1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Đài tưởng niệm thơ "Tây Tiến"

6 458 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 6
Dung lượng 77,5 KB

Nội dung

Đài tưởng niệm thơ Tây Tiến! Sau Tây Tiến nhiều năm, cùng với sử sách ghi lại bên những hồi ức của người trong cuộc, tại Mai Châu, địa danh nổi tiếng của tỉnh Hoà Bình cũng là nơi đồn trú của Tây Tiến có một Đài tưởng niệm đã được dựng lên. Trong nền bia chiến tích ấy có ghi mười câu thơ nổi tiếng của nhà thơ áo lính Tây Tiến - Quang Dũng . ảnh minh họa Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi lại bồi hồi nhớ tới ông và nhiều người nữa trong một cái Tết nghèo ở Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây cách đây nhiều năm. Đúng ra là vào một ngày đầu xuân. Ông từ Hà Nội, chắc là đi ôtô buýt vào. Nhà thơ của “Mây đầu ô” du xuân. Hà Tây là hộ khẩu gốc của ông. Quê khai sinh của ông là huyện Đan Phượng, thường gọi là Phùng. Từ quê tôi vùng bán sơn địa Thạch Thất ra quê ông chỉ mất một thôi đi bộ, khoảng mươi cây số, vượt qua đường ngầm vắt ngang dòng sông Đáy là tới quê ông. Con sông Đáy ấy rất gần gũi với người Hà Tây cũ chúng tôi và bây giờ là quê chung mang tên Hà Nội. Sự thân thuộc ấy đến mức nhiều người yêu văn thơ khi đi qua vùng bãi mía nương dâu của sông Đáy dù ở quãng nào, nhất là những vùng đất thuộc huyện Quốc Oai, không thể không nhớ tới những câu thơ của ông trong “Đôi mắt người Sơn Tây”: Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn Lên núi Sài Sơn ngó lúa vàng Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc Sáo diều khuya khuắt thổi đêm trăng Quê hương thường là chốn đi về cho người làm ăn xa. Với Quang Dũng cũng vậy. Hơn nữa ở Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây lại có người bạn thân của ông đang làm việc, đó là nhà thơ Trần Lê Văn cùng với lớp đàn em như chúng tôi. Tuy vậy nhưng đây là lần đầu tiên tôi được biết mặt nhà thơ Quang Dũng mặc dù nghe tiếng ông và thuộc thơ ông từ đã lâu. Và sau này nữa ngày tôi về làm rể ở Khu tập thể Nguyễn Công Trứ trong số nhà 78A1 cũng là ngôi nhà chung với căn hộ ông đang ở để biết thêm về ông. Gia đình vợ tôi ở tầng tư, gia đình nhà thơ Quang Dũng ở tầng một. Ngày chúng tôi tổ chức lễ thành hôn tại căn hộ tập thể của nhà vợ tôi, ông có lên dự. Có một bộ ba thi sĩ xứ Đoài rất thân thiết với nhau là các nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện. Với tôi các ông luôn luôn là bậc đàn anh kính mến trong mọi nhẽ. Xin nói thêm nhà thơ Trần Lê Văn tuy người quê gốc Nam Định nhưng gắn bó và đóng góp với đất Hà Tây nhiều năm dài nên ông luôn được mọi người ngưỡng mộ gọi là thi sĩ của xứ Đoài. Nhà thơ Quang Dũng dáng người to lớn, tóc bạc buông trùm và một chòm ria mép cũng bạc như tóc. Ông có một khuôn mặt đầy đặn, gò mũi cao, đôi mắt nâu hiền. Ngồi bên chúng tôi, Quang Dũng lừng lững một dáng vẻ to cao nhưng giọng nói của ông lại rất mềm, nhè nhẹ như người đang thủ thỉ. Nụ cười và ánh mắt của ông hồn hậu mang phẩm hạnh một thầy đồ chốn