tập trung lắng tai nghe và bước đầu sẽ nắm bắt được những nét cơ bản của diễn biến sự việc hay cảm xúc hoặc những nét tâm lí nhân vật trong tác phẩm. Đó chính là năng lực truyền thụ kiến thức của không ít giáo viên còn hạn chế. Là giờ dạy văn nhưng giọng đọc của giáo viên chưa truyền cảm, lời giảng thì đều đều, không có hồn, thì hỏi rằng có hấp dẫn được học trò?

  • Phương pháp đọc diễn cảm cũng giúp học sinh hiểu về thế giới bên ngoài, về con người, về xã hội mà điều trọng yếu nhất là biết rung cảm trước mỗi số phận, mỗi cuộc đời… và biết truyền sự hiểu và cái rung cảm của trái tim mình cho người khác. Sự tương tác lẫn nhau ấy là một cách cảm hoá, một phương pháp giáo dục con người để thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, để con người xích gần lại nhau hơn. Như vậy, phương pháp đọc diễn cảm phù hợp với mục tiêu của giáo dục với chiến lược đào tạo con người. Và theo sự nhìn nhận này thì đối tượng của phương pháp dạy đọc diễn cảm là tác động vào trái tim và khối óc của các em học sinh. Cảm xúc và trí tuệ không hề mâu thuẫn nhau mà bổ trợ cho nhau. Từ những nhận thức cảm tính ban đầu này, học sinh sẽ dễ dàng phát hiện về một số nét tính cách – tâm lí nhân vật cũng như định hình được thái độ, tình cảm của mình dành cho nhân vật. Đây lại là những điều hết sức cần thiết cho khâu tìm hiểu nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Thực chất của phương pháp này là dạy học sinh biết cách lựa chọn kiến thức nền tảng kết hợp với việc điều chỉnh bộ máy phát âm của mình để thể hiện tông giọng của từng kiểu văn bản, chủ ý của tác giả. Như vậy, phương pháp này góp phần hình thành cho học sinh ba điều quan trọng: kĩ năng, nhận thức và hành động. Với ba yếu tố chìa khoá ấy học sinh có thể mở bất cứ kho tàng tri thức văn học nào và có thể mở đường chỉ lối cho mọi trái tim và khối óc khi thâm nhập vào tác phẩm. Thực tế lại không đi cùng chiều với vai trò và nhiệm vụ của nó. Đây chính là vấn đề cần giải quyết.

  • 1. Thực trạng

  • Tác phẩm Văn học nào cũng thực hiện chức năng giáo dục thẩm mĩ cho người tiếp nhận. Không nên chỉ hiểu về tính thẩm mĩ của tác phẩm Văn chương chỉ nằm ở nội dung mà nó chứa đựng ở trong mà cần hiểu rộng ra nữa: vẻ đẹp thẩm mĩ của một tác phẩm Văn chương còn nằm ở vẻ đẹp của ngôn từ, của lời văn – giọng văn mà tác giả đã khổ công suy nghĩ, tìm kiếm, lựa chọn nhằm biểu hiện tốt nhất nội dung họ muốn nói. Vậy thì không có lí do gì mà người đọc tác phẩm lại không biết cách thể hiện về vẻ đẹp tác phẩm qua ngữ điệu chính xác và sinh động khi đọc về tác phẩm ấy một cách diễn cảm.

  • Tiếng Việt là một thứ ngôn ngữ đa thanh điệu. Đặc điểm này có thể sẽ trở thành một rào cản lớn cho những ai không phải là người Việt mà muốn nói và viết giỏi tiếng Việt. Nhưng cũng chính đặc điểm ngữ âm này cũng đem tới cho tiếng Việt khả năng diễn tả cực kì tinh tế các ý nghĩa cũng như các sắc thái ý nghĩa trong lời nói, bài viết vượt trội hơn hẳn so với các ngôn ngữ khác. Mà các nhà văn, nhà thơ lớn của ta đều là những người giỏi dùng tiếng Việt. Trong chương trình văn học trong nhà trường phổ thông của ta, có rất nhiều tác phẩm của nhều tác giả lớn được đưa vào giảng dạy, học tập. Như vậy, khi dạy và học về các tác phẩm trên, ngoài việc thấy được giá trị về nội dung hiện thực, nội dung tư tưởng chứa đựng trong mỗi tác phẩm thì người dạy cũng như người học phải thấy được cả vẻ đẹp của lớp vỏ ngôn từ nghệ thuật mà các tác giả phải hao tâm tổn trí mới chọn lọc ra được để xây nên từng câu văn, câu thơ trong đó nữa. Mà các tác phẩm văn chương đó lại được xây dựng nên bởi chất liệu là những từ ngữ “xịn” nhất trong tiếng Việt. Vậy nếu dạy và học về tác phẩm văn chương mà không biết cách thể hiện cho tốt vẻ đẹp chứa đựng trong những từ ngữ kia qua việc đọc thì liệu ảnh hưởng gì đến kết quả dạy và học môn Văn hay không?

