Phòng GD-ĐT thành phố Huế ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ NĂM 2010 - 2011 Môn: NGỮ VĂN - LỚP 9 Thời gian làm bài : 120 phút (không kể thời gian giao đề) _________________________________ Câu 1. (1,5 điểm) Đọc kỹ đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: “Sau giây phút hoàn hồn, con chim quay đầu lại, giương đôi mắt đen tròn, trong veo như hai hạt cườm nhỏ lặng nhìn Vinh tha thiết. Những âm thanh trầm bổng, ríu ran hoà quyện trong nhau vừa quen thân vừa kì lạ. Con chim gật đầu chào Vinh rồi như một tia chớp tung cánh vụt về phía rừng xa thẳm.” (Theo Châu Loan) 1.1. Tìm những từ ngữ thuộc trường từ vựng nói về hoạt động, trạng thái của con người trong đoạn văn trên. 1.2. Các từ ngữ vừa tìm trên được dùng theo phép tu từ nào? Giá trị sử dụng của chúng trong nội dung đoạn trích. Câu 2. (1,5 điểm) 2.1. Viết lại đoạn thơ miêu tả nội tâm nàng Kiều trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). 2.2. Nêu tác dụng của yếu tố miêu tả nội tâm ở đoạn thơ vừa viết. Câu 3. (2,0 điểm) Trong khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài thơ: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, ý thơ có sự tiếp nối, phát triển. Bằng một đoạn văn ngắn, hãy làm rõ điều đó. Câu 4. (5,0 điểm) Hai bài thơ “Bếp lửa” (Bằng Việt) và “Ánh trăng” (Nguyễn Duy) đã gặp gở nhau ở nét đẹp ân tình, chung thuỷ của con người Việt Nam. Cảm nhận của em về những nét đẹp đó. HẾT KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ NĂM HỌC 2010 – 2011 HƯỚNG DẪN CHẤM Môn: NGỮ VĂN - LỚP 9 Câu 1. (1.5 điểm) 1.1. Những từ ngữ thuộc truờng từ vựng nói về hoạy động, trạng thái của con người trong đoạn văn: hoàn hồn, quay đầu lại, giương đôi mắt, lặng nhìn, tha thiết, gật đầu chào. (0,75đ) 1.2. Những từ ngữ thuộc trường từ vựng nói trên được dùng theo phép tu từ nhân hoá. (0,25đ) Giá trị sử dụng: tạo nên sự sinh động, gần gũi của thế giới loài chim với cuộc sống con người. Qua đó, tác giả đã thể hiện cảm nhận tinh tế và tình yêu trước vẻ đẹp của thiên nhiên . (0,5đ) Câu2. (1,5 điểm) 2.1. Viết lại đoạn thơ miêu tả nội tâm nàng Kiều: (0,5đ) Nỗi mình thêm tức nỗi nhà, Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng! Ngại ngùng dợn gió e sương, Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày. Mối càng vén tóc bắt tay, Nét buồn như cúc điệu gầy như mai. 2.2. Nêu tác dụng của yếu tố miêu tả nội tâm: (1,0đ) Yếu tố miêu tả nội tâm góp phần khắc hoạ được tâm trạng đau đớn, tủi thẹn, xấu hổ của nàng Kiều trước cảnh nhà gặp tai ương và nhân phẩm, tài năng của mình bị chà đạp. Qua miêu tả nội tâm, Nguyễn Du giúp người đọc hiểu thêm vẻ đẹp nhân cách nàng Kiều. Đây chính là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật toàn diện, sinh động hơn, thể hiện tấm lòng nhân đạo của nhà thơ. Câu 3. (2,0 điểm) ∆ Về hình thức: (0,25đ) Đúng hình thức một đoạn văn (viết hoa chữ cái đầu câu và kết thúc bằng dấu chấm cuối câu ở mỗi câu trong đoạn văn). ∆ Về nội dung: (1,75đ) ▲ Ý thơ trong hai khổ thơ có sự tiếp nối với phát triển