Học thuyết ngang giá lãi suất và ứng dụng trong việc xác định tỷ giá tại thị trường ngoại hối Việt Nam
LỜI MỞ ĐẦU 1. Lý do nghiên cứu Thị trường ngoại hối Việt Nam tuy mới hình thành và phát triển nhưng đã chứng tỏ vài trò và ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Khối lượng của các giao dịch ngoại hối ngày càng tăng. Nhân tố có ảnh hưởng quyết định tới thị trường ngoại hối và giao dịch ngoại hối chính là tỷ giá. Tỷ giá biến động liên tục và chịu ảnh của rất nhiều yếu tố, một trong những yếu tố phải kể đến đầu tiến đó là sự chênh lệch lãi suất giữa đồng tiền định giá và đồng tiền yết giá còn được biết đến với cái tên “Học thuyết ngang giá lãi suất”. Học thuyết này nêu lên mối quan hệ mật thiết giữa lãi suất trên thị trường tiền tệ và tỷ giá trên thị trường ngoại hối đồng thời tập trung lý giải vì sao tỷ giá kỳ hạn khác với tỷ giá giao ngay và mức chênh lệnh sẽ có là bao nhiêu. Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập rất sôi động. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên phải sử dụng lãi suất như một công cụ hữu hiệu để điều chỉnh thị trường. Lãi suất thay đổi tác động làm cho tỷ giá thay đổi theo. Trong bối cảnh nhân tố lãi suất đóng vai trò chính gây ra sự biến động nhanh và mạnh của tỷ giá tại thị trường ngoại hối Việt Nam thì “học thuyết ngang giá lãi suất” trở nên rất có ý nghĩa. Học thuyết này vừa giúp các cá nhân tham gia vào thị trường ngoại hối dự đoán và xác định tỷ giá trong tương lai để có biện pháp phòng ngừa rủi ro và hoạch định chiến lược kinh doanh hiệu quả, lại vừa giúp NHNN có một căn cứ khoa học để đưa ra những chính sách điều chỉnh tỷ giá một cách phù hợp. Chính vì những lý do trên mà em xin chọn đề tài: “Học thuyết ngang giá lãi suất và ứng dụng trong việc xác định tỷ giá tại thị trường ngoại hối Việt Nam” làm đề tài khóa luận tốt nghiệp. 2. Mục đích nghiên cứu Khóa luận tìm hiểu “Học thuyết ngang giá lãi suất” và mức độ ảnh hưởng của nhân tố lãi suất tới sự biến động lên xuống của tỷ giá tại thị trường ngoại hối Việt Nam, nhằm mục đích áp dụng “Học thuyết ngang giá lãi suất” vào thực tế, xác định tỷ giá của những giao dịch ngoại hối. Trên cơ sở làm rõ các vấn đề nhận thức lý luận và phân tích thực trạng “ngang giá lãi suất” cũng như tỷ giá kỳ hạn gia đoạn gần đây để đề xuất một số giải pháp phù hợp nhằm phát triển thị trường ngoại hối Việt Nam nhìn từ góc độ học thuyết này. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu khóa luận là “Học thuyết ngang giá lãi suất” và tỷ giá hối đoái trên thị trường ngoại hối. Phạm vi nghiên cứu: - Phạm vi nghiên cứu của khóa luận là tại Việt Nam và chủ yếu tập trung vào giai đoạn 2002 - 2008 - Trong phạm vi giới hạn nhất định, khóa luận chỉ tập trung nghiên cứu “Học thuyết ngang giá lãi suất” và tỷ giá hối đoái đối trên hai đồng tiền chính đó là Đồng Việt Nam (VND) và Đô la Mỹ (USD). 4. Phương pháp nghiên cứu Trong khi nghiên cứu khóa luận có sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: thống kê, hệ thống hóa, phân tích - tổng hợp, đối chiếu và so sánh. 5. Kết cấu của khóa luận Khóa luận gồm 3 chương: Chương I: Tổng quan về thị trường ngoại hối và học thuyết ngang giá lãi suất Chương II: Thực trạng ứng dụng quy luật ngang giá lãi suất tại Thị trường ngoại hối Việt Nam Chương III: Giái pháp cho việc ứng dụng ngang giá lãi suất và điều hành tỷ giá tại Thị trường ngoại hối Việt Nam Để hoàn thành khóa luận này em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của cô giáo: Lê Thị Thanh – Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng. Em cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô Trường Đại học Ngoại Thương đã tận tình dạy bảo cho em những kiến thức quý báu trong suốt bốn năm học qua. CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI VÀ HỌC THUYẾT NGANG GIÁ LÃI SUẤT 1. NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN 1.1. Lãi suất Lãi suất được hiểu theo nghĩa chung nhất là “giá trị của tín dụng, giá cả của quan hệ vay mượn hoặc cho thuê những dịch vụ về vốn dưới hình thức tiền tệ hoặc các dạng thức tài sản khác nhau”. Khi đến hạn người vay sẽ phải trả cho người cho vay một khoản tiền dôi ra ngoài số tiền vốn gọi là tiền lãi. Tỷ lệ phần trăm của số tiền vốn trên số tiền lãi gọi là lãi suất. Hay theo một cách diễn đạt khác thì “lãi suất là cái giá mà người vay phải trả để được sử dụng số tiền không thuộc sở hữu của họ và là lợi tức mà người cho vay có được đối với việc trì hoãn chi tiêu”. 