thị thành ta trong hình thể một lực sĩ lai lai mà có người đã từng nhầm gọi nhà thơ là ông tây. Bữa họp mặt đầu xuân đạm bạc ấy và những lần gặp gỡ sau này nữa đã cho tôi, tuy là quá muộn, một cảm nhận trực tiếp và dần dần nhận ra chân dung một con người, một tài năng thơ đích thực của đất nước mà mình có vinh dự được chung hộ khẩu quê gốc với ông. Trong tôi lúc nào cũng có niềm tự hào riêng về người đồng hương ấy của mình. Tại một cuộc vui chung nào đó, là hội thảo hay trà dư tửu hậu của khách văn chương khi ai đó cất lên giọng đọc bài thơ “Tây Tiến” - một đỉnh cao về thơ chiến trận của Việt Nam mà người sinh ra nó là chiến sĩ Tây Tiến Bùi Đình Dậu tức thi sĩ Quang Dũng, một trong những huyền thoại thơ của đất nước, là trong tôi lại dào lên một nỗi bồi hồi xúc cảm trong một tâm thế trân trọng và kính phục! Tôi không được là người cùng thời nhưng qua lời người kể và một số tài liệu được biết: Trong công cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp chín năm dài của dân tộc Việt Nam, quân đội ta có một Trung đoàn mang tên Tây Tiến lừng danh bởi lịch sử bi hùng của nó. Trung đoàn có tên số là 52 mà chủ lực quân là lính của Tiểu đoàn 212 thuộc chiến khu 2 Hà Nội. Đa phần họ là những học sinh nội thành, những công nhân ái quốc của Thủ đô và những miền đất phụ cận xung quanh. Trong những ngày toàn quốc kháng chiến khốc liệt ấy những người lính quả cảm này đã chiến đấu trên mặt trận Nam Hà Nội với nhiều tên đất được ghi nhớ như Ô Cầu Dền, Viện Pasteur, sân bay Bạch Mai, Khu Học xá Việt Nam, vùng đất Thanh Lương, Vĩnh Tuy… Chuyện lưu truyền trong tiểu đoàn này còn có cả nhà sư cởi áo cà sa mặc áo trấn thủ đánh giặc, có cả chị nữ y tá cắt tóc ngắn giả nam nhi để được cầm súng chiến đấu. Sau đó do nhu cầu cần tuyên truyền mạnh cho kháng chiến của mặt trận, một đội tuyên truyền vũ trang được thành lập và mang tên Tây Tiến. Đội Vũ trang tuyên truyền Tây Tiến đóng trại ở miền đất đá ong Sơn Tây, sau đó hành quân lên vùng rừng núi Mai Châu - Hoà Bình. Tại châu Mai này những người lính tuyên truyền của Việt Nam đã gặp gỡ những người lính tuyên truyền của nước bạn Lào và lập nên Đội Vũ trang tuyên truyền Tây Tiến thuộc liên quân Lào - Việt. Sử ghi Trung đoàn 52 Tây Tiến thành lập tháng 2 năm 1947. Trong Trung đoàn Tây Tiến ngày ấy có các nghệ sĩ chiến sĩ: Nhạc sĩ Doãn Quang Khải, họa sĩ Quang Thọ, họa sĩ Văn Đa… và nhà thơ Quang Dũng. Có lẽ lúc ấy, ở các ông chất chiến sĩ là cảm xúc chính của người trai thời chinh chiến và chất nghệ sĩ là tiềm năng để giúp các ông thăng hoa trong con đường nghệ thuật lâu dài của mình. Các ông đã sống cùng, đã tham gia và chứng kiến một Tây Tiến oai hùng bên một Tây Tiến bi tráng ngày đất nước mới bước vào cuộc trường kỳ đánh giặc đầy kham khổ, trong đó không biết bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ ra cho những thành tựu sau này. Ngay lúc ấy khi các nhà sử chưa kịp ghi chép thì đã có thơ Quang Dũng thay mặt. Đây là khúc sử thi của một người trong cuộc và những người trong