1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

ĐỘC TIỂU THANH KÍ

8 791 3
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 8
Dung lượng 55,5 KB

Nội dung

ĐỘC TIỂU THANH KÝ- NGUYỄN DU VIẾNG AI? - LÊ QUẾ “Độc Tiểu Thanh ký” là bài thơ chữ Hán được thi hào Nguyễn Du sáng tác nhân đọc câu chuyện về nàng Tiểu Thanh. Bài thơ này hiện còn tồn tại một số nghi vấn về thời gian và địa điểm sáng tác, về niêm luật, về khoảng thời gian “tam bách dư niên” và đặc biệt là khâu dịch thuật. Cho đến nay qua các bản dịch kể cả bản dịch của nhóm Vũ Tam Tập đang được dạy ở lớp 10 người đọc thấy bài thơ không được liền mạch, ý tứ cũng chưa thể hiện được rõ ràng. Có giả thuyết cho là do các câu thơ được sưu tầm từ nhiều bài khác nhau ghép lại. Có giả thuyết cho là do dịch thuật chưa chuẩn xác. Vậy nguyên nhân từ đâu? Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu xem thực chất bài thơ nói về điều gì? Nhưng trước tiên chúng ta cần tìm hiểu sơ lược về cuộc đời nàng Tiểu Thanh. Tiểu Thanh là một người có thật, một phụ nữ tài sắc đã từng sống vào cuối triều Minh ở Trung Quốc. Sau đây là những nét chính trong cuộc đời nàng. Nàng Tiểu Thanh tức Phùng Văn Cơ (1594 - 1612) mồ côi từ nhỏ, được một bà sư nuôi và cho đi học, là người có nhan sắc và thông tuệ. Năm 16 tuổi, nàng lấy lẽ một công tử cũng họ Phùng, con nhà quyền quý nhưng ngốc nghếch. Người vợ cả độc ác, hay ghen ghét, bắt nàng ở riêng. Nàng cô đơn chỉ biết gửi lòng vào thơ, từ rồi sinh bệnh mà chết. Trước khi chết, nàng thuê họa sĩ đến vẽ hình. Nàng bắt họa sĩ vẽ đi vẽ lại cho đến khi được một bức họa lộng lẫy, có thần thái rất sinh động. Khi nàng chết (18 tuổi) người chồng tìm được quyển thơ của nàng sáng tác và mấy bức chân dung đó. Người vợ cả biết chuyện đòi đưa ra. Người chồng giấu giữ lại bức vẽ có thần thái rồi trao mấy bức vẽ nháp cùng quyển thơ cho vợ. Bà vợ cả đốt hết. Về sau, do tình cờ, một người họ hàng nhà chồng tìm thấy mấy tờ giấy nàng gói quà cho con gái người giúp việc, đó là bản nháp thơ của nàng, bèn đưa khắc in và đặt tên tập thơ là “Phần dư”. Câu chuyện về cuộc đời nàng Tiểu Thanh là tư liệu giúp chúng ta tìm hiểu bài thơ được thuận lợi hơn. Sau đây chúng ta sẽ bàn về cách hiểu và dịch từng chữ, từng câu sao cho đúng với tinh thần của nguyên tác, đồng thời chỉ ra những bất ổn trong các bản dịch trước đây tiêu biểu là bản dịch của nhóm Vũ Tam Tập hầu làm rõ vấn đề. Tên bài thơ: Độc Tiểu Thanh ký. Độc: ở đây có nghĩa là đọc. Tức Nguyễn Du đọc cuốn sách có tên là “Tiểu Thanh ký”. Tuy nhiên để cho cụ thể, ta cần phân biệt hai cách hiểu tên bài thơ. Nếu trong nội dung, Nguyễn Du tóm tắt và giới thiệu những gì ông đọc được từ cuốn “Tiểu Thanh ký” thì gọi là “Đọc Tiểu Thanh ký”. Nhưng nếu Nguyễn Du lại nói về những ý nghĩ, cảm tưởng khi ông đọc cuốn sách đó thì có nghĩa là “Nhân đọc Tiểu Thanh ký”. Xét trong nội dung bài thơ ta thấy tác giả không miêu tả hay tóm tắt gì về cuộc đời nàng Tiểu Thanh mà chỉ nói về những ý nghĩ, tâm sự của ông nhân khi đọc cuốn sách đó. Như vậy đây thuộc khả năng thứ hai. Tên bài thơ dịch thoát ý phải là: “Nhân đọc Tiểu Thanh ký”. Câu 1: Tây Hồ hoa uyển tận thành khư. Tận: là hết, là đến cùng. Chữ “tận” trong thế văn này đi với chữ “khư” là để chỉ sự biến đổi diễn ra từ từ theo thời gian. Một số bản chép là “tẫn” tức sự tàn phá, phá phách thì e không đúng. Khư: là hoang phế, tàn tạ. Tận thành khư: là tất cả đã