ĐẶT VẤN ĐỀ Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp, tỷ lệ ước lượng 1 - 15% dân số, phụ thuộc giới tính, tuổi, chủng tộc và vị trí địa lý; theo báo cáo của Scales C.D và cộng sự (2012), tỷ lệ sỏi thận ở người lớn tại Mỹ là 8,8% trong giai đoạn 2007 - 2010 [1]. Việt Nam ở khu vực vành đai sỏi của thế giới nên tỷ lệ sỏi tiết niệu cao mặc dù chưa có số liệu cụ thể, trong đó sỏi thận chiếm khoảng 40% sỏi niệu nói chung. Do sự phát triển của các kỹ thuật ít xâm lấn: tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi niệu quản ngược dòng với ống soi mềm, lấy sỏi thận qua da; chỉ định mổ mở để điều trị bệnh sỏi thận ngày càng thu hẹp, tỷ lệ mổ mở ở các nước phát triển chỉ 1 - 5,4% [2], [3]. Ở Việt Nam tỷ lệ mổ mở vẫn còn cao hơn do đặc điểm riêng của bệnh sỏi thận và điều kiện kinh tế - xã hội, bệnh nhân thường đến bệnh viện điều trị muộn, khi sỏi thận đã có kích thước lớn và có thể đã gây nhiều biến chứng [3]. Lựa chọn hợp lý là một phương pháp điều trị ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả sạch sỏi cao. Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định lựa chọn phương pháp can thiệp là kích thước sỏi. Với sỏi thận có kích thước > 2cm, theo khuyến cáo của Hiệp hội tiết niệu châu Âu năm 2010: Lấy sỏi thận qua da là phương pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên [2]. Cập nhật hướng dẫn của Hiệp hội tiết niệu châu Âu (EAU) và Hiệp hội tiết niệu Mỹ (AUA) năm 2020 vẫn khuyến cáo như vậy [4], [5]. Tác giả Geraghty R. và cộng sự (2015) báo cáo tổng hợp các nghiên cứu điều trị sỏi thận có kích thước > 2 cm bằng phương pháp nội soi niệu quản ngược dòng: kích thước sỏi trung bình là 2,7cm, tỷ lệ sạch sỏi là 91% với số lần mổ trung bình 1,45 lần/1 bệnh nhân và tỷ lệ biến chứng độ ≥ III theo Clavien là 4,5% [6]. Do đó phương pháp này được khuyến cáo lựa chọn thay thế trong trường hợp mà phương pháp lấy sỏi thận qua da không áp dụng được [4]. Điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, theo các nghiên cứu, đạt tỷ lệ sạch sỏi 39% - 81%, thường phải điều trị nhiều lần; nghiên cứu của tác giả Trần Đình Hưng (2012): kích thước sỏi trung bình là 2,97 cm, tỷ lệ sạch sỏi là 66,7% với số lần tán trung bình là 2,19 lần/1 bệnh nhân, nhiều nhất là 4 lần, tỷ lệ can thiệp bổ sung là 16% [7]. Những trường hợp lấy sỏi thận qua da đầu tiên trong nước được báo cáo tháng 12/2000. Đã có những báo cáo về lấy sỏi thận qua da trên nhiều khía cạnh khác nhau, tuy nhiên trong điều trị sỏi thận kích thước lớn, các yếu tố liên quan và đặc biệt là đánh giá sự thay đổi chức năng thận sau mổ, trong đó xạ hình thận là một phương pháp hiện đại, rất có giá trị nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ [8]. Nhờ sự cải tiến của phương tiện, dụng cụ, tích lũy kinh nghiệm, lấy sỏi thận qua da ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Dù vậy, phương pháp này vẫn là một kỹ thuật phức tạp, có tổn thương nhu mô thận. Do đó việc nghiên cứu điều trị sỏi thận kích thước lớn bằng phương pháp lấy sỏi thận qua da, nhằm đánh giá kết quả, các yếu tố liên quan và đặc biệt đánh giá ảnh hưởng của phẫu thuật đối với chức năng thận là rất cần thiết. Nghiên cứu có ý nghĩa góp phần đánh giá ưu, nhược điểm của phương pháp, cung cấp thêm cơ sở để lựa chọn phương pháp tối ưu và phối hợp các phương pháp trong điều trị sỏi thận. Chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu kết quả điều trị sỏi thận có kích thước lớn hơn 2cm bằng phương pháp lấy sỏi thận qua da”. Với 2 mục tiêu nghiên cứu: 1. Đánh giá kết quả và một số yếu tố liên quan trong điều trị sỏi thận có kích thước lớn hơn 2cm bằng phương pháp lấy sỏi thận qua da tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 2. Đánh giá chức năng thận sau điều trị sỏi thận có kích thước lớn hơn 2cm bằng phương pháp lấy sỏi thận qua da.