MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Du lịch là một ngành dịch vụ có ý nghĩa quan trọng ở nhiều nước, thường được ví là “ngành công nghiệp không khói” hay “con gà đẻ trứng vàng”. Phát triển ngành du lịch không những cho phép khai thác các tài nguyên du lịch (phong cảnh đẹp, khí hậu tốt, biển, sông, hồ, núi, các di sản lịch sử văn hóa…) để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, phục hồi và bồi dưỡng sức khỏe cho người dân, mà còn là nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Sự phát triển đúng đắn của hoạt động du lịch sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo việc làm, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, du lịch chính là một trong những phương thức thông tin đối ngoại đối với nhân dân, chính phủ các nước trên thế giới về hình ảnh đất nước mình một cách hiệu quả, trực quan và nhanh chóng nhất. Việt Nam là đất nước có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch với tài nguyên du lịch dồi dào: từ khí hậu đến các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, lễ hội văn hóa…Ngành du lịch cũng đang được xúc tiến phát triển ở nước ta như việc phối hợp với các bộ, ngành khác tổ chức hàng trăm buổi giới thiệu du lịch Việt Nam, Tuần Việt Nam, tham gia các hội chợ du lịch lớn, cũng như tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế về du lịch, tổ chức nhiều lễ hội, Festival du lịch… Vì thế, ngành du lịch cần được đầu tư chú trọng, tập trung vào những địa điểm du lịch có tiềm năng lớn để nâng cao hiệu quả. Qua đó nhằm quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới, thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy sự phát triển các lính vực khác nhau về kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa đất nước đi lên và ngày càng phát triển mạnh mẽ theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.