1.2. Ngoại Hối Khái niệm ngoại hối được hiểu theo luật định và tương đối thống nhất giữa các quốc gia. “Ngoại hối (foreign exchange) bao gồm các phương tiện tiền tệ được sử dụng trong thanh toán quốc tế”. Đối với một quốc gia, ngoại hối bao gồm: - Ngoại tệ: Là đồng tiền nước ngoài (bao gồm cả đồng tiền chung của các nước khác và quyền rút vốn đặc biệt SDR). Ngoại tệ có thể là tiền xu tiền giấy, tiền trên tài khoản, séc du lịch, tiền điện tử và các phương tiện khác được xem như tiền. - Các giấy tờ có giá trị như séc thương mại, chấp phiếu ngân hàng, kỳ phiếu, cổ phiếu và các giấy tờ có giá khác. - Vàng tiêu chuẩn quốc tế. Đây là vàng được sử dụng với vai trò là tiền trong thanh toán quốc tế. - Đồng tiền quốc gia do người không cư trú nắm giữ. Trong khuôn khổ của Khóa luận này khái niệm ngoại hối chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là ngoại tệ. 1.3. Tỷ giá 1.3.1. Khái niệm tỷ giá. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có đồng tiền riêng. Các hoạt động thương mại, đầu tư và các quan hệ tài chính quốc tế… đòi hỏi các quốc gia phải thực hiện thanh toán với nhau. Thanh toán giữa các quốc gia dẫn đến việc trao đổi các đồng tiền khác nhau, đồng tiền này đổi lấy đồng tiền kia. Hai đồng tiền được trao đổi với nhau theo một tỷ lệ nhất định, tỷ lệ này gọi là tỷ giá. Vậy có thể định nghĩa: “Tỷ giá là giá của một đồng tiền được biểu thị qua đồng tiền khác”. Trong thực tế hầu hết các quốc gia sử dụng phương pháp yết tỷ giá trực tiếp, do đó tỷ giá còn được định nghĩa theo nghĩa hẹp, hay theo cách nhìn từ thực tế như sau: “Tỷ giá là số đơn vị nội tệ trên một đơn vị ngoại tệ”. Ví dụ như tỷ giá USD tại Việt Nam được định nghĩa là số đơn vị VNĐ trên 1USD. 1.3.2. Chính sách tỷ giá hối đoái. Theo định nghĩa thì “Chính sách tỷ giá là những hoạt động của chính phủ (mà đại diện thường là NHTW) thông qua một chế độ tỷ giá nhất định (hay cơ chế điều hành tỷ giá) và hệ thống các công cụ can thiệp nhằm duy trì mức tỷ giá cố định hay tác động để tỷ giá biến động đến một mức cần thiết phù hợp với mục tiêu chính sách kinh tế quốc gia”. Chính sách tỷ giá là một bộ phận trong chính sách kinh tế nên nó cũng phải phù hợp với mục tiêu kinh tế của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ khác nhau. Với cách hiểu về chính sách tỷ giá như trên thì hai yếu tố then chốt làm nên những chính sách tỷ giá đó là chế độ tỷ giá và các công cụ can thiệp lên tỷ giá - Chế độ tỷ giá : Các quốc gia luôn xây dựng những quy tắc, cơ chế xác định và điều tiết tỷ giá của riêng mình. Tập hợp các quy tắc, cơ chế xác định và điều tiết tỷ giá của mỗi quốc gia tạo nên chế độ tỷ giá của quốc gia đó. Nếu căn cứ vào mức độ can thiệp tăng dần của chính phủ có thể chia ra ba chế độ tỷ giá đặc trưng: Chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn; chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết; chế độ tỷ giá cố định. Chế độ tỷ giá của các quốc gia thường là không giống nhau và có thể thay đổi qua thời gian. - Các công cụ của chính sách tỷ giá . Tùy theo tính chất tác động lên tỷ giá mà các công cụ này được chia thành nhóm công cụ trực tiếp và nhóm công cụ gián tiếp. Nhóm công cụ trực tiếp thường là hoạt động của NHTW trên thị trường ngoại hối thông qua việc mua bán đồng nội tệ và gián tiếp làm cho tỷ giá thay đổi, ngoài ra các công cụ trực tiếp còn phải kể đến các