Trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng, viễn thám đã và đang được ứng dụng có hiệu quả và là công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu thông tin, dữ liệu ảnh, sản phẩm viễn thám không ngừng gia tăng và ngày càng có xu hướng tích hợp các chủng loại khác nhau, bao gồm cả dữ liệu ảnh viễn thám thu thập từ các vệ tinh quan trắc trái đất, ảnh hàng không, ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái và các dữ liệu đo đạc, quan trắc trên mặt đất. Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ Dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud computing) kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây để giải quyết vấn đề phức tạp trong nguồn dữ liệu viễn thám. Đặc biệt, với sự tiến bộ trong chế tạo các bộ cảm biến và công nghệ máy tính, thông tin, dữ liệu ảnh, sản phẩm viễn thám ngày càng trở nên phổ biến và được khai thác, sử dụng rộng rãi. Hiện tại, hơn 1.000 vệ tinh viễn thám đã được phóng lên quỹ đạo và dữ liệu thu được tại trạm thu ảnh vệ tinh được tích lũy với tốc độ Terabyte mỗi ngày.