NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ HÀNH TRÌNH CÁCH TÂN THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI TỪ SAU PHONG TRÀO THƠ MỚI Dương Thị Thúy Hằng 1 Tóm tắt: Hành trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại từ sau 1945 là một hành trình kiên trì và liên tục. Những nghiên cứu và đánh giá về các hiện tượng trên hành trình này cũng rất phức tạp. Tìm hiểu về những nghiên cứu ấy sẽ giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về hành trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại từ sau 1945. 1. MỞ ĐẦU Từ 1945 trở lại đây, thơ ca Việt Nam đã đi một con đường dài, với những bước thăng trầm gắn liền với số phận lịch sử của dân tộc. Trong khoảng thời gian ấy, bên cạnh những vỉa tầng truyền thống, các thế hệ thi sĩ luôn có ý thức tìm đến cho thơ ca một chân trời mới. Có thể khẳng định, hành trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại từ sau phong trào Thơ mới là một hành trình hình sin, có thăng có giáng, có nét đậm nét mờ, nhưng chưa bao giờ bị đứt đoạn, có chăng chỉ là sự “ủ trấu giữ lửa” (chữ dùng của PGS.TS. Mai Hương). Việc nghiên cứu về những biểu hiện cách tân thơ cũng mang tính giai đoạn, với sự phức tạp nhiều chiều. Dưới đây, chúng tôi khảo sát các công trình, bài viết, ý kiến theo tiến trình thời gian, tương ứng với mỗi chặng tiêu biểu trên hành trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại kể từ sau phong trào Thơ mới. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU Sau 1945, đi vào cuộc kháng chiến, một nhịp thơ mới đã bừng lên, mang theo cái tươi rói trẻ trung của cuộc đời mới, con người mới. Nhịp sống mới tất yếu đòi hỏi ở thơ những tìm tòi hình thức biểu hiện mới, hữu hiệu nhất, nhằm diễn tả được đúng tâm hồn con người mới, nói như Nguyễn Đình Thi là “nội dung mới, tự nó sẽ tìm đến hình thức mới”. Thơ tự do vốn đã xuất hiện từ trước Cách mạng, đến thời điểm này phát triển mạnh đáp ứng yêu cầu phản ánh cái khẩn trương, quyết liệt, muôn màu muôn vẻ của cuộc sống mới. Có thể kể những tác phẩm tiêu biểu: Tình sông núi, Nhớ máu (Trần Mai Ninh), Đèo Cả, Quách Xuân Kì, Những làng đi qua (Hữu Loan), Hải Phòng 19 - 11 - 1946 (Trần Huyền Trân), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Không nói (Nguyễn Đình Thi), Nhớ (Hồng Nguyên), Bài ca vỡ đất (Hoàng Trung Thông)… Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi là tiêu biểu hơn cả cho những nỗ lực cách tân thơ giai đoạn 1946 - 1954. Trong quan niệm của Nguyễn Đình Thi, yếu tố cốt tủy của thơ không phải là vần mà là nhịp điệu - một thứ nhịp điệu từ bên trong (Cái kì diệu của tiếng nói trong thơ, có lẽ chăng ta tìm nó ở trong nhịp điệu, trong nhạc của thơ). Những bài thơ như Không nói, Người chiến sĩ… đã ra đời trên một sự suy tư nghiêm túc và lấp lánh chất trí tuệ. Sau 1 ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2 này, đã có những đánh giá thỏa đáng đối với hiện tượng Nguyễn Đình Thi, trong nỗ lực tìm một hướng cách tân cho thơ giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu là đánh giá của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy: “Ở