  • Đọc diễn cảm là một phương pháp dạy học quen thuộc trong nhà trường ở nước ta mấy thập kỉ qua. Ươm mầm từ truyền thống ngâm vịnh, bình văn, bình thơ của người Việt Nam qua các thời đại, đọc diễn cảm nhanh chóng trở thành một phương pháp hữu ích trong cảm thụ và truyền thụ văn chương trong nhà trường

  • Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực tế việc đưa phương pháp vào tiết dạy, cũng như giáo viên ý thức được vai trò của nó trong dạy học cũng là vấn đề cần quan tâm

  • Phương pháp đọc diễn cảm luôn được tất cả giáo viên đứng lớp quan tâm, sử dụng. Mỗi giờ dạy văn, giáo viên đều tổ chức cho học sinh đọc diễn cảm (có thể giáo viên đọc làm mẫu, học sinh đọc sau). Hình thức đọc khá đa dạng có thể đọc cả bài trước khi phân tích tác phẩm nhằm gây ấn tượng hoặc đọc từng đoạn, từng khổ. Tuy nhiên những hình thức đọc ấy mới chỉ là những cách đọc lấy lệ. Nghĩa là đọc nhưng không truyền sự rung động ấy đến người nghe. Đến cả những giờ thao giảng, sau khi dự giờ đồng nghiệp về, họ cũng không bao giờ góp ý về cách đọc của giáo viên hay học sinh trong giờ học ấy, trong khi đó có thể ý kiến rất nhiều về các hoạt động khác. Như vậy ở trường THPT việc đọc diễn cảm chưa được coi trọng trong khi đọc diễn cảm đem lại hiệu quả rất lớn.

  • Về phía học sinh trước khi đọc, giáo viên dặn phải đọc tác phẩm (đoạn, khổ) này với giọng tha thiết hay buồn (vui), cao (thấp), trầm (lắng). Học sinh không biết đọc như thế nào sẽ ra giọng vui, giọng buồn, cao, thấp… nghĩa là học sinh cũng chưa nắm được phần lí thuyết cơ bản của việc đọc diễn cảm. Chẳng hạn, khi học tác phẩm Tràng giang của Huy Cận, giáo viên nói rằng các em phải đọc với giọng buồn vì bài thơ này là một nỗi buồn mênh mang và các em cứ thế đọc và phân vân rằng không biết mình đọc như thế đã buồn thật chưa!

  • Thời gian dành cho việc đọc nói chung và đọc diễn cảm nói riêng trên lớp chỉ khoảng 5 – 7 phút. Thời lượng ấy quá ít nên giáo viên không thể triển khai hết những vấn đề của đọc diễn cảm và họ cũng không dành tâm huyết của mình vào đó. Giáo viên không tâm huyết dẫn đến học sinh không tâm huyết và không nắm chắc được những kiến thức cơ bản của phần này. Cả hai đã vô tình đánh rơi chiếc chìa khoá mở cửa trái tim và khối óc của họ. Vì thế học sinh khó thâm nhập vào tác phẩm, giờ Văn trở nên rời rạc. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh ngày một xa rời với môn Văn.

  • 3. Nội dung và hình thức của giải pháp

  • a. Mục tiêu của giải pháp

  • Trong việc giảng dạy phân môn Văn hiện nay không ít giáo viên loay hoay lúng túng trước tác phẩm nghệ thuật và tài liệu hướng dẫn, dạy học tác phẩm văn chương đã diễn ra khá bài bản, giáo viên đã đi hết một quy trình (theo trình tự các đề mục) mà ta chưa yên tâm chút nào, hình như có một cái gì đó sâu thẳm lớn lao ở tác phẩm…do mở nhầm cửa người dạy, người học đã chưa đi đến được cái đích cuối cùng.

  • Nguyên nhân chính là chưa xác định, chưa tìm hiểu kĩ các tiếp cận các tác phẩm với tính chất nội dung của nó. Tôi cho rằng khâu quan trọng là người giáo viên phải tác động vào trái tim và khối óc của các em học sinh. Như chúng ta đã biết, Văn chương là câu chuyện “xuất tâm” và “nhập tâm”. Thông qua tác phẩm văn học, nhà văn “xuất tâm” tư tưởng, tình cảm thái độ, tìm đến những tâm hồn đồng điệu. Người đọc lại từ văn bản văn chương “nhập tâm” vào thế giới nghệ thuật của nhà văn để đối thoại, sẻ chia, thanh lọc. Phương pháp đọc diễn cảm sẽ dạy học sinh biết cách lựa chọn kiến thức nền tảng kết hợp với việc điều chỉnh bộ máy phát âm của mình để thể hiện tông giọng của từng kiểu văn bản, chủ ý của tác giả. Như vậy, phương pháp này góp phần hình thành cho học sinh ba điều quan trọng: kĩ năng, nhận thức và hành động. Với ba yếu tố chìa khoá ấy học sinh có thể mở bất cứ kho tàng tri thức văn học nào và có thể mở đường chỉ lối cho mọi trái tim và khối óc khi thâm nhập vào tác phẩm.

  • b. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp

  • Từ những nguyên nhân trên, tôi đã tìm ra cho mình một hướng đi mới, một phương pháp khả thi hơn, hiệu quả hơn. Đó là trong quá trình giảng dạy (đối với tiết văn bản), tôi chú ý hướng dẫn rèn luyện cho học sinh kĩ năng đọc diễn cảm. Muốn phương pháp đem lại hiệu quả cao cần hiểu những vấn đề sau:

  • b.1. Giúp học sinh hiểu về đọc diễn cảm ?

