tiểu luận tai biến chủ yếu trên địa bàn tỉnh thái nguyên, chitiết và chọn lọc , số liệu sát thực tế và có sự kiểm chứng kĩ càng, hữu ích cho các bạn làm tiểu luận, đề tài khóa học.chuyên nghành khoa học môi trường, địa chất môi trường, địa chất học
Trang 1Trường Đại Học Khoa Học Thái Nguyên Khoa: Khoa học môi trường và Trái Đất Nghành: Khoa học môi trường Môn: Địa chất môi trường
Tiểu Luận
MỘT SỐ TAI BIẾN
THIÊN NHIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI
NGUYÊN
Nhóm: Lê Tuấn Anh
Thiều Thị Thảo
Nguyễn Thị Thanh
Chu Thị Phượng
Trang 2Mục Lục
I HIỆN TRẠNG MỘT SỐ LOẠI HÌNH TAI BIẾN THIÊN NHIÊN Ở THÁI NGUYÊN
II NGUYÊN NHÂN MỘT SỐ LOẠI HÌNH TAI BIẾN THIÊN
NHIÊN Ở THÁI NGUYÊN
III KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Trang 3Thái Nguyên là một tỉnh có địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng các công trình công nghiệp Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cho phát triển kinh tế, còn có những khó khăn do tai biến thiên nhiên gây ra như: lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở đất, xói mòn đất… Các hiện tượng đó không chỉ để lại những hậu quả môi trường nặng nề, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đời sống của nhân dân trong tỉnh Nguyên nhân hình thành các tai biến không chỉ xuất phát
từ thiên nhiên mà còn do các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người gây ra Chính vì vậy, việc nghiên cứu hiện trạng và nguyên nhân các loại hình tai biến, trên cơ sở đó đưa ra được các giải pháp phòng chống là vấn đề hết sức cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao
I HIỆN TRẠNG MỘT SỐ LOẠI HÌNH TAI BIẾN THIÊN
NHIÊN Ở THÁI NGUYÊN
Tai biến nứt đất và trượt lở đất
Các vùng có tiềm năng phát sinh trượt lở đất, hoạt động địa chấn chủ yếu tập trung ở phía Tây Nam liên quan đến dãy Tam Đảo, và phía Tây Bắc liên quan đến dãy núi thuộc vòng cung Phú Ngữ, khu vực núi phía bắc thành phố Thái Nguyên Tai biến nứt đất xảy ra ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên không nhiều, tuy nhiên có mức độ khá lớn và gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường
tự nhiên và đời sống kinh tế - xã hội Trước tiên phải kể đến vụ nứt, trượt lở đất ở đồi Yên Ngựa, thuộc phường Mỏ Bạch thành phố Thái Nguyên, xảy ra trong tháng 9/1992 Một khối đá lớn hình tam giác với các cạnh 30 x 22 x 20m đã trượt từ đồi Yên Ngựa đè bẹp một đoạn phố với các nhà xây kiên cố từ 1 - 3 tầng (tổng cộng 16 hộ) Đây là vụ nứt, trượt lở đất khá nghiêm trọng Để khắc phục hậu quả, tỉnh đã phải chi hàng trăm triệu đồng Qua nghiên cứu cho thấy, hiện tượng nứt, trượt lở đất xảy ra chủ yếu do điều kiện địa chất và tác động của con người Đồi Yên Ngựa được cấu thành từ các đá lục nguyên tuổi Jura, với thế nằm đơn nghiêng, xuôi từ đỉnh đồi xuống chân taluy Tại vị trí nứt trượt tồn tại một đứt gãy kiến tạo vuông góc với taluy Trên đỉnh đồi nơi đứt gãy cắt qua có một hố bom thời kháng chiến chống Mỹ, nước mưa tích đọng trong hố bom rỉ theo mặt trượt đứt gãy và mặt lớp đá tạo nên hiện tượng nứt, trượt theo mặt lớp Thứ hai là vụ trượt lở đất ở phía Đông Nam Núi Hồng thuộc huyện Đại Từ, xảy ra vào tháng 6 năm 1995 Trượt đất diễn ra ở nơi có độ dốc khá lớn, tạo nên một khối trượt khổng lồ, chiều rộng đạt từ 3m
