5 mẹo "quái chiêu" giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt
5 mẹo "quái chiêu" giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt Những phương pháp khoa học dưới đây tuy “quái lạ” nhưng có tác dụng tốt trong việc đưa ra quyết định… Các vĩ nhân, các nhà khoa học, lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới đều có một đặc điểm chung: quyết đoán và chính xác trong việc lựa chọn hành động, quyết sách chiến lược. Họ làm được điều ấy bởi trí thông minh, sự khổ luyện của bản thân trong rất nhiều năm. Bạn có thể giống như họ nếu trong một số trường hợp nhất định, bạn biết tận dụng những mẹo nhỏ dưới đây… 1. Trở nên tức giận Người ta thường nói “giận quá mất khôn” ám chỉ sự mất kiểm soát và bình tĩnh của những người đang cáu giận. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học lại chứng minh điều ngược lại: người đang bực bội, tức tối có xu hướng đưa ra các quyết định chính xác, tối ưu hơn thông thường. Nhà tâm lý học Wesley Moons thuộc trường ĐH California cùng đồng nghiệp đã tiến hành một thí nghiệm chứng minh nhận định trên. Họ đưa ra một luận điểm ban đầu là “học sinh trung học có thói quen chi tiêu tốt” với hai lập luận khác nhau để chứng minh luận điểm ấy, trong đó một lập luận mạnh mẽ, đầy thuyết phục, một lập luận bình thường, ít biện chứng. Sau đó, họ đưa cho 2 nhóm sinh viên - một nhóm trong tình trạng tức giận, một nhóm thì không đọc những lập luận này để đưa ra đánh giá của mình. Kết quả thật ngạc nhiên khi phần lớn các sinh viên tức giận lựa chọn lập luận mạnh và tin theo lập luận đó nhiều hơn trong khi các sinh viên thông thường bị phân vân giữa hai lập luận được đưa ra. Sự tức giận đôi khi cũng có ích đấy chứ! 2. Nhịn đi tiểu Đã bao giờ trong giờ thi bạn có cảm giác… buồn đi vệ sinh. Nếu có, hãy tin rằng đó là một điềm may cho bạn đấy! Một cảm giác rất . khó chịu! Nhà nghiên cứu Mirjam Tuk và các đồng nghiệp đã tiến hành một thí nghiệm để tìm ra mối liên hệ giữa việc buồn đi tiểu với khả năng đưa ra quyết định, lựa chọn của con người. Họ yêu cầu các tình nguyện viên nói ra màu sắc của loại mực viết ra một từ nhất định. Trong trường hợp từ “xanh” được viết bằng mực xanh, rất dễ để đưa ra câu trả lời đúng. Nhưng nếu từ “đỏ” được viết bằng mực xanh thì sẽ khó hơn rất nhiều, muốn trả lời được đòi hỏi sự tự ức chế khả năng đọc của bản thân và chỉ tập trung vào việc quan sát màu sắc. Người bình thường rất khó phân biệt nội dung chữ với màu mực viết nên chữ nhưng người nhịn đi tiểu thì có thể. Nhịn đi tiểu đôi khi rất có ích nếu làm bài kiểm tra trắc nghiệm Những tình nguyện viên nào buồn và nhịn đi tiểu trong lúc đưa ra quyết định có tần suất trả lời đúng cao hơn hẳn so với bình thường. Theo Mirjam Tuk, nhịn đi tiểu giúp cơ thể kiểm soát các xung động của cơ thể tốt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong việc ức chế ham muốn của bản thân, từ đó các quyết định, lựa chọn được đưa ra có độ chính xác cao hơn. 3. Tin tưởng vào cảm xúc bản thân Những bà nội trợ thường xuyên phải đối mặt với sự phân vân khi đứng trước hàng trăm lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. Làm thế nào để họ có được những chọn lựa thông minh? Câu trả lời là tin tưởng vào cảm xúc của bản thân. Làm thế nào để lựa chọn thông minh những sản phẩm tiêu dùng? Hãy tự tin vào cảm xúc của cá nhân. Trong một thí nghiệm, người ta yêu cầu hai nhóm sinh viên tình nguyện xác định chiếc xe lý tưởng nhất để mua trong hai chiếc xe có sẵn. Các nhà khoa học đồng thời đưa ra rất nhiều thông tin chi tiết, cụ thể về hai chiếc xe làm mẫu. Một nhóm sinh viên được yêu cầu chọn lựa dựa trên phân tích các thông số của hai xe, nhóm còn lại chỉ được phép dựa trên cảm giác của mình. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: 70% số sinh viên quyết định theo cảm xúc đã chọn được chiếc xe tốt hơn, trong khi con số này ở nhóm phân tích là 25%. Cảm xúc giúp bạn dễ chọn lựa vật dụng tốt hơn nếu bạn tin tưởng nó. 4. Học nhiều ngoại ngữ Có một sự thật là ta không thể phủ nhận những tác dụng của việc học ngoại ngữ trong xã hội ngày nay. Một lợi ích nữa mới được phát hiện của công việc này, đó là giúp con người cải thiện khả năng tư duy, đưa ra quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống. Để chứng minh nhận định trên, nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Chicago do Boaz Keysar đứng đầu đã tiến hành một loạt các thí nghiệm trên cơ sở “lý thuyết triển vọng”. Theo đó, họ yêu cầu 121 sinh viên Mỹ có học tiếng Nhật lựa chọn một trong hai khả năng: “hoặc phát triển một loại thuốc cứu được 600.000 người nhưng có nguy cơ giết chết tất cả, hoặc sử dụng một loại thuốc cứu được 200.000 người và chấp nhận để 400.000 còn lại chết”. Lần đầu, câu hỏi được đưa ra bằng tiếng Anh, trong đó gần 80% chọn phương án an toàn cứu 200.000 người. Lần thứ 2, câu hỏi vẫn bằng tiếng Anh nhưng được đảo lại là “hoặc phải giết chết 400.000 người và chỉ cứu được 200.000 người hoặc có thể chết 600.000 người nhưng có thể cứu được tất cả”. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: mặc dù bản chất câu hỏi không thay đổi song số lượng người lựa chọn phương án an toàn giảm đi hơn 20%.