bề sâu của nó những mầm mống sau này sẽ trở thành xu hướng chủ đạo cho nền thơ hiện đại: tính gián đoạn, tính đồng hiện, cái ngẫu nhiên bất ngờ, tham vọng nới rộng biên giới thơ để thu nạp vào nó cả văn xuôi, cả âm nhạc (lối kết cấu nhiều bè), cả hội họa (lối xé dán), cả điện ảnh (lối lắp ráp)” [5, tr.52].Tuy nhiên, giống như một cái cây trổ hoa không thuận tiết hợp thì, thơ Nguyễn Đình Thi với những nỗ lực tìm tòi ấy ra đời giữa lúc tinh thần đại chúng hóa văn học đang rầm rộ, đã không nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía. Trong Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc 1949, chỉ có Văn Cao và Nguyên Hồng ủng hộ, bảo vệ thơ Nguyễn Đình Thi. Nguyên Hồng khẳng định: “Anh Thi rất thành công, ngay bây giờ đã thành công rồi. Anh Thi tiêu biểu cho tâm hồn rộng rãi, rải rác. Tôi tin sẽ có những bài thơ kì diệu của dân tộc ở trong loại đó” [2, tr.221]. Trong khi đó, theo Xuân Diệu, thơ Nguyễn Đình Thi về nội dung thì đầu Ngô mình Sở, về hình thức thì do không có vần điệu nên “đúc quá, độc giả không theo kịp được, thì cũng không còn là thơ nữa” [2, tr.216]. Phạm Văn Khoa nặng nề: “Ngay chính những người trong tầng lớp với anh Thi cũng không thích thơ anh” [2, tr.223]. Xuân Thủy đặt ra vấn đề “Thơ ấy bây giờ có nên dùng không? Có nên phổ biến không”[2, tr.224]. Thế Lữ thì kiên quyết đòi khai trừ thơ Nguyễn Đình Thi ra khỏi nền thơ kháng chiến… Việc phản đối thơ Nguyễn Đình Thi cùng những nỗ lực tìm tòi của tác giả này là một điều dễ hiểu trong điều kiện lịch sử lúc đó. Tuy nhiên, điều đáng tiếc ở đây là sự khắt khe và ngờ vực đối với những tìm tòi sáng tạo của Nguyễn Đình Thi lại ở ngay cả những người trước đó từng chán ghét cái cũ, nhiệt thành cổ vũ cái mới. Hơn nửa thế kỉ đã qua đi, đã có loạt công trình, bài viết đánh giá về những nỗ lực cách tân thơ của Nguyễn Đình Thi buổi đầu, tiêu biểu như: Nguyễn Đình Thi, từ quan niệm đến thơ của Mai Hương (Tạp chí Văn học số 3/1999), Số phận những tìm tòi hình thức trong thơ Việt Nam sau 1945 - thơ Nguyễn Đình Thi và dư luận của Vương Chí Nhàn (50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, nhiều tác giả, Nxb Đại học Quốc gia, 1996), Nguyễn Đình Thi và một hướng tìm tòi của thơ hiện đại của Chu Văn Sơn (50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Sđd), Nhà văn Nguyễn Đình Thi với những quan niệm về linh hồn, niềm tin và thơ ca của Vũ Quần Phương (Báo Văn nghệ Công an số 4/2004)… Tuy nhiên, một tìm hiểu đầy đủ, một đánh giá thỏa đáng về hiện tượng thơ Nguyễn Đình Thi buổi đầu vẫn còn để ngỏ trong bức tranh lịch sử văn học dân tộc. Sau sự kiện tranh luận văn nghệ Việt Bắc 1949 gắn liền với việc thơ Nguyễn Đình Thi “bị” đưa ra phê bình, kiểm thảo, nhìn chung thơ đi theo đúng quỹ đạo mà thời đại và dân tộc đặt ra lúc bấy giờ: phục vụ cách mạng, cổ vũ kháng chiến, lấy tiêu chí đại chúng hóa làm tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, như một quy luật muôn đời, những tìm tòi đổi mới thơ vẫn âm ỉ như than nóng ủ tro, chỉ chờ điều kiện là bùng cháy. Phong trào sáng tác thơ những năm 1956 ở miền Bắc, gắn với những tên tuổi