1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Cách mạng tháng 10

6 441 1
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

CÁCH MẠNG THÁNG 10 với cách mạng thế giới Ngày 7-11-1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin và Ðảng Bolsevic đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và địa chủ, thiết lập chính quyền của nhân dân lao động, khai sinh ra Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Ðó là nước Nga Xô-viết. Từ đây, CNXH hiện thực đã ra đời với tư cách là một kiểu chế độ xã hội mới và Ðảng Cộng sản đã ở vào vị thế Ðảng cầm quyền. Ðược trực tiếp sống trong những ngày Tháng Mười làm rung chuyển thế giới ấy, nhà báo Mỹ John Reed đã nhận định đó là một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử nhân loại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã đập tan ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước Nga, đưa giai cấp công nhân, nông dân lên nắm chính quyền, biến ước mơ, nguyện vọng hàng trăm năm của quần chúng lao động về một chế độ xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công và biến lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học thành hiện thực sinh động. Với Cách mạng Tháng Mười, sự nghiệp giải phóng vĩ đại nhất đã mở ra trong lịch sử loài người: giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; đồng thời mở đầu một kỷ nguyên mới gắn mục tiêu phát triển với các mục tiêu cao cả khác là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ngay đêm thắng lợi đầu tiên của Cách mạng, chính quyền Xô-viết vừa ra đời đã ban hành Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất, tuyên bố nước Nga Xô-viết rút ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới và thỏa mãn những mơ ước ruộng đất từ hàng nghìn năm của nông dân. Tiếp đó, Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc Nga khẳng định quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc ở Nga; Sắc luật xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, dân tộc và mọi tước vị phong kiến, xác lập sự bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tự do tín ngưỡng, quyết định nhà thờ tách khỏi trường học. Bằng những việc làm thiết thực ấy, Cách mạng Tháng Mười đã thể hiện bản chất đích thực là một cuộc cách mạng giải phóng những người nghèo khổ và vì những người nghèo khổ - những người anh hùng đã dũng cảm vùng dậy chiến đấu dưới lá cờ đỏ búa liềm phá tan xiềng xích, xây dựng cuộc đời mới và gan góc bảo vệ thành quả cách mạng trước vòng vây khốc liệt của thù trong, giặc ngoài. Lịch sử nước Nga và Liên Xô bước sang trang mới. Từ đầu những năm 20 trở đi, nhân dân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản đã giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, cứu loài người khỏi thảm họa phát-xít. Từ một nước nông nghiệp, Liên Xô đã trở thành một cường quốc công nghiệp, có tổng sản lượng công nghiệp đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới. Bộ mặt đất nước Xô-viết đã thay đổi căn bản, mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân hoàn toàn khác trước. Người lao động đã có được những bảo đảm về mặt xã hội mà không một nhà nước tư sản đương thời nào có thể đạt tới. Ngày nay, lịch sử đã chứng tỏ rằng, những vấn đề cơ bản của nhân quyền mang tính nhân văn cao cả, như bảo đảm đời sống, chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu nhà ở, giáo dục, công ăn việc làm, giảm thiểu tệ nạn xã hội, . là những lĩnh vực mà nhiều nước phương Tây hiện đại không thể so sánh nổi với Liên Xô trước kia. Chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập ở 15 quốc gia trên thế giới, trở thành đối trọng hữu hiệu với chủ nghĩa tư bản đế quốc; một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định chiều hướng vận động của lịch sử. Tuy đã xảy ra nhiều đổi thay, biến động, nhưng đây là những trang sử thật hào hùng, từng được thế giới khâm phục và là những sự thật lịch sử không gì có thể bác bỏ được. Cách mạng Tháng Mười có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình lịch sử và cục diện thế giới, đã làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm cả hành tinh. Thế giới không còn là độc tôn của chủ nghĩa tư bản, mà đã hình thành sự cùng tồn tại của hai chế độ xã hội, sau này trở thành hai hệ thống xã hội đối lập nhau là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Hơn nữa, chịu sự tác động trực tiếp của bối cảnh rất mới ấy, chủ nghĩa tư bản không thể giữ nguyên diện mạo, chính sách, hoạt động . như trước được nữa. Những ưu việt kinh tế, xã hội, văn hóa, tinh thần, khoa học - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội đã tạo ra động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh của lao động toàn thế giới, buộc chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh chính sách kinh tế - xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chú trọng các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, y tế, bảo hiểm, thông tin . Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga thành công đã mở rộng ảnh hưởng, vai trò của các vấn đề dân tộc và biến đổi nó từ vấn đề riêng của cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc thành vấn đề chung của công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Ánh sáng Cách mạng Tháng Mười soi rọi con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức và mở ra một triển vọng xán lạn cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới thông qua việc gắn kết cuộc đấu tranh của các dân tộc với cuộc cách mạng vô sản; gắn phong trào giải phóng dân tộc vào phong trào đấu tranh của các lực lượng cách mạng thế giới chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian vài ba thập kỷ, bão táp của cách mạng giải phóng dân tộc đã phá sập toàn bộ hệ thống thuộc địa mà chủ nghĩa thực dân đã dày công thiết lập ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la-tinh. Hơn một trăm quốc gia độc lập ra đời, chủ động quyết định con đường phát triển của đất nước, nhiều nước công khai thể hiện như những đồng minh chính trị của CNXH và một số nước khác tuyên bố đi theo định hướng XHCN. Bản đồ chính trị thế giới đã được vẽ lại một cách căn bản, không gian của chủ nghĩa tư bản phải nhường lại nhiều vị trí chiến lược cho CNXH. Bước vận động tích cực này của lịch sử thế kỷ 20 rõ ràng là có động lực trực tiếp và sâu xa từ Cách mạng Tháng Mười. Ðúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nhận định: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế". Thế giới đã bước sang thiên niên kỷ mới với biết bao chuyển động đa tầng, đa diện, làm cho nhận thức của con người về hướng đi của lịch sử trở nên phức tạp hơn, khó thống nhất với nhau hơn. Dù thế nào đi nữa, thì như chính nhiều học giả của chủ nghĩa tư bản (Rene Dumond, Jacques Derrida, Jean Fonce, Peter Drucker, Noam Chomxky .) đã từng công khai lên tiếng rằng, chủ nghĩa tư bản không phải là tương lai của loài người. Chưa bao giờ chủ nghĩa tư bản giàu mạnh như ngày nay, nhưng cũng chưa bao giờ phong trào chống chủ nghĩa tư bản lại có quy mô toàn cầu như hiện nay. Trong một thế giới sáng - tối đan xen, vẫn có hàng chục triệu người sắt son niềm tin cộng sản, tiếp tục con đường Tháng Mười để đi đến những mục tiêu cao cả của thời đại. Ðó là đội ngũ hơn 80 triệu đảng viên thuộc hơn 150 đảng cộng sản - công nhân toàn thế giới hiện nay. Ðó còn là hơn 1,5 tỷ công dân sống ở các quốc gia XHCN đang dành tâm sức, trí tuệ phát triển cả lý luận và thực tiễn của CNXH lên tầm cao thời đại mới. Ngày nay, mặc dù CNXH vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thử thách lớn, phong trào XHCN thế giới chưa vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng sau sự đổ vỡ chế độ XHCN ở Ðông Âu và Liên Xô, nhưng con đường được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười với ý nghĩa trọng đại của nó vẫn là một xu thế vận động tất yếu của lịch sử nhân loại. Trong điều kiện lịch sử mới, các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả trên thế giới vẫn nỗ lực đoàn kết, củng cố đội ngũ, sáng tạo điều chỉnh chiến lược, sách lược, tìm kiếm cách thức hoạt động, đấu tranh bằng nhiều hình thức đa dạng, đổi mới tập hợp lực lượng, . chuẩn bị từng bước những tiền đề hiện thực cho sự nghiệp đi lên CNXH phù hợp với điều kiện cụ thể ở mỗi nước, mỗi dân tộc, phù hợp với những biến đổi diễn ra trên thế giới trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Các đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba và Lào . đã chủ động tổng kết những bài học kinh nghiệm thành công cũng như không thành công trong xây dựng CNXH ở Liên Xô, Ðông Âu và những kinh nghiệm của chính mình, tích cực tìm tòi mô hình về lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH. Nỗ lực khai phá mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các