TÓM TẮT Đất nước Việt Nam hình chữ S có đường bờ biển dài 3260 km; diện tích vùng lãnh hải khoảng 1 triệu km2, 2 quần đảo lớn Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Có nhiều tỉnh và thành phố của đất nước ta giáp biển, có nhiều thành phố biển nổi tiếng như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu... Tiềm năng kinh tế biển của nước ta vô cùng lớn, từ lâu hình ảnh làng chài ven biển đã trở thành một trong những nét văn hóa của người Việt Nam và cũng từ đó du lịch biển của nước ta phát triển khá mạnh mẽ và đóng góp đáng kể vào GDP (Gross Domestic Product: Tổng sản phẩm nội địa) của nước nhà. Bên cạnh khai thác về du lịch biển còn có các nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên khoáng sản ở biển mà nhiều nhất là công nghiệp khai thác dầu khí từ lâu đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm từ 10% đến 13%. Việt Nam có trữ lượng dầu thô ước tính khoảng 4,4 tỉ thùng, chiếm 0,3% trữ lượng dầu thế giới, đứng thứ 2 tại khu vực và thứ 28 toàn cầu. Sản lượng khai thác dự kiến đạt 28–42 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năm to lớn mà biển cả mang lại cho chúng ta thì cũng tồn tại nhiều vấn đề khác như các vấn đề về nhiễm mặn, ăn mòn các công trình ven biển, các công trình trên biển như các giàn khoan khai thác dầu hoặc ăn mòn vỏ tàu, thuyền bằng thép trên biển…Những ảnh hưởng này mang lại nhiều thiệt hại cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân, mang đến nhiều tác hại đến nền kinh tế, cũng như những rủi ro bị phá hủy, hư hỏng cho các công trình ven biển và các công trình trên biển như giàn khoan dầu, nhà giàn…Chính vì những lí do này, ngay càng có nhiều nghiên cứu về việc chống lại hoặc giảm bớt sự ăn mòn sắt, thép để giảm đi sự xuống cấp và dẫn đến hư hỏng của các công trình ven biển, trên biển. Đã có nhiều nghiên cứu trước đây đưa ra các giải pháp về chống ăn mòn trong điều kiện nước biển và được thử nghiệm đã mang lại nhiều thành công trong công cuộc nghiên cứu chống ăn mòn trong môi trường biển. Kế thừa thành công từ nhóm nghiên cứu của các anh chị: Phạm Lê Minh Chánh, Nguyễn Hữu Khánh, Lê Phạm Gia Thy khảo sát hiệu quả ức chế ăn mòn thép carbon thấp của imidazole với nồng độ phân tán 10, 100 và 1000 ppm trong dung dịch NaCl 3,5%, kết quả khảo sát của nhóm cho thấy nồng độ phân tán imidazole ở 100 ppm có hiệu quả ức chế ăn mòn thép carbon thấp tốt nhất trong dung dịch NaCl 3,5%. Ở luận văn này em thực tiếp tục thực hiện nghiên cứu khả năng hỗ trợ ức chế ăn mòn của 3 oxit kim loại là Y2O3, Sm2O3 và In2O3 cho hệ ức chế ăn mòn là NaCl 3,5 % + imidazole 100 ppm. Nội dung của luận văn này gồm có 5 chương: Chương I – Tổng quan – Đưa ra cái nhìn tổng thể về ăn mòn kim loại và tình hình ăn mòn kim loại trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong chương này, bài báo cáo đặt ra mục tiêu thực hiện của luận văn. Chương II – Cơ sở lý thuyết – Trình bày nền tảng lý thuyết về ăn mòn, phân biệt các dạng, hình thái của ăn mòn và tác hại do ăn mòn kim loại gây ra trong đó đề cập đến các ảnh hưởng đến ăn do bị ảnh hưởng bởi môi trường nước biển. Trình bày về cơ chế ức chế ăn mòn và chất hức chế ăn mòn được dùng trong quá trình thực hiện luận văn. Chương III – Thực nghiệm – Trình bày chi tiết quá trình thực hiện luận văn. Chương IV – Kết quả và biện luận – Tổng kết quá trình thực hiện tổng hợp và khảo sát các hỗ trợ chất ức chế ăn mòn trong điều kiện phòng thí nghiệm. Các thí nghiệm trong quá trình làm luận văn được thực hiện tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Đại học Quốc Gia 204.1 C4 Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Chương V – Kết luận và hướng phát triển – Trình bày các ưu, nhược điểm trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Đồng thời, chương này còn đề xuất hướng phát triển của đề tài trong tương lai.