cuộc. “Tây Tiến” - những vần thơ nhiều oai linh nhưng cũng nhiều mất mát của thời áo vải cờ đào theo Bác Hồ đánh giặc cứu nước trong cuộc vệ quốc đầu tiên của dân tộc sau ngày Người đọc Tuyên ngôn Độc lập ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945. Sau Tây Tiến nhiều năm, cùng với sử sách ghi lại bên những hồi ức của người trong cuộc, tại Mai Châu, địa danh nổi tiếng của tỉnh Hoà Bình cũng là nơi đồn trú của Tây Tiến có một Đài tưởng niệm đã được dựng lên. Trong nền bia chiến tích ấy có ghi mười câu thơ nổi tiếng của nhà thơ áo lính Tây Tiến - Quang Dũng: Anh bạn dãi dầu không bước nữa Gục lên súng, mũ bỏ quên đời Chiều chiều oai linh thác gầm thét Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người Nhớ ai Tây Tiến cơm lên khói Mai Châu mùa em thơm nếp xôi Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành! Có thể coi đây là khúc sử đầy hào hùng và bi tráng bằng thơ của đoàn quân Tây Tiến mà người chấp bút là chiến sĩ nghệ sĩ Quang Dũng. Mười câu thơ như một tuyên dương, một đài tưởng niệm. Lại như một nỗi niềm. Nó được tượng hình lên từ gian khổ hy sinh của biết bao đồng đội trong bệnh tật, đói rét, trong lửa đạn. Đọc những vần thơ khắc đá ta cảm như đâu đó còn ngân rền tiếng cồng quân y nơi bản Châu Trang ở Vụ Bản chỗ có bệnh xá quân y của đoàn quân Tây Tiến. Tiếng cồng ấy là hiệu lệnh của bi thương, lời mời gọi sự chia sẻ của đồng bào. Trước tiếng cồng cất lên là tiếng khóc, là có chiến sĩ ta đã mất, đã hy sinh. Sau tiếng cồng là bà con gọi nhau đến với quân y giúp các thầy thuốc áo lính mang thi thể người vừa khuất đi an táng. Người mất được cuộn trong chiếc chiếu thay cho quan tài - áo bào thay chiếu anh về đất! Những chiếc chiếu này là của bà con Vụ Bản mang đến giúp cho quân y khâm liệm đồng đội mình thay quan tài. Có lúc người mất nhiều, quân y hết chiếu phải chẻ tre làm cáng buộc người chết đưa đi. Có chuyện người mang đến tặng chiếu không làm sao nói được hết câu về mục đích tặng chiếu của mình bởi lúc ấy bà con chỉ có nước mắt khi đưa chiếu cho chiến sĩ quân y làm cái việc mà không ai muốn! Vết thương rồi bệnh tật, trong đau đớn và đói rét của người chiến sĩ đang vì dân đánh giặc làm sao ai có thể cầm lòng. Đã có ngót hai trăm người nằm xuống trong những ngày bi tráng ấy. Họ ra đi chẳng tiếc tuổi trẻ của mình. Họ chiến đấu trong miền rừng núi của Mường Hịch cọp trêu người mỗi đêm đêm đứng gác. Họ đã có những kỷ niệm chiến trận thật đẹp khi sống giữa lòng đồng bào: Nhớ ai Tây Tiến cơm lên khói. Và thật nền nã, thật ấm nồng trong cảm xúc: Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Có cả sự hoành tráng trong gam trầm mất mát: Rải rác biên cương mồ viễn xứ. Rồi bất ngờ hừng lên một câu thơ kiêu hùng, hiện đại, lại rất giàu chất cổ thi: Sông Mã gầm lên khúc độc hành! Câu thơ như một tuyệt bút về thiên nhiên sông Mã. Tôi chưa đọc thấy câu thơ nào viết về con sông này hay hơn thế. Âm vang của câu thơ là khí tiết của con sông chiến trận, quả cảm và dũng mãnh trong độc khúc binh lửa