đảng này mang tính đột phá, được thể hiện trước hết trong việc sử dụng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH. Trung Quốc xác định mô hình kinh tế thị trường XHCN. Việt Nam trong tiến trình đổi mới đang ra sức tăng trưởng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Lào thực hiện nền sản xuất hàng hóa và từng bước chuyển sang kinh tế thị trường, quá độ tới CNXH. Nhiều đảng cộng sản, công nhân trên thế giới đánh giá cao sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc và Việt Nam, coi đây là sự bổ sung độc đáo về lý luận của CNXH, đóng góp thiết thực vào việc phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phát triển lý luận CNXH trong điều kiện lịch sử mới. Những thành tựu cải cách, đổi mới của các nước XHCN là một minh chứng sinh động cho sức sống và khả năng tự đổi mới của CNXH. Nhờ vậy, công cuộc cải cách, đổi mới, phát triển CNXH ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba và Lào nhiều năm qua đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, góp phần to lớn vào việc củng cố vai trò và ảnh hưởng của CNXH trên thế giới, làm cho các nước XHCN ngày càng trở thành những chủ thể quan trọng của quan hệ quốc tế trong thế giới đương đại. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam 20 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. GDP tăng 3,5 lần, thu nhập bình quân trên đầu người tăng hơn ba lần. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao với 169 nước, đồng thời phát triển quan hệ đa phương, đa dạng với các đối tác nước ngoài theo tinh thần là bạn và đối tác tin cậy, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Sau gần 30 năm cải cách, mở cửa và hiện đại hóa, Trung Quốc đã đạt được thành tựu mang tính lịch sử, kinh tế tăng trưởng nhanh chóng với mức độ bình quân mỗi năm 9,6%. GDP của Trung Quốc năm 2006 đạt 2.630 tỷ USD, đứng thứ tư thế giới chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Ðức; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1.760 tỷ USD, đứng thứ ba trên thế giới, quốc lực tổng hợp được nâng lên vượt bậc; dự trữ ngoại tệ vượt lên đứng đầu thế giới với hơn 700 tỷ USD. Ðối với Lào, tốc độ tăng GDP trong 5 năm qua là 7%/năm. Năm 2005, Cu-ba có mức tăng GDP rất cao, đạt 11,8%. Ðánh giá tình hình kinh tế của các nước XHCN, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng tỷ trọng của các nước này trong GDP thế giới 15 năm qua đã tăng hơn 2 lần, và có chiều hướng tiếp tục tăng lên. Con đường Cách mạng Tháng Mười tiếp tục được duy trì và tìm tòi tiến trình mới trong quá trình cải cách, đổi mới và phát triển của các quốc gia XHCN hiện nay. CÙNG với quá trình cải cách, đổi mới nêu trên, những năm vừa qua đã xuất hiện những nhân tố mới rất đáng chú ý trong tình hình thế giới. Một trong những nhân tố đó là sự phát triển của trào lưu cánh tả quốc tế, đặc biệt ở khu vực Mỹ la-tinh. Những năm vừa qua là thời kỳ của làn sóng cánh tả mới, hàng loạt lãnh tụ công nhân, cánh tả, cách mạng đã được đông đảo quần chúng lao động và các lực lượng tiến bộ ủng hộ bằng phiếu bầu, trở thành tổng thống ở chín quốc gia, đặc biệt là Hugo Chavez ở Venezuela liên tiếp ba lần đắc cử Tổng thống từ năm 1998 đến nay. Ở Mỹ la-tinh, CNXH đang trở thành niềm tin công khai của đông đảo nhân dân đang cống hiến sức lực và trí tuệ cho công cuộc xây dựng xã hội mới. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khẳng định tính chất XHCN của cuộc cách mạng, đưa đất nước đi lên "chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21". Tổng thống Bolivia Evo Morales, Tổng thống Ecuador R.R.Correa, Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega . nhiều lần tuyên bố kiên định với sự nghiệp xây dựng CNXH ở đất nước mình. Sức công phá của cuộc cách mạng XHCN 90 năm về trước ở khâu xung yếu nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới ngày nay lại một lần nữa tiềm tàng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, vì các mục tiêu dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ở Mỹ la-tinh. Ngọn cờ Tháng Mười Nga vẫn tung bay trong không khí cách mạng Tây bán cầu. Thấm nhuần bài học từ Cách mạng Tháng Mười rằng, CNXH đòi hỏi thực hành chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả, các lực lượng cộng sản, công nhân, cánh tả toàn thế giới những năm qua đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm cơ chế phối hợp hoạt động