Trang 4tới 400m trượt từ trên núi xuống cánh đồng, trên một đoạn đường dài hơn 1500m Ngược với điểm nứt trượt Mỏ Bạch, thế nằm của các đá Trias chứa than ở đây lại vuông góc với sườn Đông Nam Núi Hồng Qua kết quả nghiên cứu khảo sát, tại đây trong Đệ Tứ đã nhiều lần xảy ra các hiện tượng nứt, trượt đất Điều đó cho thấy, tính bất ổn định của dải kiến trúc trong đới vòng cung Phú Ngữ [Gần đây nhất, rạng sáng 15/4/2012, một khối lượng lớn đất đá từ Khu bãi thải số
3, Mỏ than Phấn Mễ (thuộc công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) đã sạt lở xuống khu vực xóm Khuôn 1, xã Phục Linh huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên vùi lấp hoàn toàn 10 ngôi nhà, 6 người tử vong và 1 người bị thương Đồng thời ước tính có hơn 40 hộ dân trong khu vực này phải di dời đi khác Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Đại Từ, vụ sạt lở bãi thải ở mỏ than Phấn Mễ gây thiệt hại về kinh tế khoảng 15 tỉ đồng Trong đó có 10 ngôi nhà, 10 xe máy, 11
ti vi cùng lượng lớn gia súc, gia cầm, hoa màu, ruộng nương Cần phải nói rằng trên đây mới chỉ là một số hiện tượng nứt trượt đất đã từng xảy ra trong khu vực nghiên cứu trong những năm gần đây
Tai biến xói mòn và thoái hoá đất
Do tập quán khai thác sử dụng đất rừng làm nương rẫy diễn ra lâu đời đã phá hoại hầu hết lớp phủ thực vật trên các miền đất dốc, làm cho diện tích rừng nguyên sinh hầu như không còn, diện tích rừng thứ sinh còn rất hạn chế và chiếm ưu thế là cây bụi, trảng cỏ, đất trống đồi núi trọc Dựa vào hệ thống phân cấp thoái hóa đất của Việt Nam, trong tổng diện tích đất thoái hoá của tỉnh Thái Nguyên, có mức độ thoái hoá từ rất yếu đến trung bình chiếm 95%, còn lại 5% diện tích bị thoái hóa mạnh đến rất mạnh Những nơi bị thoái hóa mạnh chủ yếu xảy ra trên sườn núi dốc, đất không dày, đã canh tác, trên các đồi đất trống tạo khe rãnh, tại vùng thấp đất bị nén chặt
và chua hóa Tai biến sạt lở bờ sông Hiện tượng sạt lở bờ sông chủ yếu do chế độ dòng chảy của sông gây nên, trong vùng nghiên cứu có 2 sông lớn: sông Công và sông Cầu, vùng thượng nguồn của 2 con sông bắt đầu từ vùng núi có độ dốc địa hình > 200 Các con sông có chế độ dòng chảy không ổn định, nhất là khi có những trận mưa lớn, lượng nước chảy tràn trên mặt lớn cùng với
độ dốc của địa hình làm cho chế độ dòng chảy thay đổi mạnh Hai bên bờ thường xuất hiện hiện tượng sạt lở bờ sông Trong vùng nghiên cứu hiện tượng này xảy ra ở Phú Bình, Phổ Yên gây ảnh hưởng đến các công trình dân dụng, giao thông và khu dân cư sống ven bờ Qua nghiên cứu thực địa cho thấy hiện tượng sạt lở xảy ra nhiều nhất ở sông Cầu: Đoạn từ Chợ Đồn tới Vân Lãng thuộc sông miền núi, có thung lũng hẹp lòng sông nhiều ghềnh, thác, bãi bồi ít Từ Vân Lãng tới thành phố Thái Nguyên sông chảy trong vùng đồi núi thấp, thung lũng sông đã mở rộng
Trang 5nhiều, song bờ sông vẫn chủ yếu là đá gốc nên khả năng tai biến xói lở bờ sông quy mô lớn rất ít Đoạn Thái Nguyên - Phú Bình, sông chảy trong vùng đồi bát úp và trùng trên đới đứt gãy hoạt động Yên Tử, bờ sông là bãi bồi cao nên ở đây thường xảy ra xói lở bờ Từ Phú Bình tới Phả Lại, sông Cầu chảy trong vùng đồng bằng, bờ sông là các thành tạo Pleistocen, Holocen, trong