như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Tử Phác… là một minh chứng về điều này. Mặc dù bị chi phối khá mạnh mẽ bởi các tư tưởng chính trị nhưng với một loạt các “sự kiện” như Trần Dần viết thư định gửi cho lãnh đạo, Trần Dần viết bài thơ Nhất định thắng (sau được đăng trên số đầu tiên của tập san Giai phẩm), Hoàng Cầm và một số người khác ra tập san Giai phẩm, sự ra đời của tờ báo tư nhân Nhân văn với những bài đòi trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ, lên tiếng phê phán hệ thống quan điểm lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ… thì những người như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… đã ít hay nhiều, gián tiếp hay trực tiếp bộc lộ khát vọng cháy lòng muốn đưa đến cho thơ Việt Nam một khuôn mặt mới. Xét ra, quan điểm của những người chủ chốt của phong trào này chính là sự nối dài, tiếp tục quan điểm mà nhóm Dạ Đài của Trần Dần đã trình bày trong Bản tuyên ngôn tượng trưng với tinh thần chung là phản đối kiểu nghệ sĩ lãng mạn không có cách biểu hiện gì mới mẻ so với cái đã có. Trong hoàn cảnh đất nước chưa thống nhất, mục tiêu chính trị chưa đạt được, những động thái đòi tự do sáng tạo như thế tất yếu sẽ bị coi là sự chối bỏ trách nhiệm mà các nhà văn đã được ủy thác từ buổi “nhận đường”. Ngày 5/6/1958, Nghị quyết của 800 văn nghệ sĩ đã hoan nghênh kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm. Kết quả, các cây bút liên quan bị kỉ luật tùy theo mức độ nặng nhẹ, Trần Dần chính thức bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam và tước quyền xuất bản tác phẩm, công bố bài viết trong thời hạn ba năm. Trong một thời gian rất dài, những tác giả như Trần Dần, Lê Đạt… cùng tác phẩm của họ rất ít được đề cập đến, hoặc nếu đề cập cũng chủ yếu là trên phương diện chính trị. Theo đó, những nỗ lực cách tân, trước hết trên phương diện quan điểm sáng tác, lại càng bị “ghẻ lạnh”, “xua đuổi”. Những bài đả kích, phê phán các tác giả nói trên ở giai đoạn này, về sau được tập hợp trong cuốn Bọn Nhân văn Giai phẩm trước tòa án dư luận. Hầu hết các bài viết đều toát lên một tinh thần đấu tranh nóng bỏng - kết quả của một lối phê bình xã hội học, lấy tư duy chính trị làm chuẩn. Số bài viết bênh vực, khẳng định sự “khác thường” trong sáng tác của các tác giả Trần Dần, Lê Đạt… là rất ít. Sau này, trong không khí đổi mới chung của đất nước, sáng tác của các tác giả này dần được xem xét trở lại. Cho đến nay, tồn tại hai hướng tìm hiểu đánh giá: một bên là phủ nhận (Trần Dần, giữa giai thoại và văn bản - Nguyễn Ly, Bệnh đại ngôn - Nguyễn Ly, Về thơ và không chỉ về thơ - Nguyễn Hòa, Một giải thưởng kinh dị - Nhị Hà…); một bên là trân trọng, tán dương hết lời (Thủ lĩnh trong bóng tối - Phạm Thị Hoài, Mayakovsky và Trần Dần - từ những tương đồng đến những dị biệt - Nguyễn Phượng, Trần Dần là người cách tân số 1 - Dương Tường…). Có một điều dễ nhận thấy, những công trình nghiên cứu, phê bình, tìm hiểu chủ yếu là tập trung vào giai đoạn sáng tác sau này của các tác giả trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm chứ không phải tập trung vào giai đoạn phong trào này bùng