chung, tập hợp lực lượng, tăng cường đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động. Nhiều đảng đã hình thành cơ chế trao đổi về lý luận thường kỳ như giữa Ðảng CS Việt Nam với Ðảng CS Trung Quốc, Ðảng CS Cu-ba, Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào; giữa các Ðảng CS trong Liên minh châu Âu (EU) và giữa các Ðảng CS trên lãnh thổ Liên Xô trước đây; giữa các Ðảng CS ở khu vực Ban-căng . Ðảng CS Nhật Bản cũng đã thiết lập được cơ chế hợp tác trao đổi lý luận với Ðảng CS Trung Quốc và một loạt đảng cộng sản, công nhân châu Âu. Ngoài ra, hàng loạt hội nghị của các đảng cộng sản, công nhân ở từng khu vực, từng châu lục và giữa các châu lục được tổ chức. Từ năm 1998 đến nay, Ðảng CS Hy Lạp đã đăng cai tổ chức cuộc gặp thường niên tại Thủ đô Athens với tên gọi Cuộc gặp các đảng cộng sản, công nhân quốc tế. Diễn đàn Athens đã trở thành một hình thức quan trọng phối hợp hoạt động, tập hợp lực lượng của phong trào XHCN thế giới sau chiến tranh lạnh. Ðiểm mới của hình thức này là ở chỗ, nó không theo một khuôn mẫu cứng nhắc, đã tận dụng kịp thời thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại để tăng cường hoạt động chung. Ðảng CS Hy Lạp đã sớm lập ra trang thông tin điện tử để liên lạc một cách nhanh chóng và rẻ nhất với tất cả các đảng khác. Tại Mỹ la-tinh, các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả từ đầu thập niên 90 đến nay đã tổ chức gặp gỡ trong khuôn khổ Diễn đàn Sao Paolo (Bra-xin) nhằm đánh giá sự vận động, phát triển phong trào cánh tả quốc tế nói chung và ở khu vực nói riêng, qua đó tìm biện pháp phối hợp hoạt động giữa các lực lượng cộng sản và cánh tả. Diễn đàn Sao Paolo sau 15 năm hoạt động, qua 12 kỳ hội nghị với sự tham gia của hơn 140 đảng cộng sản, công nhân và cánh tả từ 46 nước Mỹ la-tinh, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Ðại Dương và Trung Ðông là một thí dụ điển hình về sự phối hợp hoạt động giữa các đảng, góp phần thúc đẩy cao trào cách mạng ngay tại không gian mà một thời được gọi là "sân sau" của đế quốc Mỹ. Những chuyển động tích cực nêu trên thực sự tạo ra nguồn sinh lực mới cho phong trào XHCN trên thế giới trong giai đoạn hiện nay. Sự tìm tòi, khám phá mô hình phát triển của các nước XHCN, dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ của các đảng, sự sáng tạo các hình thức liên hệ, tập hợp lực lượng mới của các đảng cộng sản và làn sóng mới của trào lưu cánh tả trên thế giới đã và đang trở thành những nhân tố tích cực có sức lôi cuốn và ảnh hưởng rộng lớn, thật sự có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn cho việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong bối cảnh quốc tế mới. Ðồng thời, điều đó là thực tế sinh động chứng tỏ tính đúng đắn và quy luật lịch sử của con đường phát triển được khai mở từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Các cuộc cách mạng mở đầu những thời đại mới trong lịch sử nhân loại, trong đó có cuộc cách mạng tư sản, đều có tiến trình gập ghềnh bởi hàng loạt nguyên nhân khách quan và chủ quan như sự chống phá tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch; sai lầm, hạn chế của các lực lượng cách mạng; điều kiện, tình thế cách mạng chưa chín muồi, v.v. Cuộc cách mạng XHCN càng không thể có tiến trình phẳng phiu, suôn sẻ bởi một lý do rất hiển nhiên: đây là trận chiến đấu cuối cùng của vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức nhằm kết thúc các loại chế độ xã hội của bóc lột, nô dịch và bất công. Nhìn trong tầm vóc lịch sử lớn lao đó, thì những mất mát, đổ vỡ, thất bại tạm thời của CNXH ở Ðông Âu, Liên Xô và một số nơi khác, là điều có thể hiểu được; đồng thời, những thành tựu của CNXH trong cải cách, đổi mới cùng với những bước tiến mới của phong trào cộng sản, công nhân, cánh tả trên thế giới hiện nay càng cho thấy rõ hơn con đường Tháng Mười Nga vẫn xác lập phương hướng cho các dân tộc đi đến tương lai. Ðó là con đường của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; con đường của giải phóng và phát triển, tiến tới CNXH. Xét về bản chất và xu hướng phát triển khách quan của lịch sử trong thế kỷ 20, thắng lợi của Cách mạng Tháng 8-1945 và của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong 77 năm qua, trước hết, đó chính là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được Ðảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển và sáng tạo trong những điều