trở nên hoang phế. (Nếu là tẫn thành khư tức bị phá phách tan hoang thì không đúng.) Ý câu này là: Vườn hoa bên hồ Tây đã trở nên hoang phế. Câu 2: Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. Độc: là đơn độc, một mình (khác với nghĩa là đọc ở nhan đề bài thơ). Điếu: là viếng. Ta đã khá quen trong các từ: điếu văn, ai điếu, phúng điếu. Song tiền: là trước cửa sổ. Nhất chỉ thư: là một tờ giấy, hoặc một quyển vở chép thơ. Câu này có nghĩa là: “Một mình trước cửa sổ, viếng một tờ giấy chép thơ”. Nếu mới xem qua thì thấy việc tác giả “viếng một tờ giấy chép thơ” có vẻ không bình thường. Nhưng chính cái không bình thường này ẩn chứa tâm sự của tác giả. Đọc tiếp những câu sau ta sẽ biết hóa ra Nguyễn Du quan niệm nàng Tiểu Thanh có 2 phần đời: Nhan sắc và văn chương. Phần nhan sắc (tượng trưng bằng bức vẽ có thần thái) vốn đã được người chồng yêu mến cho đến cả sau khi chết. Còn phần văn chương (tượng trưng bằng quyển vở chép thơ) là bị rẻ rúng, bị đốt bỏ nên ông mới viếng. Như vậy ở câu đây tác giả chỉ “viếng thơ” chứ không “viếng nàng”. Đây là điều độc đáo tạo nên sự đặc biệt cho bài thơ. Nó cho thấy sự nhạy cảm đến mức tinh tế của bậc văn hào. Tuy nhiên trong các bản dịch trước đây, người dịch lại tư duy bài thơ theo hướng Nguyễn Du viếng nàng Tiểu Thanh. Với quan niệm đó, người dịch đã thêm chữ, đổi ý để gò cho bản dịch phát triển theo mạch “viếng nàng”. Kết quả là bản dịch trở thành một bài thơ khác với nguyên tác. Chẳng hạn câu này nhóm Vũ Tam Tập dịch là: “Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ = Viếng ai song vắng một vần thơ”. So với nguyên tác thì người dịch đã thêm vào 2 ý: “Viếng nàng” và “đọc”. Vậy là đã thay đổi đối tượng được viếng cùng cách thức viếng nên làm đổi ý câu thơ. Câu 3: Chi phấn hữu thần liên tử hậu. Chi phấn: là son phấn, phấn hương tượng trưng cho nhan sắc của người phụ nữ. Chi phấn hữu thần: là nhan sắc có thần thái. Liên: là thương, tiếc. Liên tử hậu: là thương tiếc cả sau khi chết. Đó là việc son phấn hay nhan sắc (tượng trưng bằng bức vẽ có thần thái) sau khi nàng chết vẫn được người chồng thương tiếc giữ lại. Như vậy son phấn hay nhan sắc trong câu này là đối tượng được "thương". Ý cả câu: “Nhan sắc có thần thái nên được thương tiếc cả sau khi chết”. Câu này nhóm Vũ Tam Tập dịch là: “Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết = Son phấn có thần chôn vẫn hận”. Dịch như thế là bất ổn. Bởi đây là một câu thực, nó phải nói lên một sự thực chứ không thể là một suy luận, nhưng cách dịch với 2 chữ “chắc phải” đã biến câu thực thành câu luận. Son phấn từ chỗ được thương tiếc, qua dịch thuật đã trở thành chủ thể xót xa, ân hận. Bản dịch đã đảo ngược ý câu thơ. Câu 4: Văn chương vô mệnh lụy phần dư. Vô mệnh: đây chỉ là cách nói để tỏ thái độ bất như ý. Ta có thể hiểu là văn chương bạc mệnh, hẩm mệnh chứ không phải là không có mệnh. Một tác phẩm văn chương đích thực thì cái mệnh của nó lớn lắm. Lụy: thường được dùng trong hai trường hợp. Thứ nhất: Lụy là làm liên lụy đến ai đó, tức làm ảnh hưởng không tốt đến người khác. Chẳng hạn, đứa con hư làm liên lụy đến cha. Tuy nhiên đây không phải nghĩa này. Thứ hai: Lụy là tùy lụy, cầu cạnh hay nhờ vả một ai đó giúp mình lúc khó khăn như câu ca dao: “Qua sông nên phải lụy đò. Tối trời nên phải lụy o bán dầu”. Chữ “lụy” ở đây là theo nghĩa này, tức văn chương phải nhờ cậy đến phần dư mới được in ra. Phần dư: là phần thừa ra, phần còn sót lại hay phần đã bỏ đi. Với văn chương thì phần dư được hiểu là bản nháp. Ở đây “phần dư” là tờ giấy nháp thơ nàng Tiểu Thanh dùng để gói quà cho đứa con người giúp việc. Câu 4 này nói: “Văn chương mệnh hẩm nên phải nhờ vào phần đã bỏ đi”. Kết hợp với câu 3, ta thấy đây là một cặp câu nói lên 2 sự thật trái ngược nhau tạo nên một nghịch lý: vẻ đẹp son phấn thì được thương tiếc, giữ gìn còn văn chương lại bị đốt bỏ, phải nhờ đến bản nháp để in ra. Câu thơ toát lên sự bất như ý của tác giả trước nghịch cảnh mà cuộc đời đối xử với văn chương. Câu này nhóm Vũ Tam Tập dịch là: “Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở = Văn chương không mệnh đốt còn vương”. Dịch như thế là bất ổn bởi: Nếu văn chương không có mệnh thì dù đốt hay không cũng chẳng có gì quan trọng. Rồi việc người dịch quan niệm “phần dư” là phần đốt dở, cháy không hết cũng không đúng. Thực ra bản chính chép thơ đã bị đốt hết chứ không đốt dở. Hơn nữa bản dịch đã làm mất đi chữ “lụy” rất độc đáo nên không chuyển tải được ý chính của tác giả trong câu (là: văn chương phải nhờ bản nháp để được in ra). Kết quả là câu này bản dịch nói vu vơ chẳng đâu vào đâu. Câu 5: Cổ kim hận sự thiên nan vấn = Xưa nay sự hận khó hỏi trời. Câu này khá đơn giản. Câu 6: Phong vận kỳ oan ngã tự cư. Phong vận: là vận gió tức cái vận nhất thời như được gió mang đến một lúc chứ không lâu dài. “Phong vận” là một từ đã quen thuộc đến mức không cần dịch. Trong đời sống nếu ai đó phất lên một thời rồi sau đó trở lại bình thường thì gọi là: “Nhất thời phong vận”. Kỳ: là kỳ lạ, khó hiểu mà cũng có nghĩa là lớn lắm, nghiêm trọng lắm, đặc biệt lắm. Phong vận kỳ oan: là nỗi oan kỳ lạ nhất thời, cũng có thể hiểu là nỗi oan thời thế. Ngã: là ta. “Ngã” với nghĩa này mặc dù đã được dùng ở “bản ngã” để chỉ bản tính, bản chất của một người nào đó nhưng nói chung cũng còn khá lạ. Như vậy trong bài thơ chữ Hán này chỉ có 3 chữ còn lạ gồm: “khư” là hoang phế ở câu 1, “liên” là thương ở câu 3 và “ngã” là ta ở câu 6 này. Còn các chữ khác đều đã quen thuộc ở những mức độ khác nhau. Cư: là ở, cư trú, sinh sống và cũng có nghĩa là mang, chịu. Ngã tự cư: là ta tự sống hay tự chịu đựng. Đây là một cấu trúc đơn giản với nghĩa rõ ràng. Như vậy câu 6 này nói: “Ta phải tự sống trong nỗi oan phong vận lạ kỳ”. Hoặc: “Ta phải tự mang nỗi oan phong vận lạ kỳ”. Câu này nhóm Vũ Tam Tập dịch là: “Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã = Cái án phong lưu khách tự mang”. Dịch như thế là thiếu chính xác bởi: Phong vận là một giai đoạn, một tình huống hay một hoàn cảnh khách quan. Còn phong nhã hay phong lưu lại là tính cách của một con người. Đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Phong vận không thể hiểu là phong nhã hay phong lưu được. Hơn nữa, chữ nết không có trong nguyên bản mà do người dịch thêm vào để hợp với việc “viếng nàng”. Bằng 2 thao tác đó, nỗi phong vận kỳ oan của Nguyễn Du đã bị bản dịch biến thành nỗi oan vì nết phong nhã của nàng Tiểu Thanh, còn Nguyễn Du trở thành người đồng cảm với nàng. Việc đổi ý một loạt câu thơ theo cùng một hướng có tính hệ thống như vậy đã làm cho bản dịch trở thành một bài thơ mới (viếng nàng) thay cho nguyên tác (viếng thơ). Câu 7: Bất tri tam bách dư niên hậu. Câu 8: Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Cả 2 câu này đơn giản đến mức không cần phiên dịch cũng có thể hiểu trực