ĐẶT VẤN ĐỀ Ung thư hạ họng thanh quản là ung thư xuất phát từ lớp biểu mô hạ họng hoặc thanh quản. Ở giai đoạn sớm, ung thư khu trú ở một vị trí nhưng sang giai đoạn muộn do vị trí giải phẫu cận kề, chúng có thể xâm lấn từ hạ họng sang thanh quản hoặc ngược lại. Khó phân định được xuất phát điểm, do vậy chúng thường được gọi chung là ung thư hạ họng thanh quản (UT HHTQ). Ung thư hạ họng thanh quản có tỷ lệ bệnh mắc cao, ước tính năm 2012 có khoảng 115130 bệnh nhân mới mắc trên toàn cầu [1]. Tại Việt Nam, bệnh đứng thứ hai trong các ung thư vùng đầu cổ, sau ung thư vòm. Theo Nguyễn Tuấn Hưng, tỷ lệ mắc ung thư hạ họng ở nam giới là 2,8/100 000/năm, nữ giới là 0,3/100 000/năm; với ung thư thanh quản ở nam giới là 2,3/100 000/năm, nữ giới là 0,4/100 000/năm [2]. Ung thư hạ họng thanh quản ít được chẩn đoán ở giai đoạn sớm do các triệu chứng khởi đầu thường âm thầm, bệnh nhân chủ quan. Phát hiện tổn thương nhỏ dễ bị bỏ sót hoặc nhầm với viêm nhiễm thông thường. Do đó, phần lớn bệnh nhân đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn (III-IV). Khi đó u lớn, lan rộng, đã di căn hạch, hạch xâm lấn mạch máu lớn hoặc di căn xa nên điều trị ít hiệu quả, tiên lượng xấu. Trước đây, điều trị ung thư hạ họng thanh quản giai đoạn III-IV(Mo) chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thanh quản, mất đi khả năng phát âm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống. Song tỉ lệ tái phát và di căn vẫn cao, nghiên cứu trong nước của Trần Văn Thiệp (2004) tỷ lệ tái phát 29% với phẫu trị đơn thuần và 15% phẫu trị kết hợp xạ trị, vì thế đây vẫn là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu [3]. Nghiên cứu điều trị ung thư hạ họng thanh quản trong 30 năm trở lại đây, cho thấy hóa xạ trị là những phác đồ cơ bản[4]. Từ nghiên cứu TAX 323 và TAX 324 chỉ ra rằng phác đồ có taxanes, cisplatin, và 5-fluorouracil (TCF) cải thiện sống thêm tốt hơn so với phác đồ cisplatin và 5-fluorouracil [5],[6]. Phác đồ TCF là phác đồ hóa trị được chấp nhận nhiều nhất [7]. Mặc dù vậy, phác đồ này có tác dụng không mong muốn cao và bệnh nhân thường không chịu được quá trình điều trị tiếp theo [5],[8]. Nghiên cứu của Luciano de Souza Viana (2015); trên bệnh nhân ung thư đầu cổ (có ung thư hạ họng thanh quản) hóa trị bổ trợ trước với nhóm taxane và platin cho thấy có đáp ứng cao và ít tác dụng không mong muốn [9]. Andreas Dietz (2009) hóa trị trước phác đồ (TC) cisplatin và paclitaxel 2 chu kỳ sau đó hóa xạ trị bệnh nhân ung thư hạ họng thanh quản giai đoạn sớm nhằm bảo tồn thanh quản [10]. Tuy nhiên, còn ít nghiên cứu điều trị ung thư hạ họng thanh quản bằng hóa trị bổ trợ trước sau đó hóa xạ trị cũng như chưa đánh giá đầy đủ về đáp ứng và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Ở Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu hóa trị kết hợp với xạ trị bệnh ung thư hạ họng thanh quản giai đoạn muộn (III, IV). Ngô Thanh Tùng (2011), hóa xạ trị đồng thời với liều thấp cisplatin [11]. Trần Bảo Ngọc (2011) nghiên cứu ung thư đầu cổ giai đoạn III, IV (trong đó có ung thư hạ họng thanh quản) với phác đồ hóa xạ trị tuần tự với 3 thuốc taxan, cisplatin và 5-Fluouracil [12]. Điều trị bệnh nhân ung thư hạ họng thanh quản giai đoạn muộn còn gặp nhiều thách thức. Tìm kiếm phác đồ điều trị đáp ứng tốt, ít tác dụng không mong muốn và an toàn là rất cần thiết. Do đó, chúng tôi tiến hành: “Nghiên cứu ứng dụng hóa trị trước phối hợp hóa xạ trị đồng thời ung thư hạ họng thanh quản giai đoạn III, IV(M0)” với hai mục tiêu: 1. Đánh giá kết quả điều trị ung thư hạ họng thanh quản giai đoạn III, IV (M0) bằng hóa trị trước phác đồ paclitaxel và cisplatine kết hợp hóa xạ trị đồng thời. 2. Nhận xét một số yếu tố liên quan đến kết quả điều trị.