đó là hình ảnh những chiếc xe không kính và hình tượng người lính lái xe: (0,25đ) ▪ Hình ảnh những chiếc xe không có kính rất thực này được diễn tả bằng những câu thơ rất gần với văn xuôi, lại có giọng điệu thản nhiên kết hợp phép điệp ngữ “không có”, liệt kê “kính, đèn, mui xe, thùng xe” càng gây sự chú ý về vẻ khác lạ của nó, bom đạn chiến tranh đã làm cho những chiếc xe ấy biến dạng, độc đáo. Hình ảnh thơ tiếp nối đã tô đậm hiện thực đầy gian khổ của cuộc kháng chiến. ▪ Hình tượng người lính lái xe với những nét đẹp tâm hồn: ung dung, lạc quan, hiên ngang, bấp chấp gian khổ, nguy hiểm, đặc biệt là lòng dũng cảm, yêu nước. Vẻ đẹp này có sự tiếp nối ở hai khổ thơ giàu sức biểu cảm “trái tim”, điệp ngữ “nhìn”. Nhà thơ lí giải sức mạnh để vượt lên mọi thiếu thốn, khó khăn, hiểm nguy là ở trái tim người chiến sĩ lái xe. Đó là lí tưởng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là tình yêu Tổ quốc. (0,5đ) ▲ Sự phát triển và tiếp nối của hai ý thơ này góp phần thể hiện chủ đề bài thơ: trong sự khốc liệt của chiến tranh đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của thế hệ trẻ Việt Nam, đó là cội nguồn của sự thắng lợi (0,5đ) Câu 4. (5,0 điểm) A. Yêu cầu về kĩ năng: (1,0đ) Biết cảm nhận về một vấn đề trong các tác phẩm thơ có cùng điểm gặp gỡ, thao tác tổng hợp tốt, bố cục rõ ràng chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, biết chọn những hình ảnh thơ tiêu biểu để minh họa. Khuyến khích những bài viết sáng tạo trong cảm nhận. B. Yêu cầu về kiến thức: (4,0đ) Triển khai bày tỏ cảm nhận về nét đẹp ân tình, chung thuỷ của con người Việt Nam qua hai bài thơ trên cơ sở những ý chính sau: 1. Trong bài thơ “Bếp lửa”, nét đẹp ân tình, chung thuỷ được thể hiện trong tấm lòng của người cháu yêu thương và nhớ ơn bà khi đã khôn lớn trưởng thành: ♦ Khi đã trưởng thành, sống trong điều kiện sung túc, người cháu vẫn nhớ về những năm tháng tuổi thơ xa cha mẹ, sống bên bà, trong tình yêu thương chăm sóc của bà. Lời tự nhắc của cháu cuối bài thơ đã thể hiện tấm lòng biết ơn với bà. ♦ Cháu (nhân vật trữ tình) xót xa, thương cảm, thấu hiểu cuộc đời bà nhiều gian nan cơ cực: Cháu thương bà biết mấy nắng mưa… Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa… ♦ Cháu khẳng định công lao to lớn của bà, ngọn lửa từ tay bà nhóm lên trở thành ngọn lửa thiêng liêng kì diệu trong tâm hồn cháu, toả sáng, sưởi ấm và soi rọi suốt cuộc đời cháu: Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm… Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa! 2. Trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, nét đẹp ân tình chung thuỷ được thể hiện qua tâm tình và lời nhắn nhủ của người chiến sĩ sau những năm tháng trở về từ cuộc kháng chiến: ♦ Anh (nhân vật trữ tình) nhắc lại những kỉ niệm gắn bó với vầng trăng, với thiên nhiên nghĩa tình trong quá khứ: hồi chiến tranh ở rừng vầng trăng thành tri kỉ. ♦ Anh nghĩ lại những tháng ngày đầu tiên trở về thành phố, quen dần với cuộc sống hào nhoáng, anh đã lãng quên và quay lưng với quá khứ, với