đó đoạn từ Phú Bình xuống đến xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) sông chảy gần vuông góc với các đứt gãy hoạt động Trung Lương (đường 18), bờ sông thường là bãi bồi nên nguy cơ xói
lở bờ sông có thể xảy ra ở Hà Châu (Phú Bình), Hoàng Vân (Hiệp Hòa), Tân Phú, Trung Thành (Phổ Yên)
Tai biến lũ quét và lũ bùn đá
Lũ quét và lũ bùn đá là loại hình tai biến nguy hại nhất thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi trên lãnh thổ Thái Nguyên và có xu hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ Một số năm gần đây,
lũ quét xuất hiện khá thường xuyên trên vùng núi phía bắc và tây bắc tỉnh Thái Nguyên Từ năm
1994 trở lại đây trung bình xuất hiện 4 trận lũ/năm và diện tích chịu tai biến từ 10 - 40 km2 Các vùng thường xuyên bị ngập lụt do mưa lũ thường nằm ở phía đông nam thành phố Thái nguyên, phía tây Đồng Hỷ, Phổ Yên và các thung lũng giữa núi Các vùng bị ngập úng do mưa và khả năng thoát nước kém là các thung lũng vùng núi đá vôi ở Võ Nhai và Định Hoá Các khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, lũ bùn đá là ở thượng nguồn các sông Chợ Chu, sông Nghinh Tường và các phụ lưu cấp II bờ phải sông Công
II NGUYÊN NHÂN MỘT SỐ LOẠI HÌNH TAI BIẾN THIÊN
NHIÊN Ở THÁI NGUYÊN
Do các quá trình địa động lực ngoại sinh Các quá trình địa động lực ngoại sinh là nguyên nhân gây tai biến trên bề mặt lưu vực Các quá trình ngoại sinh trong vùng nghiên cứu bao gồm:
Nhóm các hoạt động trọng lực
- Quá trình trọng lực nhanh: Hoạt động trọng lực nhanh xảy ra với các dạng: đổ khối, đổvụn trên sườn có độ dốc lớn Đây là những quá trình động lực xảy ra nhanh, không ổn định, nguy hiểm, nhưng diện phân bố không lớn Trên địa bàn Thái Nguyên hoạt động này gặp phổ biến ở các khu vực kiểu địa hình núi thấp cấu tạo bởi đá vôi bị karst hóa mạnh
- Quá trình trọng lực tương đối nhanh: Đó là các hoạt động trượt khối, trượt lở, trượt chảy, trượt trôi Trượt khối xẩy ra trên các sườn dốc (> 250 ) có cấu tạo là các đá phiến sét phân lớp, mặt phân lớp bị phong hóa, giữa các lớp gắn kết kém, mặt lớp phù hợp với mặt dốc của sườn Vào
Trang 6mùa mưa cả khối đất đá trên sườn trượt theo mặt lớp và di chuyển tương đối nhanh xuống phía dưới lấp đầy đáy thung lũng Quá trình động lực này gây nên sự mất ổn định lớn cho địa hình và lớp vỏ phong hóa cùng thổ nhưỡng trên mặt và gây nguy hiểm cho con người, nhất là khi có hoạt động của con người làm phá vỡ trạng thái cân bằng của địa hình, đặc biệt là các taluy khi xây dựng đường giao thông Tai biến này gặp trên các kiểu địa hình đồi cao, sườn lồi - thẳng, đỉnh nhọn hẹp kéo dài dạng dãy như khu vực Đồi Yên Ngựa (TP Thái Nguyên), Núi Hồng, Mỹ Yên (Đại Từ), Linh Thông, Phú Đình (Định Hóa), La Hiên, Tràng Xá (Võ Nhai)
- Quá trình trọng lực chậm: Đây là quá trình chuyển động từ từ về phía dưới của các sản phẩm phong hóa và lớp thổ nhưỡng, xảy ra ở những nơi có độ ẩm cao, trên sườn có vỏ phong hóa với chiều dày thay đổi không đều nhau, tạo bề mặt gợn sóng theo luống ngang và phủ tràn khắp sườn Vào mùa mưa, các vật liệu vụn của vỏ phong hóa và thổ nhưỡng bị ngậm nước, trương nở
