Đề thi mẫu THPT quốc gia môn văn năm 2015 Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật

5 698 0
Đề thi mẫu THPT quốc gia môn văn năm 2015 Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

SỞ GD&ĐT KHÁNH HÒA TRƯỜNG THPT NGUYỄN THIỆN THUẬT ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2015 Môn thi: Ngữ Văn Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) I. Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng, Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi; Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời Ngòai đường đê cỏ non tràn biếc cỏ, Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ; Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió, Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.” (Chiều xuân – Anh Thơ, Ngữ văn 11, tập 2) Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau: 1. Cảnh xuân trong đoạn thơ được miêu tả bằng những hình ảnh nổi bật nào? (1,0 điểm) 2. Cảnh xuân ở đây nói lên tình cảm gì của tác giả? (1,0 điểm) 3. Chỉ ra các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và nêu hiệu quả biểu đạt của chúng? (1,0 điểm) Phần II. Làm văn (7,0 điểm) Câu 1 (3,0 điểm) Viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên của Whitman: “Nhìn về phía mặt trời, các bóng tối sẽ khuất sau lưng anh”. Câu 2 (4,0 điểm Cùng bộc lộ nỗi nhớ về Tây Bắc, trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi (Văn học 12, Tập một,NXB Giáo dục, 2005, tr.76) trong bài Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên viết: Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương? Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn! (Văn học 12, Tập một,NXB Giáo dục, 2005, tr.121) Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên. HẾT 1 SỞ GD&ĐT KHÁNH HÒA TRƯỜNG THPT NGUYỄN THIỆN THUẬT HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2015 Môn: Ngữ Văn Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng: - Có kĩ năng đọc – hiểu văn bản. - Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 2. Yêu cầu về kiến thức: 2.1. Cảnh xuân được miêu tả thông qua những hình ảnh thiên nhiên: Mưa bụi trên bến vắng; con đò, nước sông trôi; quán tranh vắng, hoa xoan tím rụng; cỏ non xanh biếc; cánh bướm rập rờn trước gió; đàn trâu bò ăn mưa 2.2. Cảnh xuân thể hiện tình cảm của tác giả: - Tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương. - Tâm trạng của nhà thơ trước cảnh chiều xuân tĩnh lặng, êm đềm, thơ mộng nhưng lại vương một nỗi buồn. 2.3. Từ láy được sử dụng: êm êm, im lìm, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả. Tác dụng biểu đạt: Tạo giọng điệu nhẹ nhàng, êm ái cho câu thơ. Đồng thời khắc họa vẻ đẹp dịu dàng, yên ả, thanh bình của cuộc sống thôn quê. Phần II. Làm văn (7,0 điểm) Câu 1 (3,0 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng: - Biết cách làm bài nghị luận xã hội. - Vận dụng tốt các thao tác lập luận. - Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. - Khuyến khích những bài viết sáng tạo. 2. Yêu cầu về kiến thức: - Giải thích từ ngữ và nội dung của câu nói: “Nhìn về phía ánh mặt trời, các bóng tối sẽ khuất sau lưng anh”: + Mặt trời tượng trưng cho sự sống, sức sống, vẻ đẹp rực rỡ. Còn khái niệm bóng tối trong câu nói nổi tiếng trên không dừng lại ở cách hiểu vấn đề bóng tối trong vật lí mà được hiểu là những gì u ám, ảm đạm, khó khăn trong cuộc đời của mỗi người. + Nhìn về ánh mặt trời là nhìn về ánh