  • Có thể hiểu đọc diễn cảm là đọc một văn bản Văn học - trên cơ sở sự hiểu biết chính xác về đặc điểm nội dung và các đặc điểm cấu tạo hình thức của tác phẩm đó - theo một ngữ điệu chính xác và sinh động. Đọc diễn cảm không đơn thuần là đọc đúng ngữ âm, ngữ pháp, đọc sáng rõ, mạch lạc, đọc trôi chảy một văn bản ngôn từ mà quan trọng hơn là kết hợp giữa khả năng diễn cảm, truyền cảm trong giọng đọc với việc bắt trúng cái “giọng” của nhà văn để làm bật ra ý nghĩa của câu chữ. Qua việc đọc tác phẩm, người đọc giúp cho người nghe cảm thấy hứng thú, chú tâm theo dõi diễn biến tác phẩm, tạo tâm lí hưng phấn từ đó mà tăng khả năng tiếp thu, hiểu biết chính xác vẻ đẹp của tác phẩm văn chương đó.

  • b.2. Căn cứ để định hình cách đọc diễn cảm một văn bản Văn học?

  • Để đọc diễn cảm một văn bản, người đọc cần tìm hiểu rõ mình cần truyền đạt điều gì đến cho người nghe; phải có sự đánh giá chính xác về những gì tác giả muốn nói trong tác phẩm. Người đọc phải có mong muốn truyền đạt nội dung các biến cố, các nét tính cách, nét tâm lí, tình cảm, tâm trạng nhân vật… đến cho người nghe để họ cũng hiểu được như mình.

  • Nói như vậy có nghĩa là cách đọc một văn bản theo một ngữ điệu ra sao sẽ không tùy thuộc vào ý định chủ quan của người đọc mà lại tùy thuộc vào chính đặc điểm nội dung, hình thức của tác phấm văn học mà nghệ sĩ dày công tạo ra. Nhưng trong tác phẩm cũng như trong thực tế cuộc sống (ngay cả khi ta có cơ hội gặp trực tiếp nghệ sĩ để hỏi) thì nghệ sĩ cũng chẳng bao giờ chỉ ra cho ta cách đọc tác phẩm của học như thế nào mới hay, mới đúng cả. Vậy nên, việc đọc một tác phẩm văn chương như thế nào cho hay, cho đúng có thể coi là sự sáng tạo dựa trên “cái đã có rồi” (nội dung cảm xúc – tình cảm – thái độ - diễn biến tâm lí…chứa trong tác phẩm do nghệ sĩ sáng tạo) của người thực hiện việc đọc. Người thực hiện việc đọc tác phẩm Văn chương trong giờ học ở nhà trường lại không phải ai khác chính là các thầy cô và các học sinh của họ! Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc đọc tốt một văn bản Văn chương không chỉ đòi hỏi phải trải qua một quá trình rèn luyện mà còn đòi hỏi người đọc cần có sẵn tố chất nữa. Vậy nên, đừng thầy cô nào mong và đặt ra mục tiêu mang tính viễn tưởng là mọi học sinh đều có thể đọc diễn cảm được. Nếu có, các thầy cô nên đặt ra mục tiêu thiết thực, khả thi là: làm cho tất cả học sinh khi học đều phải thấy được việc đọc Văn quan trọng như thế nào và cố gắng chọn một số em có tố chất mà rèn kĩ năng này cho các em để các em này sẽ gần như trở thành những cộng sự tin cậy của thầy cô, “đặc trách” phần đọc tác phẩm trong các giờ học Văn.

  • Theo quan điểm của tôi, ban đầu, với các lớp học sinh nhỏ tuổi, có thể hướng dẫn các em mô phỏng cách đọc của thầy cô. Về sau, khi các em đã quen, giáo viên cần hướng dẫn các em tập phân tích - nhìn nhận ra nội dung cảm xúc, thái độ cần thể hiện khi đọc tác phẩm đó là gì. Cần khuyến khích học sinh mạnh dạn thử nghiệm các cách đọc căn cứ vào cảm nhận của mình chứ không nên để học sinh mô phỏng, bắt chước mãi mà làm thui chột khả năng độc lập sáng tạo của học sinh trong khâu đọc tác phẩm. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải trang bị cho học sinh thêm một số kiến thức về đặc điểm nổi bật của một số thể loại văn học. Ở một khía cạnh khác, bạn hãy khuyến khích học sinh quan tâm lắng nghe để học hỏi về cách đọc diễn cảm một văn bản bằng cách nghe các nghệ sĩ, phát thanh viên tên tuổi giàu kinh nghiệm đọc trên đài phát thanh – truyền hình. Nếu có thể, thầy và trò cùng nghe băng thu âm của một nghệ sĩ có tiếng đọc một văn bản nào đó trong chương trình học khi học bài văn bản đó thì cũng rất tốt.

  • Ví dụ: Hướng dẫn đọc một văn bản giàu tính biểu cảm cho học sinh lớp 6:

  • Hướng dẫn đọc bài “Cây tre Việt nam” của Thép Mới (Ngữ Văn 6 - tập 2)

  • - Đầu tiên, hãy cho học sinh xem vài hình ảnh về cây tre (trên màn hình) rồi hỏi về ấn tượng khi nhìn thấy loài cây này (đích đến của câu hỏi này là: thân quen, không có gì lạ lẫm). Từ ấn tượng ban đầu nói trên, giáo viên hướng học sinh đến giọng điệu khi đọc phải thể hiện như thế nào để người nghe thấy được tình cảm thân thương mà Thép Mới muốn gợi lên cho mọi người khi nghe bài này? ( đích đến của câu hỏi này là: giọng trìu mến, tha thiết, yêu mến, gắn bó. Đây cũng chính là thái độ - tình cảm mà Thếp Mới bộc lộ trong bài văn này mà khi đọc các em phải thể hiện sao cho rõ ràng , phù hợp với tính chất biểu cảm của văn bản này).

  • - Hướng dẫn học sinh phát hiện ra những từ ngữ, câu văn giàu hình ảnh và đậm chất gợi tả, gợi cảm về tâm lí – thái độ người viết trong một số đoạn văn để có ngữ điệu, nhịp-giọng cũng như tốc độ đọc tương ứng, phù hợp sao cho nổi bật được ý nghĩa và sắc thái ý nghĩa của chúng lên cho người nghe thấy như mình đã thấy.

  • - Cụ thể, tôi hướng dẫn cho học sinh đọc đoạn: “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp,/ cây nào cũng quý/ nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa.Tre Đồng Nai,/ nứa Việt Bắc,/ tre ngút ngàn Điện Biên Phủ,/ lũy tre thân mật làng tôi…đâu đâu/ ta cũng có nứa tre làm bạn.”

  • Hay cần phải đọc đoạn: “Bóng tre trùm lên âu yếm làng,/ bản,/ xóm,/ thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa,/ thấp thoáng mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh,/ đã từ bao đời,/ người dân cày Việt Nam dựng nhà,/ dựng cửa,/ vỡ ruộng,/ khai hoang. Tre ăn ở với người đời đời,/ kiếp kiếp” như thế nào mới đúng, mới tốt?

  • Để đọc đoạn văn nói trên, tôi hướng cho học sinh đọc với giọng nhẹ nhàng có chút nhấn giọng vào các từ ngữ (được in nghiêng, bôi đậm trong đoạn như trên); hướng cho các em ngắt nhịp ở các chỗ có vạch chéo; còn những chỗ được gạch chân: cần đọc với tốc độ chậm hơn…Tất cả những điều thuộc về cách đọc nói trên, học sinh có thể dễ dàng thấy, không mất nhiều thời gian với sự trợ giúp đắc lực của màn hình LCD (giáo viên phải chuẩn bị ở nhà và chiếu một số đoạn theo cách đã nói ở trên lên màn hình trước khi cho học sinh đọc bài). Nói tóm lại: cần làm cho học sinh thể hiện được đúng và rõ sắc thái tình cảm yêu mến, gắn bó giữa cây tre và con người Việt Nam khi đọc và nghe đọc bài này để tạo cơ sở đi vào khâu tìm hiểu nội dung của bài văn sau đó.

  • Nhưng cần lưu ý rằng: trong văn bản nói trên, không phải đoạn nào cũng đọc như nhau về tốc độ cũng như về sắc thái biểu cảm. Cũng với bài “Cây tre Việt Nam”, đoạn văn sau đây lại cần đọc với tốc độ nhanh hơn và với giọng dứt khoát, mạnh mẽ hơn (với mục đích là để biểu hiện sự can trường, bất khuất của Tre và của con người Việt Nam trong chiến đấu) bên cạnh việc vẫn giữ sắc thái mến thân, gắn bó đã nói ở trên:

  • “Buổi đầu,/ không một tấc sắt trong tay,/ tre là tất cả,/ tre là vũ khí. Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng nên thành đồng Tổ quốc! Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre.

  • Gậy tre, /chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng,/ đại bác. Tre giữ làng, /giữ nước,/giữ mái nhà tranh,/giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người./ Tre,/ anh hùng lao động! Tre,/ anh hùng chiến đấu!”

  • b.3. Ngữ điệu khi đọc một tác phẩm văn học phải phù hợp với đặc điểm về thể loại và đặc điểm riêng về nội dung và hình thức của từng tác phẩm:

  • Mỗi thể loại văn học lại có những đặc điểm riêng biệt. Chính nhờ sự khác biệt này mà chúng ta có thể nhận diện, phân biệt tác phẩm này thuộc về thể loại Tự sự; tác phẩm kia là Trữ tình; tác phẩm nọ thuộc thể Kịch…Xuất phát từ đặc điểm này mà cách đọc áp dụng cho mỗi thể loại là khác nhau. Ấy là còn chưa kể đến việc trong cùng một thể loại nhưng tác phẩm này, hoặc ở đoạn này, người đọc lại phải đọc với giọng - nhịp điệu khác với giọng điệu - nhịp khi đọc tác phẩm hay đoạn văn kia thì mới phù hợp vói những nội dung cần biểu hiện.

  • Ví dụ: Trong chương trình lớp 8 có một số tác phẩm Văn học trung đại thuộc các thể loại khác nhau cần có sự thể hiện khác nhau khi đọc cũng như khi tìm hiểu về nội dung - nghệ thuật của tác phẩm. Cụ thể:

  • - Đọc văn bản “Chiếu dời đô” cần thể hiện bằng một giọng điệu, cách ngắt câu dõng dạc, dứt khoát biểu hiện uy quyền tối cao của nhà vua nhưng cũng còn phải thể hiện cả thái độ, tình cảm lo lắng cho sự thịnh vượng lâu bền của xã tắc của Lí Công Uẩn khi đưa ra ý tưởng dời đô về Đại La nữa.

  • - Khi đọc “Hịch tướng sĩ”, cần hướng dẫn cho học sinh nhận ra và cố gắng thể hiện tốt các sắc thái tình cảm mà Trần Quôc Tuấn muốn nói trong các phần của bài hịch.

  • Cụ thể như sau: đoạn đầu bài hịch cần đọc với giọng điệu rõ ràng, dõng dạc rõ sắc thái cảm phục, tự hào khi đề cập đến các tấm gương anh hùng nghĩa sĩ vì chúa mà sẵn sàng xả thân (mục đích để cho các tướng sĩ thấy mà tự soi mình vào, mà tự cảm thấy thẹn với người xưa)

  • Nhưng khi đọc đoạn nêu về tấm lòng căm giận của Trần Quốc Tuấn trước sự ngang ngược của quân giặc (mà mình lại chưa đến lúc có cơ hội để rứa mối hận) thì lại phải đọc với giọng điệu đầy sự uất hận, căm tức; thống thiết và chân thành.