Ở những nơi có vỏ phong hóa dày, thể tích của chúng tăng lên nhiều hơn cùng với sự tăng khối lượng của chúng làm cho chúng bị dịch chuyển xuống phía dưới Quá trình này chiếm phần lớn diện tích các sườn núi, chúng là các quá trình ngoại sinh thống trị trên các kiểu địa hình núi và núi thấp như khu vực Liên Minh, Phương Giao (Võ Nhai), Hóa Trung, Hóa Thượng (Đồng Hỷ), Chợ Đồn, Bảo Yên (Định Hóa), Quân Chu, Yên Lãng (Đại Từ)
Hoạt động rửa trôi và bóc mòn
Trên địa bàn Thái Nguyên hoạt động này phổ biến ở các nhóm kiểu địa hình đồi Bản thân các kiểu này ít gây ra các tai biến môi trường, nhưng chứa đựng một tiềm năng xói mòn lớn, làm suy kiệt, xói mòn đất gây hậu quả lâu dài, đặc biệt là khi không có biện pháp canh tác và khai thác hợp lý trong sử dụng đất
Nhóm hoạt động của dòng chảy
- Hoạt động xói rửa: Hoạt động xói rửa phát triển ở phần giữa và dưới của các sườn núi, đồi, nơi nước mưa chảy tràn đã đủ để tập trung lại thành các dòng chảy nhỏ trên bề mặt, quá trình này là giai đoạn phát triển tiếp theo quá trình nước chảy tràn và tạo ra sự xói rửa bề mặt, mở đầu cho quá trình xâm thực, lớp thổ nhưỡng đã bắt đầu bị tổn thương và xuất hiện các mương xói nhỏ ở trên đất trống khi thảm thực vật đã bị tàn phá
- Các quá trình dòng chảy tạm thời: Trong phạm vi tỉnh Thái Nguyên, dựa trên phân tích địa hình địa mạo thì quá trình này phát triển rộng rãi ở vùng Phúc Thuận, Đại Từ và Quân Chu Ở vùng đồi dòng chảy tạm thời ít gây ra sự cố môi trường, nhưng là nguyên nhân chính tạo ra các mương xói làm thoái hóa đất
Trang 7- Các quá trình dòng chảy thường xuyên: Hoạt động của dòng chảy thường xuyên là xâm thực
và bồi tụ Xét về khía cạnh tai biến, hoạt động của dòng chảy thường xuyên có thể gây ra hiện tượng sau:
+ Úng ngập ở các kiểu địa hình aluvi rìa đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng đáy trũng giữa núi, đồng bằng đáy thung lũng và cánh đồng karst như ở Thần Sa, Sảng Mộc (Võ Nhai), Đồng Bẩm, Nam Hòa (Đồng Hỷ), Trung Thành, Thuận Thành (Phổ Yên), Úc Kỳ, Xuân Phương (Phú Bình) + Lũ quét, lũ bùn đá ở vùng cửa suối có lòng dẫn hẹp, độ dốc địa hình lớn (>250 ) và địa tầng bao gồm các trầm tích mềm bở khi bị ngậm nước như vùng Mỹ Yên, Quân Chu (Đại Từ), Phúc Thuận (Phổ Yên)
+ Xói lở bờ sông: Do hoạt động địa mạo của dòng chảy thường xuyên gây biến đổi lòng dẫn, dẫn tới xói lở bờ sông như chúng ta quansát thấy ở dọc thung lũng sông Cầu trong khu vực thành phố Thái Nguyên và huyện Phú Bình Hình thái lòng dẫn sông có quan hệ chặt chẽ với cấu trúc địa chất, đặc điểm địa mạo Ở những vùng núi cao, địa hình phân cắt mạnh, các sông thường có lòng hẹp, bờ dốc, độ dốc lòng sông lớn, nhưng phần lớn chúng chảy trên đá gốc khá bền vững nên hiện tượng xói lở bờ ít xảy ra Ngược lại, khi sông chảy qua các trũng địa chất hoặc những vùng địa hình thấp và tương đối bằng phẳng lòng sông thường mở rộng, độ dốc giảm, xuất hiện nhiều khúc uốn Tại những vùng như vậy hiện tượng bồi tụ và xói lở bờ sông thường xảy ra Đối với hiện tượng xói lở bờ sông, tương quan giữa động lực dòng chảy và độ bền đá cấu tạo nên bờ sông có vai trò quyết định Tuy nhiên động năng của dòng sông được phân bổ khác nhau trên các đoạn sông và có quan hệ mật thiết với bình đồ cấu trúc Tân kiến tạo và hình thái dòng chảy của sông
Do các quá trình động lực nhân sinh.
Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội trên lãnh thổ nghiên cứu có ảnh hưởng và góp phần làm gia tăng tai biến
Phá rừng, phát nương làm rẫy
Tình trạng phát nương làm rẫy, khai thác rừng không hợp lý đã đưa diện tích đất rừng xen nương rẫy chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu đất sử dụng của toàn tỉnh là một bất lợi rất đáng kể cho việc bảo
vệ lớp phủ thổ nhưỡng Rừng chống xói mòn nhờ sức cản dòng chảy của cây cối, khi không còn rừng, ở những nơi do cấu tạo địa chất có lớp vở phong hóa vụn tơi Vào mùa mưa lớp đất sườn trương lên, mềm bở bão hòa nước, trọng lượng tăng nhanh, lực dính kết lại yếu đi nhiều do sự vụn tơi trong mùa khô, chúng bị dịch chuyển xuống phía dưới, lúc đầu có dạng là trượt chảy,
Trang 8trượt trôi, nhưng do lượng mưa rào lớn, chúng vừa bị trượt trôi vừa bị dòng chảy sườn xói cuốn thành một dòng lũ bùn đá đổ xuống chân sườn và cuốn tràn lên thung lũng, để lại đá tảng, cuội, cát ngổn ngang Trên địa bàn Thái Nguyên diện tích đất rừng xen nương rẫy thường phân bố ở những vùng cao hơn như khu vực Nghinh Tường, SảngMộc, Phương Giao (Võ Nhai), Phú Đình, Linh Thông (Định Hóa), Mỹ Yên, Quân Chu (Đại Từ) và làm thành một vành đai quanh vùng trung tâm và vùng phía nam Nạn phá rừng làm rẫy gia tăng ở đầu nguồn làm giảm khả năng điều tiết nước, giảm độ phì nhiêu của đất, gây xói mòn bề mặt, trượt sạt lở, lũ lụt ở vùng thấp ngay khi có mưa vừa và hạn hán ở vùng cao, vùng sườn dốc ngay khi hết mưa - những thiên tai
có chiều hướng gia tăng Như vậy, việc tiến hành trồng tỉa làm nương rẫy trên các vùng địa hình dốc, không tuân thủ các quy trình kỹ thuật bảo vệ môi trường, hoặc du canh du cư, chăn thả tự nhiên thiếu quy hoạch đã và đang làm gia tăng các loại hình tai biến
Khai thác khoáng sản
Thái Nguyên có tương đối nhiều loại hình khoáng sản, đây là điều kiện thuận lợi để khai thác khoáng sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Tuy nhiên, một đặc thù của các loại tài nguyên khoáng sản là thường nằm sâu giữa các vùng rừng núi, việc khai thác khoáng sản tác động trực tiếp đến nước ngầm, hệ thống sông suối cho nên khi tiến hành khai thác một loại khoáng sản nào thì đồng thời tác động đến các thành phần trên Hậu quả là rừng, đất bị tàn phá, nguồn nước ngầm, nước mặt, không khí bị ô nhiễm Hơn nữa phần lớn các mỏ chưa có phương án hoàn thổ nên các moong khai thác và bãi thải sẽ vẫn tồn tại mà chưa có giải pháp xử lí Từ đó đã xảy ra các hiện tượng sụt lở, xói mòn, rửa trôi xuống các khu vực canh tác Điển hình như mỏ than Núi Hồng, Phấn Mễ đã gây ra những vụ sạt lở đất hết sức nghiêm trọng Một vấn đề hết sức cấp bách hiện nay là tình trạng khai thác vật liệu xây dựng (cát, sỏi ) một cách ồ ạt, không có qui hoạch và không quản lí được đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng Chính việc khai thác rầm rộ của nhân dân ở hai bên bờ sông Cầu đã làm cho bờ sông bị xói lở nghiêm trọng, làm biến đổi dòng chảy Sông Cầu là một trong hai con sông chính của Thái Nguyên nên có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở đây Tuy nhiên quá trình khai thác này đã làm cho việc sạt lở diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong mùa mưa lũ gây ảnh hưởng đến diện tích đất vườn và nhà cửa của dân Hiện nay khu vực bị sạt lở nghiêm trọng nhất kéo dài từ Tân Long, Quan Triều, Quang Vinh, Túc Duyên, Gia Sàng đến Cam Giá, Lương Sơn Trong đó nhiều nơi đã sạt lở vào từ 5 - 10 m Nguyên nhân của tình trạng này là do không có đất canh tác, tận dụng thời gian nông nhàn và điều kiện sẵn có nên người dân