sáng của sự sống, sức sống, vẻ đẹp rực rỡ - nhìn và hướng đến những điều tốt đẹp, tích cực. Khi ta nhìn và hướng đến những điều tốt đẹp, tích cực - chắc chắn bóng tối, khó khăn, u tối, ảm đạm, sẽ khuất, rớt lại sau lưng ta. => Nội dung câu nói: Mượn hiện tượng của tự nhiên, Whitman muốn thể hiện một ý tưởng mang tính triết lí: trong cuộc đời của mỗi người, khó khăn, gian khổ, thất bại, đau thương là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cần phải biết nhìn về phía trước, hướng tới điều tốt đẹp bằng niềm tin, lạc quan, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. - Khẳng định lời khuyên của Whitman là cần thiết vì nó hướng mỗi người đến một thái độ sống tích cực, lạc quan trong cuộc đời: 2 + Khi hướng đến những điều tốt đẹp và tích cực, bản thân mỗi người có thêm động lực, niềm vui, niềm tin, sức mạnh để hoàn thành công việc, ý nguyện. + Khi hướng đến những điều tốt đẹp và tích cực, những suy nghĩ ảm đạm, tiêu cực thậm chí cả sự thất bại sẽ bị đẩy lùi, không còn trở thành một thế lực cản trở ta trên con đường tiến lên phía trước. + Tuy nhiên, hướng về điều tốt đẹp, tích cực không đồng nghĩa với nhìn mọi vấn đề một cách hời hợt, dễ dãi, chỉ thấy sự thuận lợi mà không thấy hết khó khăn. - Bác bỏ, phê phán cách suy nghĩ, cách sống tiêu cực, bi quan của một số ngưới: chỉ nhìn về phía “bóng tối”, phía “u ám”, phía “bi quan” của sự việc và cuộc đời chỉ dễ làm con người nản lòng, hoài nghi, ủ dột, không dám tiến bước về phía “mặt trời”. Lưu ý : HS cần có dẫn chứng để làm sáng tỏ ý. - Nêu ý nghĩa, bài học nhận thức và hành động: + Lời khuyên của Whitman mang tính đúng đắn, hàm chứa một triết lí sống, một quan niệm sống tích cực và yêu đời. + Cần phải biết nhìn mọi việc đang diễn ra dưới góc độ lạc quan, tích cực nhất thì chúng ta sẽ vượt qua tất cả trở ngại, hoặc đau buồn… Câu 2 (4,0 điểm) . Yêu cầu về kĩ năng: - Biết cách làm bài nghị luận văn học. - Vận dụng tốt các thao tác lập luận. - Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. - Khuyến khích những bài viết sáng tạo. Yêu cầu về kiến thức: 1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích. + Quang Dũng là gương mặt trẻ của thơ ca thời kì đầu kháng chiến. Bài thơ Tây Tiến ra đời năm 1948, bộc lộ nỗi nhớ về đoàn binh và vùng đất biên cương mà ông từng gắn bó. + Chế Lan Viên là nhà thơ lãng mạn chuyển biến thành nhà thơ cách mạng. Bài thơ Tiếng hát con tàu ra đời năm 1960, được gợi cảm hứng từ cuộc vận động đi xây dựng kinh tế Tây Bắc. + Hai đoạn thơ trên đều thể hiện tình cảm với con người và thiên nhiên Tây Bắc, tuy nhiên có những nét riêng. 2. Cảm nhận về đoạn thơ a. Cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: - Thể hiện được nỗi nhớ thiên nhiên và đoàn binh Tây Tiến. - Cảm nhận được nỗi nhớ thương về một thời, một vùng đất đã qua. Các ý cụ thể: - Nỗi nhớ “chơi vơi”: + Nhớ thiên nhiên núi rừng với những nét nổi bật đặc trưng của Tây Bắc: Sông Mã như một chứng nhân lịch sử gắn liền với đoàn quân Tây Tiến. Những địa 3 danh gợi về tên đất, tên làng của miền Tây Bắc với những nét đặc trưng của cảnh vật. + Nhớ thiên nhiên, nhớ con người – trước hết là nhớ về những gian khổ của đoàn quân. Ý thơ hiện lên trong những nét bay bổng của cảm hứng trữ tình, lãng mạn và hào hoa rất đặc trưng của hồn thơ Quang Dũng. - Nỗi nhớ được thăng hoa trong cảm xúc, bộc lộ bằng lời gọi tha thiết “Tây Tiến ơi” và một loạt vần ơi, tạo âm hưởng chơi vơi, cho thấy nỗi nhớ bàng bạc đầy ắp tâm hồn. - Điệp từ nhớ kết hợp ngắt nhịp 4/3 càng khắc sâu thêm nỗi lòng của người đã rời xa Tây Tiến. Tóm lại, đây là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ Tây Tiến. Đoạn thơ thể hiện khái quát, tập trung nhất cảm xúc chủ đạo của tác phẩm, là khúc nhạc dạo đầu mở tiếp ra những xúc cảm dạt dào của toàn bài thơ. b. Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: Thể hiện được nỗi nhớ trong cảm xúc suy tư về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Giải bày cảm xúc, suy tư của nhà thơ về mảnh đất và con người Tây Bắc. Các ý cụ thể: - Đây là đoạn thơ thuộc phần giữa của tác phẩm, kết cấu theo mô hình đi từ cụ thể đến khái quát, từ cảm xúc đến đúc kết chân lí – một nét đẹp đặc trưng của thơ Chế Lan Viên. Nỗi nhớ bâng khuâng và suy tư triết lí của nhà thơ: - Nhớ về thiên nhiên rừng núi với những nét nổi bật: bản sương giăng, đèo mây phủ. - Gắn với nỗi nhớ là những hình ảnh rất thực, đầy ấn tượng của miền Tây Bắc. - Điệp từ Nhớ trong câu thơ đầu dồn tụ lại kết thành hai chữ “yêu thương”. - Hình thức câu hỏi tu từ tăng thêm sức khẳng định, có tác dụng đưa tiếng nói của nhà thơ đến với sự rung động trong lòng người đọc - Trên nền tảng vững chắc của dòng cảm xúc về thiên nhiên và con người Tây Bắc giàu tình nghĩa, tác giả đi đến một triết lí về mối quan hệ sâu sắc giữa con người với vùng đất đã từng gắn bó với tâm hồn mình, từ đó dẫn tới sự chuyển biến kì diệu trong tâm hồn con người. - Bốn dòng thơ vừa đối lập vừa đối xứng tạo nên sự nhịp nhàng của nhạc điệu, ngân nga có giá trị biểu cảm cao. Tóm lại, đây là một trong những khổ thơ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nơi người đọc, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật và hồn thơ Chế Lan Viên. Đoạn thơ khái quát được nỗi nhớ sâu sắc và tình yêu tha thiết với Tây Bắc – quê hương cách mạng. Khổ thơ có kết cấu đặc sắc đi từ hình ảnh cụ thể đến khái quát, từ cảm xúc đến suy tư. Nó là một sự phát hiện đặc sắc về qui luật của tình cảm, tâm hồn con người. c.So sánh hai đoạn thơ: Cùng nhớ Tây Bắc nhưng hai nhà thơ có cách thể hiện khác nhau: 4 - Nỗi nhớ của Quang Dũng là nỗi nhớ chơi vơi đặc trưng cho phong cách trữ tình, lãng mạn, tài hoa của nhà thơ trẻ đất Hà thành. Đó là nỗi nhớ thắm thiết với cảnh và người mà nhà thơ đã từng gắn bó máu thịt; nỗi nhớ một người đã rời xa; được biểu hiện bằng những từ ngữ gợi hình, gợi cảm, gợi những sắc thái cụ thể của núi rừng Tây Bắc. - Nỗi nhớ của Chế Lan Viên lại gắn liền với những suy tư, triết lí rất đặc trưng theo kiểu riêng của Chế Lan Viên. Nỗi nhớ ấy nằm trong mạch cảm xúc về ân tình cách mạng “uống nước nhớ nguồn”. Chất liệu dệt nên nỗi nhớ, suy tư là những hình ảnh khái quát được thể hiện bằng những ngôn từ giản dị, cô đúc như mệnh đề triết lí. 3. Kết bài đúng hướng. Cách cho điểm: - Điểm 6 -7: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có thể còn vài sai sót về diễn đạt. - Điểm 4 -5: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, có thể còn một số sai sót về diễn đạt, chính tả. - Điểm 2 – 3: Đáp ứng một phần các yêu cầu trên, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả. - Điểm 1: Không đáp ứng được các yêu cầu trên, mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả. - Điểm 0: Không làm bài. HẾT Tổ trưởng kí duyệt đề 5

Ngày đăng: 24/07/2015, 16:22

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan