I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BÁO CHÍ ĐIỀU TRA 1. Khái niệm điều tra Theo cuốn Giáo trình Báo chí điều tra của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng, “Điều tra là tìm hiểu, xem xét để biết rõ sự thật. Theo Từ điển Tiếng Việt 2001 – Viện Ngôn ngữ học Việt Nam: Điều tra là hành động tra xét, tìm tòi ra sự thật đằng sau một hiện tượng, câu chuyện nào đó. Theo Từ điển tiếng Việt – Trung tâm Từ điển học – Hoàn Phê (chủ biên), Điều tra là đặt ra vấn đề, câu hỏi, khám phá sự vật, hiện tượng và đi tìm lời giải đáp. Theo nghĩa rộng, điều tra là quá trình tự nhận thức của con người trong tất cả các hoạt động nhằm phản ánh, tìm tòi, đánh giá sự vật, hiện tượng để đưa ra một tri thức, khái niệm, phương pháp… phù hợp với hoạt động thực tiễn. Điều tra xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như điều tra xã hội học, điều tra hình sự, điều tra báo chí. 2. Khái niệm điều tra báo chí. Cuốn Giáo trình Báo chí điều tra – PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng đã tổng hợp và đưa ra một khái niệm chung nhất về thể loại điều tra trên báo chí: Điều tra là thể loại tác phẩm báo chí phản ánh những sự việc, hiện tượng, con người trong “hoàn cảnh có vấn đề”, những thông tin có nhiều uẩn khúc, nhiều mâu thuẫn, thường không có sẵn lời giải đáp từ các cơ quan công quyền hoặc cơ quan chuyên môn, qua sự phân tích, lý giải, lần tìm chứng cứ làm sáng tỏ nguyên nhân, kết quả hoặc chiều hướng phát triển của sự việc, hiện tượng và con người đó. Theo quan niệm riêng của người viết thì báo chí điều tra là một thể loại tác phẩm báo chí mà trong đó nhà báo phải đi tìm hiểu, thu thậm những thông tin, bằng chứng có liên quan đến một vấn đề, một hiện tượng đang được công chúng dư luận xã hội quan tâm, để rồi từ đó đưa ra những suy luận, những luận điểm logic để làm rõ ràng, làm sáng tỏ hiện tượng đó, giúp công chúng hiểu và biết được. Điều tra báo chí khác với những loại hình điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật như điều tra xã hội học hay điều tra hình sự. Trong điều tra của cơ quan bảo vệ pháp luật, các điều tra viên đưa ra các giả thuyết, chọn lựa giả thuyết hợp lý nhất của vụ việc và chứng minh bằng các chứng cứ để hình thành cơ sở luận tội. Trong điều tra của báo chí, các nhà báo cũng xây dựng các giả thuyết xác đáng và chứng minh nhưng mục đích chính của họ là “thu hút sự chú ý của công chúng tới hiện tượng hay nhân vật của bài báo, buộc độc giả hay bạn xem truyền hình phải suy nghĩ về chuyện xảy ra” (Nghiệp vụ báo chí, lý luận và thực tiễn, V.V.Vorosilop). Mục đích của cơ quan báo chí, nhà báo khi điều tra, phát hiện sự thật, lý giải vấn đề để đăng tải tác phẩm nhằm hướng tới định hướng công chúng. Về thực chất, nhiệm vụ của các tác phẩm báo chí – kết quả hoạt động điều tra của nhà báo – là đi tìm thông tin để trả lời câu hỏi mà công chúng quan tâm chứ ko phải đi tìm chứng cứ phục vụ các cơ quan chức năng như công an, viện kiểm soát, tòa án. Vì vậy, điều tra của báo chí cũng thường bắt đầu do yêu cầu của công chúng thông qua dư luận xã hội, đơn thư tố giác, đơn thư yêu cầu…