Chương 1. GIỚI THIỆU Việt Nam được coi là một trong những cái nôi thuần hóa động vật với tập đoàn gia súc, gia cầm phong phú (Lê Viết Ly, 1994). Các giống gia cầm bản địa có khả năng thích ứng tốt với điều kiện thời tiết khí hậu và chế độ dinh dưỡng thấp (Nguyễn Bá Tiếp, 2011). Bên cạnh đó, chúng còn cho chất lượng thịt và trứng thơm ngon phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nội địa và có tiềm năng xuất khẩu. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay các giống gà được nuôi chủ yếu là: gà Nòi, gà Ta, gà Tàu vàng, gà Tam Hoàng,… trong đó gà Nòi được nuôi phổ biến nhất. Tuy nhiên, giống gà này vẫn còn tồn tại các khuyết điểm như con giống bị lai tạp nhiều, tăng trưởng chậm và khả năng sinh sản thấp. Theo kết quả điều tra thực tế cho thấy, đa số các nông hộ đều nuôi gà Nòi theo phương thức cổ truyền, gà mẹ đẻ tự ấp và nuôi con, năng suất trứng khoảng 40-50 trứng/mái/năm và tỷ lệ ấp nở khoảng 70-80% (Nguyễn Văn Quyên, 2010). Vì vậy, việc cải thiện khả năng sinh sản ở gà Nòi là vấn đề cấp thiết nhằm phát triển ngành chăn nuôi gia cầm ở ĐBSCL. Trong chăn nuôi gia cầm, năng suất sinh sản là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng và bị chi phối bởi các yếu tố môi trường, thành phần dinh dưỡng trong thức ăn (Liu et al., 2004; Lewis and Gous, 2006) và nội tiết (Kim et al., 2004). Nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố nội tiết liên quan đến năng suất sinh sản được điều khiển bởi nhiều gen khác nhau (Emsley, 1997; Luo et al., 2007) như: gen Prolactin (Cui et al., 2006), Vasoactive Intestinal Peptide (Li et al. 2009; Caldwell et al., 1999; Zhou et al., 2010), gen Bone Morphogenntic Poteins ( Zhang et al., 2008 ), Neuropeptide Y (Fatemi et al., 2012), Melatonin Receptor (Li et al., 2013). Việc áp dụng các kết quả này nhằm cải thiện khả năng sinh sản của gà Nòi có thể đẩy nhanh tốc độ và nâng cao sự đồng đều của quá trình chọn giống. Mặt khác, ở gà Nòi rất ít các nghiên cứu về di truyền ở mức độ phân tử và hầu như chưa có một công bố nào về tính đa dạng di truyền cũng như vai trò của một số gen ứng viên liên quan đến tiềm năng sinh sản của dòng gà địa phương này. Vì vậy, việc nghiên cứu đa hình di truyền và sử dụng chỉ thị phân tử trong chọn lọc để nâng cao các tính trạng năng suất sinh sản là cần thiết. Chính vì những lý do trên đề tài “Đặc điểm ngoại hình, đa hình gen và ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn lọc cải thiện năng suất sinh sản của gà Nòi” được thực hiện với mục tiêu: 1. Xác định đặc điểm ngoại hình và đánh giá đa dạng di truyền giữa các nhóm gà Nòi tại ĐBSCL2. Xác định sự ảnh hưởng của một số gen ứng viên liên quan đến năng suất sinh sản ở gà Nòi. 3. Chọn tạo để cải thiện năng suất sinh sản gà Nòi. Ý nghĩa của luận án: Xác định được tính đa dạng di truyền và chọn lọc được các nhóm gà Nòi có khả năng sinh sản cao bằng chỉ thị phân tử nhằm phục vụ cho ngành chăn nuôi gà tại ĐBSCL.