phát. Cùng thời gian với xu hướng hiện đại hóa thơ ca ở miền Bắc mà đại diện tiêu biểu là các tác giả Trần Dần, Lê Đạt… một phong trào làm mới thi ca cũng được khởi xướng rầm rộ ở miền Nam với sự ra đời của Tạp chí Sáng tạo, cùng những cây bút như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng… Về cơ bản, họ chủ trương một thứ nghệ thuật nói như Thanh Tâm Tuyền là nghệ thuật Dionysos, chặt đứt liên lạc với Thơ mới lãng mạn, đề cao ẩn ức, vô thức, đề cao thứ nhịp điệu hình ảnh, nhịp điệu bên trong (điều này có nhiều nét giống với quan điểm của Nguyễn Đình Thi ở miền Bắc trước đó). Gạt bỏ đi những yếu tố chính trị, xã hội… chúng ta nhận thấy, Thanh Tâm Tuyền - chủ soái của dòng thơ tự do trong các đô thị miền Nam thời kì tạm chiếm - đã đem đến những vỉa tầng ngữ nghĩa hoàn toàn mới lạ cho ngôn từ trong thơ; ở đó đề cao sự đứt gãy của câu thơ nhưng lại là sự liền mạch của cảm xúc. Thơ Bùi Giáng mấy chục năm trước đã mang dấu vết khá đậm của yếu tố hậu hiện đại… Nhưng như trên đã nói, số phận của những tìm tòi đổi mới đó khá trắc trở truân chuyên, bởi chủ yếu các bài nghiên cứu, phê bình về mảng thơ này đều dựa trên tiêu chí xã hội học, chính trị (điều này cũng không có gì là khó hiểu trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ). Trước năm 1975, ở miền Bắc, tác phẩm của những tác giả như Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên… bị đả phá kịch liệt (việc đề cập đến chuyện cách tân hay không cách tân là một câu chuyện xa vời). Có thể kể ra các công trình, bài viết tiêu biểu: Vài nét tình hình chung và tình hình văn học nghệ thuật vùng tạm chiếm miền Nam Việt Nam của nhiều tác giả (Ban Văn hóa - Trường Chính trị, 1973), Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng của nhiều tác giả (Nxb Văn hóa, 1980)… Trường Lưu đánh giá về thơ Thanh Tâm Tuyền như sau: “Những trào lưu sáng tác điên loạn gieo rắc sự hoài nghi và chán chường, không nói được cái gì tốt đẹp và phong phú của tâm hồn con người và của dân tộc, mà thực ra, cũng chẳng có gì tốt đẹp để nói, thế thì việc gì phải thi hành cái quyền nhận lãnh, phải hòa đồng nhân loại với thứ thơ quái gở đó” [3, tr.161]. Trong khi đó, ở miền Nam, việc tiếp nhận thơ tự do, những nỗ lực cách tân làm mới thơ Việt sau thời Thơ mới của các thi sĩ cũng rất khác biệt, tạo ra những cuộc tranh luận và cãi vã cả trong thơ và ngoài thơ. Nhiều người dành hết lời ngợi khen, tán dương những sáng tác của nhóm Sáng tạo. Một số cuốn sách tiêu biểu cho điều này: Thơ Việt Nam hiện đại 1900 - 1960 của Uyên Thao (Nxb Hồng Lĩnh, 1969), Thi ca Việt Nam hiện đại 1880 - 1965 của Trần Tuấn Kiệt (Nxb Khai trí, 1967), Mười khuôn mặt văn nghệ của Tạ Tỵ (Nxb Nam Chi Tùng Thư, 1970), Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại của Huy Trâm (Nxb Sáng, 1969)… Các tác giả này đã đưa những nhà thơ tự do miền Nam lên tột cùng tự do sáng tạo nghệ thuật. Nguyễn Đình Tuyến nhận định thế giới Bùi Giáng “có chiều ngang to lớn và chiều sâu thăm thẳm” [1, tr.421]; Tạ Tỵ ca ngợi Bùi Giáng là “nhà thơ đã sử dụng cái tinh thể của ngôn ngữ đạt đến thượng đỉnh của suy nghĩ” [1, tr.421]; Tam