  • Còn khi đọc đoạn phê phán thói ăn chơi hưởng lạc quên mất cả mối nguy hại của tướng sĩ thì lại phái đọc với giọng điệu trách móc, phê phán nghiêm khắc rõ ràng của vị chủ tướng đầy uy quyền nhưng cũng rất khoan dung với tướng sĩ.

  • - Khi đọc bài “Nhớ rừng” của Thế Lữ: tôi cho học sinh nhận xét về nét trớ trêu, nghiệt ngã về hoàn cảnh của con hổ trong bài thơ (Xưa được tự do; nay bị giam cầm, biến thành một thứ đồ chơi). Từ đó, hướng dẫn cho học sinh phác họa tâm trạng, mong muốn của Hổ khi ở trong hoàn cảnh kia như thế nào? (Đích đến là: uất ức, căm giận, tức tối, tuyệt vọng, muốn thoát ra ngoài…Và gắn với thời điểm hiện tại khi đã bị giam cầm trong cũi sắt nơi vườn thú và giọng điệu: tha thiết thương nhớ, nuối tiếc ngày còn được ở giữa bóng cả cây già nơi sơn lâm bí hiểm khi xưa). Có thể từ sự nhìn nhận về bố cục (căn cứ vào 2 không gian trái ngược: giữa sơn lâm và trong cũi sắt nơi vườn thú) để xác định 2 nét tâm trạng cơ bản tương phản nhau của nhân vật để xác định 2 giọng điệu đọc tương ứng là gì? (Đích muốn hướng học sinh tới là: đọc đoạn bị giam cầm theo cách đã nói ở trên; đọc đoạn giữa – khi còn tự do giữa sơn lâm - với giọng điệu phấn khích, dõng dạc, đầy thương nhớ da diết và với nhịp điệu nhanh, dồn dập hơn để thể hiện dòng cảm xúc dào dạt, mãnh liệt của nhân vật con hổ trong bài thơ).

  • b.4. Đọc diễn cảm tốt trong phân môn Văn sẽ còn giúp học sinh làm bài Tập làm văn tốt hơn (nhất là với học sinh lớp 9 khi làm bài nghị luận về tác phẩm Văn học).

  • Ở chương trình lớp 9, trong phần Văn học Việt Nam hiện đại, các em được học khá nhiều Văn bản thơ (thuộc kiểu văn bản biểu cảm). Nhìn chung, đọc một văn bản thơ khó hơn một văn bản Tự sự vì lẽ riêng một bài thơ đã có thể có rất nhiều cách thể hiện nội dung khác nhau qua ngôn ngữ nói mà đọc chỉ là một cách thông thường, phổ biến và dễ thực hiện nhất (còn có nhiều cách khác đòi hỏi cao hơn khi thể hiện Nội dung một bài thơ như: ngâm thơ, nói thơ, lẩy thơ, hát thơ…). Nói dễ ở đây là dễ so với các hình thức thể hiện theo kiểu nghệ thuật loại văn bản thơ chứ hoàn toàn không phải theo nghĩa dễ dàng, ai cũng có thể thực hiện được. Trong giờ dạy và học Văn ở cấp THCS, học về một tác phẩm hay một trích đoạn tác phẩm thơ, các em học sinh phải có nhiệm vụ đáp ứng các yêu cầu hiểu biết nhận thức cao và nhiều hơn về bài học so với ở bậc Tiểu học. Cũng chính vì lẽ này mà việc đọc tác phẩm Thơ ở cấp II cũng cần phải được nâng cao lên về yêu cầu so với ở bậc Tiểu học (có khi chỉ cần đọc đúng câu - chữ, ngắt nghỉ đúng dấu câu, đọc đúng chính tả khi phát âm…). Hơn nữa, với các em học sinh lớp 9 đã trải qua 3 năm học cấp II, nếu yêu cầu các em thể hiện phần đọc chỉ như các em học sinh lớp 6 thì e là các em sẽ khó có thể làm tốt bài Văn nghị luận về tác phẩm (đoạn trích thơ hay đoạn trích truyện) trong phân môn Tập làm văn. Bởi vậy, đọc đúng, cho tốt một bài thơ (bài văn) sẽ còn có ý nghĩa giúp cho các em vận dụng tốt kiến thức phân môn phần Tập làm văn nữa khi nhìn nhận về một yếu tố thuộc về mặt Nghệ thuật của tác phẩm thơ (truyện) đó là yếu tố nhịp và giọng điệu trong một bài thơ; nội dung cảm xúc chứa đựng trong bài thơ hay yếu tố tâm lí – tâm trạng – tính cách – ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm truyện vừa đọc.

  • Ví dụ: Hướng dẫn đọc bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật (Ngữ văn 9 – tập1) như sau:

  • - Lưu ý học sinh đặc điểm rất khác biệt giữa người lính thời chống Mĩ với thời chống Pháp trong đời sống thực những năm 1970: trình độ văn hóa – nhận thức cao hơn, trẻ trung hơn; làm chủ được những loại vũ khí khí tài hiện đại hơn hẳn. Vì thế, sự phản ánh về hình tượng người lính của lớp nhà thơ trẻ mới trưởng thành như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy… sẽ khác, sẽ đậm dấu ấn của lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh: trẻ trung, lạc quan, sôi nổi, hào hùng …Chính vì vậy, khi đọc bài thơ này, người đọc cũng phải thể hiện được sự thật cuộc sống này qua giọng đọc của mình.