của mình mà tạo nên chất hiệp sĩ của tứ thơ. Trong các bài thơ thời kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bên những thi phẩm đỉnh cao chiến trận khác, tôi thực sự kính yêu và khâm phục bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Ngoài những câu thơ đã dẫn ở trên còn những câu khác này nữa mà chỉ cần đọc lên là cảm thấy ngay cái hay của nó: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi Hay: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi Hoặc: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ… Câu này nữa khi đọc lên ta thấy bừng dậy chất hào hoa đa cảm của những người chiến sĩ vệ quốc ra đi từ Hà Nội trong những ngày xa Hà Nội: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Tôi không muốn viết chữ Kiều là danh từ riêng mà viết là kiều không hoa bởi kiều này là kiều nữ, là vẻ đẹp dịu dàng duyên dáng của những người con gái của Hà Nội mà trong tâm tưởng của những người trai Hà thành khi đi xa, nhất là đi chiến đấu, không ai là không vương vấn những bóng hình ấy. Không biết trong văn bản chính nhà thơ Quang Dũng viết như thế nào nhưng trong cái cảm riêng của tôi tôi nghĩ là như thế mặc dù có bản viết chữ Kiều là chữ hoa. Những câu thơ hay từ giai điệu trong sự chắt lọc tinh khiết của chữ nghĩa chứa chất nhiều gợi cảm cho người đọc. Đây là những câu thơ khó chẻ nhỏ ra để phân tích mà ta chỉ có thể ngân lên trong trí nhớ hoặc đọc lên để có được một cảm xúc toàn thể như người được nhấm vị rượu của nếp cái hoa vàng mà từ đó nó lan dần vào tâm trạng của mình! Biết ơn những chiến binh Tây Tiến, biết ơn những dòng thơ chiến sĩ của thi nhân Quang Dũng đã để lại cho mai sau một thi phẩm hiệp sĩ nhưng cũng chứa chan rung động trữ tình với những đột khởi của chữ nghĩa. Nó như có trời phù cho tâm hồn Quang Dũng thăng hoa khi ông đặt bút viết nên bài thơ tài sắc này! Bài thơ “Tây Tiến” do Quang Dũng sáng tác theo như lời đồng đội kể lại là vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh. Bài thơ này ông viết lúc 27 tuổi, có chép tặng một số người và từ đó lan truyền dần. Nay bài thơ đã vào tuổi trên 60. Hơn nửa thế kỷ của một thi phẩm đánh giặc qua sàng lọc của thời gian nó đã trở thành mẫu mực cho các em học, ghi vào bia tưởng niệm các liệt sĩ Tây Tiến, thuộc lòng của rất nhiều người yêu thơ và làm thơ Việt Nam. Chắc rằng càng về sau nữa âm vang của nó sẽ ngày càng rộng rãi hơn và lắng sâu hơn trong thành tựu của nền thi ca dân tộc. “Tây Tiến” - bài thơ không có tuổi và người sinh ra nó vẫn lừng lững một dáng hình hiệp sĩ trong một tâm hồn thi sĩ mặc dù ông đã khuất núi từ nhiều năm nay! . đồn trú của Tây Tiến có một Đài tưởng niệm đã được dựng lên. Trong nền bia chiến tích ấy có ghi mười câu thơ nổi tiếng của nhà thơ áo lính Tây Tiến - Quang. đồn trú của Tây Tiến có một Đài tưởng niệm đã được dựng lên. Trong nền bia chiến tích ấy có ghi mười câu thơ nổi tiếng của nhà thơ áo lính Tây Tiến - Quang

Ngày đăng: 10/10/2013, 12:11

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w