những năm tháng gian lao, sâu nặng ân nghĩa vừa trải qua: vầng trăng đi qua ngõ như người dưng qua đường. ♦ Anh giật mình, thức tỉnh lương tâm khi mặt người và mặt trăng đối diện nhau, quá khứ ùa về trong tâm thức: có cái gì rưng rưng như là đồng là bể nhủ là sông là rừng. ♦ Anh suy ngẫm và nhắn nhủ với mọi người: nhân dân, đất nước luôn độ lượng vị tha, tràn đầy ân nghĩa. Hãy biết sống ân tình chung thuỷ với quá khứ, với lịch sử, với nhân dân và đất nước. sự “giật mình” của anh đã nói được điều đó. ▪ Khái quát: Nét đẹp ân tình, chung thuỷ trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống ấy bao trùm cách sống, cách ứng xử của con người Việt Nam trong mọi quan hệ. Từ mối quan hệ gia đình như tình bà cháu trong bài “Bếp lửa” đến mối quan hệ với quá khứ, với lịch sử, với nhân dân và đất nước như người chiến sĩ trong bài “Ánh trăng”. 3. Vài nét về nghệ thuật thể hiện: • “ Bếp lửa”: - Thể thơ tám chữ, âm hưởng giọng điệu tha thiết, hình ảnh thơ (bà, bếp lửa…) bình dị mà gợi cảm, có sức lay động tâm hồn… • “Ánh trăng”: - Thể thơ năm chữ, giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng sâu lắng mà chất chứa suy tư day dứt, hình tượng vầng trăng, ánh trăng mang tính biểu tượng gợi những suy tưởng sâu xa… C. Biểu điểm: - Điểm 5: Bài làm tỏ ra nắm vững các yêu cầu ở A và B; hiểu vấn đề và phương pháp, giải quyết đúng hướng, rõ trọng tâm; viết văn giàu cảm xúc, có chiều sâu, biết liên hệ đến những bài thơ khác cùng đề tài, có sáng tạo trong cảm nhận, diễn đạt. - Điểm 4: Bài làm đáp ứng đúng các yêu cầu cơ bản ở A và B; giải quyết đúng hướng, có sự sáng tạo, tinh tế ở một số phần của bài làm. Tuy vậy, có thể chưa thật toàn diện về ý, văn viết biểu cảm, thuyết phục. - Điểm 3: HS nắm được các yêu cầu của đề, hiểu và có định hướng giải quyết đúng hướng, có những phân tích và phát hiện tốt. Tuy nhiên, bài làm có thể chưa thật toàn diện và sâu sắc. Văn viết khá tốt. - Điểm 2: HS tỏ ra có hiểu yêu cầu, tuy nhiên bài làm còn chung chung, chưa khai thác được các chi tiết, hình ảnh thơ tiêu biểu theo đúng định hướng. Văn viết tạm được. - Điểm 1: Bài chưa nắm yêu cầu về nội dung và phương pháp, trình bày quá vụng về. - Điểm 0: Bài lạc đề. Hết ♦ Lưu ý: - Giám khảo phát hiện và trân trọng những bài làm tuy chưa toàn diện nhưng tỏ ra độc đáo, sáng tạo. - Giám khảo căn cứ vào biểu điểm, thảo luận để định ra những mức điểm còn lại. . Phòng GD-ĐT thành phố Huế ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ NĂM 2010 - 2011 Môn: NGỮ VĂN - LỚP 9 Thời gian làm bài : 120 phút (không kể thời gian giao đề) _________________________________ Câu. Việt Nam. Cảm nhận của em về những nét đẹp đó. HẾT KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ NĂM HỌC 2010 – 2011 HƯỚNG DẪN CHẤM Môn: NGỮ VĂN - LỚP 9 Câu 1. (1.5 điểm) 1.1. Những từ ngữ thuộc truờng. các yêu cầu ở A và B; hiểu vấn đề và phương pháp, giải quyết đúng hướng, rõ trọng tâm; viết văn giàu cảm xúc, có chiều sâu, biết liên hệ đến những bài thơ khác cùng đề tài, có sáng tạo trong cảm