  • - Giọng điệu chung thơ của Phạm Tiến Duật mang âm hưởng hào hùng, giọng điệu luôn trẻ trung, sôi nổi. Vậy nên, khi đọc bài thơ này cần có giọng điệu như trên.

  • - Về nhịp trong bài thơ: Phù hợp với tốc độ hành quân trên phương tiện xe cơ giới nên nhìn chung phải như thế nào? (nhanh, mạnh) => sẽ dẫn đến nhận thức: đây là dấu ấn hiện thực cuộc sống chiến đấu thời bấy giờ in vào tác phẩm; nhận thức về tác dụng của nhịp thơ, giọng thơ trong việc biểu hiện Nội dung cảm xúc trong bài thơ – một yếu tố Nghệ thuật rất quan trọng trong thể loại Thơ.

  • - Cần biết phát hiện cho được có những từ ngữ, hình ảnh nào trong bài thơ cần nhấn giọng? Cần ngắt các câu thơ như thế nào, căn cứ vào đâu? (hướng dẫn: căn cứ ngắt nhịp là các thành phần câu; căn cứ vào nhịp ngắt phổ biến trong thể thơ 7 chữ: 4/3 hay 2/2/3 hay thơ 8 chữ: 4/4 – có thể là 2/2/4 – cũng có câu là 3/5; ngắt sao cho biểu hiện đúng và tốt ngữ nghĩa của câu (dòng) thơ).

  • Hãy tìm hiểu về cách đọc cụ thể trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ trên:

  • Xe không kính/ không phải vì/ xe không có kính

  • Bom giật/ bom rung/ kính vỡ đi rồi

  • Ung dung/buồng lái/ ta ngồi

  • Nhìn đất/nhìn trời/ nhìn thẳng

  • Nhìn thấy/ gió vào/ xoa mắt đắng

  • Nhìn thấy /con đường /chạy thẳng vào tim

  • Thấy sao trời/ và đột ngột /cánh chịm

  • Như sa/ như ùa/ vào buồng lái..

  • Những từ ngữ cần nhấn giọng là những từ được in đậm, gạch chân, những chỗ có vạch chéo thơ là nhịp ngắt trong câu (dòng) thơ đó. Lí do: chúng là những điểm nhấn về nội dung và sắc thái ý nghĩa của từng câu và của cả đoạn thơ trên. Cụ thể: câu đầu: nhấn vào để tạo ấn tượng ngạc nhiên về sự lạ ở những chiếc xe ở 3 chữ không; câu thứ 2: nhấn mạnh 4 chữ gạch chân để nổi bật ý chiến tranh ác liệt; câu 3: tâm lí thái độ bình thản của người lính cần đọc chậm - rõ, sắc thái vui thích; câu 4 – 8: biểu hiện ấn tượng về tốc độ hành quân và cái nhìn khoáng đạt của người lính từ trong buồng lái nên cần đọc nhanh và dồn dập hơn.

  • Khi làm được như trên, bạn đã chứng tỏ một điều: đọc văn bản văn chương trong những giờ học Văn ở các nhà trường rõ ràng không phải là một việc làm dễ dàng mà phải được coi là một việc làm quan trọng và đầy khó khăn, cần có định hướng rõ ràng để thầy và trò tiến hành một cách tự giác chứ không thể làm kiểu bừa phứa, tự phát.

  • b.5. Đọc diễn cảm trong phân môn Văn còn có mối liên quan mật thiết, còn cần đến sự trợ giúp đắc lực của các nội dung thuộc phân môn Tiếng Việt:

  • Tiếng Việt là một phân môn trong môn Ngữ Văn có nhiệm vụ cung cấp những tri thức lẫn các kĩ năng dùng từ, viết câu, dựng đoạn, liên kết,...; cách dùng các phép tu từ và cả những phương tiện biểu đạt ngoài ngôn ngữ trong nói và viết khi làm bài cũng như ngoài cuộc sống. Có những kiến thức thuộc phân môn Tiếng Việt có liên quan trực tiếp đến việc đọc diễn cảm trong giờ học phân môn Văn. Có thể kể ra đây như: Thán từ; Tình thái từ; Trạng ngữ (lớp 7); Kiến thức về phần câu các loại (lớp 6,7,8); Kiến thức về Hội thoại (lớp 8,9)... Vậy nên trong khi dạy học sinh về kĩ năng đọc văn bản Văn học cho học sinh, giáo viên cần liên hệ với cách đọc các từ loại hay kiểu câu này thế nào cho nổi bật được ý nghĩa – sắc thái ý nghĩa được biểu hiện qua các câu – từ đó. Còn phần Hội thoại: sẽ liên quan sẽ được vận dụng đến khi đọc các từ ngữ xưng hô (trong đoạn đối – độc thoại) ra sao cho rõ tính cách - tâm lí – sắc thái tình cảm của nhân vật trong văn bản Tự sự. Hay kiến thức về các thành phần phụ trong câu sẽ liên quan đến việc ngắt nhịp (nhất là trong một văn bản thơ) vì nó thường được tách ra khỏi thành phần chính bởi một dấu phẩy – tương ứng với một quãng ngắt nghỉ khi đọc văn bản.

