Lãnh đạo trí thức Người xưa nói “Hiền tài là nguyên khí của một quốc gia”, ý nghĩa của câu nói cũng như ta thường nghe “Trí thức là thành phần ưu tú của một cộng đồng, dân tộc, quốc gia và rộng hơn là của cả nhân loại”. Người trí thức ở mọi thời đại là người có tư duy tự do, có cách tiếp cận và nhận thức xã hội độc lập, hiểu được vai trò nhiệm vụ của mình đối với xã hội đương thời và tương lai của xã hội mai sau. Người trí thức nhập thế là người sẵn sàng dấn thân vào thời thế đương đại, họ lưu lại chứng tích nên người đời dễ nhận ra. Người trí thức ẩn thế thì không dấn thân, họ chỉ bị nhận ra bởi những người trí thức dấn thân hoặc bởi những người có nhân cách lớn, và bằng cái tâm của mình khiến cho trí thức ẩn thế phải dấn thân đem kiến thức cống hiến cho xã hội. Nói về mối quan hệ của ông Sáu Dân với anh em trí thức qua những câu chuyện, có thể viết đến vài ba quyển sách. Nhân cách cũng như tấm lòng của ông đối với trí thức được trui rèn trong hành trình dài của cuộc đời ông, thể hiện qua sự quan tâm và chia sẻ cái nghèo khó của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng giành độc lập và mưu đồ tìm hướng vươn lên cho đất nước. Đó là kiến thức, cũng như tố chất không thể thiếu được của người lãnh đạo quốc gia. Ông không những am hiểu nỗi thống khổ và khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, mà còn biết rõ khả năng cũng như vai trò của họ trong những thời kỳ khác nhau của đất nước. Ông cố gắng tạo điều kiện để mọi tầng lớp, trên cơ sở tư duy và điều kiện, khả năng riêng, phát huy tính tích cực của từng cá nhân và của tầng lớp mình, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước. Điều này giải thích vì sao mọi tầng lớp nhân dân đều thương nhớ ông: người khi có dịp đi ngang nhà ông dừng lại nhìn, tưởng nhớ; người khác có dịp đi ngang nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức thì ghé vào thắp một cây nhang… Riêng giới trí thức có khả năng diễn đạt tình cảm của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng rõ hơn nên có dịp thể hiện tình cảm của họ với ông Sáu Dân đậm nét hơn. Những khi mời anh em trí thức đến bàn một việc nào đó ở văn phòng, ông luôn có mặt sớm hơn mọi người. Lúc bắt đầu làm việc, ông thường cung cấp thông tin rất đầy đủ, ông trải hết lòng trong trao đổi và đưa ra những vấn đề mà ông quan tâm. Sau đó, ông đề nghị anh em nêu ý kiến riêng của mình. Dù ý kiến của mỗi người có xuôi ngược thế nào, ông vẫn để anh em tự do phát biểu. Nếu có điều gì đó chưa đúng thì ông xem như anh em bị thiếu thông tin nên có những nhận định sai lệch và rồi ông cung cấp thêm thông tin để anh em hiểu rõ hơn. Điều đó thể hiện bản lĩnh cũng như tấm lòng của một nhà lãnh đạo từng trải, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hiểu biết sâu sắc họ nên có khả năng lôi kéo giới trí thức dấn thân cùng ông trong mọi hoàn cảnh. Sau mỗi cuộc họp, đôi khi anh em còn nghe ông kể những câu chuyện vui. Tôi nhớ có lần ông Sáu Dân kể về thời thanh niên của mình, từng theo học võ và cũng có lần đi học bùa chú (học gồng, luyện cơ thể để đao kiếm không gây sát thương) nhưng không thành. Ông nói vui rằng: “Có lẽ do trong máu mình đã có yếu tố cộng sản nên quỷ thần không nhập được” nghe vậy anh em đều cười. Có lần ông kể về người Hoa nhạy bén trong kinh doanh như thế nào. Đó là trong thời kháng chiến chống Pháp, trên đường vượt Trường Sơn, dưới chân núi, ông vào một tiệm bán hàng “chạp phô”, chủ quán là một người Hoa, vợ là một bà người dân tộc, bán những gì dân địa phương cần và cũng chịu đổi hàng lấy những gì bộ đội có. Khi leo núi cả ngày lên đến một làng lưng chừng núi, ông lại gặp một quán “chạp phô” khác, cũng lại một người Hoa làm chủ quán cùng một bà vợ là người dân tộc của bản làng… Qua những câu chuyện ông Sáu Dân kể về cuộc đời của chính mình cũng như của những người khác, chúng tôi thấy được ở ông một tư tưởng rất nhân bản. Ông có cuộc sống riêng như bao nhiêu người dân bình thường, nhưng ông thật sự quan tâm đến cuộc sống của mọi người với tấm lòng và tư duy của một người lãnh đạo quốc gia, nhờ đó ông đã đúc kết được những kiến thức, những hiểu biết sâu sát với cuộc sống của người dân như thế nào. Ngày giỗ ông Sáu Dân sắp đến và mọi người lại có dịp tỏ lòng thương nhớ ông. Đối với tôi, cứ mỗi lần ngồi với anh em bạn bè hàn huyên chuyện thời sự, nhất là khi nói đến những khó khăn về kinh tế và xã hội mà đất nước gặp phải, tôi không khỏi nghĩ đến ông Sáu Dân và lại một lần nữa thương tiếc ông. Cho dù ông đã an nghỉ ở cõi vĩnh hằng, nhưng hình như ông vẫn không được yên vì mọi người còn luôn nhớ mong ông. Ông Sáu Dân không chỉ là người lãnh đạo được mọi tầng lớp nhân dân kính yêu, mà với tôi, ông còn là một nhà trí thức lớn, có đầy đủ bản lĩnh lãnh đạo trí thức trong công cuộc đổi mới mà ông có phần đóng góp không nhỏ. PHAN CHÁNH DƯỠNG Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần . ông. Ông Sáu Dân không chỉ là người lãnh đạo được mọi tầng lớp nhân dân kính yêu, mà với tôi, ông còn là một nhà trí thức lớn, có đầy đủ bản lĩnh lãnh đạo trí thức trong công cuộc đổi mới mà ông. Lãnh đạo trí thức Người xưa nói “Hiền tài là nguyên khí của một quốc gia”, ý nghĩa của câu nói cũng như ta thường nghe Trí thức là thành phần ưu tú của một. chỉ bị nhận ra bởi những người trí thức dấn thân hoặc bởi những người có nhân cách lớn, và bằng cái tâm của mình khiến cho trí thức ẩn thế phải dấn thân đem kiến thức cống hiến cho xã hội. Nói