kiện cụ thể - lịch sử của thực tiễn nước ta. Thắng lợi đó có nguồn gốc sâu xa và trực tiếp từ ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười Nga. Cách mạng Tháng Mười và Cách mạng Tháng Tám cách nhau gần 30 năm, là những sự kiện lịch sử có những đặc điểm riêng biệt, độc đáo, song, cả hai cuộc cách mạng đó đều có một động lực chung, đó là xuất phát từ sự nhận thức sâu sắc về sức mạnh vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và những người bị áp bức, bóc lột được thức tỉnh, tập hợp và đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một Ðảng kiểu mới - Ðảng Mác- xít - Lê-nin-nít. Sức mạnh đó hoàn toàn có thể làm nên một cuộc cách mạng long trời, lở đất, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột và tự mình xây dựng một xã hội mới - xã hội XHCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định tầm vóc lịch sử vĩ đại đó của Cách mạng Tháng Mười và ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp của những giá trị đó đối với Cách mạng Việt Nam. Người thể hiện suy nghĩ đó với tình cảm chân thành, rất Việt Nam: "Việt Nam có câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin vĩ đại và Cách mạng Tháng Mười". Sức mạnh vĩ đại của quần chúng cách mạng trong Cách mạng Tháng Mười được nhân lên nhiều lần bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn và sáng tạo của một Ðảng cách mạng theo tư tưởng của Lê-nin. Ðó chính là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, đó cũng là bài học sâu sắc cho các nước làm cách mạng vô sản, ở các giai đoạn, các thời kỳ khác nhau. Một đảng của giai cấp công nhân kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vững vàng trước mọi thử thách, có tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể - là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc ảnh hưởng to lớn và bài học lịch sử đó của Cách mạng Tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam, trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh: "Chủ nghĩa Lê-nin là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Ðảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi". Như vậy, rõ ràng là, hai bài học lớn nhất - cả về lý luận và thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười, bài học về sức mạnh của quần chúng cách mạng và bài học về Ðảng cách mạng chân chính - đã được Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng triệt để và sáng tạo trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. "Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng, muốn cách mạng thành công thì phải có dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất" (Hồ Chí Minh). Sau 90 năm từ Cách mạng Tháng Mười đến nay với biết bao thăng trầm, biến động to lớn, phức tạp, cả thành tựu vĩ đại và thất bại đau đớn, đã minh chứng cho sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, sáng suốt của Lê-nin về những quy luật đối với cách mạng, đó là, cách mạng vô sản giành được chính quyền mới chỉ là bắt đầu, giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó hơn nhiều. Nếu cách mạng không xây dựng thành công một nền kinh tế mới với năng suất lao động cao, có chất lượng và hiệu quả thể hiện bản chất ưu việt của CNXH thì những thành quả, những thắng lợi mà cách mạng đã giành được khó có thể giữ vững và khả năng phục hồi chế độ cũ rất có thể xảy ra. Ðảng ta đã nhận thức rõ bài học đó và, từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, từ những thất bại nặng nề của CNXH ở Liên Xô và Ðông Âu những năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện thành công hai nhiệm vụ cực kỳ to lớn, đó là giành chính quyền và giữ chính quyền. Ðảng đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 20 năm qua. Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Mười không chỉ là biểu tượng sáng ngời về khát vọng và sức mạnh của CNXH, mà nhiều bài học lớn, bổ ích từ Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn đổi mới và xây dựng CNXH ở Việt Nam. . tiếp từ ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười Nga. Cách mạng Tháng Mười và Cách mạng Tháng Tám cách nhau gần 30 năm, là những sự kiện lịch. công ơn to lớn của Lê-nin vĩ đại và Cách mạng Tháng Mười". Sức mạnh vĩ đại của quần chúng cách mạng trong Cách mạng Tháng Mười được nhân lên nhiều lần

Ngày đăng: 07/09/2013, 23:10

Xem thêm: Cách mạng tháng 10

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w