  • c. Mối quan hệ giữa các giải pháp, biện pháp

  • Với đề tài Hướng dẫn học sinh THCS rèn luyện kĩ năng đọc diễn cảm văn bản văn học giúp học sinh biết chú ý mã ngôn ngữ khi tìm hiểu văn bản. Tuy nhiên để đạt được kết quả cao thì phải có biện pháp thật sự phù hợp với đối tượng học sinh, cơ sở vật chất của nhà trường, năng lực của người giáo viên. Nếu giải pháp đưa ra mà không có biện pháp thật sự phù hợp thì kết quả đem lại không cao, thậm chí không có hiệu quả.

  • Ví dụ: Trước khi hướng dẫn cụ thể học sinh cách đọc văn bản sao cho đúng thì cần nêu bật vai trò của việc đọc diễn cảm trong việc tìm hiểu, phân tích một tác phẩm văn học. Cụ thể: đọc diễn cảm là thông qua chủ quan của mình (trên cơ sở sự tôn trọng khách quan tác phẩm và sự đồng cảm với tác giả) làm chuyển dậy, sống dậy cái phần chủ quan của người viết. Đọc diễn cảm là truyền đến người nghe cái tình điệu của nhà văn trong tác phẩm và thái độ, tình cảm của người đọc về cái văn bản ngôn từ ấy. Bên cạnh đó, trong quá trình hướng dẫn học sinh tập đọc diễn cảm, người giáo viên cũng cần lưu ý một điều: đa phần học sinh của chúng ta đều tỏ ra khá rụt rè, thiếu tự tin, dễ dao động khi bị người khác tác động, hay nản chí nếu làm nhiều lần mà chưa thành công (ví dụ như: sợ các bạn cười khi đọc nhầm hay khi cố gắng đọc giọng điệu của nhân vật theo một cách thể hiện mới chẳng hạn…). Khi ấy, bạn – với tư cách là người hướng dẫn – phải có trách nhiệm động viên các em được giao đọc tác phẩm cần tự tin, mạnh dạn, kiên trì rèn luyện. Còn với các em khác trong lớp, bạn cần làm cho chúng nhận thức được: chính chúng không có khả năng thực hiện tốt việc bạn chúng đang làm; rằng bạn chúng đang được thầy cô tín nhiệm giao cho thực hiện một việc làm quan trọng và hết sức có ý nghĩa là giúp mọi học sinh trong lớp có thể học và hiểu bài học một cách rõ ràng, sinh động và đầy đủ hơn. Vậy thì cớ gì các em không ủng hộ, cổ vũ mà lại cười bạn?

  • d. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu

  • Qua bốn năm dạy môn Ngữ văn tại trường, tôi đã hướng dẫn các em kĩ năng đọc diễn cảm trong các tiết học về văn bản. Trong một số tiết vào đầu năm học, các em chủ yếu tập trung đọc văn bản sao cho đúng chữ, âm lượng đủ nghe cho cả lớp. Khi giáo viên, yêu cầu ngoài việc đọc to, rõ ràng cần có ngữ điệu sao cho phù hợp thì đa phần các em còn tỏ ra rất ngại ngùng, thiếu tự tin. Nhưng biểu hiện của hầu hết các học sinh khi được nghe giáo viên thể hiện cách đọc này đều rất vui thích, rất tập trung theo dõi việc đọc (nhất là khi các em lớp 6 khi nghe thầy cô (bạn bè) đọc các văn bản thuộc thể loại Truyện cười). Ban đầu giáo viên sẽ hơi tốn thời gian – công sức cho việc hướng dẫn cho học sinh nhận diện chính xác tính cách hay các đặc điểm tâm lí, cảm xúc trong tác phẩm để chọn giọng điệu, nhịp điệu cho phù hợp với từng văn bản, từng loại nhân vật. Có học sinh (do chưa quen) có thể sẽ bị lẫn lộn đôi chút giữa lời kể và lời đối thoại khi tham gia đọc văn bản Tự sự nhưng sau một thời gian, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh đã tự tin hơn trong thể hiện giọng điệu trong văn bản. Thậm chí, đối với những văn bản khi giáo viên phân vai nhân vật thì rất nhiều em xung phong thể hiện, một số em (như ở lớp 6 khi học truyện cười) còn thích thú và xin giáo viên được diễn lại câu chuyện bằng nhập vai vào nhân vật ngay trên bục giảng. Từ đó, việc đọc diễn cảm trong mỗi tiết Văn nói chung, văn bản nói riêng trở nên quen thuộc và thu hút nhiều cánh tay xung phong, không khí giờ học Văn cũng bớt nặng nề, nhàm chán, học sinh cũng có hứng thú hơn khi đi tìm hiểu văn bản.

  • III. PHẦN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ

  • 1. Kết luận

  • Có ý kiến cho rằng: Dạy Văn là cả một nghệ thuật. Ý kiến trên hoàn toàn không hề quá đáng khi ta nhìn nhận nó từ khâu đầu tiên trong hành trình khám phá những gì ẩn đằng sau tác phẩm văn chương: khâu đọc tác phẩm. Không nên và càng không thể đặt ra yêu cầu thầy, cô cũng như các em học sinh phải làm được như các nghệ sĩ, phát thanh viên truyền hình khi đọc tác phẩm văn học trong giờ học môn Văn. Chúng ta chỉ nên nhìn nhận vấn đề đọc diễn cảm trong phạm vi nhà trường là dựa trên những cảm nhận – sáng tạo trong một giới hạn có thể tùy thuộc vào khả năng của từng thầy cô – học sinh cũng như tùy các điều kiện về cơ sở vật chất hiện có của mỗi nhà trường. Điểm chung cốt lõi cho tất cả mọi thầy, cô khi dạy và mọi học sinh khi học Văn mà tôi muốn nhắc lại ở đây là: trong quá trình học Văn, người giáo viên phải làm sao hướng cho tất cả mọi học sinh thấy được ý nghĩa – tầm quan trọng của việc đọc tốt tác phẩm. Trên cơ sở nhận thức này, người giáo viên sẽ tự rèn luyện cũng như tự đặt ra mục tiêu rèn luyện cụ thể, thích hợp, khả thi cho từng lớp. Làm được như trên, bạn sẽ phát huy được khả năng sử dụng ngôn ngữ dạng Đọc – Nói một cách ngày càng tốt và tự giác hơn cho mọi học sinh.