Ích viết: “Riêng về thơ thì tôi thấy rõ Nguyễn Đức Sơn là lỗi lạc, Phạm Thiên Thư đại đức, là khác thường” [1, tr.421]; Viên Linh nhận định: “Ở miền Nam Việt Nam hiện nay (1972) chỉ có vài thi sĩ: Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Vũ Hoàng Chương” [1, tr.421]… Ngược lại, nhiều người gay gắt cho đó là loại “thơ lập dị”, “người ta bỏ hết dấu, người ta vứt vần xuống gót chân thô bạo, người ta cố tình ép uổng cho ý tứ thành bí hiểm, không phải người ta làm thơ mà người ta định giết chết thơ”… Hiện tượng này diễn ra trong vòng năm năm, sau đó thì lắng lại khi đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh tại Việt Nam. Tình trạng nghiên cứu phê bình về thơ của những tác giả như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng… chia thành hai xu hướng như vậy vẫn tiếp tục kéo dài sau năm 1975. Ở phía những ý kiến phủ định, có các công trình như Văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mĩ tại miền Nam Việt Nam 1954 - 1975 của Trần Trọng Đăng Đàn (Nxb Thông tin, 1990), Văn hoá văn nghệ thời kì hai trận tuyến của Trường Lưu (Viện Văn hóa và Nxb VHTT, 2001)… Ngược lại, ở phía khẳng định, tán dương, có thể kể đến 40 mươi năm thơ Việt (4 tập) của Thi Vũ (Nxb Quê mẹ, Paris, 1993)… Sau năm 1975, đất nước thống nhất, chiến tranh lùi xa, thơ trở về với địa hạt của cuộc sống đời thường, với những trăn trở, suy tư mới. Đối diện với hiện thực mới, với độc giả mới… yêu cầu đổi mới, tìm tòi và cách tân thơ được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Điệu tâm hồn đã khác đi, thơ cũng cần tìm cho mình một con đường biểu đạt khác so với mấy chục năm trước đó. Có nhiều khuynh hướng tìm tòi sáng tạo trong thơ hơn ba mươi năm qua. Tựu trung lại, có thể quy những nỗ lực sáng tạo cách tân thơ sau năm 1975 thành hai dạng cơ bản: thứ nhất, đổi mới trên nền truyền thống thơ ca dân tộc, thứ hai, đổi mới hiện đại hóa thơ trên cơ sở tiếp thu thành tựu thơ ca hiện đại thế giới. Cách đổi mới thứ nhất thường dễ được chấp nhận hơn vì kết quả của nó là những sản phẩm nghệ thuật vừa quen vừa lạ. Cách đổi mới thứ hai dễ gây “sốc” với nhiều người vì đó là những sản phẩm khoác trên mình những y phục xa lạ. Để hiểu nó, người ta phải tạo nên được những “lỗ tai mới” như Lê Đạt từng đề nghị. Các công trình tìm hiểu về những hiện tượng, dấu hiệu đổi mới thơ, theo xu hướng thứ hai, cũng phức tạp, đa chiều nhiều kiểu như chính bản thân hiện tượng. Những thể nghiệm cách tân đầu tiên gây được sự chú ý của dư luận xuất hiện vào khoảng giai đoạn 1988 - 1991, với những tập thơ như Ngựa biển (Hoàng Hưng - 1988), Ba sáu bài tình (Lê Đạt, Dương Tường - 1989), Đêm mặt trời mọc (Nguyễn Quốc Chánh - 1990), Bến lạ (Đặng Đình Hưng - 1991)… Những tác phẩm này ngay lập tức chịu búa rìu dư luận, chủ yếu nhấn đến sự lập dị trong cách tạo hình, việc xuất hiện yếu tố tình dục lộ liễu, việc biến ngôn ngữ thành trò chơi âm thanh bí hiểm, tắc tị… Các bài viết của Chu Giang Nguyễn Văn Lưu đối với thơ Dương Tường (in trong Luận chiến văn chương, Nxb Văn học, 1995), của Thanh Nhãn đối với thơ Nguyễn Quốc Chánh (Đêm mặt trời