mệnh lệnh hành chính của chính phủ như các quy định về kết hối, hay quy định về hạn chế đối tượng được phép mua bán ngoại tệ… Nhóm công cụ gián tiếp bao gồm các công cụ như lãi suất tái chiết khấu, thuế quan, hạn ngạch v v Trong đó công cụ lãi suất tái chiết khấu thường được sử dụng nhiều nhất và cũng tỏ ra hiệu quả nhất. 1.4. Nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối. Căn cứ vào tính chất giao dịch trên thị trường ngoại hối và nội dung kinh doanh, người ta chia các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối thành: - Nghiệp vụ giao ngay (The Spot Operations). - Nghiệp vụ kỳ hạn (The Forward Operations). - Nghiệp vụ hoán đổi (The Swaps Operations). - Nghiệp vụ tương lai (The Currency Futures). - Nghiệp vụ quyền chọn (The Currency Options). Trong đó: - Nghiệp vụ giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi được thực hiện phi tập trung The Over The Counter (OTC). - Nghiệp vụ quyền chọn có thể được: • Thực hiện phi tập trung (OTC) hoặc là: • Thực hiện tập trung trên sở giao dịch. - Nghiệp vụ tương lai chỉ được thực hiện trên sở giao dịch Nghiệp vụ giao ngay còn được gọi là nghiệp vụ gốc, còn các nghiệp vụ khác là phái sinh, tức được bắt nguồn từ nghiệp vụ giao ngay. Nghiệp vụ giao ngay được gọi là nghiệp vụ gốc bởi vì tỷ giá áp dụng cho nghiệp vụ giao ngay được hình thành từ quan hệ cung cầu trên thị trường, trong khi đó bốn nghiệp vụ còn lại gọi là phái sinh, bởi vì tỷ giá áp dụng cho các nghiệp vụ này không được hình thành trực tiếp từ quan hệ cung cầu trên thị trường mà được bắt nguồn từ tỷ giá giao ngay và chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền. 2. TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI TẠI THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI VIỆT NAM 2.1. Tổng quan về thị trường ngoái hối Việt Nam Trong phần này người viết xin giới thiệu về sự hình thành và phát triển của thị trường ngoại hối Việt Nam trong mối quan hệ với bức tranh toàn cảnh nền kinh tế từ năm 1975 đến năm 2008. Thông qua đó, hy vọng có thể giúp người đọc khái quát được những ảnh hưởng của thị trường ngoại hối tới nền kinh tế dưới tác động của các chính sách tỷ giá qua mỗi thời kỳ. Hơn 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn do phải hứng chịu những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại. Tuy nhiên với những đổi mới trong chính sách điều hành nền kinh tế, Việt Nam đã từng bước đạt được những thành tựu đáng tự hào trong việc tái thiết cũng như duy trì và phát triển nền kinh tế. Trong suốt thập niên 80, mô hình XHCN đã được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn chiến tranh và một số năm tiếp theo đó. Nhưng việc duy trì quá lâu một cơ chế bao cấp của nhà nước như vậy đã làm nảy sinh mâu thuẫn, rối loạn sâu sắc trong việc phát triển kinh tế đất nước. Tăng trưởng kinh tế hàng năm chỉ đạt 4 - 5%, lạm phát luôn ở mức cao, cuộc sống người dân nghèo khổ. Trong giai đoạn này, thị trường nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng chưa có điều kiện hình thành và phát triển. Tỷ giá hối đoái chính thức được quyết định bởi NHNN mà không dựa trên cơ sở các biến số kinh tế. Việt Nam duy trì chế độ tỷ giá cố định và đa tỷ giá, tỷ giá mậu dịch ở mức 225 VND trên 1 USD trong khi tỷ giá phi mậu dịch là 386 VND trên 1 USD. Sự bất hợp lý trong tỷ giá, đồng Việt Nam được định giá quá cao đã làm cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, cán cân thương mại bị thâm hụt nặng. Dưới những áp lực gây ra bởi sự mất cân bằng của tỷ giá, năm 1998 NHNN đã công bố tỷ giá chính thức mới ở mức: 900 VND trên 1 USD với tỷ giá mậu dịch và 3500 VND trên một USD với tỷ giá phi mậu dịch. Tháng 3 năm 1988, lần đầu tiên tỷ giá mậu dịch và phi mậu dịch cùng thống nhất ở mức 4500 VND trên 1 USD và tiến gần hơn tới tỷ giá trên thị trường tự do. Mặc dù nền kinh tế nước ta đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi với chính sách “đổi mới” kể từ năm 1986, Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã chuyển sang nền kinh tế thị trường với sự quản lý của nhà nước, nhưng phải bắt đầu từ năm 1989 nền kinh tế nước ta mới có những thay đổi mang tính toàn diện. Với chính sách mở cửa, khuyến khích các hoạt động sản suất kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế, lần đầu tiên tư nhân được nhìn nhận với vai trò một thành phần kinh tế chính thức. Các hoạt động của hệ thống tài chính nói chung đã dần mang tính thị trường. Kinh tế Việt Nam đã từng bước đổi mới, dần hoàn thiện, phát triển và tiếp cận gần hơn với thị trường ngoại hối quốc tế. Trước năm 1988 chỉ duy nhất Ngân hàng Ngoại thương được phép hoạt động và kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế và mở tài khoản ở nước ngoài. Nhưng với việc Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 161/HĐBT ngày 18/10/1988 về “Điều lệ quản lý ngoại hối” theo đó cho phép các ngân hàng chuyên doanh khác, các ngân hàng liên doanh với nước ngoài, các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối hoặc dịch vụ thu ngoại tệ khi có sự cho phép của NHNN Việt Nam. Như vậy có thể nói lần đầu tiên ở Việt Nam thế độc quyền trong kinh doanh ngoại hối đã được dỡ bỏ. Sau quyết định này các NHTM nói chung muốn kinh doanh ngoại hối có thể làm thủ tục để NHNN cấp phép. Đây được xem như sự khởi đầu tạo ra môi trường và điều kiện hoạt động của thị trường ngoại hối, hình thành một sân chơi chứa đựng yếu tố cạnh tranh của thị trường. Năm 1991 là năm đánh dấu mốc lịch sử về việc hình thành nền móng cho thị trường ngoại hối Việt Nam với Quyết định số 107 NH/QĐ về việc ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giao dịch ngoại tệ (TTGDNT)”. Trên cơ sở của Quy chế này, hai TTGDNT tại TP.HCM và Hà Nội lần lượt ra đời vào tháng 8 và tháng 11 năm 1991. Dưới sự hoạt động của hai TTGD, tỷ giá được điều chỉnh trong một biên độ giao động nhất định, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá chính thức dần được rút ngắn từ mức 1800 VND mỗi USD năm 1991 giảm xuống còn 29 Đồng trên một USD năm 1994. Trước những nhu cầu bức thiết trong quan hệ giao dịch, thanh toán ngoại tệ của nền kinh tế như một tổng thể, nhu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, phù hợp với quá trình phát triển tài chính toàn cầu, cùng với việc hệ thống các NHTM đã phát triển cao về mặt số lượng cũng như chất lượng, NHNN đã ban hành Quyết định số 203 QĐ-NH ngày 20/10/1994 thành lập Thị trường ngoại tệ Liên ngân hàng và ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của TTNTLNH”, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển thị trường ngoại hối Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế. Dưới sự quản lý của nhà nước, hoạt động của thị trường ngoại hối nước ta đã có những thay đổi mang định hướng thị trường hơn, những thay đổi này cũng giúp hạn chế những ảnh hưởng bất lợi tới từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á năm 1997. Nhìn chung cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lai đã dần được cải thiên, môi trường kinh doanh trong nước trở nên thuận lợi hơn, giúp thu hút được nhiều hơn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Từ năm 1999 đến nay hoạt động của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng không ngừng phát triển. Tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng là cơ sở để các NHTM quyết định tỷ giá mua vào và bán ra. Tỷ giá này ngày càng phù hợp hơn với các chỉ số khác của nền kinh tế. Hệ thống các NHTM trở thành môi trường hữu hiệu để qua đó NHNN thực thi các chính sách về quản lý ngoại hối. Với các chính sách ngoại hối và tiền tệ phù hợp cho mỗi giai đoạn, hoạt động của thị trường ngoại hối Việt Nam ngày một hiệu quả, sự biến động của tỷ giá đã theo hướng cân bằng hơn, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tụ do và tỷ giá chính thức được thu hẹp dần.