  • Bên cạnh đó, trong quá trình dạy học, bạn có thể giúp cho một số em trong lớp có khả năng biểu hiện tốt hơn tiến tới đạt những yêu cầu cao hơn trong khi thực hiện khâu đọc (biết cách và thực hiện tốt yêu cầu đọc diễn cảm). Mục đích cuối cùng của việc làm rèn luyện kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh trong giờ học Ngữ văn trên lớp trong mỗi giờ học văn là nhằm tạo ra hứng thú, niềm vui, niềm say mê khám phá tác phẩm Văn học cho các em học sinh trong mỗi giờ học, qua đó giúp chặn được đà suy thoái về chất lượng, khắc phục - sửa chữa các nhận thức sai lệch về việc học bộ môn cơ bản này cũng như góp phần nâng cao được chất lượng dạy và học môn Văn theo tinh thần đổi mới – cải cách trong nhà trường; nâng cao năng lực cảm thụ và sử dụng hiệu quả ngôn ngữ tiếng Việt trong đời sống cho cả giáo viên lẫn học sinh.

  • Với điều kiện thời gian ngắn, trình độ bản thân có hạn, chắc chắn đề tài còn nhiều hạn chế. Với tâm huyết và tấm lòng của mình tôi muốn đóng góp cho công việc dạy học một đề tài nhỏ để nâng cao hiệu quả dạy học. Rất mong được sự chỉ dẫn, góp ý và đồng cảm của các thầy, cô giáo và bạn đọc.

  • 2. Kiến nghị

  • a. Về phía giáo viên:

  • + Phải nhiệt tình tâm huyết, hết lòng vì học sinh, kiên trì, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nắm vững kiến thức chuyên môn.

  • + Lựa chọn và sử dụng phương pháp giảng dạy mới nhằm phát huy tính tích cuwcjm chủ động sáng tạo của học sinh

  • + Nghiên cứu, tham khảo tài liệu, sách báo để bổ sung kiến thức cho bản thân

  • b. Về phía phụ huynh: Quan tâm dạy bảo, nắm bắt kịp thời việc học tập và sự tiến bộ của con cái. Có sự trao đổi thông tin hai chiều (giáo viên – cha mẹ học sinh) để năm bắt được tư tưởng tình cảm và thực trạng học tập của học sinh.

  • c. Về phía học sinh:

  • + Học trên lớp: Phải chú ý nghe giảng, hiểu kiến thức chắc.

  • + Học ở nhà: Học bài cũ, soạn bài, đọc bài trước khi đến lớp, làm bài tập đầy đủ, thường xuyên tham khảo nhiều tài liệu, sách báo để bổ sung thêm kiến thức phổ thông và kiến thức xã hội.

  • M’đrăk, ngày 25 tháng 01 năm 2019

  • Người thực hiện

  • Nguyễn Thị Trang

  • XÁC NHẬN CỦA NHÀ TRƯỜNG

  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • 1. Sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn 6,7,8,9, Nxb Giáo dục

  • 2. Tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, Nxb Giáo dục

  • 3. Vũ Nho (1999), Nghệ thuật đọc diễn cảm, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

  • 4. Đặng Thai Mai (2002), Trên đường nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

  • 5. Tài liệu sưu tầm qua các phương tiện thông tin đại chúng.

  • MỤC LỤC

  • I. PHẦN MỞ ĐẦU Trang 1

  • 1. Lý do chọn đề tài Trang 1

  • 2. Mục tiêu nhiệm vụ của đề tài Trang 1

  • 3. Đối tượng nghiên cứu................................................................. Trang 2

  • 4. Giới hạn nghiên cứu. Trang 2

  • 5. Phương pháp nghiên cứu. Trang 2

  • II. PHẦN NỘI DUNG: Trang 3

  • 1. Cơ sở lí luận. Trang 3

  • 2. Thực trạng. Trang 4

  • 3. Nội dung và hình thức của giải pháp Trang 5

  • a. Mục tiêu của giải pháp. Trang 5

  • b. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp Trang 6

  • c. Mối quan hệ giữa các giải pháp, biện pháp. Trang 12

  • d. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề. Trang 13

  • III. PHẦN KẾT LUẬN KIẾN NGHỊ Trang 14

  • 1. Kết luận Trang 14

  • 2. Kiến nghị Trang 14

  • Tài liệu tham khảo Trang 15

Nội dung

SKKN được viết đầy đủ, rõ ràng, giúp giáo viên hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm được văn bản văn học, từ đó giúp cho việc học văn bản văn học được hứng thú hơn, không những vậy còn giúp học sinh nhìn nhận đứng đắn hơn về việc đọc văn bản sao cho đúng, và hay.

Ngày đăng: 24/11/2021, 08:25

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w