mọc, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 4/1991)… đều phủ nhận yếu tố cách tân trong các sáng tác này. Đến những năm 1993 - 1994, phê bình lại một lần nữa “nóng” lên, với sự xuất hiện của những tập thơ mang đậm dấu ấn chủ nghĩa hiện đại như Sự mất ngủ của lửa (Nguyễn Quang Thiều - 1992), Ô mai (Đặng Đình Hưng - 1993), Bóng chữ (Lê Đạt - 1994), Người đi tìm mặt (Hoàng Hưng - 1994)… Những cuộc thảo luận về các tác giả - tác phẩm kể trên là tiêu điểm kéo dài đến đầu năm 1995, tạm lấy mốc kết thúc là bài tổng kết của Ban Lí luận và phê bình văn học trên báo Văn nghệ số 13/1995. Sau đó, một thời gian khá dài, diễn đàn thơ ca Việt Nam trở lại bình lặng, ít có những hiện tượng gây dư luận mạnh mẽ. Tình hình sôi động trở lại khi tập thơ Linh của Vi Thùy Linh xuất hiện. Tính đến thời điểm khoảng năm 2005, những cái tên như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải… được chú ý. Khi đánh giá về những tìm tòi thể nghiệm của thơ Việt, tồn tại ba khuynh hướng chính. Thứ nhất là đề cao, đánh giá tích cực. Những ý kiến này coi những tìm tòi thể nghiệm là những nỗ lực cống hiến cho thơ ca đương đại nhiều cái mới, cái lạ, trên bước chuyển về thi pháp so với các giai đoạn trước. Tiểu luận Mười năm cõng thơ leo núi của Thanh Thảo khẳng định những đóng góp, thành quả của những cây bút theo khuynh hướng thơ này, từ những cây bút thuộc thế hệ đi trước như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… đến một số nhà thơ trưởng thành sau năm 1975 như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… Thanh Thảo ghi nhận quyết tâm làm mới thơ ca ở những tác giả này và những tìm tòi thể nghiệm của họ chứng tỏ “thơ hôm nay đang có những chuyển động ngầm… những chuyển động có một bề nổi hòa hoãn nhưng một bề chìm quyết liệt, nhiều lúc không khoan nhượng”. Thứ hai, một số nhà phê bình, nghiên cứu thừa nhận những nỗ lực cách tân của những thể nghiệm thơ này song cho rằng những gì mà khuynh hướng thơ ca này mang lại chưa có sức thuyết phục cao, thành tựu còn khiêm tốn. Trong bài viết Hành trình thơ Việt Nam hiện đại, Trần Đình Sử nhận định: “Mặc dù hôm nay người ta không thể đánh giá chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa hiện đại bằng những lời lẽ phủ định như trước, nhưng sẽ là quá sớm để coi đó là “ngọn cờ đổi mới” của thơ Việt Nam hiện đại”[4; tr.304]. Ông tán thành việc thể nghiệm tìm tòi nhưng theo ông, một số thể nghiệm trong thơ tượng trưng, siêu thực hiện nay còn hời hợt, nông cạn, khép kín trước đời sống xã hội, lạm dụng yếu tố tính dục, bản năng. Cũng có một thái độ cởi mở, khích lệ những nỗ lực đổi mới thơ ca nhưng nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, các nhà thơ đi tiên phong trong việc cách tân thơ như Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Lê Đạt, Hoàng Hưng dù đã rất cố gắng vẫn chỉ là những nỗ lực cải tiến kĩ thuật” còn thơ trẻ “dù quẫy đạp” rất mạnh nhưng hãy còn bối rối và chưa mấy thành công.Thứ ba là thái độ phủ nhận triệt để, phê phán, thậm chí miệt thị gay gắt những tìm tòi thể nghiệm này, xem đó là thứ thơ lai căng tắc tị, thiếu tính dân tộc, rập khuôn theo những trào lưu thơ ca đến nay không còn sức sống ở phương Tây, phương thức biểu hiện có tính suy đồi, bệnh hoạn. Điển hình cho khuynh hướng đánh giá này là cuốn Thơ phản thơ của Trần Mạnh Hảo (Nxb. Văn học, 1995). 