tiếp một cách rõ ràng. Nhưng vì những câu trước đó qua dịch thuật đã tạo thành một mạch thơ mới nên 2 câu có nghĩa rõ ràng này không theo được, trọi ra như thể do ai đó nhặt từ bài khác ghép vào. Như vậy việc dịch thuật thiếu chính xác đã làm cho bài thơ không liền mạch. Còn thực chất “Độc Tiểu Thanh ký” là một bài thơ có ý tứ kín đáo, có từ ngữ hàm súc, có kết cấu chặt chẽ xoay quanh một chủ đề duy nhất: tác giả viếng thơ và nghĩ về thơ. Bài thơ được tác giả phát triển trên nền cảm xúc tinh tế và sâu sắc về mệnh văn chương. Ông lập đền thờ văn chương ngay trước mắt mình (nên chỉ cần ngồi một mình trước cửa sổ cũng viếng văn chương được). Ông bất bình vì sự tệ bạc của người đời đối với văn chương nói chung trong đó có thơ nàng Tiểu Thanh và thơ ông. Ông trăn trở cho mệnh văn chương. Ông sẵn sàng chấp nhận “phong vận kỳ oan” cũng vì văn chương. Và ở câu cuối, tác giả không dùng tên húy Nguyễn Du mà nói đến tên tự Tố Như. Điều này cho thấy ông đang trăn trở về tương lai của văn chương chứ không phải cho bản thân. Ông mong cho văn chương của mình luôn có ích cho đời. Hơn ba trăm năm sau cũng còn có người “khóc Tố Như” tức cảm động với văn chương của ông. Với tư duy “viếng thơ”, ta thấy những nghi vấn khác chung quanh bài thơ cũng được hóa giải khá đơn giản. Không những thế, bài thơ còn đem đến cho ta cái nhìn cụ thể về cuộc đời và tâm sự của nhà thơ. Những vấn đề này chúng tôi đã trình bày trong cuốn “So sánh dị bản truyện Kiều”. Trái lại cách dịch theo tư duy “viếng nàng” như phân tích ở trên đã làm sai lạc ý tứ của bài thơ. Theo nhãn quan đó, Nguyễn Du chỉ là một người thương hoa tiếc ngọc. Ông khóc người là để mong sau này cũng được người khác khóc mình. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ góp phần vào việc trả lại cho một trong những kiệt tác của bậc đại văn hào những gì đang bị khuất lấp. Phần dịch nghĩa và bản dịch thơ theo thể lục bát chúng tôi đã trình bày trong cuốn “So sánh dị bản truyện Kiều”, nay xin bổ sung bản dịch thơ theo thể Đường luật để bạn đọc tham khảo: Dịch nghĩa: NHÂN ĐỌC TIỂU THANH KÝ Vườn hoa bên Hồ Tây đã trở nên hoang phế. Trước cửa sổ, ta viếng một tờ giấy. Nhan sắc có thần thái nên được thương tiếc cả sau khi chết, Văn chương mệnh hẩm nên phải nhờ vào phần đã bỏ đi. Cái hận xưa nay khó hỏi trời cho rõ, Ta đành phải sống trong nỗi oan phong vận lạ kỳ. Chẳng biết sau hơn ba trăm năm nữa, Trong thiên hạ còn ai hiểu được Tố Như? Dịch thơ 1: Hồ Tây hoa cỏ xác xơ. Bên song ta viếng một tờ giấy rơi. Phấn son thương chết chẳng rời, Văn chương mệnh hẩm phải vời phần dư. Hỏi trời khó giải hận xưa, Nỗi oan phong vận ta vừa tự mang. Ba trăm năm nữa biết chăng, Ai trong thiên hạ thấu lòng Tố Như? Dịch thơ 2: Tây Hồ hoa cỏ thảy hoang vu. Độc viếng bên thềm một quyển thơ. Son phấn có thần thương dẫu chết. Văn chương hẩm mệnh cậy phần dư. Xưa nay sự hận trời khôn giải. Phong vận kỳ oan ta nhận ru? Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa Thiên hạ còn ai khóc Tố Như? Ngày 3/6/2009 . ĐỘC TIỂU THANH KÝ- NGUYỄN DU VIẾNG AI? - LÊ QUẾ Độc Tiểu Thanh ký” là bài thơ chữ Hán được thi hào Nguyễn Du sáng tác nhân đọc câu chuyện về nàng Tiểu. hầu làm rõ vấn đề. Tên bài thơ: Độc Tiểu Thanh ký. Độc: ở đây có nghĩa là đọc. Tức Nguyễn Du đọc cuốn sách có tên là Tiểu Thanh ký”. Tuy nhiên để cho cụ

Ngày đăng: 14/09/2013, 13:10

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w