Trang 9đã tìm cách mưu sinh để cải thiện cuộc sống của mình và khai thác cát sỏi lại đang được xem là giải pháp tốt nhất
III KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
- Các tai biến nứt, trượt đất, xói mòn, thoái hóa đất, sạt lở bờ sông, lũ bùn đá và lũ quét xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn ra hết sức phức tạp cả về không gian, thời gian và gây ra những hậu quả khôn lường cả về người và của
- Các tai biến nêu trên thuộc hai nhóm nguyên nhân chính:
+ Do các quá trình địa động lực ngoại sinh: Nhóm các hoạt động trọng lực là nguyên nhân chủ
yếu gây ra các tai biến nứt, trượt đất và tai biến sạt lở bờ sông Nhóm hoạt động rửa trôi và bóc mòn là nguyên nhân của tai biến xói mòn và thoái hóa đất Nhóm hoạt động của dòng chảy là nguyên nhân của tai biến lũ quét và lũ bùn đá
+ Do các quá trình địa động lực nhân sinh: Tình trạng phát nương làm rẫy, khai thác rừng không
hợp lý và khai thác khoáng sản bừa bãi là nguyên nhân thúc đẩy các tai biến trượt đất, xói mòn, thoái hóa đất cũng như lũ bùn đá và sạt lở bờ sông Để phòng tránh, khắc phục và giảm nhẹ tai biến thiên nhiên trên địa bàn Thái Nguyên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Giải pháp phi công trình:
- Tổ chức theo dõi diễn biến của các loại hình tai biến về qui mô, cường độ, hướng dịch chuyển theo định kỳ
- Những thông tin cảnh báo và dự báo phải được thông báo kịp thời cho nhân dân và phát lệnh cấp báo trong trường hợp khẩn cấp
- Quản lý khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng; ngăn chặn và phá bỏ các khu vực khai thác khoáng sản trái phép (khai thác vàng ở Thần Sa - Võ Nhai, khai thác quặng thiếc ở Đại Từ); phá
bỏ các bến bãi ở những khu vực làm hạn chế dòng chảy gây nên hiện tượng sạt lở bờ sông như khu vực chân cầu Đa Phúc - Phổ Yên
- Cần khoanh vùng có nguy cơ tai biến với các cấp khác nhau, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực gần bãi thải của các mỏ than như Phấn Mễ (Phú Lương), Núi Hồng (Đại Từ)
Giải pháp công trình:
- Bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và trồng rừng ở khu vực thượng nguồn, đất trống đồi núi trọc, nơi có lượng mưa lớn như ở thượng nguồn hai con sông lớn là sông Cầu (Văn Lăng - Đồng Hỷ) và sông Công (Quân Chu, Mỹ Yên - Đại Từ)
Trang 10- Sửa bề mặt mái dốc, hạ thấp mái dốc hoặc xây dựng các công trình chống đỡ các tai biến trượt, sạt lở đất, nhất là dọc cung đường từ Đình Cả đi Thần Sa, Nghinh Tường, Sảng Mộc
- Qui hoạch xây dựng nhà của, đường sá, cầu cống, kênh mương, đê đập đảm bảo không ngăn cản sự lưu thông dòng chảy khi có lũ dọc theo hai bờ sông Cầu và sông Công
Tài liệu tham khảo:
1 Lại Huy Anh (2011), Nghiên cứu hiện trạng, dự báo diễn biến một số loại hình thiên tai tỉnh Thái Nguyên và đề xuất giải pháp phòng tránh khắc phục, Kỷ yếu hội thảo khoa học địa lý
2 Nguyễn Văn Cư (2001), Nghiên cứu hiện trạng, dự báo diễn biến một số loại hình thiên tai tỉnh Thái Nguyên và đề xuất giải pháp phòng tránh khắc phục, Báo cáo kết quả đề tài KHCN
3 Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Thế Thôn (2011), Địa chất môi trường, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội Trần Trọng Huệ (2003), Nghiên cứu đánh giá tổng hợp các loại hình tai biến địa chất trên lãnh thổ Việt Nam và các giải pháp phòng chống, Hà Nội