3. KẾT LUẬN Ở trên, chúng tôi đã điểm qua một hành trình khá dài lịch sử tiếp nhận những nỗ lực cách tân thơ Việt Nam hiện đại, kể từ sau phong trào Thơ mới. Qua đây, chúng tôi một lần nữa khẳng định lại một điều không mới: cách tân là lẽ sống của thơ, đã và sẽ luôn nhận được sự quan tâm của bạn đọc và giới nghiên cứu, dù trong mọi hoàn cảnh. Thực tế, việc nhận chân những nỗ lực cách tân thơ có công lao rất lớn của các nhà nghiên cứu, phê bình. Nếu như để làm mới làm đẹp thơ, nhà thơ cần đến khát vọng - mĩ cảm mới, lương tâm nghề nghiệp, dám “sống chết” với thơ thì để nhận chân ra các giá trị cách tân thơ thực sự, người đọc, nhà nghiên cứu, phê bình cũng cần có bản lĩnh, sự công tâm và tất yếu là một trí tuệ sắc sảo. Cuối cùng, tìm hiểu về lịch sử nghiên cứu những nỗ lực cách tân trong thơ Việt Nam hiện đại cũng sẽ góp phần đúc kết những bài học kinh nghiệm thẩm mĩ quý báu vào vấn đề mang tính thời sự: sáng tác, tiếp nhận - phê bình thơ cách tân hôm nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Trọng Đăng Đàn, Văn hóa văn nghệ… Nam Việt Nam 1954 - 1975, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2000. 2. Hà Minh Đức và Trần Khánh Thành (giới thiệu và tuyển chọn), Tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi, in trong “Nguyễn Đình Thi - tác gia và tác phẩm”, Nxb Giáo dục, H., 2000. 3. Trường Lưu, Văn hóa văn nghệ một thời hai trận tuyến, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2001. 4. Nguyễn Thanh Sơn, Phê bình văn học của tôi, Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh, 2002. 5. Trần Đình Sử, Văn học và thời gian, Nxb Văn học, H., 2001. 6. Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đình Thi - một cánh én bay qua mùa xuân, Tạp chí Ngôn ngữ (9), 2003. THE RESEARCHES ON VIETNAM’S POETRY MODERN INNOVATION CRUISE AFTER NEW POETRY MOVEMENT Duong Thi Thuy Hang Abstract The process of inovating Vietnam modern poetry after 1945 is a continuous one. Researchs and opinions related to this inovation process are complicated. Readers can througly understand the poetry innovation process after 1945 if they consider these researchs and viewpoints. . NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ HÀNH TRÌNH CÁCH TÂN THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI TỪ SAU PHONG TRÀO THƠ MỚI Dương Thị Thúy Hằng 1 Tóm tắt: Hành trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại từ sau 1945 là một hành trình. mỗi chặng tiêu biểu trên hành trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại kể từ sau phong trào Thơ mới. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU Sau 1945, đi vào cuộc kháng chiến, một nhịp thơ mới đã bừng lên, mang theo. cạnh những vỉa tầng truyền thống, các thế hệ thi sĩ luôn có ý thức tìm đến cho thơ ca một chân trời mới. Có thể khẳng định, hành trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại từ sau phong trào Thơ mới